| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc: Người nuôi lợn quy mô nhỏ loay hoay vượt bão phá sản

Thứ Tư 03/11/2021 , 08:43 (GMT+7)

Kỳ vọng giá thịt lợn tăng, nhiều người mới nhảy vào ngành nuôi lợn để đầu cơ tại Trung Quốc đang đối mặt với cơn bão phá sản.

Người chăn nuôi lợn quy mô nhỏ tại Trung Quốc đang đứng trước bờ vực phá sản. Ảnh minh họa: Getty.

Người chăn nuôi lợn quy mô nhỏ tại Trung Quốc đang đứng trước bờ vực phá sản. Ảnh minh họa: Getty.

Ngành chăn nuôi lợn khổng lồ của Trung Quốc đang phải vật lộn với sản lượng dư thừa sau khi hàng triệu người chăn nuôi lợn nhỏ, thường là lần đầu tiên, tham gia vào ngành để tận dụng lợi nhuận kỷ lục trong thời kỳ khan hiếm do dịch tả lợn châu Phi gây ra.

Giờ đây, ngay cả khi giá cả dao động dưới giá thành sản xuất và chính phủ thúc giục họ tiêu hủy đàn gia súc của mình, nhiều người chăn nuôi lợn mới vẫn miễn cưỡng bỏ qua khuyến cáo, làm lu mờ hy vọng thị trường trở lại trạng thái cân bằng.

"Chúng tôi đã lỗ 400.000 nhân dân tệ (62.500 USD) mỗi tháng kể từ tháng 7. Nhưng chúng tôi đã kiếm được lợi nhuận vào năm ngoái nên chúng tôi sẽ tiếp tục nuôi", Wu Zhanhang, một nông dân có cơ sở nuôi lợn tại trung tâm Hà Nam, tỉnh sản xuất lợn hàng đầu của Trung Quốc cho biết.

Wu, giống như nhiều người chăn nuôi khác, tham gia chăn nuôi lợn lần đầu tiên vào năm 2019, sau khi lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc kêu gọi phục hồi khẩn cấp ngành này sau đợt bùng phát virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi trên toàn quốc gây chết một nửa đàn lợn 447 triệu con lợn của nước này.

Lợi nhuận ban đầu bùng nổ cùng với giá thịt lợn cao hơn, loại thịt ưa thích của thị trường tỷ dân. Tuy nhiên, sản lượng tăng cao và gián đoạn nhu cầu do đại dịch Covid-19 gây ra đã khiến giá thịt lợn giảm 70% trong năm nay, khiến nhà sản xuất thua lỗ nặng trong ba tháng qua.

Wu, người có công việc kinh doanh buôn bán các sản phẩm thú y, đã chi 6 triệu nhân dân tệ (935.000 USD) xây dựng một trang trại mới, nơi nuôi khoảng 5.000 con lợn một lúc.

Năm ngoái, Wu kiếm được tới 3.000 nhân dân tệ (470 USD) khi bán một con lợn, đây là mức giá gấp ba lần so với mức giá cao nhất từng thấy trong những năm trước. Năm nay, sau khi giá giảm mạnh, Wu đã bán lợn vỗ béo hoàn chỉnh với giá thấp hơn so với mua lợn giống.

Siêu chu kỳ

Sự thay đổi đáng kể của thời vận xảy ra cả với những công ty chăn nuôi lợn lớn nhất và đã gây ra sự tàn phá trong toàn ngành và các nhà cung cấp lợn hơi.

Các nhà sản xuất lợn hơi niêm yết đã báo cáo khoản lỗ hàng tỷ nhân dân tệ trong quý III.

Một giám đốc công ty thức ăn chăn nuôi cho biết, nhiều nhà chăn nuôi đang gặp khó khăn trong việc trả tiền cho nhà cung cấp và thậm chí đang cắt bỏ các thành phần thức ăn chăn nuôi thông thường.

