| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc đang cần nhập lợn mà không xuất khẩu được là tại chúng ta

Thứ Sáu 01/03/2024 , 22:25 (GMT+7)

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định tại hội nghị triển khai bản ghi nhớ về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh với bệnh lở mồm long móng giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Ban đầu khó khăn nhưng về sau sẽ thuận

Hội nghị do Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức sáng 1/3, tại thành phố Lào Cai dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh nhằm triển khai thực hiện bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Trung Quốc về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng có sử dụng vacxin.

Tham dự hội nghị còn có khoảng 200 đại biểu đại diện các cục, vụ, trung tâm của Bộ NN-PTNT, đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các doanh nghiệp chăn nuôi, cùng nhiều tỉnh, thành.  

Trong những năm gần đây ngành chăn nuôi của Việt Nam phát triển rất nhanh, các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nhiều đã gây ra tình trạng thừa. Trong khi đó Việt Nam là sân chơi chung của thế giới nên vẫn phải chịu tác động hàng nhập khẩu tràn vào mỗi lúc một thêm sức ép.

Chính vì thế xuất khẩu trở thành một định hướng bắt buộc phải đẩy mạnh. Tuy nhiên năm 2023 Việt Nam mới xuất khẩu được 515 triệu USD động vật và sản phẩm động vật, chưa thấm vào đâu gì so với tổng đàn và tiềm năng. Làm thế nào để xuất khẩu được thì cốt lõi phải sạch bệnh.

Nhưng đối với Việt Nam sạch bệnh trên phạm vi toàn quốc trong giai đoạn này là chưa có, bởi thế phải hình thành nên những vùng an toàn dịch bệnh, có thể là quy mô huyện, nhiều huyện hoặc nhiều tỉnh thành liên kết với nhau.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Dương Đình Tường.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y việc ký các bản ghi nhớ về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) với bệnh lở mồm long móng là sự nỗ lực rất lớn của Việt Nam nói chung và Bộ NN-PTNT nói riêng với nước bạn Trung Quốc.

Để thực hiện có các nhóm nội dung chính: Xác định rõ vùng dù to hay nhỏ để tổ chức xây dựng vùng ATDB, bao gồm cả vùng đệm xung quanh 3km; Tổ chức quản lý chăn nuôi, bảo đảm tất cả các cơ sở, hộ chăn nuôi cần nhận thức và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh; Tổ chức tiêm vacxin phòng bệnh cho 100% đàn gia súc, để bảo đảm trên 95% gia súc có đáp ứng miễn dịch; Giám sát chứng minh không có mầm bệnh; tiêm phòng vacxin cho hiệu quả; Tổ chức kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào vùng ATDB; Tổ chức kiểm soát giết mổ, bảo đảm không để phát sinh dịch bệnh, an toàn thực phẩm; Tổ chức giám sát, bảo đảm an toàn thực phẩm, không sử dụng các chất cấm; Triển khai phòng, chống dịch bệnh; Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, gia súc từ nơi khác đưa đến, gia súc trong phòng bệnh; Các doanh nghiệp trong nước tìm đối tác của Trung Quốc để xuất khẩu trâu, bò, lợn để có cơ sở phối hợp, đăng ký với cơ quan có thẩm quyền 2 nước.

Rất nhiều cơ sở chăn nuôi lớn hoàn toàn có thể đáp ứng tiêu chuẩn của Việt Nam cũng như thế giới. Nhưng để hình thành vùng an toàn dịch bệnh đòi hỏi vai trò quản lý của nhà nước là kết nối những cơ sở ATDB với nhau vào trong một sân chơi, tuân thủ chung quy định. Khi ATDB rồi thì chi phí chăn nuôi là thấp nhất, hiệu quả cao nhất, thay vì tốn rất nhiều tiền của để phòng bệnh, để chữa bệnh cho vật nuôi, tiêu hủy rồi tồn dư hóa chất, thuốc phải giám sát, cảnh báo. Tuy nhiên ban đầu để hình thành nên vùng ATDB phải xác định sẽ khó khăn, vất vả, cần sự mạnh dạn vào cuộc của lãnh đạo địa phương chứ không chỉ là tròn vai.

Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thứ nữa là sự vào cuộc của các doanh nghiệp đầu tàu. Vừa qua, chúng ta đã có nghị định thư về sữa, yến sau đó thì mới xuất khẩu được. Những sản phẩm chăn nuôi trong bản ghi nhớ lần này khó hơn sữa, yến rất nhiều nhưng khó không phải không làm mà vẫn phải làm, vấn đề có đi thì mới có đến được. Hiện cả nước đã có 18 huyện ATDB nhưng chủ yếu tập trung vào 10 tỉnh Đông Nam bộ, có mấy ngàn cơ sở ATDB nhưng chưa có vùng, cơ sở nào đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới nên sẽ phải nâng cấp để đạt thì mới đàm phán, xuất khẩu được.

Theo báo cáo của Cục Thú y, mặc dù Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất thịt lợn (thị phần thịt xẻ chiếm 49% tổng thịt lợn thế giới), đứng thứ 3 thế giới về sản lượng thịt bò, thứ ba thế giới về sản lượng thịt gia cầm nhưng với hơn 1,4 tỷ dân vẫn là thị trường tiềm năng về thịt và sản phẩm chăn nuôi nói chung. Thói quen tiêu dùng thực phẩm, trong đó có sản phẩm chăn nuôi của thị trường Trung Quốc có nhiều nét tương đồng với Việt Nam: Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn lớn, thói quen tiêu dùng thịt tươi, thịt nóng, tiêu dùng nội tạng động vật… Vị trí địa lý, Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới đất liền dài 1.449,6km, thông qua 9 cặp cửa khẩu có thể rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hoá, giảm chi phí.

Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu lợn sang Trung Quốc. Ảnh: NNVN.

Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu lợn sang Trung Quốc. Ảnh: NNVN.

Doanh nghiệp phải đi tiên phong

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến gợi mở hướng giải quyết bài toán khó của ngành gồm 3 mũi nhọn: tập trung chống buôn lậu; xiết chặt nhập khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu. Nhiều bệnh giờ đã có vacxin, để tạo vùng an toàn dịch bệnh, cần tăng tỷ lệ tiêm phòng. Cần xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo chuỗi chứ không rời rạc như bao khoai tây. Cần lập lại hệ thống thú y các cấp mà Covid trên người và dịch tả lợn Châu Phi trên lợn là những bài học vẫn còn nóng hổi.

Đến phần các địa phương, ông Lê Tân Phong  - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lào Cai cho biết, xây dựng vùng trước tiên sẽ lựa chọn 3-5 xã của huyện Bảo Thắng để làm, sau đó tiến tới mở rộng vùng an toàn cấp huyện. Bà Đinh Thị Thu - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lạng Sơn thông tin dù chăn nuôi của tỉnh nhỏ lẻ, quy mô lợn mỗi hộ 2 - 4 con nhưng vẫn muốn xây dựng được một vùng an toàn dịch bệnh để có thể xuất khẩu.

Ông Đặng Văn Minh - Chi cục trưởng Chăn nuôi Thú y Nghệ An khẳng định, với bệnh lở mồm long móng không xảy ra gần đây vì tỉnh có chính sách hỗ trợ kinh phí tiêm vắc xin, có chương trình giám sát chủ động. Năm 2023 lấy trên 2.400 mẫu, trên 610 mẫu sau tiêm phòng. Tỉnh quyết tâm chỉ đạo, xây dựng thành công vùng ATDB lở mồm long móng tại các huyện chăn nuôi bò sữa trọng điểm như Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa; vùng chăn nuôi lợn ATDB tại huyện Quỳ Hợp (Masan); vùng chăn nuôi gia cầm ATDB tại huyện Nghi Lộc và Diễn Châu. Để có thể thực hiện, tỉnh xin tách Trạm thú y ra khỏi Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện.

Sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sẽ không chỉ bán nội địa. Ảnh: NNVN.

Sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sẽ không chỉ bán nội địa. Ảnh: NNVN.

Đại diện của CP Việt Nam cho biết vacxin lở mồm long móng đơn vị tiêm đạt hiệu lực trên 90% (trong khi đó Trung Quốc yêu cầu đạt trên 70%) nên hoàn toàn ủng hộ việc triển khai vùng ATDB của Cục Thú y. Đại diện của công ty Greenfeed đề nghị các địa phương, sở ban ngành có kế hoạch cụ thể khi xây dựng vùng an toàn dịch bệnh; có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp trong cách thức đăng ký tham gia; giúp đào tạo. Đại diện của công ty Japfa khẳng định nhờ tiêm vacxin mà đơn vị chưa xuất hiện ca nào lở mồm long móng. Ông đề nghị khi các địa phương xây dựng xong xã, huyện thì cung cấp thông tin công khai để doanh nghiệp biết mà đồng hành.

Năng lực xuất khẩu chủ yếu nằm ở các doanh nghiệp lớn. Theo tìm hiểu của phóng viên, lý do chính mà các doanh nghiệp chăn nuôi của nước ngoài cũng như Việt Nam không mặn mà với việc xuất khẩu thứ nhất là chi phí sản xuất cao, cạnh tranh khó, thứ hai là giá bán tại nội địa đang cao nên không dại gì xuất khẩu.

Ví dụ như giá bán 1 kg thịt lợn tại Thái Lan đang khoảng 38.000-40.000đ trong khi bán ở Việt Nam đang hơn 50.000đ thì không cần xuất khẩu, bán tại Việt Nam lãi hơn. Bởi thế, vừa qua Cục Thú y đã tham mưu với lãnh đạo Bộ NN-PTNT về chiến lược cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư chăn nuôi ở Việt Nam phải làm sao có xuất khẩu mới được cấp phép.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cuối cùng, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kết luận: Thủ tướng đang rất quan tâm đến việc xuất khẩu nông sản trong đó có sản phẩm chăn nuôi. Để xuất khẩu, đầu tiên là an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, nếu tất cả hệ thống chính trị, các nguồn lực không được vận dụng thì khó thành. Tồn tại lớn nhất trong nhiều năm qua là tỷ lệ tiêm vacxin còn chưa đạt nên các tỉnh cần phải về rà soát lại vấn đề này để tham mưu, tháo gỡ, có chính sách hỗ trợ.

Trung Quốc đang cần nhập cỡ 25 triệu con lợn mỗi năm mà Việt Nam không xuất khẩu được, đến lúc họ đã có đối tác rồi là rất khó. Mọi thứ thuận lợi như thế mà không làm được là tại chúng ta. Bởi thế, các đại biểu cần tham mưu cho lãnh đạo tỉnh về vấn đề này. Doanh nghiệp phải đi tiên phong trong việc xây dựng vùng ATDB để xuất khẩu chứ đừng nghĩ sẽ chỉ bán mãi ở Việt Nam gây ra cái “chết” của chăn nuôi nông hộ và các trang trại. Phải tính lộ trình xuất khẩu, cứ không chỉ đổ đầu 100 triệu dân nội địa...

Tóm tắt tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc: Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12 - 13/12/2023.  Hai bên nhất trí, tăng cường hợp tác trên lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, bảo đảm hài hòa về tiêu chuẩn đối với hàng hóa và sản phẩm của Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác thương mại song phương. Phía Trung Quốc sẽ tích cực thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường đối với nông sản của Việt Nam như dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi, dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật, thịt trâu, thịt bò, thịt lợn, sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm. Phía Việt Nam sẽ tích cực thúc đẩy nhập khẩu các loại cá tầm của Trung Quốc.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.