| Hotline: 0983.970.780

Từ Đại dự án nuôi bò trên giấy, nhảy sang trồng chuối: Thất bại toàn diện!

Thứ Hai 25/06/2018 , 07:15 (GMT+7)

Từ một dự án được hứa hẹn đem lại lợi nhuận 1.000 - 1.400 tỷ/năm, sau gần 3 năm hoạt động, kết quả thu được là những nỗi thất vọng ê chề.

Theo cam kết của Cty CP Chăn nuôi Bình Hà với tỉnh Hà Tĩnh, “đại” dự án chăn nuôi bò thịt, bò giống Cty triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu bò thịt, bò giống trong nước và phục vụ XK; tạo công ăn việc làm, tổ chức liên kết SX với người dân và chuyển giao KH-CN để phát triển ngành chăn nuôi tại tỉnh này. Tuy nhiên, sau gần 3 năm dự án gần như thất bại toàn diện.
 

Từ nuôi bò, nhảy sang trồng chuối

Nhớ lại ngày tổ chức lễ thả bò năm 2015, đại diện chủ đầu tư hùng hồn tuyên bố, dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt của Cty được áp dụng công nghệ trồng cỏ và nuôi bò hiện đại nhất hiện nay.

Theo đó, cỏ được trồng và sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel; giống bò Brahman có thể lực tốt, thích nghi cao với khí hậu nhiệt đới. Bò nuôi vỗ béo có trọng lượng khi xuất chuồng từ 520 - 600kg. Sau khi dự án đi vào hoạt động, lợi nhuận đạt từ 1.000 - 1.400 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 3.000 lao động.

Từ những con số Cty Bình Hà “vẽ” ra hết sức hấp dẫn trên, DN này được ngân hàng cho vay trung, dài hạn hơn 2.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 65 chuồng trại, 19 hệ thống kho chứa và các công trình phụ trợ trên 68ha và trồng 678ha cỏ để nuôi bò.

08-47-02_4
Hàng trăm ha đất ở xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh đang có nguy cơ bị hoang mạc hóa do Cty Bình Hà phá cỏ, cày xới nham nhở

Trong gần 3 năm triển khai dự án, thực tế lượng bò được nhập về đắp đổi lúc có lúc không. Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, ông Trần Hùng: “Từ tháng 5/2015 đến tháng 6/2017, Cty Bình Hà đã nhập về 43.387 con bò thịt nuôi vỗ béo. Qua kiểm tra hiện tổng số bò còn trong chuồng là 782 con. Như vậy, dự án này chưa thực hiện đạt so với quy mô đã được chấp thuận chủ trương đầu tư".

Đặc biệt, toàn bộ diện tích trồng cỏ đã bị phá dỡ, cày xới, chuyển sang trồng chuối. Theo tìm hiểu của NNVN, giữa năm 2017 Cty Bình Hà bắt đầu phá cỏ trồng chuối mà không đánh giá lại tác động môi trường (ĐTM); không xin phép cơ quan chức năng sản xuất thử nghiệm giống chuối mới Cavendish.

Trong khi Bộ NN-PTNT quy định, diện tích sản xuất thử giống mới khu vực Bắc Trung bộ không quá 20ha nhưng đến nay diện tích Cty trồng thực tế đã lến đến hơn 200ha, lớn hơn rất nhiều lần quy định của Bộ, vi phạm nghiêm trọng quy trình khảo nghiệm, sản xuất thử giống nông nghiệp mới trên địa bàn.

Đặc biệt, tháng 9/2017 khi Cty Bình Hà đang cày xới 380ha đất (trong đó huyện Kỳ Anh 237ha) và chăm sóc 350 nghìn bầu chuối giống ở huyện Cẩm Xuyên và 800 nghìn bầu ở huyện Kỳ Anh để chuẩn bị trồng thì bị tỉnh Hà Tĩnh “tuýt còi”, yêu cầu tạm dừng hoạt động chuyển đổi đến khi hoàn thất thủ tục, được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

08-47-02_1
Thời điểm tỉnh Hà Tĩnh “tuýt còi” vi phạm của Cty Bình Hà, chuối vẫn đang ươm bầu

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng giao Sở TN-MT và Sở NN-PTNT chủ trì kiểm tra, đánh giá lại những vi phạm của doanh nghiệp, báo cáo UBND tỉnh có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, mới đây lãnh đạo Sở TN-MT xác nhận: “Sở vẫn đang yêu cầu Cty Bình Hà báo cáo lại tổng thể dự án. Còn việc Cty chuyển đổi diện tích đất trồng cỏ nuôi bò sang trồng chuối hiện chưa được tỉnh chấp thuận”.

