| Hotline: 0983.970.780

Tỷ phú đà điểu xóm núi

Thứ Năm 28/02/2013 , 10:16 (GMT+7)

Đến thăm nhà anh Trung tại xóm nghèo Tam Mỹ, tôi thực sự bị choáng ngợp bởi cơ ngơi của gia đình anh.

Là người đi tiên phong đưa giống đà điểu vào chăn nuôi ở miền Bắc, anh Nguyễn Văn Trung (39 tuổi), thôn Tam Mỹ, xã Tản Lĩnh, Ba Vì (Hà Nội) gặp không ít khó khăn, nhưng với tính kiên trì nhẫn nại, anh đã từng bước vượt qua để trở thành tỷ phú.

Chi phí thấp, lãi cao

Đến thăm nhà anh Trung tại xóm nghèo Tam Mỹ, tôi thực sự bị choáng ngợp bởi cơ ngơi của gia đình anh. Biệt thự đồ sộ. Nội thất sang trọng. Vườn tược rộng rãi… Nhưng, chủ của ngôi nhà ấy lại là một lão nông chân chất và hiếu khách. Anh Trung bảo: “Tất cả những gì có đều từ trang trại đà điểu của gia đình mà ra đấy”.

Vừa dẫn tôi ra thăm chuồng đà điểu, chủ nhà vừa dặn: “Đi khẽ thôi chú nhé. Đà điểu tuy là con vật hoang dã mới được thuần chủng nhưng rất nhát, nếu nghe thấy tiếng động mạnh là giật mình chạy tán loạn hết”. Kỳ lạ thay, vừa nhìn thấy chủ, hàng trăm con đà điểu (mỗi con nặng khoảng 1 tạ) xúm đến đông đỏ. Chúng vừa nhảy múa vừa xòe cánh tung tẩy như những vũ công reo vui đón chào.

Anh Trung cho biết, trong tất cả các con vật, nuôi đà điểu là nhàn nhất. Thức ăn của nó chủ yếu là rau cỏ, ngô, khoai, sắn, thóc… chứ không cần mua cám công nghiệp đắt tiền. Trên thực tế, một lao động có thể chăm sóc 200 con đà điểu nên tiết giảm tối đa nhân lực mà hiệu quả kinh tế lại khiến nhiều người phải giật mình. Chi phí xây dựng chuồng trại vô cùng thấp.

Chuồng chỉ cần có mái che mưa là được, vì khi đạt từ 30 kg trở lên, đà điểu chủ yếu sống ngoài trời. Nền sân không cần lát gạch mà là nền đất, nếu có điều kiện thì đổ thêm cát cho đà điểu khỏi trơn trượt khi chạy nhảy. Xung quanh chỉ cần che chắn bằng lưới sắt và cọc bê tông. Với diện tích 1.000 m2, mỗi năm gia đình anh Trung nuôi 100 đà điểu. Sau 8 - 10 tháng chăm sóc, trọng lượng mỗi con nặng trung bình 1 tạ. Với giá cả thị trường như hiện nay, mỗi lứa nuôi anh thu về trên 2 tỷ đồng, trừ tất cả các chi phí cũng lãi vài trăm triệu.

Vươn lên từ nghèo khó

Qua cuộc trò chuyện với anh Trung, tôi thực sự khâm phục trước nghị lực và quyết tâm làm giàu của anh. Sinh ra và lớn lên trên vùng núi Ba Vì nghèo khó, đủ tuổi lao động, Trung vác ba lô thoát ly gia đình đi làm thợ xây rất cực khổ. Đến đầu những năm 2000, mỗi một ngày công, chủ thầu xây dựng chỉ trả cho anh khoảng 20.000 đồng nên không đủ tiền nuôi vợ con. Có hôm 2 bìa đậu cả nhà ăn trong 1 ngày.

Không thể chấp nhận cảnh bán sức lao động cho người khác để chạy ăn từng bữa, từ năm 2003 anh Trung quyết định bỏ nghề thợ xây, vay vốn ngân hàng, người thân mua 4 bò sữa để nuôi. Tuy chăn nuôi bò sữa cho thu nhập khá nhưng phải bỏ nhiều tiền thuê nhân công, quỹ đất của gia đình lại eo hẹp nên không đủ diện tích trồng cỏ.

Nhận thấy không có khả năng phát triển chăn nuôi bò sữa ở quy mô lớn, năm 2006, anh Trung bán bò lấy tiền đầu tư chuồng trại và nuôi 100 lợn nái cộc đuôi. Thu nhập từ nuôi lợn vừa lãi vừa nhàn hơn nuôi bò, nhưng chất thải chăn nuôi lại gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Không có đủ tiền đầu tư hệ thống bể chứa và xử lý nước thải nên mùi phân bốc lên nồng nặc khiến hàng xóm kêu ca.

“Tình làng nghĩa xóm bao giờ cũng cao hơn miếng cơm, manh áo. Vì thế, tôi quyết định mày mò tìm kiếm những giống vật nuôi khác phù hợp với quy mô trang trại nhỏ của gia đình, ít gây ô nhiễm mà vẫn đem lại giá trị kinh tế cao để thay thế dần đàn lợn”, anh Trung tâm sự.


Anh Nguyễn Văn Trung chăm sóc đàn đà điểu

Thông qua nghiên cứu sách vở, đặc biệt là học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi từ các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Hà Nội), nhận thấy nuôi đà điểu cho hiệu quả kinh tế cực cao nên từ năm 2007, anh Trung đã nhập 50 con giống (mỗi con 2,7 triệu đồng) về nuôi kèm với lợn siêu nạc.

Năm đầu tiên, dù đà điểu phát triển rất tốt, nhưng đầu ra sản phẩm lại gặp khó khăn chồng chất. “Thời điểm ấy kinh tế đất nước còn nghèo. Trong khi đó thịt đà điểu lại là một thứ đặc sản xa xỉ. Khi đạt trọng lượng từ 1 - 1,1 tạ, có ăn bao nhiêu thì đà điểu cũng không thể tăng cân. Người mua không có, mỗi ngày gia đình phải mất gần 100 kg thức ăn để chờ bán. Thương lái lợi dụng cơ hội gây áp lực khiến giá thành giảm mạnh”, ông chủ trang trại cho biết.

Hai năm đầu tiên, dù lỗ nặng nhưng anh Trung vẫn không từ bỏ bởi anh quan niệm: "Muốn thành công thì cần phải kiên trì, không thể cứ mãi chăn nuôi theo kiểu “ăn xổi” được. Khi mình đã có kỹ thuật chăn nuôi rồi thì những khó khăn khác có thể từ từ gỡ bỏ.

Ít dịch bệnh

Nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, anh Trung đã nảy sinh sáng kiến tự chủ động bao tiêu sản phẩm cho chính gia đình mình bằng cách mở cửa hàng thịt đà điểu ở tỉnh lộ 87A, đoạn qua xã Tản Lĩnh bán cho các nhà hàng quanh khu du lịch Ba Vì. Vài tháng đầu cửa hàng thưa thớt khách, nhưng càng về sau càng đông. Do thịt đà điểu của gia đình đảm bảo chất lượng tốt, tươi ngon nên rất nhiều người kéo về mua.

Tình thế trở nên "đảo lộn", trại đà điểu của anh Trung không đủ hàng phục vụ kịp nhu cầu của xã hội nữa. Thời điểm năm 2011, ở miền Bắc chỉ có lác đác vài hộ gia đình nuôi đà điểu với số lượng từ 10 con trở xuống nên nguồn hàng rất khan hiếm. Để giữ uy tín làm ăn, anh phải lặn lội vào tận miền Nam “săn” đà điểu để giao đủ số lượng theo đơn đặt hàng khách yêu cầu.

Không thể thụ động chờ nguồn hàng đến với mình, anh Trung quyết định chuyển giao giống và kỹ thuật chăn nuôi đà điểu cho bà con trong vùng để xây dựng nguồn sản phẩm tại chỗ. Anh chia sẻ: “Nuôi đà điểu non rất khó, tỷ lệ rủi ro cực cao, đặc biệt là khả năng chịu lạnh kém nên vào mùa đông, hiện tượng đà điểu non bị chết thường xuyên xảy ra.

“Để hướng tới làm ăn chuyên nghiệp, sắp tới, dự định của tôi là đầu tư máy hút chân không trong khâu đóng gói để có thể giữ được thịt tươi trong thời gian lâu mà vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm. Mặt khác, tôi cũng đang cố gắng liên hệ với nhiều sở, ban ngành để ký thương hiệu cho sản phẩm thịt đà điểu Ba Vì”, anh Trung chia sẻ.

Do đã có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi nên tôi thường nhập con giống 1 ngày tuổi đem về chăm sóc 2 - 3 tháng đầu. Khi đà điểu đạt khoảng 10 - 15 kg, hoàn toàn khỏe mạnh và chống chịu được với mọi điều kiện thời tiết thì sẽ cung cấp cho các trang trại quanh vùng và nhiều tỉnh lân cận như Hải Phòng, Hưng Yên, Việt Trì, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… với giá 2,5 triệu đ/con. Sau khi đà điểu đến thời điểm xuất bán, tôi sẽ nhập hàng trở lại để đảm bảo đầu ra thuận lợi cho người chăn nuôi”.

Theo anh Trung, bản năng giống đà điểu là 70% gia cầm và 30% gia súc. Khi đã đạt trọng lượng từ 15 kg trở lên, khả năng chịu đựng với những biến đổi ngoại cảnh của chúng cực khỏe. Trên thế giới nói chung cũng như ở VN nói riêng, chưa bao giờ có dịch bệnh đại trà đối với đàn đà điểu. Vì thế, với những người chưa có kinh nghiệm chăn nuôi, việc nuôi đại trà các giống gà, lợn rất dễ xảy ra dịch bệnh hàng loạt, dẫn đến khuynh gia bại sản. Nhưng, với con đà điểu thì cầm chắc phần thắng.

Nhờ sự giúp đỡ tận tình của anh Trung, một số hộ dân trong vùng đã đẩy mạnh chăn nuôi đà điểu và vươn lên làm giàu. Điển hình như anh Phùng Quốc Việt (cùng thôn) đang nuôi 80 con, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng; anh Chu Quang Khải (cùng thôn) đang nuôi 20 con.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Tiêu thụ chè trong nước bằng 1/3 lượng xuất khẩu nhưng mang lại giá trị cao hơn

Thực trạng cho thấy, lượng chè tiêu thụ trong nước chỉ bằng 1/3 so với khối lượng chè xuất khẩu, tuy nhiên giá trị tiêu thụ trong nước cao hơn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.