Hoạt động của tất cả các công ty đều đã chậm lại, hoặc thậm chí ngừng các kế hoạch mở rộng. Tech-bank Food Co Ltd đang cho các nhà đầu tư thuê một số trang trại mới xây và tạm dừng xây dựng các trang trại khác, đồng thời trì hoãn việc trả lương cho ban quản lý.

Dan Wang, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng ở Thượng Hải, cho biết nhu cầu thịt lợn yếu cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng. Việc xây dựng ồ ạt các trang trại chăn nuôi mới xảy ra vào thời điểm nhu cầu tiêu dùng đối với thịt lợn của người tiêu dùng vẫn ở mức "bình thường" do dịch bệnh Covid-19 bùng phát nhiều lần làm hạn chế việc ăn uống.

Tuy nhiên, những nỗ lực của ngành để xoay chuyển tình thế đang bị phá hoại bởi một đội quân các nhà sản xuất nhỏ vẫn muốn đánh cược chờ đợi mức giá cao hơn trở lại, các nhà quan sát thị trường cho biết.

Theo số liệu chính thức, vào năm ngoái hơn 2 triệu hộ nông dân quy mô nhỏ đã tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi lợn. Ước tính có 20 triệu hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ, cùng khoảng 16.000 trang trại quy mô lớn mới cũng bắt đầu hoạt động.

Pan Chenjun, nhà phân tích cấp cao của Rabobank cho biết: “Tình hình thị trường hiện tại là do hành vi đầu cơ của hàng triệu nông dân kỳ vọng giá tăng sau khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi”.

Lợn nái tồn kho

Với một đàn lợn sinh sản lớn hơn so với trước khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, các quan chức chính phủ tháng trước đã ban hành một chỉ thị hiếm hoi cho người nông dân để loại bỏ những con lợn nái kém hiệu quả của họ.

Những cơ sở chăn nuôi lớn đã loại bỏ lợn nái trong vài tháng và một số người khác đang làm theo.

"Chúng tôi có gần 1.000 con lợn nái, chúng tôi sẽ tiêu hủy một nửa. Nếu bạn giữ chúng, bạn sẽ mất nhiều hơn", người quản lý một trang trại chăn nuôi nhỏ ở tỉnh Hà Bắc, miền bắc Trung Quốc, cho biết.

Tuy nhiên, một số nông dân vẫn hy vọng vào sự phục hồi. Wu, một nông dân ở Hà Nam, cho biết mình đã chuyển sang sử dụng khẩu phần thức ăn rẻ hơn và có thể thoát khỏi khoản lỗ nặng cho đến năm mới.

Các nhà phân tích cho biết, một đợt tăng giá khiêm tốn trong tháng 10 cũng đã làm hồi sinh sự nhiệt tình của nông dân đối với chăn nuôi lợn, và có khả năng sẽ kéo dài thời kỳ giá thấp.

Một số người theo dõi thị trường cho biết có thể cần một đợt bùng phát dịch bệnh khác để làm sạch thị trường, với bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn lây nhiễm giữa các trang trại và các bệnh thông thường khác thường trở nên tồi tệ hơn trong mùa đông.

"Vào cuối năm hoặc đầu năm tới chắc chắn sẽ có một đợt bùng phát dịch bệnh lớn", Wang Chuduan, giáo sư tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, nói trong một cuộc họp ngành ở Trùng Khánh. "Bùng phát dịch bệnh sẽ đẩy nhanh việc loại bỏ lợn và sau đó một thị trường mới sẽ bắt đầu vào năm tới".

(1 USD = 6,4021 Nhân dân tệ)

(Theo Reuters)

    Tags:
Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Mỹ không còn hệ thống phòng không Patriot để gửi cho Ukraine

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Washington không còn hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, nhưng sẽ gây áp lực buộc EU và NATO chia sẻ cho Kiev.

Giới trẻ Trung Quốc ‘đua sống xanh’

Trung Quốc nỗ lực thực hiện ‘mục tiêu carbon kép’ đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và nuôi dưỡng thị trường cho các sản phẩm xanh.