Tuổi thọ trung bình của người Việt năm 1989 là 65,2 tuổi thì đến năm 2020 là 73,7 tuổi, dự báo đến năm 2030 tuổi thọ trung bình của người Việt Nam sẽ tăng lên 78 tuổi.
Tuy nhiên, mặc dù tuổi thọ trung bình được nâng lên nhưng số năm sống khỏe mạnh lại thấp hơn so với nhiều quốc gia khác do số năm điều trị bệnh tật của người Việt Nam kéo dài hơn.
Mức độ tử vong cả nam và nữ ở độ tuổi từ 0-4 tuổi giảm và duy trì ở mức thấp khá ổn định giữa các nhóm tuổi cho đến 40-44 tuổi thì bắt đầu từ nhóm 45-49 tuổi trở lên tỷ lệ tử vong ngày càng cao hơn. Trong đó, đàn ông Việt Nam có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới, và tỷ lệ tử vong cũng rất cao.
Đó là những thông tin đáng chú ý tại hội thảo “Sức khỏe và tuổi thọ con người trong nền văn minh nhân loại ngày nay” diễn ra tại TP.HCM ngày 7/4.
Hội thảo do Viện triết học phát triển, Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Bệnh viện Thống Nhất, Hội Khoa học Nhân tài Nhân lực Việt Nam – TP.HCM tổ chức.
Buổi hội thảo nhằm quảng bá nhận thức sâu có hệ thống về vấn đề sức khỏe tuổi thọ của con người, nhất là ở Việt Nam. Qua đó, đề xuất với cơ quan chính quyền nhà nước có chính sách động lực thiết thực chăm lo đảm bảo tuổi thọ của người dân, nhất là người cao tuổi.
Cũng tại buổi hội thảo, nhiều tham luận, nghiên cứu cho thấy, tại Việt Nam các chính sách chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng được cải thiện, sự phát triển kinh thế xã hội đã góp phần nâng mức tuổi thọ trung bình của người dân lên mức đáng kể.