| Hotline: 0983.970.780

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chưa như kỳ vọng: [Bài 1] Tự chủ tài chính bất khả thi

Thứ Bảy 15/07/2023 , 09:08 (GMT+7)

Sau khi hợp nhất Chăn nuôi - Thú y, Trồng trọt - BVTV, Khuyến nông - Khuyến ngư cấp huyện thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, đến nay chưa đơn vị nào ở Bình Định tự chủ được tài chính.

Sau gần 5 năm sáp nhập, hiện chưa có Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp nào tại tỉnh Bình Định tự chủ được tài chính. Ảnh: V.Đ.T.

Sau gần 5 năm sáp nhập, hiện chưa có Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp nào tại tỉnh Bình Định tự chủ được tài chính. Ảnh: V.Đ.T.

Chuyển từ nhận ngân sách tỉnh sang ngân sách huyện

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Bình Định đã tiến hành hợp nhất các Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và BVTV, Trạm Khuyến nông và Khuyến ngư cấp huyện thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện.

Đồng thời, tỉnh cũng chuyển 1 số chức năng, nhiệm vụ về quản lý Nhà nước của các đơn vị nói trên về Phòng NN-PTNT, Phòng Kinh tế huyện. Theo đó, Sở NN-PTNT Bình Định đã bàn giao các trạm chuyên ngành nói trên cho UBND cấp huyện để thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và đi vào hoạt động từ cuối năm 2018 đến nay.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện được hình thành nhằm giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy, giảm số lượng viên chức lãnh đạo quản lý cấp trưởng, phó. Giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và đặc biệt là tiến tới hoạt động tự chủ về tài chính.

Nhiệm vụ của các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp là tư vấn cho lãnh đạo huyện về các lĩnh vực trong ngành nông nghiệp, tham gia cùng địa phương chỉ đạo sản xuất.

Sau khi hợp nhất, tất cả các lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, cũng như các lĩnh vực chăn nuôi, thú y, thủy sản đều thuộc trách nhiệm của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện. Thậm chí, có nhiều Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện còn “lãnh” luôn trách nhiệm quản lý các hồ chứa nước trên địa bàn.

Thế nhưng, sau gần 5 năm hoạt động, kinh phí hoạt động của các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp vẫn hưởng từ ngân sách nhà nước. Chỉ khác là trước đây kinh phí hoạt động của các trạm chuyên ngành cấp huyện được hưởng từ ngân sách tỉnh, nay hưởng từ ngân sách huyện.

Ví như trước đây, kinh phí hoạt động của các Trạm Thú y cấp huyện được hưởng từ ngân sác tỉnh thông qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y và Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Định nay nhận từ UBND huyện, thị xã.

Chuyên viên thú y của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp An Nhơn (Bình Định) trực xuyên đêm tại nhà máy giết mổ động vật tập trung. Ảnh: V.Đ.T.

Chuyên viên thú y của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp An Nhơn (Bình Định) trực xuyên đêm tại nhà máy giết mổ động vật tập trung. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân (trước khi hợp nhất, anh Vương là Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hoài Ân) cho biết: “Trước đây, 100% kinh phí hoạt động của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hoài Ân được hưởng từ ngân sách nhà nước tỉnh Bình Định thông qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh. Nay kinh phí hoạt động của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp được hưởng từ ngân sách nhà nước huyện Hoài Ân.

Sau khi hợp nhất, hoạt động của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp bao trùm tất cả các ngành trong lĩnh vực nông nghiệp như trồng trọt, bảo vệ thực vật, khuyến nông, khuyến ngư, chăn nuôi, thú y, quản lý hồ chứa nước trên địa bàn”.

Anh Bùi Sỹ Kiểm, chuyên viên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn, chia sẻ thêm, lương của viên chức Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện được trả theo bảng lương nhà nước, định kỳ 3 năm tăng lương 1 lần. Ngoài lương, nhà nước còn đảm bảo kinh phí hoạt động với mức khoán hơn 25 triệu đồng/viên chức/năm để chi cho các khoản công tác phí, điện, nước sinh hoạt của cơ quan, chi phí văn phòng phẩm, internet… Nếu đơn vị tiết kiệm chi, đến cuối năm còn dư được ít tiền anh em trong cơ quan liên hoan một bữa.

Nhân viên thú y tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục cho trâu bò. Ảnh: V.Đ.T.

Nhân viên thú y tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục cho trâu bò. Ảnh: V.Đ.T.

