| Hotline: 0983.970.780

Ùn tắc kỷ lục ở cửa khẩu Lạng Sơn: Kẻ khóc, người cười

Thứ Sáu 17/12/2021 , 06:05 (GMT+7)

Ánh mắt của tài xế đường dài tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn như tương đồng với nỗi buồn của nhiều nông dân. Chỉ có số ít lái buôn nở nụ cười mãn nguyện.

Hàng ngàn xe container đang nằm chờ tại bãi phi thuế quan trước khi vào bãi xe Bảo Nguyên ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: Tùng Đinh.

Hàng ngàn xe container đang nằm chờ tại bãi phi thuế quan trước khi vào bãi xe Bảo Nguyên ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: Tùng Đinh.

Không biết đến bao giờ

“Xả cửa, xả cửa”, tài xế Đại, người Bình Định, đập tay uỳnh uỳnh vào cabin xe tài xế Trí, người Khánh Hòa, đỗ ngay cạnh tại bến xe Tân Thanh, chuyên dành cho xe hàng. Cứ mỗi ngày một lần, cánh tài xế “xe lạnh” (container có gắn máy lạnh bảo quản hoa quả) lại phải “xả cửa”, tức mở toang cửa container cho không khí mới tràn vào.

“Nếu không làm thế, chạy hoài máy lạnh thì không khí trong thùng hàng sẽ bị quẩn, trái cây chín sớm. Ngày nào tụi tui cũng phải mở cửa ít nhất một lần. Làm đúng cách thì trái cây như thanh long sẽ trụ được 20 ngày không lo hỏng”, Đại nói.

Trong lúc chờ “xả cửa”, Trí và Đại cùng 2 tài phụ chia nhau đun nước, làm mỳ tôm, pha trà. Một chiếc bếp gas mini dã chiến đủ phục vụ cho cả 4 người.

Tài xế đường dài chìa tập kết quả xét nghiệm Covid-19 của mình trong chuyến xe vừa rồi với tần suất 3 ngày xét nghiệm 1 lần. Ảnh: Tùng Đinh.

Tài xế đường dài chìa tập kết quả xét nghiệm Covid-19 của mình trong chuyến xe vừa rồi với tần suất 3 ngày xét nghiệm 1 lần. Ảnh: Tùng Đinh.

12 năm cầm vô lăng từ Nam ra Bắc, đây là lần đầu nhóm tài xế trải qua cảnh ùn tắc lịch sử. 10 ngày nay, họ vẫn đang ngóng chờ điện thoại chủ xe và chủ hàng thông báo đánh xe ra giao cho tài xế chuyên trách. Trước đó nữa, họ đã có 7 ngày tại khu vực phi thuế quan (cánh tài xế quen gọi là bãi đất) đang được Lạng Sơn tận dụng làm nơi cho tài xế chờ vào bến. Tính ra, đã 17 ngày 4 tài xế này ăn chực nằm chờ ở Lạng Sơn.

Cánh tài xế đường dài thường tập trung thành nhóm 3-4 người, thường là ở cùng tỉnh, hoặc sát nhau, như nhóm Quảng Nam - Quảng Ngãi, nhóm Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa. Có lẽ do đặc điểm địa lý, do cùng chủ xe, hoặc đơn giản do cùng giọng nói, phương ngữ.

Chi phí ăn ở, bến bãi, tính ra cũng “ở mức chịu được”, theo lời cánh tài xế.

Khi ở bãi đất, mỗi ngày họ phải trả 80.000đ/xe. Phí ban ngày là 45.000đ, ban đêm 35.000đ. Vào đến bến xe Tân Thanh, tiền bến mỗi ngày 400.000đ, song bù lại có đầy đủ khu vực ăn uống, tắm giặt.

Khoảng 4.500 xe ách tắc tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Khoảng 4.500 xe ách tắc tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Mấy tài xế vẫn bảo nhau, vào được bến là thấy đường về nhà ngắn lại, ăn ở cũng sướng hơn. Ít ra, mỗi ngày họ không phải trả 20.000đ cho bình nước 20l mà người dân gần bãi đất đem tới bán. Nước nôi thiếu thốn, chuyện tắm giặt, vệ sinh cũng không đơn giản.

