| Hotline: 0983.970.780

Thái Bình hai lần điều chỉnh quy mô Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước

Thứ Bảy 19/08/2023 , 09:20 (GMT+7)

Đây không phải lần đầu Thái Bình điều chỉnh diện tích Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước. Trước đó, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy cũng giảm diện tích.

Thái Bình xác lập diện tích rừng đặc dụng tại 3 xã ven biển huyện Tiền Hải với diện tích 1.320ha. Ảnh: Kiên Trung.

Thái Bình xác lập diện tích rừng đặc dụng tại 3 xã ven biển huyện Tiền Hải với diện tích 1.320ha. Ảnh: Kiên Trung.

Giảm 11.000ha hay 357ha?

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đưa tin, tỉnh Thái Bình vừa ban hành Quyết định 731 xác lập diện tích rừng đặc dụng tại ba xã Nam Hưng - Nam Thịnh - Nam Phú của huyện Tiền Hải với quy mô 1.320ha, gồm 632ha đất rừng ngập mặn; 688ha đất chưa có rừng.

Trước đó, ngày 26/9/2014, cũng UBND tỉnh Thái Bình có quyết định 2159 phê duyệt đề án và xác lập khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Quyết định này xác lập quy mô khu bảo tồn là 12.500ha, gồm 1.430ha rừng, 11.050ha đất ngập nước và bãi bồi.

Bài liên quan

Quyết định 2159 cũng xác lập vị trí của khu bảo tồn nằm ở tả ngạn cửa Ba Lạt thuộc huyện Tiền Hải, ranh giới phía Tây giáp đê thuộc các xã Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh. Phía Nam Khu bảo tồn là sông Hồng, phía Đông là dải cồn cát cao Cồn Vành, Cồn Thủ từ cửa Ba Lạt đến cửa Lân, tiếp giáp với biển.

Như vậy, Quyết định 731 do Phó Chủ tịch tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn ký ban hành là thay thế và hủy bỏ Quyết định 2159 do người đồng cấp Phạm Văn Ca ký phê duyệt 9 năm trước đây. Điều đó đồng nghĩa với việc, khu Bảo tồn thiên nhiên đất  ngập nước Tiền Hải không còn tồn tại trên thực tế, vì hiện tại chỉ còn duy nhất quy mô rừng đặc dụng với diện tích 1.320ha.

Cho rằng việc điều chuyển quy mô rừng ngập mặn là thực hiện theo Quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2019, và việc điều chỉnh quy mô rừng ngập mặn là phù hợp với quy hoạch rừng, Thái Bình cho biết không có việc “xóa sổ” rừng ngập mặn.

Các hoạt động nuôi trồng thủy sản tại khu vực này được cho biết kém sôi động do từ năm 2014 đến nay đã chấm dứt việc cho thuê đầm bãi nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Kiên Trung.

Các hoạt động nuôi trồng thủy sản tại khu vực này được cho biết kém sôi động do từ năm 2014 đến nay đã chấm dứt việc cho thuê đầm bãi nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Kiên Trung.

Trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất Thái Bình đang công khai, khu vực này được thể hiện bằng khoảng sẫm xanh có tên “rừng ngập mặn” nằm phía ngoài đê biển, kẹp hai bên là hai khu đô thị du lịch có tên Cồn Vành (mạn cửa Ba Lạt, sông Hồng) và Khu đô thị du lịch Cồn Thủ (tiếp giám với cửa Lân).

Việc công bố quyết định xác lập quy mô rừng đặc dụng tại huyện Tiền Hải đang khiến dư luận hiểu rằng, Thái Bình xóa sổ khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước, đưa hơn 11.000ha đất ngập nước, bãi bồi, đất không có rừng để chuyển đổi mục đích sử dụng.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải thông tin với Báo Nông nghiệp Việt Nam, “việc này đã chỉ đạo UBND tỉnh có thông tin chính thức”, đồng thời Bí thư tỉnh Thái Bình cũng nêu đích danh Phó chủ tịch tỉnh Lại Văn Hoàn phụ trách nội dung này. Trước khi đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Hoàn từng là Bí thư Huyện ủy Tiền Hải. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ với ông Lại Văn Hoàn thì không nhận được sự phản hồi.

