| Hotline: 0983.970.780

Tiêm vacxin phòng cúm gia cầm bảo đảm tối thiểu trên 80%

Thứ Hai 01/04/2024 , 06:15 (GMT+7)

Lực lượng thú y tỉnh Phú Yên đang chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm, đảm bảo tiêm vacxin đạt tối thiểu trên 80%.

Hiện nay đàn gia cầm ở tỉnh Phú Yên sinh trưởng và phát triển ổn định. Ảnh: KS.

Hiện nay đàn gia cầm ở tỉnh Phú Yên sinh trưởng và phát triển ổn định. Ảnh: KS.

Không chủ quan bệnh cúm gia cầm

Bệnh cúm gia cầm là một bệnh truyền nhiễm ở loài chim (bao gồm cả gia cầm và chim hoang dã) và động vật có vú bao gồm cả người. Bệnh gây ra do virus cúm type A.

Trên vỏ bọc có 2 loại kháng nguyên H (Hemagglutinin) và N (Neuraminidase). Kháng nguyên H có 16 subtype đánh số thứ tự từ H1 đến H16 và kháng nguyên N có 09 subtype được đánh số thứ tự từ N1 đến N9.

Tùy theo chủng virus gây bệnh, ký hiệu của subtype H và N được chỉ định cho chủng virus đó. Tại Việt Nam hiện đã xác định chủng virus gây bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao gồm H5N1 và H5N6.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, trong chăn nuôi, gà thường bị mắc bệnh rất nặng, còn vịt thường mang mầm bệnh song ít khi có biểu hiện triệu chứng lâm sàng và là nguồn chủ yếu gieo rắc mầm bệnh ra môi trường.

Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như vịt, gà, ngan, chim cút, bồ câu… gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho người chăn nuôi.

Một số chủng virus cúm gia cầm không gây bệnh cho gia cầm nhưng có thể lây truyền bệnh cho người và gây tử vong ở người.

Một trại nuôi gà ở xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ảnh: KS.

Một trại nuôi gà ở xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ảnh: KS.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên cho biết, đối với gia cầm mắc bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao sẽ có thời gian ủ bệnh ngắn từ 1-3 ngày nhưng cũng có thể dài hơn tùy theo độc lực của virus.

Vì vậy, khi gia cầm mắc bệnh thường bị chết đột ngột và không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng; tỷ lệ chết có thể lên tới 100% tổng đàn trong vòng vài ngày.

Về biểu hiện gia cầm bị bệnh cúm gia cầm, theo ông Nguyễn Văn Lâm là khi vật nuôi đi loạng choạng, lắc đầu, mệt mỏi, run rẩy nằm tụ tập từng đám.

Cùng với đó có các biểu hiện ở đường hô hấp như khó thở, thở khò khè, chảy nước mũi, nước mắt, sưng viêm mí mắt, thậm chí nhiều con sưng khớp, sưng phù đầu và mặt, sưng mí mắt, mào và tích tím tái, xuất huyết dưới da, nhất là ở những chỗ da không có lông.

Ngoài ra, còn tiêu chảy, phân loãng màu trắng hoặc trắng xanh. Những con đang đẻ giảm năng suất trứng rõ rệt và có trường hợp đẻ trứng không có vỏ.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, hiện nay tổng đàn gia cầm toàn tỉnh vẫn giữ ở mức ổn định, công tác tiêm phòng được quan tâm nên không xảy ra dịch bệnh trên diện rộng.

Tuy nhiên, chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống tại nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ cao, luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh từ các ổ dịch cũ.

Được biết, hiện tổng đàn gia cầm của tỉnh Phú Yên hơn 4,5 triệu con, trong đó 32 trại gà; 27 trại vịt, ngan, ngỗng, chim cút, còn lại nuôi nông hộ.

Đảm bảo tiêm vacxin cúm gia cầm đạt tối thiểu trên 80%

Để chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, tỉnh này đã ban hành kế hoạch tiêm vacxin cúm gia cầm đợt 1 và 2 trong năm 2024 và đợt 1/2025.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã ban hành công văn số 1147 ngày 29/2/2024 về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm và triển khai “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1/2024”.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung nguồn lực, bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm; bảo đảm kinh phí để tổ chức triển khai kịp thời, khống chế hiệu quả khi dịch bệnh xảy ra.

Tỉnh Phú Yên đẩy mạnh tiêm phòng vacxin cúm gia cầm. Ảnh: KS.

Tỉnh Phú Yên đẩy mạnh tiêm phòng vacxin cúm gia cầm. Ảnh: KS.

