| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc sẽ sản xuất dầu cọ của riêng mình?

Thứ Sáu 11/02/2022 , 10:05 (GMT+7)

Trung Quốc là nước nhập dầu cọ thứ 2 thế giới và phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, với khoảng 7 triệu tấn hàng năm và chi phí hơn 4 tỷ USD.

Một nhà máy sản xuất dầu cọ ở Nam Papua, Indonesia. Các trang trại cọ dầu ở Trung Quốc có thể không mang lại lợi nhuận trừ khi được trồng trên những đồn điền khổng lồ và kết hợp với cơ sở hạ tầng như máy ép dầu, nhà máy lọc dầu. Ảnh: Greenpeace.

Một nhà máy sản xuất dầu cọ ở Nam Papua, Indonesia. Các trang trại cọ dầu ở Trung Quốc có thể không mang lại lợi nhuận trừ khi được trồng trên những đồn điền khổng lồ và kết hợp với cơ sở hạ tầng như máy ép dầu, nhà máy lọc dầu. Ảnh: Greenpeace.

Trong vài thập kỷ qua, chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần nỗ lực thiết lập các đồn điền trồng cọ dầu, nhằm sản xuất nhiều dầu ăn hơn tại địa phương và sản xuất nhiên liệu sinh học. Gần đây hơn, ở Hải Nam, một nhóm các nhà khoa học, sau hơn hai thập kỷ làm việc, đã lai tạo ra các giống cọ dầu thích hợp để trồng ở Trung Quốc, và hiện họ hy vọng sẽ trồng đại trà.

Với việc Trung Quốc phụ thuộc vào nhập khẩu 80% dầu ăn và chất béo, cùng với việc hội nghị trung ương về công tác nông thôn của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2021 kêu gọi trồng nhiều đậu tương và các loại cây có dầu khác, liệu nước này có khởi động lại sản xuất dầu cọ trong nước?

Kế hoạch không có kết quả

Mười năm trước, đã có rất nhiều cuộc thảo luận và lập kế hoạch xung quanh việc khởi động lại việc trồng cọ dầu ở Trung Quốc.

Năm 2009, một đề xuất phát triển trồng dầu cọ ở Hải Nam, nhưng chính quyền tỉnh trả lời rằng, thứ nhất, những thất bại trước đó đã khiến nông dân và cán bộ cơ sở không nhiệt tình, và thứ hai, trên đảo có rất ít đất trống để sử dụng. Tuy nhiên, chính quyền chỉ ra rằng việc trồng thử nghiệm đang được thực hiện tại một số địa điểm, như một phần của chương trình của Bộ Nông nghiệp.

Năm 2010, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc kêu gọi giới thiệu và lai tạo nhiều hơn các giống cọ dầu và tiếp tục trồng thử nghiệm.

Năm 2011, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ban hành kế hoạch phát triển cây trồng nhiệt đới trong giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011–2015), nói rằng vào năm 2015 việc trồng thử nghiệm sẽ hoàn thành và một đề xuất khả thi cho ngành dầu cọ Trung Quốc sẽ được công bố.

Cũng trong năm 2011, một dự án trồng thử nghiệm kéo dài một thập kỷ đã bắt đầu, với 9 trang trại thử nghiệm trên khắp các tỉnh Hải Nam, Vân Nam và Quảng Đông được thành lập vào năm 2020. Viện Nghiên cứu Cao su là đầu mối kỹ thuật cho dự án đó.

Vào năm 2015, Hải Nam đã cố gắng vượt ra ngoài việc trồng thử nghiệm và bắt đầu trồng đại trà. Chính quyền tỉnh cho biết đến năm 2020 sẽ có hai trung tâm sản xuất dầu cọ cấp quận, nhưng mục tiêu đó đã không đạt được.

Một nguồn tin cao cấp trong ngành cho rằng điều này là do chi phí trồng cây cọ dầu cao ở Trung Quốc và mong muốn tái chế chất thải.

Chi phí cao

Robert Hii, một nhà quan sát ngành công nghiệp dầu cọ và là người sáng lập trang web độc lập CSPO Watch, cũng nhấn mạnh đến yếu tố chi phí. Ông nói rằng ngành dầu cọ của Malaysia và Indonesia không lo ngại mặc dù sự phát triển của các giống cọ dầu phù hợp với Trung Quốc do sản xuất dầu cọ ở nước này cần vượt qua những trở ngại, đặc biệt là chi phí lao động.

Hii giải thích rằng đậu tương và hạt cải dầu có thể được trồng, phát triển và thu hoạch bằng máy móc, trong khi canh tác cọ dầu phải được thực hiện bằng tay.