Lượng xe quá đông, khiến Lạng Sơn phải phân luồng từ cách bến vài cây số. Không chỉ tại khu vực bãi đất, mà ngay trên quốc lộ 1A, cũng có những bãi đang còn đến cả nghìn xe container nằm vật vờ chờ ngày vào bến.

Nhưng tuần vừa rồi, hàng trăm tài xế bắt đầu không giấu được vẻ chán nản. Họ vẫn đang chờ, và không biết còn chờ đến bao giờ để được trả hàng.

“Ba ơi con muốn mua áo mới”

Chiếc smartphone hiệu Trung Quốc trên tay Trí nhấp nháy sáng, báo cuộc gọi tới. Thấy con gái lớn gọi, Trí mừng rỡ bật chế độ gọi video. "Ba ơi con muốn mua áo mới, nhà trường báo chuẩn bị có thể được đi học. Áo con cũ hết rồi", cô con gái 12 tuổi của Trí gọi, giọng đầy mong chờ, dù ánh mắt không giấu nổi nét ngại ngần.

"Ít bữa nữa về ba mua, con nói má sang nhà ông bà vay tạm đi”, Trí đáp. Sau vài câu thăm hỏi, cuộc gọi ngắt. 4 người đàn ông đột ngột im lặng bên bàn trà. Người đưa mắt ngóng hàng dài cả nghìn chiếc trong bến, người cúi đầu nhìn xuống đôi giày cũ nát. Cái lạnh 9 độ C, sương muối, gió núi, như đè nặng lên vai Trí. Người đàn ông trạc tứ tuần bần thần bật rồi lại tắt màn hình smartphone, trên đó có hình nền vợ con. Đại thở dài, vỗ vai Trí rồi cũng im lặng lên cabin.

Ùn tắc lâu ngày, cánh tài xế đường dài nhiều khi phải ăn ở ngay trên cabin. Ảnh: Tùng Đinh.

Ùn tắc lâu ngày, cánh tài xế đường dài nhiều khi phải ăn ở ngay trên cabin. Ảnh: Tùng Đinh.

Tài xế gốc Khánh Hòa thi thoảng siết chặt điện thoại trong vô thức. Chiếc smartphone màn hình hơn 5 inches, trở nên bé xíu trong những ngón tay thô bè, nứt nẻ vì quanh năm đánh vật với vô lăng.

Đôi bàn tay của tài xế đường dài thường như thế. Nhiều vết nứt ngang dọc. Móng tay, kẽ tay đen sạm vì dầu máy, bụi bặm.

Nếu là những năm trước Covid-19, một xe container đi từ Bình Thuận bốc hàng, ra Lạng Sơn trả hàng, rồi quay lại bốc hàng tiếp, sẽ mất từ 12-15 ngày. Tính chi ly, đi từ Bình Thuận ra Lạng Sơn hết 50 tiếng. Thời gian còn lại là đợi bốc, trả hàng. Thời điểm “ngon ăn” nhất là từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch, đúng vụ trái cây trong Nam như thanh long, xoài... Giới tài xế lâu năm cho biết vào giai đoạn đó, trung bình mỗi 2 tháng họ chạy được 5 chuyến, mỗi chuyến tiền công 6 triệu.

Còn bây giờ, cả tháng mới được một chuyến. Nỗi lo kia của Trí, sớm muộn cũng sẽ lan sang Đại và những tài xế khác.

Nông dân chịu thiệt

Đêm buông xuống. Trí vẫn im lặng, ít nói từ sáng. Đại mở lòng hơn, bảo: “Xưa còn có vụ bài bạc, thi thoảng anh em cũng len lén bảo vệ bến xe đi vắng, giải trí xíu. Giờ muốn cũng chẳng có tiền mà chơi”.

Được nấu ăn ngay cạnh, đã là bước du di của ban quản lý bến xe. Đại nói những lúc cuối ngày, anh hay tài xế khác thường sẽ nhớ nhà. “Mấy bữa trước, tụi tui lấy thanh long trong Bình Thuận, được có mười mấy ngàn mỗi ký. Giờ còn xuống nữa. Riết thế này rồi chỉ còn vài ngàn một ký”, Đại buông tiếng thở dài.

Theo lời Đại, ùn tắc ở biên giới khiến giá cước tăng, tốn kém chi phí dầu máy, bến bãi, xét nghiệm... nên giá nông sản chỉ có đi xuống. Vì chi phí này, chủ hàng buộc phải tăng giá bán, mà cũng chỉ tăng được “đến mức của nó”, tăng thêm không ai mua. Chuyện luẩn quẩn này khiến thương lái chỉ thu mua với giá thấp. Nông dân không bán không được, còn hơn mất trắng.