Tự chủ tài chính gần như là không thể

Sau khi hợp nhất, viên chức của nhiều ngành có mức thu nhập thấp hơn so với trước đây khi còn làm việc tại các trạm. Đơn cử như trường hợp anh Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, khi còn là Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hoài Ân, hàng tháng, ngoài khoản lương được hưởng từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, anh còn được hưởng khoản phụ cấp nghề 10%. Sau khi hợp nhất, anh Vương mất luôn 10% phụ cấp nghề.

“Tôi công tác trong ngành nông nghiệp tính đến nay đã 18 năm, nhưng hiện mức lương chỉ 5,7 triệu đồng/tháng. Trước đây, khi còn làm Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hoài Ân, hàng tháng tôi còn được nhận khoản phụ cấp nghề 10%. Viên chức mới vào nghề lương chưa tới 4 triệu đồng/người/tháng, tiết kiệm lắm mới đủ chi phí cho bản thân, lấy đâu lo cho gia đình, con cái. Tuy nhiên, khi anh em đã chọn nghề là yêu nghề nên hết lòng với công việc”, anh Nguyễn Thanh Vương bộc bạch.

Mục tiêu của việc hợp nhất là hoạt động của các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tiến tới làm dịch vụ để tự chủ về mặt tài chính, tăng thêm thu nhập cho viên chức. Thế nhưng, trong cơ chế thị trường, các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp dù rất muốn làm dịch vụ để kiếm thêm thu nhập nhưng gần như là bất khả thi.

“Các dịch vụ của ngành thú y như tiêm phòng hiện nay nhà nước có chính sách hỗ trợ vacxin, Trung tâm chỉ việc thực hiện. Hoặc như giám sát dịch bệnh cũng có thể làm dịch vụ, nhưng giờ cũng là nhiệm vụ công, viên chức của Trung tâm cứ thế làm công hưởng lương. Mở quầy mua bán thuốc thú y thì đơn vị không có vốn.

Mà kể cả các Trung tâm có vốn để kinh doanh cũng không thể cạnh tranh được với dịch vụ tư nhân. Giờ nhà nước có gì tư nhân bên ngoài có nấy, thậm chí còn phong phú hơn. Không có nhiệm vụ đặt hàng của nhà nước để tạo thêm thu nhập giờ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp chỉ biết bám vào nhiệm vụ làm công ăn lương nhà nước”, anh Vương chia sẻ thêm.

Câu chuyện tự chủ tài chính với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện vẫn là điều gì đó rất xa vời. Ảnh: V.Đ.T.

Câu chuyện tự chủ tài chính với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện vẫn là điều gì đó rất xa vời. Ảnh: V.Đ.T.

Một chuyên viên của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn minh họa những bất cập nếu cơ quan này ra làm dịch vụ thú y: Nếu giờ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp mở quầy bán thuốc thú y không thể nào cạnh tranh được với các nhà thuốc thú y của tư nhân. Ví như 1 lọ vacxin mua vào giá 20.000đ/lọ, bán ra giá mềm chỉ 22.000đ/lọ sẽ thu hút được người chăn nuôi đến mua.

Thấy mất khách, các cơ sở bán thuốc thú y tư nhân có thể cạnh tranh không lành mạnh bằng cách bán lọ vacxin ấy chỉ 20.000đ/lọ, ngang vốn mua vào, hoặc thậm chí bán 19.000đ/lọ, chấp nhận lỗ 1.000đ/lọ, thế nhưng thực tế họ không lỗ, mà còn lãi nhiều hơn.

Bởi, khi bán lọ vacxin, các nhà thuốc thú y của tư nhân sẽ khuyến cáo người chăn nuôi mua thêm điện giải EC để tăng khả năng phục hồi sức khỏe cho gia súc, gia cầm, giúp vật nuôi ăn nhiều, tăng trọng nhanh và giảm tiêu tốn thức ăn.

Nghe lọt tai, người chăn nuôi sẵn lòng mở “hầu bao” mua thêm để tăng hiệu quả chăn nuôi. Trong khi điện giải EC là hàng độc quyền, có chênh lệch rất cao, khoản lãi lớn từ món điện giải EC bù vào khoản lỗ nhỏ của lọ vacxin nên họ vẫn còn lời.

“Cách làm như thế tư nhân làm được, nhưng cơ quan nhà nước không làm được nên không thể cạnh tranh. Tuy nhiên, để quản lý cách mua bán nói trên rất khó, dù biết đó là cách cạnh tranh không lành mạnh, vì loại vacxin ấy vẫn được niêm yết giá bán là 22.000đ/lọ”, anh chuyên viên phân tích.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.