| Hotline: 0983.970.780

Tuyên Quang: Chú trọng làm nông sản có truy xuất nguồn gốc

Chủ Nhật 08/09/2019 , 09:59 (GMT+7)

Đến nay tỉnh Tuyên Quang đã có 35 sản phẩm nông sản có dán tem truy nguồn gốc. Nông sản có nguồn gốc xuất xứ giúp giá được đẩy lên và tiêu thụ thuận lợi hơn.

Vùng bưởi các xã Phúc Ninh, Quý Quân, Thắng Quân, huyện Yên Sơn mỗi năm cho người dân địa phương thu về gần 300 tỷ đồng. Nâng cao thương hiệu bưởi, tháng 12/2018 các địa phương này đã xây dựng mô hình trồng bưởi VietGAP với 12 hộ tham gia, diện tích 10 ha. Các hộ gia đình tham gia đều được hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc để nâng tầm thương hiệu.

Bưởi xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2016. Ảnh: Đào Thanh.

Năm 2016, bưởi Phúc Ninh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Cây bưởi đặc sản Phúc Ninh đã có vị thế mới, khách hàng trong và ngoài tỉnh biết tới, ưa chuộng và tin dùng. Thương lái ở các tỉnh như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh… đổ về đây, tấp nập người mua, kẻ bán.

Gia đình anh Phạm Xuân Hưng, thôn Khuôn Thống là một trong những người đầu tiên đưa giống bưởi đặc sản vào trồng theo hướng hàng hóa ở xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn. Hiện nay, gia đình anh có 2,5 ha bưởi trong đó 1,5 ha tham gia mô hình VietGAP. Trồng bưởi theo mô hình này ngoài việc tuân thủ tốt việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì các công đoạn trồng, chăm sóc cũng kỹ lưỡng hơn.

Anh Hưng cho biết, bưởi Phúc Ninh đã bước đầu có thương hiệu. Việc xây dựng thương hiệu đã khó, giữ được thương hiệu còn khó hơn. Nên ngoài 1,5 ha tham gia mô hình VietGAP, những diện tích còn lại anh cũng tuân thủ nghiêm quy trình này. Trừ chi phí, mỗi năm 2,5 ha bưởi của gia đình anh Hưng thu lãi gần 400 triệu đồng.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Tuyên Quang kiểm tra chất lượng sản phẩm cam trồng theo mô hình hữu cơ chuyển đổi của huyện Hàm Yên. Ảnh: Đào Thanh.

Ngoài bưởi Phúc Ninh, cam sành Hàm Yên cũng được chú trọng xây dựng thương hiệu. Sản phẩm này mới đây đã được vinh danh lần thứ 2 tại “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam” năm 2019 do Tổng hội NN-PTNT Việt Nam tổ chức. Sự kiện là dấu ấn khẳng định vị thế, vai trò của cây cam sành. Tuyên Quang đang mở rộng phát triển mô hình trồng cam sạch gắn liền với xây dựng chuỗi giá trị. Hiện toàn tỉnh có 460 ha cam được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, gần 17 ha cam sản xuất theo phương pháp hữu cơ.

Từ trồng cam theo mô hình VietGAP, gia đình ông Lương Văn Nho, Tổ trưởng tổ VietGAP thôn 3 Thuốc Hạ, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên mỗi năm doanh thu đạt 700-800 triệu đồng/năm.

Ông Nho cho biết, tham gia mô hình ông được tập huấn các quy trình sản xuất cam theo đúng quy định. Tâm niệm làm cam sạch cái tâm cũng sạch, ông vận động người dân trong thôn cùng làm cam VietGAP, nhờ vậy khi mới thành lập, tổ hợp tác của ông có 10 thành viên, đến nay đã có 20 thành viên, với tổng diện tích 40 ha cam VietGAP. Khi xuất vườn, cam của gia đình ông đều được dán tem truy xuất nguồn gốc.

Năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang đưa ra mục tiêu sẽ có 15 cơ sở đủ tiêu chuẩn để cấp tem truy xuất nguồn gốc, thuộc các nhóm sản phẩm cam sành, bưởi, chè, thịt trâu, thịt lợn, rau, dưa lê của các HTX, trang trại trên địa bàn tỉnh. Đến nay đã có 10 cơ sở có nông sản được dán tem truy xuất với tổng số tem được cấp là 100.000 cái.

Cây lê Hồng Thái vừa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu hàng hóa năm 2019. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng, Chi cục quản lý chất lượng tỉnh Tuyên Quang cho biết, để nông sản đủ điều kiện cấp tem truy xuất. Các cơ sở phải tuân thủ tốt phương thức sản xuất sạch. Đạt tiêu chuẩn sạch, có truy xuất nguồn gốc là cơ hội để nông sản Tuyên Quang tăng sức cạnh tranh, tạo thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục phấn đấu đến cuối năm sẽ có thêm 5 cơ sở đủ điều kiện cấp tem truy xuất nguồn gốc.

Nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, năm 2019, tỉnh Tuyên Quang đã giải ngân 800 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho 8 sản phẩm. Tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đối với sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm hàng hóa cho 10 HTX, kinh phí đề nghị hỗ trợ 500 triệu đồng. Tỉnh hỗ trợ 9 HTX tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, với tổng kinh phí thực hiện là 180 triệu đồng.

Thực hiện nông nghiệp tốt, tỉnh Tuyên Quang đã thành công trong việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, VietGAP… Tuy nhiên làm nông sản sạch đủ điều kiện cấp tem truy xuất nguồn gốc cũng có không ít khó khăn. Nhất là trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ chính là mọi yếu tố đầu vào, từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học vẫn chiếm đa số. Thêm vào đó, việc phân định sản phẩm hữu cơ với sản phẩm thông thường trên thị trường vẫn chưa thực sự rõ ràng, khiến nhiều nông dân chưa thực sự yên tâm khi chuyển hướng sang hướng sản xuất mới này. 

 

  • Tags:
Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Trường Sơn Bio tái tạo nông nghiệp sạch vì sức khỏe cộng đồng

ĐBSCL Mục tiêu của TSBIO giúp tái sinh nền đất, cải tạo môi trường nông nghiệp, sản sinh ra các sản phâm nông nghiệp hữu cơ, không còn tồn dư của các loại thuốc BVTV.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất