| Hotline: 0983.970.780

Trường hợp mắc cúm A(H9) đầu tiên tại Việt Nam, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn

Thứ Bảy 06/04/2024 , 10:52 (GMT+7)

Ngày 6/4, Cục Y tế dự phòng có công văn gửi Sở Y tế Tiền Giang và Viện Pasteur TP.HCM về việc tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.

Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các chủng virus cúm gia cầm sang người.

Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các chủng virus cúm gia cầm sang người.

Thông tin về trường hợp mắc cúm A(H9), Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bệnh nhân nam, 37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Ngày 10/3, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt và tự mua thuốc điều trị nhưng không thường xuyên. Bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM vào ngày 16/3, được chẩn đoán viêm phổi nặng nghi do virus.

Kết quả xét nghiệm bước đầu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM phát hiện dương tính cúm A và có các đoạn gen tương đồng virus cúm A phân tuýp H9.

Mẫu bệnh phẩm được gửi tới Viện Pasteur TP.HCM để xét nghiệm khẳng định, phát hiện mẫu bệnh phẩm dương tính với cúm A phân tuýp H9, hiện tại Viện đang tiếp tục thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để xác định phân nhóm.

Bệnh nhân hiện đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Theo kết quả điều tra dịch tễ, nơi bệnh nhân này sinh sống thuộc khu chợ buôn bán gia cầm. Đồng thời, trước cửa nhà bệnh có buôn bán gia cầm; xung quanh khu vực gia đình bệnh nhân sinh sống chưa ghi nhận gia cầm ốm, chết.

Các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân được lập danh sách và theo dõi sức khỏe. Đến nay, chưa phát hiện triệu chứng viêm đường hô hấp; chưa ghi nhận ổ dịch viêm đường hô hấp trong cộng đồng nơi bệnh nhân sinh sống.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, đây là trường hợp mắc cúm A(H9) đầu tiên của Việt Nam từ trước đến nay.

Trước đó, vào tháng 3/2024, tại Khánh Hòa đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do mắc cúm A(H5N1) trên người.

Từ năm 2015 đến nay, ở khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận 98 trường hợp mắc cúm A(H9N2), bao gồm 2 trường hợp tử vong, cả hai trường hợp tử vong này đều là các bệnh nhân có bệnh nền, trong đó 96 trường hợp bệnh được ghi nhận ở Trung Quốc và 2 trường hợp bệnh được nghi nhận tại Campuchia. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy, cúm A(H9N2) lây từ người sang người.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trên thế giới, từ cuối năm 2023 đến nay, tình hình dịch cúm gia cầm trên động vật diễn biến phức tạp, không chỉ ghi nhận nhiều đợt bùng phát cúm trên gia cầm ở tất cả các khu vực mà còn ghi nhận sự lây truyền cho các loại động vật có vú ngày càng gia tăng.

Tại Mỹ, ghi nhận rải rác các trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) lây từ gia súc ở nhiều bang.

Tại châu Á, tiếp tục ghi nhận các đợt bùng phát dịch cúm trên gia cầm gây ra bởi nhiều chủng virus cúm A như H5N1, H5N6, H5N8, H3N2, H9N2, H10N3...

Một số quốc gia giáp biên giới với Việt Nam tiếp tục ghi nhận các ca cúm gia cầm trên người bao gồm H5N1, H9N2.

Trong nước, theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), trước đây có phát hiện virus cúm A(H9N2) lưu hành trên đàn gia cầm. Đây là virus cúm gia cầm độc lực thấp thường gây triệu chứng nhẹ và không gây chết gia cầm hàng loạt. Tuy nhiên, con người vẫn có thể bị lây nhiễm và mắc bệnh cúm gia cầm A(H9N2) nếu tiếp xúc và sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhiễm bệnh.

Hiện tại đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, gia tăng sự tương tác giữa các chủng vi rút cúm cùng với nguy cơ lây nhiễm sang các loài động vật có vú, Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các chủng virus cúm gia cầm sang người.

Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vacxin phòng bệnh. Để chủ động phòng, chống bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp: Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm tuyệt đối tuân thủ các biện pháp dự phòng dịch bệnh thường quy;

Khuyến khích đeo khẩu trang khi đi vào chợ gia cầm sống hoặc khu vực buôn bán gia cầm sống; rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm hoặc sau khi đi vào chợ.

Khi có biểu hiện giống cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Xem thêm
Vĩnh Phúc giảm 10 tổ chức Đảng, 1 Ban Đảng và 8 Sở...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết sẽ sớm ban hành chính sách với những trường hợp 'hy sinh' vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Xóm chài Xuân Lam tìm đường đến khu tái định cư

Sống giữa vùng đất thấp trũng, quanh năm vật lộn với thiên tai là nỗi lo chung của người dân Xuân Lam, riêng 8 hộ xóm chài cơ cực hơn cả.