| Hotline: 0983.970.780

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chưa như kỳ vọng [Bài 2]: Mảng thú y chuệch choạc

Chủ Nhật 16/07/2023 , 06:44 (GMT+7)

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện thực hiện tất tần tất mọi lĩnh vực trong ngành nông nghiệp, nhưng quá trình hoạt động mảng nào cũng nảy sinh lỗ hổng, bất cập.

Cán bộ thú y tỉnh Bình Định thực hiện công tác kiểm dịch động vật. Ảnh: V.Đ.T.

Cán bộ thú y tỉnh Bình Định thực hiện công tác kiểm dịch động vật. Ảnh: V.Đ.T.

Mảng thú y xáo trộn, rối tinh rối mù

Bình Định tiến hành hợp nhất các Trạm chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Tuy nhiên, quá trình hoạt động đã lộ ra lỗ hổng rất lớn mảng thú y, trong khi tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trên địa bàn ngày càng diễn biến phức tạp.

Là tỉnh phát triển mạnh chăn nuôi, hiện Bình Định có đàn heo khoảng 1,1 triệu con (tính cả heo con theo mẹ), đàn bò trên 305.400 con, đàn gia cầm trên 9 triệu con.

Sau khi sáp nhập Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện vào Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, lĩnh vực chăn nuôi và thú y tại các địa phương lập tức bị bỏ ngỏ.

Bài liên quan

Đặc thù của lĩnh vực chăn nuôi, thú y là phòng chống dịch bệnh động vật, nhưng trong quá trình chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch.

Thực trạng này càng đáng lo ngại khi tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, các bệnh mới xuất hiện như dịch tả heo Châu Phi, viêm da nổi cục ở trâu bò, cúm gia cầm chủng A/H5N8 gây thiệt hại lớn cho bà con chăn nuôi.

Dù Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện vẫn hoạt động trong lĩnh vực thú y, nhưng do mạng lưới thú y cấp huyện bị đứt gãy đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước của hệ thống thú y.

Một số nhiệm vụ quản lý Nhà nước về chăn nuôi, thú y được chuyển giao cho Phòng NN-PTNT, Phòng Kinh tế cấp huyện nhưng không được thực hiện, hoặc thực hiện không tới nơi tới chốn, bởi thiếu cán bộ có chuyên môn.

Thực tế này, tác động xấu đến công tác tham mưu, chỉ đạo phát triển chăn nuôi, phòng chống, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên đàn vật nuôi.

Huyện Hoài Ân, địa phương có đàn heo lớn nhất Bình Định với tổng đàn hơn 233.200 con, sau khi hợp nhất, hoạt động của mảng thú y bỗng trở nên chuệch choạc.

Thú y huyện Hoài Ân (Bình Định) khử trùng gia súc trước khi đi vào địa bàn để ngăn chặn dịch bệnh. Ảnh: V.Đ.T.

Thú y huyện Hoài Ân (Bình Định) khử trùng gia súc trước khi đi vào địa bàn để ngăn chặn dịch bệnh. Ảnh: V.Đ.T.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân được Nhà nước cho 14 chỉ tiêu biên chế, sau khi hợp nhất Trung tâm chỉ có 2 biên chế ngành thú y, Trung tâm phải lập tức tuyển thêm 2 biên chế thú y mới có thể đảm đương được công việc bộn bề.

Huyện Hoài Ân là 1 trong 4 địa phương trong tỉnh Bình Định có Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trước đây là Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y.

Theo anh Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, là địa phương phát triển mạnh ngành chăn nuôi, hoạt động mảng chăn nuôi, thú y của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân là rất nặng.

Thế nhưng, nhờ cán bộ lãnh đạo cơ quan là người của ngành chăn nuôi, thú y nên mảng này được quan tâm hơn. Những địa phương có người đứng đầu các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp không phải là người xuất thân từ ngành chăn nuôi, thú y phải thẳng thắn nhìn nhận hoạt động mảng này khó được quan tâm đúng mức.

“Hoạt động mảng thú y của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân được trơn tru là nhờ hệ thống thú y cấp xã từ lâu đã được kiện toàn, 15 xã, thị trấn trên địa bàn đều có cán bộ thú y đứng chân.

Bên cạnh đó, 82 thôn trên địa bàn được phủ kín thú y thôn, lực lượng này đã hỗ trợ đắc lực cho thú y xã, thú y huyện trong công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn, nhất là trong những đợt tiêm phòng định kỳ hàng năm”, anh Nguyễn Thanh Vương chia sẻ.

Hiệu quả sáp nhập mờ nhạt, hệ luỵ nhìn thấy rõ

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, từ năm 2006, HĐND tỉnh Bình Định thông qua việc “phủ sóng” thú y xã và thú y thôn trên địa bàn. Thế nhưng, đến năm 2015, khi Luật Thú y có hiệu lực chỉ cấp xã mới được bố trí cán bộ thú y, cấp thôn không có.

Tuy nhiên, chăn nuôi ở Bình Định phát triển rất mạnh, do đó rất cần mạng lưới thú y cấp thôn để giám sát, báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn để thú y cấp trên kịp thời ngăn chặn dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi, vậy nên chính quyền các xã phải trích ngân sách để phủ kín mạng lưới thú y thôn với mức hỗ trợ 200.000đ/người/tháng.

Tuy nhiên, qua khảo sát tại 2 địa phương phát triển mạnh ngành chăn nuôi của Bình Định là thị xã An Nhơn và huyện Hoài Ân, chúng tôi được biết trước đây 2 địa phương nói trên phủ kín thú y thôn.

Thế nhưng, trong thời gian gần đây, do mức hỗ trợ quá “hẻo” nên lực lượng thú y thôn “rơi rụng” dần.

Nhân viên thú y Bình Định tiêm phòng định kỳ cho gia súc. Ảnh: V.Đ.T.

Nhân viên thú y Bình Định tiêm phòng định kỳ cho gia súc. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Huỳnh Văn Thạnh, cán bộ kỹ thuật ngành thú y của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn, phân tích vì sao thú y thôn trên địa bàn dần “rơi rụng”.

Hiện, trên địa bàn thị xã An Nhơn có 108 thôn, trước đây toàn bộ các thôn đều có thú y viên. Nhưng mức hỗ trợ 200.000đ/người/tháng quá ít ỏi nên không cầm được chân thú y thôn.

Do yêu cầu của công việc, nhất là tại những thời điểm dịch bệnh hoành hành và những đợt tiêm phòng định kỳ bắt buộc họ phải có mặt, trong khi họ còn có công việc làm ăn tạo thu nhập chính nên họ thôi đảm nhiệm thú y thôn.

“Làm thú y viên cấp thôn chỉ là “nghề phụ”, ai cũng có công việc làm ăn chính để kiếm thu nhập nuôi sống gia đình. Nếu người nào có nghề chính tại chỗ, phù hợp với thời gian thực hiện nhiệm vụ thú y thì họ làm. Còn ai làm những nghề không thể nghỉ việc khi được thú y cấp huyện, cấp xã triệu tập để chống dịch, hoặc hỗ trợ việc tiêm phòng theo định kỳ thì họ sẽ bỏ làm thú y thôn”, anh Huỳnh Văn Thạnh nói.

Không chỉ vậy, sau khi trạm thú y các huyện sáp nhập vào trung tâm dịch vụ nông nghiệp, mảng thú y thủy sản ở cơ sở càng mờ nhạt.

Mỗi khi cán bộ thú y thủy sản của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định đi cơ sở, họa hoằn lắm mới có cán bộ thú y xã tháp tùng công tác cùng.

Nhân viên thú y Bình Định Tiêm phòng cho gia cầm. Ảnh: V.Đ.T.

Nhân viên thú y Bình Định Tiêm phòng cho gia cầm. Ảnh: V.Đ.T.

Còn chuyện cán bộ thú y xã tự động đi nắm bắt tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn hầu như không có. Trong khi đó, cán bộ thú y thủy sản trên Chi cục xuống không thể kiểm tra rộng khắp, lại không rành địa bàn như cán bộ thú y cơ sở nên công tác nắm số liệu các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn là rất gian nan.

Sau khi hợp nhất, nhiệm vụ quản lý Nhà nước các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp được giao cho Phòng NN-PTNT hoặc Phòng Kinh tế.

Tuy nhiên, tại các Phòng NN-PTNT và Phòng Kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Định có tổng số công chức là 73 người, nhưng chỉ có 1 Trưởng phòng Kinh tế thành phố Quy Nhơn và 2 Phó Trưởng phòng NN-PTNT của huyện Hoài Ân và huyện Phù Mỹ cùng 1 công chức Phòng NN-PTNT huyện Vân Canh là có trình độ chuyên môn về chăn nuôi, thú y.

Do đó, các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, quản lý thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn chưa được quan tâm, không được duy trì thực hiện, chức năng quản lý chuyên ngành về chăn nuôi, thú y tại các địa phương hầu như bị bỏ ngỏ.

"Trước thực tế nói trên, Sở NN-PTNT Bình Định đang trình UBND tỉnh đề án củng cố, kiện toàn hệ thống thú y cấp huyện. Hệ thống thú y cấp huyện trên địa bàn được kiện toàn sẽ là cánh tay nối dài, giúp Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khắc phục những tồn tại, khó khăn trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y, phát huy hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và phát triển chăn nuôi bền vững”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, chia sẻ. 

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trồng thành công giống sâm quý trên núi Kim Nọi

YÊN BÁI Mô hình trồng sâm Ngọc Linh và một số cây dược liệu ở Mù Cang Chải thành công bước đầu đang mở ra hi vọng tạo sinh kế mới cho người dân vùng cao.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.