| Hotline: 0983.970.780

Tỷ phú xoài VietGap

Thứ Sáu 27/08/2010 , 11:10 (GMT+7)

Ông Bảo được nhiều người biết đến không chỉ bởi ông là người khai sinh ra HTX Suối Lớn mà HTX này còn là địa chỉ đầu tiên ở Đồng Nai có sản phẩm xoài đạt chứng chỉ VietGap.

Đó là ông Nguyễn Thế Bảo - Chủ nhiệm HTX Suối Lớn (xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). Ông Bảo được nhiều người biết đến không chỉ bởi ông là người khai sinh ra HTX Suối Lớn mà HTX này còn là địa chỉ đầu tiên ở Đồng Nai có sản phẩm xoài đạt chứng chỉ VietGap.

Không riêng ông Bảo, các nông hộ khác trong HTX Suối Lớn đến nay đều đã có bạc tỷ trong tay. Phóng viên NNVN đã tìm về đây nghe ông Bảo kể lại hành trình 10 năm gian nan để có thành quả như hôm nay, hơn 100 hécta xoài của HTX Suối Lớn cho năng suất 35 tấn/hécta, trong đó có 15 hécta đạt chứng chỉ VietGap.

Thành công nhờ kiên trì… học lỏm

Từ TP.HCM vượt gần 150km chúng tôi mới tìm đến được trang trại xoài VietGap của ông Nguyễn Thế Bảo. Thật ngạc nhiên về dinh cơ của một “hai lúa” với căn nhà 2 tầng bề thế. Bên ấm trà nóng, ông kể hành trình đi tới thành công của mình: “Năm 1995 tui cùng hai người anh ruột khăn gói rời vùng quê Hồng Ngự, Đồng Tháp đến xã Xuân Hưng, Xuân Lộc, Đồng Nai lập nghiệp. Khi đó vùng đất này còn hoang vu, chưa có người ở, chưa có điện nước, đường đi còn là một lối mòn rậm rạp. Ba anh em tui dựng tạm một chòi lá để ở và bắt đầu khai hoang trồng đu đủ, bầu. Gần một năm sau bầu có trái, tui về quê đưa hết cả gia đình lên theo. Hồi đó bầu, đu đủ trồng ra không bán được nên cả nhà cứ ngày hai bữa ăn cơm với bầu. Đến bữa ăn nhìn mâm cơm toàn bầu vợ tui tủi thân mà rơi nước mắt…

Một năm sau tui bắt đầu trồng xoài. Nhưng nhiều năm sau đó cây xoài cứ trơ trơ không chịu ra trái. Năm 2000, tình cờ trong một lần sang khu vực La Ngà thăm bạn, tui rất ngạc nhiên khi thấy xoài ở đây cây nào cũng sai trĩu quả. Tui tức tốc trở về thông báo cho bà con biết. Mấy ngày sau, tui cùng 20 người trong xóm góp tiền thuê một chiếc xe 15 chỗ ngồi đi sang La Ngà học hỏi kinh nghiệm trồng xoài. Mất khá nhiều thời gian mà mọi người không học hỏi được gì vì những người trồng xoài ở La Ngà giấu biệt những kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc xoài. Nhưng nhờ sự kiên nhẫn, chịu khó để ý họ làm, cuối cùng tui cũng nắm được một số kỹ thuật chăm sóc cho xoài ra nhiều trái như khoanh vỏ gốc, cắt tỉa hoa, cành, sử dụng các loại thuốc…”.

Có được kiến thức “học lỏm”, ông Bảo truyền đạt lại hết cho mọi người cùng áp dụng. Ông rút ra một bài học để đời là mỗi địa phương có phương pháp, kỹ thuật canh tác khác nhau, nên không thể mang kinh nghiệm ở miền Tây lên áp dụng cho miền Đông được. Kể từ đó, xoài của ông Bảo và bà con trong xóm bắt đầu ra trái ngày một nhiều hơn. Đến nay, những vườn xoài “sinh sau đẻ muộn” của ông Bảo và bà con trong HTX Suối Lớn cho năng suất cao gấp 5 lần xoài của khu vực La Ngà. Suối Lớn hiện có hơn 100 héc-ta xoài, trong đó 90% là xoài bưởi, còn lại là xoài cát Hòa Lộc và cát Chu. HTX Suối Lớn có lợi thế rất lớn là nguồn nước tưới tiêu được cung cấp bởi con suối Lớn hầu như không cạn, khi nguồn nước suối không đủ tưới đã có hồ thủy lợi Gia Ui (xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc) với dung lượng 11 triệu m3 hỗ trợ.