Người dân làm bè nuôi hàu tại khu vực mặt nước cửa Ba Lạt, xã Nam Phú, huyện Tiền Hải. Ảnh: Kiên Trung.

Người dân làm bè nuôi hàu tại khu vực mặt nước cửa Ba Lạt, xã Nam Phú, huyện Tiền Hải. Ảnh: Kiên Trung.

Ngày 13/3/2023, UBND tỉnh Thái Bình (vẫn do Phó Chủ tịch Lại Văn Hoàn) ký Quyết định số 484 về công bố hiện trạng rừng tỉnh Thái Bình năm 2022. Khu vực 3 xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh của huyện Tiền Hải có diện tích đất rừng trong quy hoạch lâm nghiệp là 989,37ha, còn lại là đất chưa có rừng, gồm sông, lạch, đầm nuôi thủy sản, cồn cát và vùng biển nước sâu.

Như vậy, chiếu theo Quyết định 731, khoảng hơn 357ha rừng có nguy cơ bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Quyết định 731 cũng không nêu, sau khi đưa hơn 11.000ha ra khỏi Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, khu bảo tồn này có tiếp tục tồn tại hay sẽ xóa sổ trên giấy?

Hai lần điều chỉnh quy mô diện tích khu bảo tồn đất ngập nước

Việc điều chỉnh quy mô Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải không phải là lần đầu tiên. Trước đó, Thái Bình cũng đã điều chỉnh quy mô diện tích Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy để phù hợp với quy hoạch kinh tế.

Đầm bãi nuôi trồng thủy sản tại xã Nam Phú... thời điểm hiện tại đang để không trước thông tin chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Ảnh: Kiên Trung.

Đầm bãi nuôi trồng thủy sản tại xã Nam Phú... thời điểm hiện tại đang để không trước thông tin chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Ảnh: Kiên Trung.

Từ năm 2016, Dự án “Bảo tồn các khu ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết” chính thức triển khai tại Thái Bình. Năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy. Ngày 7/5/2018, Chính phủ có Nghị quyết số 34/NQ-CP về điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Thái Bình, trong đó có đưa diện tích Khu bảo tồn đất ngập nước huyện Thái Thụy và huyện Tiền Hải vào trong nội dung điều chỉnh Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020), với tổng diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học là 25.600 ha (trong đó Khu bảo tồn Thái Thụy: 13.100 ha, Khu bảo tồn Tiền Hải: 12.500 ha).

Ngày 7/11/2018, UBND tỉnh Thái Bình đã làm việc với Đoàn công tác thuộc Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đại diện 3 bên đã thống nhất chủ trương thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy đảm bảo không chồng lấn với Khu kinh tế Thái Bình, tách biệt 3 khu công nghiệp ven biển (Thụy Trường, Xuân Hải, Thái Thượng) đã được UBND tỉnh xem xét đưa vào trong quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển Tiền Hải. 

Khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển Tiền Hải. 

Năm 2019, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy được điều chỉnh diện tích xuống còn 6.560 ha để không chồng lấn với Khu kinh tế Thái Bình. Ngày 6/9/2019, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 2514/QĐ-UBND về việc thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy, với tổng diện tích 6.560 ha.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình Đinh Vĩnh Thụy cho biết, hơn 11.000ha vừa đưa ra khỏi quy hoạch hầu hết là đất chưa có rừng, gồm bãi bồi, đất ngập nước, trong đó có nhiều khu vực người dân thuê đất nuôi trồng thủy sản, đã chấm dứt hợp đồng từ năm 2014.