08-47-02_3
Đến nay, hơn 200ha tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên đã được trồng chuối, trong khi chủ trương chuyển đổi từ trồng cỏ sang trồng chuối chưa được tỉnh Hà Tĩnh cho phép
“Bây giờ huyện chỉ mong cơ quan có thẩm quyền trả lời dứt khoát về giải pháp xử lý dự án, tránh lãng phí đất đai và ảnh hưởng đến hoạt động điều hành, quản lý của địa phương. Trường hợp dự án không hiệu quả thì xây dựng phương án chuyển đổi; thậm chí nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng chủ trương chấp thuận đầu tư ban đầu thì UBND tỉnh cũng xem xét thu hồi dự án để thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực khác đầu tư vào đây”, lãnh đạo huyện Kỳ Anh nói.

Như vậy, gần một năm trôi qua kể từ ngày Hà Tĩnh “tuýt còi” việc phá cỏ trồng chuối của Cty Bình Hà (tháng 9/2017), cơ quan chức năng Hà Tĩnh vẫn chưa thể đưa ra một giải pháp cụ thể nào để xử lý những vi phạm của doanh nghiệp này. Hầu hết diện tích đất quy hoạch trồng cỏ nuôi bò đã bị thay thế bằng cây chuối, một số diện tích tại huyện Kỳ Anh nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt”, gây bức xúc cho chính quyền và người dân trong vùng dự án.
 

Xây dựng dự án, chỉ để vay vốn ngân hàng?

Trao đổi với NNVN, một lãnh đạo huyện Kỳ Anh bức xúc khẳng định, đến thời điểm này những cam kết của Cty Bình Hà đều không đạt được. Theo đó, dự án chỉ giải quyết việc làm cho 72 người nhưng số lao động này cũng chuyển từ Cty Cao su Hà Tĩnh sang; hoạt động liên kết trong chăn nuôi chưa có; liên kết trồng cây nguyên liệu với người dân chỉ được hơn 40ha ngô sinh khối/2 năm.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện dự án các phương tiện máy móc của Cty hoạt động nhiều đã làm tuyến đường giao thông từ QL12 - Hợp - Tây xuống cấp nghiêm trọng; ô nhiễm môi trường do mùi hôi thối, bụi gây ảnh hưởng đến đời sống người dân vùng dự án.

“Dự án này thực hiện theo kiểu “tiền trảm hậu tấu” nên đã giẫm lên vết xe đổ của một số dự án nông nghiệp trước đó tại địa phương như dứa, cao su, mía..., khiến niềm tin của người dân đối với các dự án nông nghiệp trên địa bàn nói chung giảm hẳn. Nay toàn bộ hệ thống, thiết bị đầu tư cho trồng cỏ đã phá hoàn toàn đất rừng, nếu không sớm phục hồi, phủ kín diện tích đất rừng đó thì hiện thượng xói mòn, hoang mạc hóa sẽ là điều hiển nhiên”, vị lãnh đạo này lo lắng.

08-47-02_5
Toàn bộ hệ thống hạ tầng phục vụ việc trồng cỏ Cty đã phá bỏ

Lý giải về nguyên nhân thất bại, vị lãnh đạo này cho rằng do chiến lược đầu tư và hoạt động quản trị của Cty chưa hiệu quả. Ngoài ra, dư luận còn đặt nghi vấn, doanh nghiệp xây dựng dự án chỉ để vay vốn ngân hàng (?!).

Từ một dự án được hứa hẹn đem lại lợi nhuận 1.000 - 1.400 tỷ/năm, sau gần 3 năm hoạt động, kết quả thu được là những nỗi thất vọng ê chề. Theo đó, Cty Bình Hà thừa nhận, dự án nuôi bò chưa mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn.

Quy mô tổng đàn bò của dự án chỉ đạt 6% tương tương 15.000 con bò/năm so với cam kết tổng đàn 254.200 con bò/năm. Ngoài ra, Cty chưa phát triển được mô hình liên kết chăn nuôi bò với các hộ dân như cam kết; chưa phát triển được vùng sản xuất công nghệ cao… Hoạt động kinh doanh năm 2016 của Cty lỗ hơn 200 tỷ đồng.

 

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm