| Hotline: 0983.970.780

Trồng rừng thay thế: Tránh để nghịch lý có tiền nhưng không tiêu được

Thứ Năm 06/06/2024 , 17:20 (GMT+7)

Ngoài việc có nhiều dự án phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, Quảng Bình còn gặp khó trong khâu tiếp nhận giống nuôi cấy mô, nhất là tại các vùng lập địa khó.

Đoàn công tác UBND tỉnh Quảng Bình làm việc với Bộ NN-PTNT sáng 6/6.

Đoàn công tác UBND tỉnh Quảng Bình làm việc với Bộ NN-PTNT sáng 6/6.

Rừng nhiều nhưng người ít, bảo vệ khó

Báo cáo Bộ NN-PTNT, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Bình cho biết, kinh phí trồng rừng thay thế tồn dư tính đến thời điểm này là hơn 50 tỷ đồng, Trong năm 2024, tỉnh đã lên kế hoạch trồng phục hồi khoảng 500ha, trong đó 50% diện tích đã được lên kế hoạch, 50% còn lại đang tổng hợp và chờ đăng ký từ các địa phương, đơn vị và tổ chức trên địa bàn.

Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 10 đơn vị chủ rừng triển khai trồng rừng thay thế. Những đơn vị trồng nhiều, như Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước, Ban quản ý Rừng phòng hộ Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình, Ban quản lý Rừng phòng hộ Quảng Trạch, UBND huyện Quảng Ninh trên 152ha…

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm thừa nhận, tỉnh gặp một số khó khăn khi triển khai. Đặc biệt, quỹ đất trồng rừng phòng hộ, đặc dụng ngày càng manh mún, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên nên việc triển khai trồng, chăm sóc rừng mới chưa thu hút được sự quan tâm của người dân.

Bên cạnh đó, Quảng Bình khá hạn chế trong việc tiếp cận những giống nuôi cấy mô, nhất là các giống trồng cho rừng ngập mặn, rừng trên cát. Dù được người dân và các đơn vị chuyên môn hướng dẫn tận tình, nhiều diện tích vẫn bị bật gốc, phải trồng lại nhiều lần.

“Rừng tự nhiên của Quảng Bình còn nhiều, nhưng người ít, bảo vệ khó. Chưa kể hiện nay thiếu chế tài cụ thể xử lý hành vi chậm nộp tiền trồng rừng thay thế, dẫn đến việc một số chủ dự án dây dưa, chây ì", Phó Chủ tịch Đoàn Ngọc Lâm trần tình.

Trước mắt, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các đơn vị tập trung trồng rừng thay thế ở những nơi đất trống đồi núi trọc, có diện tích trồng cây đạt 0,5ha trở lên.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị (phải) cùng đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm trưởng đoàn đến Kon Tum hồi tháng 5/2024.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị (phải) cùng đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm trưởng đoàn đến Kon Tum hồi tháng 5/2024.

Theo báo cáo hiện trạng rừng năm 2023 của Bộ NN-PTNT, Quảng Bình tiếp tục xếp thứ hai cả nước về tỷ lệ che phủ, đạt 68,7%. Bên cạnh đó, tỉnh còn dư địa trồng rừng tương đối lớn, với gần 500.000ha rừng tự nhiên, rừng trồng hơn 120.000ha, và khoảng 3.000ha có thể trồng rừng.

Năm 2023, lần đầu tiên ở Việt Nam, Quảng Bình cùng với 5 tỉnh Bắc Trung bộ được Ngân hàng Thế giới (World Bank) chi trả hàng trăm tỷ đồng từ việc bán tín chỉ carbon rừng, mở ra cơ hội phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.

Đề cao tinh thần chủ động

Chia sẻ với Quảng Bình, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đánh giá, trồng rừng thay thế là một chủ trương lớn, góp phần giúp Việt Nam phát triển xanh hơn, đồng thời hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT chỉ rõ, hiện tượng "có tiền nhưng không tiêu được" đã xảy ra đối với hoạt động trồng rừng thay thế tại địa phương. Nếu để tính trạng dây dưa, kéo dài sẽ rất khó giải quyết bởi đơn giá trồng rừng thay thế mỗi thời điểm lại khác nhau, chưa kể điều kiện lập địa, tình hình thực tế tại mỗi vùng.

Để giải quyết, Bộ đã ban hành Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT, trong đó Khoản 7 Điều 4 về tổ chức trồng rừng thay thế nêu: "Sở NN-PTNT tham mưu cho UBND cấp tỉnh giao chủ rừng" và "Chủ đầu tư lập, trình phê duyệt thiết kế, dự toán; thực hiện trồng rừng thay thế, quản lý, bảo vệ, nghiệm thu hoàn thành diện tích rừng trồng theo quy định".

Nhấn mạnh sự "chủ động" với địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị gợi mở rằng, cơ quan quản lý, chính quyền có thể đứng ra làm cầu nối giữa các chủ dự án và chủ rừng, giúp hài hòa lợi ích.

"Chủ rừng là ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, nhưng cũng có thể là các công ty lâm nghiệp, chính quyền cấp xã... Càng mở rộng và đi sâu vào nhóm đối tượng này, địa phương càng dễ điều phối những vấn đề của trồng rừng thay thế, như làm tại đâu, kinh phí bao nhiêu", Thứ trưởng chia sẻ và nhắc thêm, rằng phải đặt diện tích rừng trồng lên hàng đầu khi xây dựng kế hoạch.

Kiểm tra thực địa trồng rừng gỗ lớn tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Kiểm tra thực địa trồng rừng gỗ lớn tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Pháp luật về lâm nghiệp, theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, ngày càng "gỡ khó" và "mở dần" cho người làm lâm nghiệp. Ông lấy ví dụ về trồng rừng thay thế, trước đây chủ đầu tư phải đợi tới khi phê duyệt dự án thì mới được nộp tiền, nhưng hiện nay, địa phương đã cho phép chủ đầu tư nộp tạm ứng, để nhanh chóng triển khai dự án.

Hoặc Nghị định 58/NĐ-CP vừa ban hành, đã nâng mức khoán, hỗ trợ bảo vệ rừng hàng năm lên 500.000 đồng/ha. Với xã khu vực II, khu vực III sẽ bằng 1,2 lần; vùng đất ven biển bằng 1,5 lần mức bình quân. Điều này thu hút và khắc phục phần nào vấn đề tại một số tỉnh như Quảng Bình, khi các chủ rừng sống xa khu dân cư và khó tìm cộng đồng, người dân để tổ chức giao khoán bảo vệ rừng.

Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, một số đại biểu đã đề xuất nâng mức hỗ trợ khoán, bảo vệ rừng lên khoảng 1 triệu đồng/ha/năm. Bộ NN-PTNT cam kết tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa những nội dung này, sao cho sát thực tiễn nhất có thể, đồng thời tạo nguồn lực bền vững cho người dân tham gia giữ rừng,

Ông Lê Văn Thanh, Phó giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cho biết, Quảng Bình là một trong những địa phương chuyển đổi nhiều diện tích sử dụng rừng. Do đó, địa phương cần sớm chốt giá trồng rừng thay thế, theo hướng dẫn của Thông tư số 22 và các văn bản pháp luật liên quan, tránh để kéo dài.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Tìm thấy thi thể 2 nạn nhân vụ xe chở rác lao xuống sông

THỪA THIÊN - HUẾ Thi thể 2 nạn nhân trong vụ xe rác bất ngờ lao xuống sông Hữu Trạch khi di chuyển qua cầu treo Bình Thành đã được tìm thấy vào sáng nay (23/11).

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.