Làm VietGap để XK vào châu Âu

Ông Nguyễn Thế Bảo - người xây dựng xoài VietGap đầu tiên tại VN

Nhờ có uy tín với mọi người nên ông Bảo đã vận động thành lập HTX Suối Lớn (tháng 8/2007) nhằm tìm hướng phát triển bền vững và tìm lối ra ổn định cho sản phẩm. Ông Bảo cho biết, đã nhiều lần bỏ tiền túi để sang Trung Quốc, Trung Đông tìm đối tác, tìm hiểu thị trường. Một thực trạng chung là hầu hết việc mua bán rau củ quả của nông dân hiện nay đều mang tính tự phát, mua bán không có hóa đơn chứng từ.

Bất công nhất là thị trường Trung Quốc, mình chở sang bán, nếu hàng khan họ tranh nhau mua với giá cao, gặp lúc trúng mùa, hàng nhiều họ ép giá, không mua. Nhiều chuyến chở đi rồi chở về bán đổ bán tháo chỉ đủ tiền xăng xe. Bình thường giá xoài Suối Lớn từ 5.000 – 7.000đ/kg, nhưng khi hàng nhiều, bị ép giá thì 2.000 – 3.000đ/kg cũng phải bán. Thấy trước thực trạng này, nên ngay khi thành lập HTX, ông Bảo đã lên kế hoạch phấn đấu lấy chứng chỉ VietGap cho xoài. Sau hơn 2 năm thành lập, tháng 6/2010 vừa qua, HTX Suối Lớn đã được Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 cấp chứng chỉ VietGap cho 15 hécta xoài với kinh phí đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng. Sau khi có chứng chỉ này, xoài Suối Lớn đã được nâng giá bán lên 15.000 đồng/kg và được công ty Rồng Đỏ, một DN xuất khẩu lớn ở TP.HCM nhận bao tiêu sản phẩm.

Hiện nay, ở Việt Nam chỉ duy nhất HTX Suối Lớn có sản phẩm xoài đạt chứng chỉ VietGap từ A đến Z, nghĩa là từ khâu chăm sóc cây đến thu hái, bảo quản, đóng gói, vận chuyển đều phải tuân thủ theo những qui trình nghiêm ngặt. Do không được lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, hơn 70% phân bón hóa học đã được thay thế bằng phân hữu cơ nên trái xoài VietGap nhỏ hơn xoài bình thường từ 10 đến 20 gram, năng suất cũng giảm từ 35 tấn/héc-ta xuống còn khoảng 30 tấn/héc-ta.

Nhưng bù lại trái xoài đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn cho người sử dụng và đầu ra ổn định hơn. Suối Lớn cũng là HTX duy nhất hiện nay có bồn xử lý nhiệt (bồn hấp) cho xoài. Sau vài lần tham khảo chiếc bồn xử lý nhiệt của Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam nhập về với giá hơn 100 triệu đồng, công suất hấp 300 kg xoài/giờ, ông Bảo đã tự mày mò và sáng chế một chiếc máy tương tự nhưng công suất cao gấp 10 lần và giá thành lại chỉ bằng 1/3. Bồn xử lý nhiệt có 3 tác dụng là kích thích cho vỏ trái đẹp hơn, giảm hơn 90% các lại vi nấm trên vỏ và giảm đi 5% nước. Sau khi xử lý nhiệt, lượng nước trong xoài giảm, lượng đường giữ nguyên khiến cho ta có cảm giác trái xoài ngọt hơn khi ăn. Đặc biệt, qua xử lý nhiệt, xoài có thể lưu giữ 3 - 4 tuần mà vẫn đảm bảo độ tươi. Theo ông Bảo, mỗi loại xoài phải có chế độ hấp nhiệt khác nhau, có loại chỉ hấp ở 52oC trong thời gian 5 phút, nhưng có loại phải tăng lên 55oC trong thời gian 7 – 10 phút mới đạt hiệu quả.

Nói về kế hoạch sắp tới, ông Bảo trầm tư: “Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc nhiều xã viên chưa thấy hết lợi ích lâu dài của chứng chỉ VietGap. Họ chỉ thấy năng suất giảm đi, thấy gò bó khi phải tuân thủ sản xuất theo qui trình, rồi phải ghi chép sổ sách... Nhưng chúng tôi cố gắng truyền đạt cho bà con hiểu yếu tố quan trọng nhất để đi đến thành công là biết phát huy sức mạnh của tập thể. Mục tiêu sắp tới của chúng tôi là phấn đấu đạt chứng chỉ VietGap cho hơn 80 hécta xoài còn lại và hoàn thành chương trình xây dựng chứng chỉ GlobalGap để đưa xoài Suối Lớn vào thị trường châu Âu”.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Mùa vàng trên cánh đồng sạ cụm

QUẢNG BÌNH Mô hình gieo sạ lúa bằng máy tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hàm Hòa trong vụ đông xuân 2023 - 2024 với diện tích trên 10ha cho hiệu quả lớn…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm