Lợi ích “kép”
Ngay từ đầu năm học 2019 -2020, Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Bù Gia Mập đứng chân trên địa bàn biên giới Bình Phước đã “bắt tay” triển khai mô hình trồng rau sạch trong khuôn viên nhà trường. Với diện tích hơn 1.000 m2 được phủ xanh bởi nhiều loại rau như: cải xanh, rau muống, nấm bào ngư,… tất cả đều trồng theo phương pháp thủy canh.
Hiện vườn rau đã trở thành “không gian” thiên nhiên thu nhỏ giúp các em học sinh trải nghiệm những kiến thức thực tế, thực hành môn công nghệ, sinh học. Vườn rau còn tạo môi trường thư giãn rất bổ ích cho các em sau những giờ học tập căng thẳng trên lớp. Công việc chăm sóc rau do chính bàn tay các em thực hiện, còn giáo viên là người trực tiếp hướng dẫn học sinh kỹ năng gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch rau.
Đang nhặt sâu cho cải xanh theo lịch chăm sóc, không giấu nỗi vui mừng khi nhìn thấy từng hàng rau phát triển xanh tốt do bàn tay mình tự chăm sóc, em Điểu Tâm, lớp 11C bộc bạch: “Từ khi nhà trường có mô hình trồng rau sạch này, em và các bạn ở trường cảm thấy rất hào hứng. Đặc biệt, sau những giờ học căng thẳng, chúng em vào vườn chăm sóc rau thấy tinh thần thoải mái lắm!”.
Em Huỳnh Thị Thanh Thư ở gần đó phấn khởi cho biết thêm: “Lần đầu tiên em nhìn thấy quy trình trồng rau thủy canh, mô hình này đã giúp mở mang kiến thức. Từ sự hiệu quả của mô hình sản xuất rau sạch, em sẽ vận dụng vào trong gia đình và giúp đỡ bà con trong vùng học tập làm theo. Em mong mô hình rau này càng được mở rộng để người đồng bào dân tộc như em được tiếp cận công nghệ mới để áp dụng vào thực tế, cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập”.
Theo Ban giám hiệu nhà trường, năm học 2020 - 2021, toàn trường có 450 em học sinh. Theo chế độ tiêu chuẩn ăn, mỗi em chỉ được 38.000/người/ngày 3 bữa ăn. Việc giá cả thị trường ngày càng tăng, để đảm bảo bữa ăn cho các em học sinh được tốt hơn, nhà trường đã triển khai trồng rau thủy canh. Hiện mỗi tuần, nhà trường tổ chức thu hoạch 3 lần, mỗi lần thu được 45 kg rau. Ngoài ra, trường còn tận dụng các phòng trống để trồng thêm 1.000 bọc nấm bào ngư. Như vậy, cứ xen kẽ ngày cách ngày các em học sinh lại được ăn những món rau do chính mình trồng, chăm sóc.
Hiệu trưởng trường Dân tộc nội trú Bù Gia Mập Nông Thị Liên cho biết, các em học sinh đều đang ở độ tuổi phát triển nên cần rất cần năng lượng. Đặc biệt, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học đang được đặc biệt quan tâm. Do đó, nhà trường trồng thêm rau để đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho học sinh, vừa đảm bảo sức khỏe cho các em.
“Ngoài ra, mô hình này nhằm thực hiện nhiệm vụ gắn việc giảng dạy với thực tiễn lao động sản xuất, qua đây giúp các em học sinh được làm quen với mô hình nông nghiệp sạch và được thực hành thực tế. Nhờ các mô hình trên mà trường học trở nên gần gũi hơn với giáo viên và học sinh, tạo môi trường dạy và học thoải mái, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”, cô Liên nhấn mạnh.
Sẽ nhân rộng mô hình
Theo phòng GD-ĐT huyện Bù Gia Mập, toàn huyện có 35 trường, trong đó 34 trường công lập, 1 trường tư thục, 631 lớp với hơn 17.500 học sinh. Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do địa bàn rộng, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, nhưng thực hiện đúng phương châm “giáo dục là quốc sách”, thời gian qua, huyện biên giới Bù Gia Mập đã đẩy mạnh cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình mới cách làm hay và mô hình trồng rau trong trường học của Trường phổ thông Dân tộc nội trú Bù Gia Mập là một minh chứng.
Ông Lê Văn Công, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Bù Gia Mập cho biết: Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao mô hình trồng rau trong trường học của Trường phổ thông Dân tộc nội trú Bù Gia Mập bởi hầu hết học sinh tại địa phương là con em người đồng bào dân tộc thiểu số, việc trồng rau mang lại ý nghĩa rất thiết thực cho chính bản thân và gia đình các em.
Đây cũng sẽ là hành trang kiến thức giúp ích cho các em học sinh sau khi ra trường áp dụng trong cuộc sống. “Tùy vào điều kiện thực tế của các trường, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra toàn huyện”, ông Công chia sẻ.