Ùn tắc dài ngày nên các xe container lạnh phải xả cửa, kiểm tra hàng hóa mỗi ngày. Muốn kiểm tra, tài xế phải cầm đèn pin, chui vào các khe hở của thùng hàng để chui vào sâu bên trong container. Ảnh: Tùng Đinh.

Ùn tắc dài ngày nên các xe container lạnh phải xả cửa, kiểm tra hàng hóa mỗi ngày. Muốn kiểm tra, tài xế phải cầm đèn pin, chui vào các khe hở của thùng hàng để chui vào sâu bên trong container. Ảnh: Tùng Đinh.

Một doanh nghiệp xuất khẩu thanh long của Việt Nam, và một doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc, xác nhận với Báo Nông nghiệp Việt Nam về việc này. “Thị trường là thế”, họ trả lời.

Từ đầu tháng tới ngày 14/12, giá cước xe container 25 tấn từ Bình Thuận ra Lạng Sơn là 82 triệu. Từ ngày 15 tới nay, giá cước đã lên 100 triệu, thậm chí 120 triệu.

“Vậy mà cũng không có xe đâu. Bởi xe đang nằm chờ ở đây hết, chủ xe cũng muốn chạy để gỡ tiền lắm mà không biết sao”, Đại nói.

Tài xế này bảo anh biết chắc chắn có những chủ hàng đợt vừa rồi lãi tới 200 triệu với mỗi container xuất qua biên giới. “Ông cậu tui cũng làm thanh long, bọn tui biết chứ. Nhưng việc buôn bán nhiều cái lắt léo, mình cũng ham mà không có sức. Tài xế lương vẫn vậy, tạm chịu được, có nông dân là cực nhất”.

Có người cười, ắt có kẻ khóc. Chuyện hàng phải “xả bãi”, tức bán giá rẻ mong cắt lỗ, đã không còn là chuyện hiếm ở Lạng Sơn những ngày qua. Nhiều chủ xe chở mít đã phải “xả bãi” với giá 60-100 triệu mỗi container, mong gỡ gạc được tiền cước, còn tiền mua hàng chấp nhận mất trắng.

Xe container mít bị hư hỏng phải đổ bỏ do ùn tắc lâu ngày.

Ngày 14/12, truyền thông Trung Quốc cho biết chính quyền thành phố Bằng Tường đã có cuộc gặp với chính quyền tỉnh Lạng Sơn. Dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc là ông Lăng Tinh Cao, Ủy viên thường vụ thành phố Bằng Tường, Phó chủ nhiệm Ủy ban quản lý khu kinh tế tự do thử nghiệm Sùng Tả.

Trong cuộc gặp, hai bên đã trao đổi thông tin về tình hình Covid-19, bàn bạc phương hướng nâng cao năng lực thông quan tại cửa khẩu. Phía Việt Nam đề nghị Trung Quốc kéo dài thời gian thông quan, khôi phục lại phương thức thông quan trước kia để đạt mức 800 xe/ngày tại hữu Nghị Quan, còn tại Tân Thanh là 400 xe/ngày. Phái đoàn Trung Quốc cho biết đã ghi nhận ý kiến của phía Việt Nam và báo cáo lên cấp cao hơn.

Trung Quốc cũng kiến nghị doanh nghiệp hai nước tăng cường trao đổi thông tin về lượng xe, lượng hàng, tình hình kho bãi; đề nghị tài xế chuyên trách Việt Nam khẩn trương đưa các xe hàng đã giao trả xong còn đang tồn tại bến xe phía Trung Quốc.

Bên lề cuộc gặp, một doanh nghiệp thạo tin tại Trung Quốc, nhiều năm nhập nông sản Việt Nam, cho biết: “Sắp tới, tình hình khó cải thiện trong thời gian ngắn bởi Trung Quốc đang siết chặt việc kiểm dịch hàng hóa và tài xế. Thậm chí tài xế Trung Quốc cũng phải test Covid-19 mỗi ngày. Việc tăng cường xét nghiệm, kiểm dịch khiến hàng hóa lưu chuyển chậm hơn. Về giá cả, khó có đột biến”.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất