Ba năm trước, Audi Melsom đã bỏ công việc thiết kế của mình tại MetroTV, một trong những đài truyền hình lớn nhất của Indonesia và chuyển đến Lãnh thổ phía Bắc ở Úc, nhằm làm những công việc vặt và khám phá nước Úc.
Giống như hầu hết những người Indonesia có thị thực Working Holiday Maker của Úc - một chương trình hàng năm cho phép tối đa 5.000 người Indonesia dưới 30 tuổi dành tối đa ba năm ở Úc để làm việc và đi nghỉ - Audi đã làm việc như một công nhân nông trại.
Bây giờ, Canberra đang tung ra một loại thị thực mới được thiết kế để tăng số lượng người nước ngoài làm việc tại các trang trại của Úc. Khi đưa ra các thỏa thuận đối tác về thị thực, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp David Littleproud cho biết chính phủ sẽ “nhắm mục tiêu đến các quốc gia mà chúng tôi đã có thỏa thuận song phương lâu dài - Philippines, Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Hàn Quốc”. Các thành viên khác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean), bao gồm cả Indonesia, cũng có khả năng nằm trong danh sách ưu tiên.
Thị thực Nông nghiệp Úc tìm cách cung cấp một giải pháp dài hạn cho tình trạng thiếu lao động được báo cáo bởi ngành nông nghiệp, vốn chiếm khoảng 3% GDP của Úc.
Thị thực nông nghiệp mới sẽ cho phép lao động nông nghiệp nhập cư làm việc tại Úc trong ba năm, với yêu cầu trở về quê hương của họ trong ba tháng hàng năm. Không giống như thị thực Working Holiday Maker, nếu người lao động nhập cư đồng ý làm việc trong các ngành được chấp thuận sau ba năm, họ cũng có thể nộp đơn xin thường trú.
Tuy nhiên, những người ủng hộ lao động nhập cư nói rằng thị thực có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bóc lột nhân viên tại các trang trại của Úc, chẳng hạn như trả lương thấp, phí ăn ở cắt cổ và các công ty tuyển dụng vô đạo đức. Liên minh Công nhân Úc cũng đồng tình với quan điểm này.
Các nhóm nông dân cho rằng hình ảnh của họ đã bị vấy bẩn bởi hành động của một số ít những người trồng trọt vô đạo đức, nhưng nghiên cứu cho thấy tình trạng bóc lột đang diễn ra phổ biến.
Một báo cáo năm 2020 do các công đoàn và Trung tâm Lao động Di cư biên soạn cho thấy 80% công nhân làm việc trong diện khảo sát đã bị trả lương thấp. Một cuộc điều tra năm 2018 của Công ty Fair Work Ombudsman của Úc cho thấy rằng ½ số doanh nghiệp bị điều tra đã vi phạm luật nơi làm việc, bao gồm lạm dụng mức lương, trả thấp theo giờ và không trả tiền cho thời gian làm việc.
Chỗ ở không đạt tiêu chuẩn là một vấn đề thường được báo cáo khác. Audi cho biết đôi khi anh phải trả tới 150 AUD/tuần cho chỗ ở gần trang trại và lựa chọn duy nhất là những chuồng trại bẩn thỉu, đầy côn trùng với những lỗ thủng trên sàn.
Ở một số trang trại, mối quan hệ của Audi với các ông chủ và người quản lý rất thân thiện. Đối với những người khác, anh ấy mô tả bầu không khí “giống như quân đội”.
Sợ bị bóc lột
Do có lựa chọn công việc tốt hơn, hầu hết người Úc tránh công việc đồng áng. Những người lao động nhập cư hiện chiếm hầu hết lực lượng lao động làm vườn với 130.000 người và ít nhất 1/3 trong số những người lao động nhập cư này là những người có thị thực Working Holiday Maker. Các chương trình khác được quản lý chặt chẽ hơn chỉ dành cho công dân của các quốc đảo Thái Bình Dương, Papua New Guinea và Timor leste.
Liên đoàn Nông dân Quốc gia Úc từ lâu đã tranh luận về sự cần thiết của thị thực nông nghiệp. Theo số liệu khảo sát riêng của liên đoàn nông dân, khoảng 80% nông dân đã gặp "khó khăn đáng kể" trong việc tìm kiếm nhân công.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp cho rằng thị thực chủ yếu nhắm vào các quốc gia châu Á không chỉ do số lượng lớn lao động nhập cư tiềm năng ở các quốc gia này. Trong một báo cáo năm 2018, Joanna Howe, giáo sư tại Đại học Adelaide, đã viết rằng “ưu tiên của người sử dụng lao động đối với các nhóm lao động nhập cư cụ thể ít dựa trên sự thiếu hụt lao động mà dựa trên nhận thức rằng những người lao động này dễ kiểm soát hơn và giá rẻ hơn".
Audi cho rằng công nhân nhập cư châu Á được ưu tiên hơn vì họ có thể được thúc đẩy để đạt được mức năng suất cao hơn so với du khách ba lô châu Âu.
Vẫn chưa rõ chính phủ sẽ quản lý thị thực chặt chẽ như thế nào mặc dù trong thông báo của mình, họ cam kết đảm bảo "mức độ toàn vẹn và các biện pháp bảo vệ cao". Bộ Nông nghiệp, Nước và Môi trường Úc đã không trả lời các câu hỏi tiếp theo.
Chủ tịch Liên đoàn Nông dân Quốc gia Fiona Simson cho biết thị thực mới phải khác với các chương trình lao động thời vụ khác vì “… các chi phí liên quan và yêu cầu cung cấp thời gian làm việc nhiều tháng cho công nhân được cấp thị thực loại này có nghĩa là chúng không phù hợp với hầu hết các trang trại”.
“Điều cần thiết là một thị thực di chuyển linh hoạt hơn để cho phép người lao động đi từ trang trại này sang trang trại khác. Nhiều trang trại gia đình nhỏ hơn không thể cung cấp cho người lao động thời vụ số lượng công việc cần thiết theo những thị thực cụ thể đó và các khoản trả trước”, Simson nói.
Cựu thứ trưởng Bộ Di trú Úc Abul Rizvi, người hiện là nhà tư vấn chính sách tại Canberra, nói rằng “ba bên, gồm ngành nông nghiệp, công đoàn và chính phủ, nên được thành lập để giải quyết các khiếu nại cũng như trao quyền truy tố chủ lao động và các công ty cho thuê lao động vi phạm luật”.
Liên đoàn Nông dân Úc ủng hộ việc thành lập một cơ quan điều phối chịu trách nhiệm đảm bảo cuộc sống của người lao động nhập cư.
Chính phủ Úc đã nói rằng thiết kế thị thực "sẽ phụ thuộc vào các cuộc đàm phán với các quốc gia đối tác", vì vậy chính phủ của các quốc gia này cũng có thể đóng một vai trò trong việc đảm bảo rằng các biện pháp bảo vệ người lao động hiệu quả được xây dựng trong chương trình.