Khẳng định Thái Bình luôn đặt vấn đề bảo vệ môi trường, đặc biệt là rừng ngập mặn, rừng chắn sóng lên hàng đầu, “nếu dự án nào mà xâm hại lên đất rừng thì đều buộc phải trồng mới, thay thế", ông Thụy nói.

Bè nuôi hàu tại Tiền Hải, Thái Bình.

Bè nuôi hàu tại Tiền Hải, Thái Bình.

Khu vực điều chỉnh sẽ được phục vụ làm dự án sân golf, khu đô thị du lịch ven biển Cồn Vành, Cồn Thủ. Ảnh: Kiên Trung.

Khu vực điều chỉnh sẽ được phục vụ làm dự án sân golf, khu đô thị du lịch ven biển Cồn Vành, Cồn Thủ. Ảnh: Kiên Trung.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình cũng cho biết thêm, kế hoạch trồng mới, mở rộng rừng ngập mặn trong thời gian tới là 1.000ha. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi, quỹ đất để trồng mới này thuộc khu vực nào, khi diện tích đất ngập nước tại Tiền Hải, Thái Thụy đều đã được quy hoạch cho các dự án kinh tế hướng biển…, ông Thụy cho hay, “sẽ trồng trên những khu vực đất quy hoạch lâm nghiệp chưa có rừng”.

“Thái Bình có truyền thống quai đê lấn biển. Các khu ven biển Tiền Hải, Thái Thụy, đặc biệt là Tiền Hải đều là công sức của bao thế hệ quai đê lấn biển mà có.

Cồn Vành được Thái Bình quy hoạch làm khu đô thị du lịch biển. Ảnh: Kiên Trung. 

Cồn Vành được Thái Bình quy hoạch làm khu đô thị du lịch biển. Ảnh: Kiên Trung. 

Quy hoạch về rừng đặc dụng vừa được phê duyệt, diện tích rừng vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt chứ không bị mất đi. Sau này theo thời gian, các vùng bãi bồi sẽ tiếp tục hình thành, lúc đó sẽ tiếp tục trồng mới, mở rộng rừng ngập mặn ra các khu vực bãi bồi mới.

Cách thức lẫn biển thuận theo tự nhiên, đó là bãi bồi mở ra đến đâu, trồng rừng tự nhiên đến đó. Rừng giữ đất, sau đó mở rộng đê giữ đất mới, tiếp tục như thế mà hình thành cả vùng sinh thái mới” – ông Thụy giải thích.

Về tính đa dạng sinh học của Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, ông Thụy cho biết, “rất nghèo nếu như nói là không có gì”.

Thực tế, dư địa để trồng rừng ngập mặn mới tại Thái Bình không còn nhiều do đã quy hoạch các dự án khu kinh tế biển của Thái Bình. Việc trồng mới theo kế hoạch chỉ là tăng thêm độ phủ của rừng ngập mặn tại những khu vực rừng nghèo, rừng chưa thành rừng…

“Mấy năm gần đây, do biến đổi khí hậu, do sự thay đổi dòng chảy của các lưu vực sông, lượng phù sa đổ ra biển tại cửa Lân, cửa Ba Lạt giảm nên việc bồi lắng, hình thành các bãi bồi ven biển Tiền Hải đã giảm, không như trước đây.

Người dân các xã ven biển canh tác nuôi trồng thủy sản khiến chim di trú, chim di cư… không còn về đậu. Mấy năm trước còn có cò mỏ thìa về cư trú, bây giờ không còn mấy”.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở NN-PTNT tự tin: Thái Bình bảo tồn và bảo tồn nghiêm ngặt các hệ sinh thái rừng. Tại Thái Thụy, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước có diện tích trên 6.500ha, không ai dám động tới dù chỉ một cái cây.

Ngày 10/3/2020, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 728 về việc thành lập Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Bình trên cơ sở kiện toàn BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải trực thuộc Sở NN-PTNT.

BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Bình được giao quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải và Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy. Trụ sở làm việc của BQL này được đặt tại Hạt kiểm lâm Thái Thụy.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.