| Hotline: 0983.970.780

Trồng khoai bồng trên đất ngập mặn, nông dân xã đảo Đồng Rui khấm khá

Chủ Nhật 14/05/2023 , 11:40 (GMT+7)

QUẢNG NINH Người dân xã đảo Đồng Rui (huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) biến những diện tích đất bị ngập mặn thành lợi thế để phát triển kinh tế khi trồng cây khoai bồng.

Người dân xã đảo Đồng Rui thu hoạch bồng khoai. Ảnh: Nguyễn Thành.

Người dân xã đảo Đồng Rui thu hoạch bồng khoai. Ảnh: Nguyễn Thành.

Xã đảo Đồng Rui (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) sở hữu diện tích đất tự nhiên gần 5.000ha, thế nhưng, diện tích rừng ngập mặn đã chiếm đến 2.800ha. Nhiều diện tích ruộng cấy của Đồng Rui một thời bị ngập mặn khiến cây lúa còi cọc, nhưng người dân lại biến nó thành lợi thế để phát triển kinh tế khi trồng các loại hoa màu khác, đặc biệt phải kể đến cây khoai bồng.

Dẫn phóng viên đi thăm những ruộng khoai của bà con nông dân, ông Kiều Văn Nguyệt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Rui luôn miệng khoe về lợi ích của giống khoai bồng đặc sản. Bà con trồng rải rác khoai bồng với diện tích khoảng 20ha trên các khu vực đồng ruộng ngập nước ở tất cả các thôn.

Khoai bồng có họ với khoai sọ, củ ráy…, nhưng chúng chịu ngập tốt, nên người ta còn gọi là khoai nước. Cây khoai bồng rất dễ trồng, chỉ cần cắm xuống bùn vài tuần là khoai um tùm, mọc ra rất nhiều cây con và cứ thế phát triển theo số nhân. Củ khoai ăn bở, mầm khoai dài ra đến vài chục phân, người dân gọi là bồng. Bồng khoai nấu canh thịt, cá, tôm đều ngon, dọc khoai phơi héo làm dưa muối ăn giòn và có vị chua đặc trưng, lá khoai dùng làm thức ăn cho lợn hoặc cho cá.

Trên cánh đồng khoai bồng trải một màu xanh rộng gần 2ha, chị Trần Thị Thơm cho biết, về mùa thu hoạch khoai, chị ở ngoài ruộng từ sáng sớm đến tối mịt. Mỗi ngày chị thu hoạch tầm 100 bó khoai bồng, giá bán tại vườn khoảng 10.000 đồng/bó. Cứ thu hoạch được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, trừ mọi chi phí chị Thơm có thu nhập khoảng 500.000 đồng/ngày vào mùa vụ.

Chị Thơm chia sẻ, thu hoạch khoai bồng không phải cứ ồ ạt một vài hôm như lúa, nên dù ruộng rộng cũng không phải thuê mướn người làm, cứ túc tắc mỗi ngày 100 bó rồi lại về nhà làm việc khác. Ngoài trồng khoai bồng, chị còn nuôi gần 500 con vịt biển, vậy mà cũng chẳng phải thuê người đi chăn.

Cứ sáng chị Thơm lùa đàn vịt ra, buổi chiều lại ra bãi lùa đàn vịt về, thu trứng vịt, đồng tiền ngày nào cũng có thu. Hết mùa khoai bồng (từ tháng 9 năm trước đến tháng 6 năm sau), các ruộng khoai bồng người dân lại trồng lúa, cái hay là thân khoai sau khi đã thu hoạch bồng thì lại làm phân hữu cơ bón cho lúa, giúp cây lúa phát triển rất tốt mà không mất tiền mua phân.

Ông Hoàng Văn Thống (thôn Hạ, xã Đồng Rui) cho biết: “Chúng tôi đã trồng khoai bồng theo hướng hàng hóa đã chục năm nay. Gia đình tôi chuyển 5 sào khoai bồng, không còn phải lo mưa nhiều ngập úng cánh đồng lúa chết, nhưng trồng khoai bồng thì vẫn vô tư vì chúng thích hợp cả khi ruộng ngập nước. Trồng khoai bồng dễ hơn trồng lúa, nhưng lại thu nhập cao gấp đến 5 lần".

Bồng khoai trở thành nông sản mang lại thu nhập khá cho bà con nông dân Đồng Rui. Ảnh: Nguyễn Thành.

Bồng khoai trở thành nông sản mang lại thu nhập khá cho bà con nông dân Đồng Rui. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hiện nay, nhiều thương lái đến Đồng Rui để thu mua các sản phẩm trong rừng ngập mặn như cua, cáy, ốc, sá sùng, trứng vịt biển... và họ thu mua luôn khoai bồng. Khoai bồng được đưa về các chợ ở TP Hạ Long, Cẩm Phả hiện đang được người tiêu dùng ưa chuộng.

Khoai bồng ai cũng trồng được, nhưng chúng lại kén đất. Nông dân ở nhiều địa phương khác sau khi thu mua bồng khoai ở Đồng Rui về rồi trồng thử trên ruộng đất nhà họ, kết quả khoai vẫn ra bồng nhưng ăn ngứa, làm rau cho lợn có khi lợn còn chê. Còn bồng khoai ở xã đảo Đồng Rui, khi nấu chín ăn lại không bị ngứa. Nếu được hỏi thì cũng chẳng ai biết lý do vì sao, chỉ biết rằng có nhiều thực khách thận trọng, mỗi khi mua đều phải tìm hiểu xem có đúng là bồng khoai trồng ở Đồng Rui hay không.

Bà Trần Thị Hạnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND xã Đồng Rui cho hay, địa phương đang xây dựng khoai bồng trở thành sản phẩm OCOP. "Chúng tôi sẽ giới thiệu nhiều sản phẩm khoai bồng tại các hội chợ OCOP Quảng Ninh, từ đó quảng bá để đưa sản phẩm này đến với thực khách trên cả nước", bà Hạnh nhấn mạnh.

Năm 2022, tổng giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp của Tiên Yên đạt trên 1.160 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm và tăng gần 11% so với năm 2021. Đến nay, toàn huyện chỉ còn 27 hộ nghèo, 93 hộ cận nghèo theo tiêu chí mới. Những định hướng, giải pháp phù hợp để nâng cao thu nhập đã và đang góp phần thiết thực vào mục tiêu xây dựng huyện NTM nâng cao của Tiên Yên.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.