Theo đó, so với ngày đầu tiên triển khai là đêm 30 rạng sáng 31/7, tỷ lệ lợn có thể kích hoạt thông tin nhận diện và truy xuất nguồn gốc chỉ đạt khoảng 13%, thì đến đêm 31/7 và rạng sáng 1/8, tỷ lệ này đã tăng lên và đạt 37%. Ngoài ra, kết quả kiểm tra, giám sát trong đêm 31/7 và rạng sáng 1/8 cũng cho thấy, số lượng lợn về thị trường thành phố tiêu thụ qua kênh truyền thống đạt hơn 8.500 con.
Ghi nhận thực tế tại các chợ bán lẻ trên địa bàn TP.HCM, ngoài những điểm bán có đăng ký kinh doanh sản phẩm lợn nhận diện và truy xuất nguồn gốc, sản phẩm thịt lợn không có thông tin nhận diện và truy xuất nguồn gốc vẫn được bán buôn bình thường. Các tiểu thương cho biết, sản phẩm tuy không có thông tin nhận diện và truy xuất nguồn gốc nhưng vẫn đảm bảo có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận từ cơ quan thú y như từ trước đến nay.
Mặc dù, theo tiến độ thực hiện "Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn", kể từ ngày 31/7, bắt buộc 100% thịt lợn vận chuyển vào địa bàn TP.HCM tiêu thụ phải có thông tin nhận diện và truy xuất nguồn gốc, nhưng tính đến thời điểm hiện tại mục tiêu này chưa đạt được và tỷ lệ lợn có thể nhận diện và truy xuất nguồn gốc được đánh giá là khá thấp.