Đặc biệt, từng hoạt động truyền thông hướng tới từng nhóm đối tượng, từng điều kiện đặc thù và từng loại hình thiên tai (thay vì cách truyền thông chung chung, khô cứng bằng văn bản hành chính như trước đây).
Chủ động, linh hoạt và không còn ‘khô cứng’
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai: Trong năm 2022, nhiều cuộc thi, chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức phòng, chống thiên tai được tổ chức thành công. Điển hình là Giải Báo chí toàn quốc về phòng, chống thiên tai lần thứ 2, thu hút gần 1.000 tác phẩm dự thi của 5 thể loại báo chí.
Phát biểu tại buổi Lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Trưởng Ban tổ chức Giải đánh giá: “Hầu hết các tác phẩm dự thi đã phản ánh chân thực, có góc nhìn trực quan về hiện trạng, tác động, diễn biến của thiên tai và sự tham gia của cộng đồng. Qua đó, giúp làm rõ, giúp nhận dạng những hạn chế, thách thức trong công tác phòng, chống thiên tai”.
Ngoài phản ánh thực trạng, các tác phẩm dự thi còn gợi mở, đề xuất nhiều giải pháp, biện pháp mới để nâng cao hiệu quả công tác ứng phó thiên tai cho các cơ quan chuyên trách từ Trung ương đến địa phương.
Trong năm 2022, các hoạt động truyền thông phòng, chống thiên tai cũng được lồng ghép vào các sự kiện văn hóa, giải trí để tạo sức hút cho cộng đồng như: chuỗi hoạt động thi vẽ tranh, cuộc thi Rung chuông vàng, lễ mít tinh hưởng ứng tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai tại Sóc Trăng “Cùng em phòng chống thiên tai – Kiến tạo tương lai bền vững”.
Cùng với đó là chiến dịch “Cùng nhau hành động sớm – Vì một Việt Nam an toàn, sạch và xanh trước thiên tai và biến đổi khí hậu cho mọi trẻ em” và các hoạt động “thử thách làm phim 1 phút xanh”, gameshow “Chiến thắng internet” , Giải chạy bộ Tiếp sức phòng chống thiên tai; gameshow “Xung kích phòng chống thiên tai mùa 3”.
Theo thống kê từ Ban tổ chức, chỉ tính riêng Giải chạy bộ Tiếp sức phòng chống thiên tai đã thu hút 1.000 vận động viên tham gia, trong đó có 500 em là học sinh tham gia ở cự ly chạy 3 km; 500 vận động viên tham gia chạy cự ly 15 km.
Chiến dịch "Cùng nhau hành động sớm" do Tổng cục Phòng, chống thiên tai và UNICEF tại Việt Nam tổ chức nhân Ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai (13/10) có ý nghĩa lan tỏa những thông điệp về phòng chống thiên tai, hướng tới đối tượng trẻ em, các bậc phụ huynh. Qua đó động viên tinh thần chạy bộ, rèn luyện thể thao ở các em và các bậc phụ huynh nhằm đóng góp những "bước chân xanh" về việc chủ động phòng ngừa, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu.
Hơn 4.100 lượt người được tập huấn công tác phòng, chống thiên tai
Để nâng cao hiệu quả truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; Bộ NN-PTNT và Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng, chống thiên tai; đồng thời ban hành và phổ biến các tài liệu, sách để giáo dục lịch sử truyền thống và nâng cao năng lực phòng, thống thiên tai cho cộng đồng .
Bên cạnh đó, triển khai Quyết định số 553 của Thủ tướng Chính phủ ngày 6/4/2021 phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”, các đơn vị chuyên trách đã tổ chức 137 lớp tập huấn cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai và người dân tại các địa phương với tổng số 4.110 lượt người;
Song song với đó, đào tạo về “Nâng cao năng lực về phòng chống rủi ro thiên tai và lập kế hoạch kinh doanh liên tục dành cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) vùng đồng bằng sông Cửu Long”; tập huấn truyền thông cho cán bộ truyền thông của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn 25 tỉnh/thành phố; triển khai các chương trình hợp tác trong phòng, chống thiên tai với Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh,...
Ngành Giáo dục đào tạo đã ban hành kế hoạch và triển khai công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh năm 2022 với các hoạt động như tổ chức tập huấn, phát động phong trào học bơi và giải bơi học sinh phổ thông toàn quốc,…
Đối với các tình huống ứng phó thiên tai khẩn cấp, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai chỉ đạo các nhà mạng di động tổ chức nhắn tin gần 12 triệu tin SMS, 78,9 triệu tin Zalo cảnh báo tới người dân khu vực nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Lan tỏa đến địa phương, người dân
Các hoạt động truyền thông về công tác phòng, chống thiên tai đã góp phần thay đổi nhận thức từ cơ quan quản lý nhà nước đến người dân. Điển hình như tại tỉnh Quảng Ninh với địa hình miền núi ven biển, thường xuyên bị tác động bởi các hình thái thiên tai như lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và các khu mỏ. Cùng với đó là hiện tượng ngập lụt ở đô thị và đồng bằng tập trung đông dân cư; bão, giông lốc ở vùng ven biển và hải đảo… gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho địa phương.
Do đó, trước và trong mỗi mùa mưa bão, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành liên quan đẩy mạnh truyền thông rộng rãi, tăng thời lượng thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát tờ rơi đến tận tay người dân nhằm phổ biến kiến thức, cách thức nhận biết và phòng tránh các loại hình thiên tai.
Tại Quyết định số 1248/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ngày 11/5/2022 về phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nêu rõ: Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông, hệ thống Đài Thông tin Duyên hải đảm bảo thông tin liên lạc, ưu tiên chuyển phát thông tin dự báo, cảnh báo và thông tin chỉ đạo phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Đồng thời, Trung tâm Truyền thông tỉn, khi nhận được các thông báo về thiên tai tổ chức phát tin vào buổi truyền hình thời sự gần nhất. Đối với các tin khẩn, công điện phải tổ chức phát ngay, sau đó cứ 2 giờ phát lại một lần liên tục cả ngày và đêm. Qua đó, các địa phương, người dân chủ động phương án ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Nâng cao nhận thức cộng đồng
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, nhận định về tình hình thiên tai năm 2023: Số lượng bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta có khả năng ở mức trung bình nhiều năm (11-13 cơn trên Biển Đông và 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền). Bão hoạt động nhiều hơn từ tháng 8-10/2023 và giảm dần từ tháng 11/2023.
Về mưa lũ, ngập lụt: đỉnh lũ các sông ở Bắc Bộ ở mức báo động báo động 1-2, riêng các sông suối nhỏ từ báo động 2-3, tập trung trong các tháng 7-9; đỉnh lũ các sông chính từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Bình Thuận ở mức báo động 1-2, có sông trên báo động 2. Các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và Tây Nguyên ở mức báo động 2-3, có sông trên báo động 3 (ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm và năm 2022). Nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc và miền Trung.
Để ứng phó với thiên tai, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng. Nhất là phổ biến các quy định, kiến thức liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, trong đó chú trọng vai trò, sự vào cuộc của cơ quan báo chí, truyền thông, các nhà mạng nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Đồng thời, áp dụng đa dạng các hình thức thông tin, truyền tin phù hợp với từng đối tượng, điều kiện cụ thể của địa phương, đảm bảo cung cấp nhanh chóng, kịp thời đến người dân khu vực bị ảnh hưởng.
Triển khai Đề án 553, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào chương trình đào tạo, giảng dạy trong nhà trường, hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng tại địa phương.