Tu tâm sửa tính chẳng phải một lời khuyên đơn giản mang tính đạo đức. Tu tâm sửa tính để tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống, đó là khẳng định của tiến sĩ- bác sĩ Trần Tuấn Anh trong cuốn sách mới nhất.
Tiến sĩ – bác sĩ Trần Tuấn Anh được đào tạo chuyên khoa châm cứu tại Pháp và có nhiều năm giảng dạy bộ môn châm cứu tại Trường Đại học Đại học Paris-Nord. Tuy nhiên, để cải thiện sức khỏe trong xã hội hiện đại, thì giải pháp điều trị y khoa là sự lựa chọn sau cùng. Con người hôm nay phải tối ưu hóa việc cải thiện sức khỏe tinh thần.
Sau cuốn sách “Đường về tỉnh thức”, tiến sĩ – bác sĩ Trần Tuấn Anh tiếp tục ra mắt cuốn sách “Tu tâm sửa tính” nhấn mạnh các yếu tố “động lực cảm xúc”, “chấp nhận buông bỏ”, “chăm sóc tình yêu”, “giá trị biết ơn”...
Câu cửa miệng “tâm bình, thế giới bình” không hoàn toàn vô nghĩa. Khi điều kiện bên ngoài đồng thuận với những gì con người mong ước thì tâm hồn luôn nhẹ nhàng, thoải mái. Thế nhưng khi biến cố xảy đến thì phần lớn con người đều hoang mang và bấn loạn. Vậy thì, những băn khoăn biến thành câu hỏi thường xuyên mà con người phải đối diện, làm thế nào để luôn sống trong tình yêu khi quanh ta đầy rẫy những kẻ gian ác, lừa đảo, thao túng cho quyền lợi riêng của mình? Làm thế nào để giữ tâm an khi đời sống luôn sôi động, cây muốn lặng mà gió chẳng dừng?
Giữ cho tâm hồn luôn an vui không phải là điều tự nhiên xảy ra, mà là một quá trình tu dưỡng kéo dài nhiều năm để điều chỉnh tầm nhìn, cách suy nghĩ, lời nói và hành động. Giữ cho tâm hồn bình yên và sức khỏe ổn định sẽ giúp con người sống tốt đẹp và sống trọn vẹn.
Vậy tu tâm sửa tính nên bắt đầu từ đâu? Chắc chắn là ngay từ bây giờ. Chúng ta cần từ từ chỉnh sửa và trau dồi chính mình bằng những thói quen như suy nghĩ tích cực và yêu thương, lời nói chính trực và ôn tồn, hành động không bạo lực, không làm tổn thương người khác, cư xử quan tâm và không phân biệt đối xử… Sức mạnh của những thói quen ấy sẽ dần đưa chúng ta đến đời sống chất lượng và hạnh phúc hơn, trong đó chúng ta sẽ được yêu thương và tôn trọng.
Rồi cũng có lúc con người lần lượt trải qua những cung bậc cảm xúc tồi tệ như buồn bã, bi quan, mệt mỏi, đau khổ, mong manh, sợ hãi... Để khỏi bị nhấn chìm, con người chỉ cần sống tỉnh thức và giữ cân bằng trong mọi tình huống. Cuộc đời là thế, chúng ta tự mình vượt qua những khoảnh khắc đó một cách dễ chịu nhất mà không để bị rơi vào trạng thái buông xuôi.
Tiến sĩ – bác sĩ Trần Tuấn Anh chia sẻ: “Tu tâm để sửa tính giống như việc trồng cây. Nếu ta biết cách chăm sóc, tưới tắm, cung cấp đủ ánh sáng mặt trời và đất phì nhiêu, đồng thời cẩn thận không để sâu bọ đục khoét thân cây và thời tiết xấu làm gãy cành, thì một ngày nào đó cây sẽ đơm hoa, kết trái và và cách nhìn cuộc sống của ta sẽ luôn an lạc”.
Biết lắng nghe để thấu hiểu nhu cầu, tư duy lẫn yếu điểm của người khác, để cùng nhau vượt qua những thời điểm khó khăn… Thật tuyệt vời nếu chúng ta luôn ở trong tim người thân hoặc một người quan trọng nào đó. Hành trình đến trái tim của họ cũng cần nhiều tình cảm quan tâm chăm sóc mỗi ngày. Biết yêu bản thân để yêu những người thân trong cuộc đời chúng ta, đó là nơi hạnh phúc nhất.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng cần sống và hướng về tương lai, dù có khó khăn và chông gai. Nếu bản thân thấu hiểu được nguyên nhân, vấn đề đang phải đối mặt thì nỗi sợ hãi sẽ không thể đè nặng mãi lên tâm trí con người. Cuộc sống vẫn diễn ra mỗi ngày, mỗi hành động và cách sống của chúng ta sẽ tạo ra tương lai.
Sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại chính là cách giải phóng tâm trí khỏi những ký ức xấu của quá khứ và những ảo tưởng về tương lai. Sống trọn vẹn mỗi ngày, từ hôm nay, chúng ta có thể tiến bộ thêm một bước, ngày càng hoàn thiện hơn trên con đường tu tâm và sửa tính.