| Hotline: 0983.970.780

Từ cái lu đến chuyện dài tài nguyên nước: Lu nước ở vùng cao biên giới

Thứ Hai 15/07/2019 , 07:01 (GMT+7)

Mấy ngày qua dư luận rôm rả về phát biểu của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân đề xuất mỗi gia đình trang bị một cái lu để hứng nước mưa, giúp tránh ngập.

Tuy nhiên, trong những ngày nắng nóng như thiêu khắp cả 3 miền đang diễn ra thì chuyện về những cái lu ở vùng cao biên giới cũng như những vùng thường xuyên nắng hạn, ngập lũ, rất mong được xã hội quan tâm…

Những lu nước chứa sự sống người dân vùng cao biên giới.

Các xã Tả Gia Khâu, Pha Long, Dìn Chin thuộc huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai nằm dọc theo dòng sông Xanh, dòng sông biên giới giữa hai nước Việt - Trung trên triền núi dựng đứng. Ba xã vùng cao này quanh năm thiếu nước, nhưng khắc nghiệt nhất là Tả Gia Khâu được ví là sa mạc trên đỉnh núi. Cuộc sống của người dân nơi đây quanh năm đối mặt với sự thiếu nước, đời này nối tiếp đời kia vật vã sống trong sự khô khát triền miên.

Xã Tả Gia Khâu có 12 thôn bản, bao gồm các dân tộc: Thu Lao, Mông, Phù Lá, Nùng, Tu Dí. Dân tộc Thu Lao đông nhất hơn bảy trăm người sống tập trung ở thôn La Hờ. Tất cả 12 thôn bản của xã Tả Gia Khâu đều thiếu đất, thiếu nước sản xuất và nước sinh hoạt. Cả xã chỉ có hơn 300 ha ngô và 34 ha ruộng nước một vụ. Mùa sản xuất chỉ bắt đầu khi mùa mưa tới, năm nào mưa sớm thì được cày cấy sớm, còn năm nào mưa muộn thì cày cấy muộn.

Nương rẫy thôn Tả Gia Khâu.

Thôn Tả Gia Khâu là nơi cư trú của đồng bào Mông, thôn khó khăn nhất về nước sinh hoạt. Sùng Seo Lành được lãnh đạo xã cử dẫn tôi lên thôn Tả Gia Khâu.

Lành cho hay gia đình anh vốn trước đây ở thôn Tả Gia Khâu, do thiếu nước quá nên phải chuyển xuống thôn Lao Tô Chải. Mặc dù thôn Lao Tô Chải cũng chẳng dồi dào nước hơn các thôn khác, nhưng ở đây còn có chỗ để gánh nước, năm nào hạn quá thì sang Pà Tàng, La Hờ gánh nước, quãng đường đi về 9-10 cây số. Nước ăn cho người đã khó, còn nước uống cho gia súc cũng chẳng dễ dàng gì, có năm họ phải lùa đàn gia súc xuống sông Xanh cho chúng uống nước cả đi và về hết gần một ngày.

Đất núi Mường Khương trong khô khát.

Sùng Seo Lành dẫn tôi về thôn Tả Gia Khâu, thôn nằm chênh vênh trên sườn núi đá, nhìn đâu cũng chỉ thấy đá, ngửa mặt lên thấy đá, cúi xuống cũng thấy đá, đá điệp trùng nhọn sắc như gươm giáo tua tủa chĩa lên trời.

Những ngôi nhà trình tường thấp lè tè thâm u, bên cạnh nhà là cả dãy dài lu đựng nước mưa. Những chiếc lu khổng lồ cao quá đầu người được đúc bằng xi măng dùng để hứng nước mưa dự trữ nước cho mùa khô.

Tính ra thôn Tả Gia Khâu có gần 200 lu nước, toàn xã có vài trăm chiếc, hộ ít cũng có đôi ba cái, hộ nhiều chục cái. 

Mùa mưa họ hứng nước mưa từ mái nhà dẫn vào các lu đựng nước ấy, trước đây nhà lợp cỏ nước đen như nước bồ hóng, nhưng cũng phải dùng.

Còn bây giờ nhà lợp Proximăng, nước trong hơn, nhưng bà con đâu biết nước mưa hứng bằng tấm lợp rất độc hại. Nhưng ở đây, trên cái đỉnh núi nơi này muốn có nước sinh hoạt dù bà con biết nước độc hại thì họ vẫn phải dùng.

Sùng Seo Lành vặn vòi nước ở các lu nước nhà Sùng Seo Sóa, cả chín lu chỉ một lu có nước, nước chảy ri rỉ chỉ bằng cái đũa. Lành Lắc đầu: Cũng sắp hết rồi chú ạ…

Lu nước - vật thân thiết của người dân vùng cao.

Thôn Tả Gia Khâu trước đây có trên 40 hộ, do thiếu nước từ năm 2001-2005 có 15 hộ di chuyển xuống xã: Thanh Bình, Lùng Vai, Bản Lầu… Do thiếu nước và thiếu đất sản xuất, năm 2007 tỉnh Lào Cai tổ chức di chuyển 33 hộ từ hai xã Dìn Chin, Tả Gia Khâu sang xã A Mú Sung của huyện Bát Xát, không chỉ giúp bà con có cuộc sống ổn định mà còn để bảo vệ biên cương…

Đến nay thôn Tả Gia Khâu chỉ còn hơn 20 hộ, Sùng Seo Lành vẫn còn nhà và đất tại đây, mùa mưa cả nhà anh lại kéo nhau lên trên này làm ruộng nương.

Thôn Tả Gia Khâu trước đây là trung tâm xã, trụ sở UBND, trạm xá, trường học, đồn biên phòng 231 cũng đặt ở đây, nhưng do thiếu nước nên trụ sở xã, trạm xá và cả đồn biên phòng đều phải di chuyển xuống thôn Pạc Tà xa hơn 3 km nơi có nguồn nước.

Mặc dù nguồn nước ở thôn Pạc Tà chỉ có trong mùa mưa, nếu trời hạn quá thì có thể xuống sông Xanh để thồ nước. Đồn biên phòng Tả Gia Khâu nuôi hai con ngựa chỉ dùng để thồ nước từ sông Xanh lên đồn vào mùa khô.

Tôi hỏi Lành: Mùa khô thiếu nước ăn như vậy còn nước tắm giặt thì lấy ở đâu, chẳng lẽ nhịn tắm giặt suốt cả mùa khô hay sao? Lành gật đầu: Cũng phải nhịn thôi, ai xuống sông Xanh hay Pha Long tắm giặt được thì tắm, còn ở đây thì lấy đâu ra nước để tắm giặt? Nói rồi Lành chỉ những bộ váy áo phơi trên những chiếc sào và cả bờ rào bảo: Hôm nay trời nắng, bà con mang quần áo ra giặt nắng đấy, tý nữa họ dùng gậy đập cho bay hết bụi đi, còn đợi trời mưa thì lâu lắm… Quả là một kiểu giặt quần áo có một không hai trên trái đất này, lần đầu tiên tôi mới biết ở vùng cao có kiểu giặt quần áo độc đáo như vậy.

Để giúp người dân vùng cao biên giới Mường Khương có nước sinh hoạt, năm 2006 Tổ chức Unicef tại Việt Nam đã xây dựng hàng trăm chiếc lu đựng nước mưa bằng xi măng.

Lu chứa nước mưa xếp quanh nhà.

Những chiếc lu bên trong được gia cố bởi các sợi thép phi 10, đan lưới thép sau đó trát xi măng bên ngoài và bên trong. Mỗi lu nước có dung tích 2m3 được sản xuất tại chỗ hoặc vận chuyển từ nơi khác đến. Mỗi hộ gia đình ở đây tùy theo số nhân khẩu được Unicef cung cấp từ 6-9 cái lu để chứa nước mưa dự trữ cho mùa khô.

Tính ra thôn Tả Gia Khâu có gần 200 lu nước, toàn xã có vài trăm chiếc, hộ ít cũng có đôi ba cái, hộ nhiều chục cái. Sùng Seo Lành bảo tôi: Nếu không có sự giúp đỡ của Unicef cho bà con mình những chiếc lu này, thì không biết bà con có sống nổi ở đây để giữ vùng đất biên giới này không?

Những lu nước chứa sự sống người dân vùng cao biên giới.

Đi dọc suốt chiều dài biên giới từ Mường Khương sang Si Ma Cai men theo dòng sông Xanh nằm hun hút dưới chân, niềm khát khao của người dân nơi đây vẫn là nước. Những chiếc lu đựng nước mưa để chống chọi với mùa khô dài dằng dặc trên các đỉnh núi là sự mơ ước của nhiều hộ gia đình.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.