Ngành dầu cọ ở Đông Nam Á phụ thuộc vào lao động giá rẻ. Theo một  báo cáo năm 2020 về các mục tiêu và mức lương công bằng trong lĩnh vực này ở Indonesia, do Earthworm Foundation xuất bản, người hái quả trung bình chỉ kiếm được khoảng 54 nhân dân tệ, tương đương 8,50 USD cho hái 1,2 tấn quả cọ một ngày.

Mức lương hái quả cọ ở Malaysia năm 2019 là 1.675 nhân dân tệ (262 USD) một tháng. Trong khi đó mức lương của công nhân làm việc ở đồn điền cao su quốc doanh ở Hải Nam và Vân Nam sẽ kiếm được 3.000–4.000 nhân dân tệ một tháng và 4.000–5.000 nhân dân tệ trên đồn điền tư nhân.

Zeng Xianhai, người đứng đầu nhóm phát triển dầu cọ tại Viện Nghiên cứu Cao su và Lin Weifu (đồng nghiệp của Zeng) đều đồng ý rằng Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng cho việc trồng rộng rãi cây cọ dầu. Các máy ép khổng lồ cần phải được kết hợp với các đồn điền trên quy mô 667 ha để có lãi. Ở Trung Quốc, đất đai được phân chia thành các thửa đất nhỏ hơn và việc chuyển nhượng quyền sử dụng rất tốn kém. 

Lin giải thích rằng triển vọng thị trường cho giống Re-you 6 mới vẫn còn khó đánh giá. Hiện tại, tất cả những gì họ có thể làm là sử dụng các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Bình luận về vấn đề chi phí, Zeng cho rằng Trung Quốc không thể cạnh tranh trực tiếp về giá, nhưng nên tìm cách tạo khác biệt với các nhà sản xuất khác. Và điều đó sẽ yêu cầu các giống độc đáo. Ông đưa ra ví dụ “Re-you 40”: dầu của nó có ít hơn 30% chất béo bão hòa và axit béo, thấp hơn 50% trong dầu cọ thông thường. Điều đó có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Zeng nói rằng mặc dù Trung Quốc chưa sẵn sàng cho việc trồng cọ dầu quy mô lớn, nhưng nước này có thể bắt đầu với việc sản xuất thử nghiệm ở quy mô nhỏ, để có được kinh nghiệm, thiết bị và đội ngũ nhân viên cho các hoạt động thương mại. Ông cho rằng thị trường không nên là động lực duy nhất thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

Nhìn ra nước ngoài

Triển vọng sản xuất dầu cọ ở Trung Quốc có vẻ không sáng sủa. Tuy nhiên, Zeng và các nhà nghiên cứu khác có một mục đích khác: giúp các công ty Trung Quốc thiết lập hoạt động sản xuất dầu cọ ở nước ngoài.

Viện Nghiên cứu Cao su đã cung cấp cây giống cấy mô của các giống do Trung Quốc phát triển cho các công ty Trung Quốc làm việc tại Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Cộng hòa Congo và ở đảo Vanuatu ở Thái Bình Dương. Ở DRC, 667 ha đã được trồng. Ở Cộng hòa Congo, việc trồng thử nghiệm quy mô nhỏ gần đây đã bắt đầu. Trong khi đó, Vanuatu là quốc gia đầu tiên thành lập dự án dầu cọ do Trung Quốc tài trợ ở nước ngoài.

Kể từ năm 2010, Viện Nghiên cứu Dừa Trung Quốc cũng đã nghiên cứu về cây cọ dầu. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, vào tháng 8 năm ngoái, Viện đã ký một thỏa thuận nghiên cứu với Tập đoàn Tianjin Julong, một trong số ít các công ty Trung Quốc có đồn điền cọ dầu ở nước ngoài. Viện sẽ làm việc với đồn điền Julong của Indonesia để lai tạo các giống cải tiến, phòng trừ sâu bệnh, cơ giới hóa, công nghệ thông tin nông nghiệp và đào tạo nhân viên. 

Với tư cách là nhà nhập khẩu dầu cọ lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc đang bắt đầu xem xét cách họ có thể gây áp lực từ phía người tiêu dùng để khuyến khích sản xuất xanh hơn. 

Nhưng khi Trung Quốc có thể xuất khẩu công nghệ dầu cọ và giúp các công ty của mình hoạt động ở nước ngoài trong lĩnh vực này, họ sẽ phải giải quyết các vấn đề về tính bền vững từ khâu sản xuất, ngay cả khi nước này không sản xuất trong nước. 

Do đó, việc tích hợp cọ dầu vào các hệ thống nông lâm kết hợp đa dạng đang trở thành một lĩnh vực nghiên cứu mới nổi. Đây có thể là một hướng phát triển cây cọ dầu trong tương lai của Trung Quốc.

(Theo Eco-business, China Dialogue)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.