Sáng 30/3, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dẫn đoàn đã có buổi làm việc với Chi Cục Kiểm dịch thực vật vùng 1 (khu vực Quảng Ninh) về công tác kiểm dịch thực vật xuất, nhập khẩu.
Vẫn phát hiện một số lô hàng không đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm
Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Trung Hà - Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm dịch thực vật vùng 1, cho biết trong quý 1 năm 2022, hàng nhập khẩu đã kiểm tra là 14.601 lô với khối lượng 2.855.544 tấn. Đối với hàng xuất khẩu, Chi cục kiểm tra gần 6.600 lô với khối lượng trên 1,3 triệu tấn. Về hàng chuyển tiếp, đã kiểm tra 312 lô, khối lượng 65.000 tấn.
Đáng chú ý, trong quá trình kiểm dịch, Chi cục đã phát hiện trên hàng xuất khẩu có 01 lô hàng quả mít tươi trọng lượng 22,673 tấn xuất khẩu đi Trung Quốc bị nhiễm rệp Dysmicoccus neobrevipes. Lô hàng trên đã được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu sau khi xử lý khử trùng.
Trên hàng nhập khẩu, Chi cục phát hiện 05 lô hàng nhiễm dịch hại là đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam. Trong đó có 01 lô hàng hạt lúa mì, trọng lượng 233.95 tấn xuất xứ Ấn Độ bị nhiễm nấm Tilleria indica (Lô hàng đã được xử lý bằng biện pháp tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam); 02 lô ngô hạt, trọng lượng 560.00 tấn xuất xứ Pakistan và 02 lô ngô hạt, trọng lượng 506,255 tấn xuất xứ Ấn Độ nhiễm mọt Trogoderma granarium (04 các lô hàng trên được xử lý triệt để theo quy định bằng biện pháp xông hơi khử trùng).
Chi cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiêu huỷ 06 lô hàng quả mít, thanh long tươi, trọng lượng 186,55 tấn (hàng trả về bằng đường biển) không đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm (thối, hỏng).
Trong công tác kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, từ 1/12/2021 đến hết ngày 15/3/2022, Chi cục đã tiếp nhận, kiểm tra 4.916 lô thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, trọng lượng 1.815.012,78 tấn. Trong đó, thức ăn thủy sản có 03 lô, trọng lượng 1000 tấn, các lô hàng này đều đạt yêu cầu.
Về công tác kiểm dịch thực vật nội địa, Chi cục đã thực hiện kịp thời thông báo về kiểm dịch thực vật, thường xuyên liên hệ với các Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật trong địa bàn để nắm bắt tình hình, hướng dẫn các Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh xây dựng chương trình điều tra, giám sát sinh vật ngoại lại xâm hại, sinh vật gây hại trên cây trồng có tiềm năng xuất khẩu.
Trước việc Trung Quốc dừng thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn TP Đông Hưng nối với Móng Cái (Quảng Ninh), ông Nguyễn Trung Hà cho biết Trung Quốc tiếp tục áp dụng triệt để chính sách "zero Covid" để phục vụ cho công tác phòng chống dịch.
"Không chỉ dừng thông quan với các cửa khẩu tại Quảng Ninh, ngay cả các cửa khẩu Trung Quốc với Myanmar hay Triều Tiên họ cũng dừng thông quan để truy vết các ca F0", ông Hà nhấn mạnh.
Tạo điều kiện cho việc xuất khẩu thuận lợi
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, cho biết thời gian qua Trung Quốc nhiều lần dừng thông quan để phục vụ cho công tác phòng chống dịch, khiến cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp hai bên bị ảnh hưởng rất lớn. Do đó, Thứ trưởng Doanh yêu cầu Chi cục Kiểm dịch thực vật phải tạo điều kiện hết mức cho doanh nghiệp trong quá trình kiểm dịch thực vật xuất, nhập khẩu.
Phải chủ động bố trí cán bộ luân phiên thực hiện "3 tại chỗ" tại các đơn vị cửa khẩu, các địa điểm kiểm tra tại gốc để tránh gián đoạn công tác kiểm tra kiểm dịch thực vật, tạo điều kiện cho việc xuất khẩu thuận lợi khi có điều kiện thông quan giao thương trở lại.
"Chi cục cần tiếp tục áp dụng biện pháp linh động như giám sát trực tuyến; vận chuyển hàng hóa đến tập kết tại địa điểm thuận lợi cho đơn vị xuất khẩu và cơ quan kiểm dịch thực vật thực hiện nhiệm vụ. Cho phép việc giám sát xử lý xuất khẩu tại cảng đối với một số mặt hàng nông sản; bố trí cán bộ làm việc '3 tại chỗ' trong vùng hạn chế đi lại và gửi kết quả để hoàn thành thủ tục kiểm dịch vật", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nêu rõ.
Cùng với các biện pháp trên, để tạo thuận lợi cho hoạt động kiểm dịch thực vật, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, Chi cục cần hướng dẫn địa phương, vườn trồng, cơ sở đóng gói chọn lọc hàng hóa, làm sạch các loài sinh vật gây hại ngay từ quá trình sản xuất để giảm thời gian kiểm tra tại cửa khẩu, giúp thông quan nhanh hơn.
Đồng thời, thực hiện việc đàm phán để khắc phục những trường hợp mã số số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói bị thông báo vi phạm. Tiếp tục phối hợp và hướng dẫn các địa phương mở rộng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Ngoài ra, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi, phối hợp các chuỗi phân phối trong nước, các nhà bán lẻ để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, tháo gỡ những khó khăn trước mắt.