Tỉnh giao Sở NN-PTNT phối hợp với các địa phương tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn. Cũng như tổ chức tiêm phòng vacxin cúm cho đàn gia cầm và chủ động lấy mẫu giám sát dịch bệnh nhằm bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

“Hiện chúng tôi cũng đã chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm các ổ dịch, xử lý kịp thời những ổ dịch mới phát sinh. Cũng như hướng dẫn người chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng dịch, rà soát, tổ chức tiêm phòng triệt để vacxin cúm gia cầm, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên chia sẻ.

Ngoài ra, Chi cục cũng đang tăng cường quản lý, kiểm tra hoạt động giết mổ tại các cơ sở giết mổ gia cầm, kiên quyết không cho đưa gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm bệnh vào giết mổ, xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch vận chuyển ra vào địa bàn tỉnh.

Để việc chăn nuôi gia cầm đạt hiệu quả cao, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo người nuôi nên áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín tự túc con giống. Có thể mua con giống khoẻ mạnh, sạch bệnh ở các trại giống lớn đã được cơ quan thú y cấp phép.

Định kỳ, tiến hành vệ sinh khử trùng tiêu độc và để trống chuồng trại từ 2 đến 3 tuần giữa 2 lứa nuôi. Bên cạnh đó, người nuôi nên dọn vệ sinh sạch sẽ phân và các chất độn chuồng, máng ăn máng uống rồi sát trùng chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi thật kỹ lưỡng sau mỗi đợt xuất bán gà, sau đó để trống chuồng trại một thời gian mới nuôi tiếp đợt khác. Làm như vậy, không chỉ làm cho môi trường trong chuồng nuôi không bị ô nhiễm, mà còn có thời gian để tiêu độc khử trùng và tiêu diệt mầm bệnh…

Bà Nguyễn Thị Lan, một hộ chăn nuôi gà có thâm niên 10 năm ở thôn Phú Mỹ, xã An Dân (huyện Tuy An) cũng cho rằng, trong chăn nuôi việc vệ sinh, sát trùng chuồng trại phải đặt lên hàng đầu. Tiếp đến là tiêm phòng vacxin phòng bệnh cho gia cầm đầy đủ, nhất là các bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm.

Với việc tuân thủ các nguyên tắc trên mà nhiều năm qua, 9 trại gà mỗi trại thả nuôi 500-700 con của gia đình bà không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm, gây thiệt hại. Mỗi năm gia đình bà xuất gà thịt với tổng sản lượng khoảng 20 tấn, sau khi trừ chi phí đều có mức lãi khá, ổn định cuộc sống.

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Đỉnh, ở xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa cũng chuyên nuôi gà cho biết, để đảm bảo an toàn dịch bệnh, gia đình anh cũng chú trọng vệ sinh thú y và tiêm phòng vacxin đầy đủ cho đàn gà. Cùng với đó, gia đình thường xuyên theo dõi đàn vật nuôi, cho ăn đủ dưỡng chất trong những ngày thời tiết thay đổi bất thường để giúp đàn vật nuôi phát triển khoẻ mạnh.

Hiện nay mỗi tháng gia đình anh thả nuôi 1.000 con, đồng thời xuất ra 1.000 gà thịt. Với giá bán dao động từ 65-70 ngàn đồng/kg (tùy thời điểm), sau khi trừ chi phí lãi từ 20 - 25 triệu đồng/lứa.

Ông Nguyễn Văn Lâm khuyến cáo, để phòng chống dịch bệnh khi nuôi chỉ nuôi một loại gia cầm, không nuôi chung gia cầm với các loại gia súc khác. Hạn chế người vào khu vực chăn nuôi. Trước cổng ra vào chăn nuôi, cần có hố sát trùng. Trong hố này để vôi bột hoặc pha hóa chất để khử trùng. Ngoài ra, cần có chỗ chứa và xử lý phân đúng kỹ thuật. Gia cầm phải được chủng ngừa đầy đủ các bệnh truyền nhiễm, nhất là vacxin ngừa bệnh cúm gia cầm. Trước khi chủng ngừa vài ngày nên cho gà uống bổ sung Vitamine C để giảm stress, tăng sức đề kháng và tạo miễn dịch tốt cho gà sau tiêm chủng.

Xem thêm
Người Mông trung thành với lợn đen

YÊN BÁI Đồng bào Mông ở Yên Bái tập trung phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa quy mô hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt lại giúp nâng cao thu nhập.

Trang trại nho trĩu quả bên dòng Sê San

Vài năm nay, huyện Ia Grai không chỉ nổi tiếng bởi có dòng Sê San, là vựa cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai mà còn nổi lên với những vườn nho trĩu quả.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất