| Hotline: 0983.970.780

Ứng dụng công nghệ nâng cao năng lực nuôi tôm nước lợ: [Bài 2] Thiếu chuỗi liên kết

Thứ Ba 20/09/2022 , 19:57 (GMT+7)

Hiện nghề nuôi tôm ở Nam Trung bộ hầu hết là nuôi tự phát, mạnh ai nấy làm, chưa địa phương nào hình thành được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.

Người nuôi tôm Bình Định thu hoạch tôm xong tự liên hệ thương lái đến mua. Ảnh: V.Đ.T.

Người nuôi tôm Bình Định thu hoạch tôm xong tự liên hệ thương lái đến mua. Ảnh: V.Đ.T.

Người nuôi tôm tự lo

Theo ghi nhận chúng tôi, tại các vùng nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện chưa có mô hình liên kết từ con giống, vật tư thủy sản đầu vào đến cơ sở nuôi và đơn vị chế biến.

Bà Nguyễn Thị Toàn Thư, phụ trách phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Khánh Hòa) xác nhận thông tin trên và cho biết, trong năm 2020, triển khai thực hiện Quyết định số 3961 của UBND tỉnh Khánh Hòa về phê duyệt Kế hoạch triển khai nhân rộng các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn theo VietGAP giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh.

Địa phương này đã xây dựng được chuỗi cung cấp thủy sản nuôi an toàn trên địa bàn huyện Vạn Ninh đối với Tổ hội nghề nghiệp nuôi tôm thẻ chân trắng xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh). Tuy nhiên, đây chỉ là chuỗi từ cơ sở nuôi đến đơn vị thu mua; chưa phải là chuỗi liên kết từ con giống, vật tư thủy sản đầu vào đến cơ sở nuôi và đơn vị chế biến.

Theo bà Thư, hiện các vùng nuôi tôm nước lợ trên địa bàn chưa có mô hình liên kết chuỗi nào do nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là các vùng nuôi tôm trong tỉnh có quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, chưa hình thành được vùng nguyên liệu tập trung. Việc thả giống tôm còn mang tính chất cá nhân, chưa đồng loạt theo mùa vụ, chưa tạo ra được sản lượng lớn để cung cấp cho các nhà máy chế biến thủy sản. Do đó, chưa thu hút được các thành phần trong chuỗi liên kết tham gia.

Người nuôi tôm tại các tỉnh Nam Trung bộ rất cần các chuỗi liên kết. Ảnh: Đ.T.

Người nuôi tôm tại các tỉnh Nam Trung bộ rất cần các chuỗi liên kết. Ảnh: Đ.T.

Thứ đến là các doanh nghiệp về sản xuất giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản uy tín được người nuôi tín nhiệm thường ít chịu tham gia vào chuỗi liên kết. Bởi tại hầu hết các vùng nuôi họ đều có các đại lý đảm nhận. Ngoài ra, các đại lý này cũng chính là đơn vị thu mua, nguồn nguyên liệu đảm bảo về số lượng theo yêu cầu của nhà máy chế biến thủy sản. Đây là nhân tố quan trọng trong chuỗi sản xuất tôm nước lợ hiện nay.

Bên cạnh đó việc ghi chép hồ sơ đảm bảo công tác truy xuất nguồn gốc tại các cơ sở nuôi tôm nhỏ lẻ còn hạn chế, quy trình nuôi chưa đảm bảo được yêu cầu về an toàn sinh học nên chưa đáp ứng yêu cầu của nhà máy chế biến thủy sản, đó cũng là nguyên nhân khiến Khánh Hòa chưa hình thành được chuỗi liên kết.

Một nguyên nhân nữa không thể không nhắc đến là việc tuân thủ của người nuôi trong các hợp đồng liên kết chưa cao, khi tôm có giá tăng cao hơn trong hợp đồng thì người nuôi sẵn sàng hủy hợp đồng để bán được giá cao hơn. Do đó, một số công ty chế biến thủy sản đã tự xây dựng vùng nguyên liệu để phục vụ cho nhu cầu của họ nên việc hình thành các chuỗi liên kết trong nuôi tôm nước lợ tại địa phương còn nhiều khó khăn.

Cũng theo bà Thư, việc phát triển liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp và các hợp tác xã, tổ hợp tác để từng bước hình thành liên kết vùng giúp cho các cơ sở nuôi có thể nhỏ lẻ, nhưng không manh mún, từng bước hợp tác để sản xuất đạt hiệu quả.

Người nuôi tôm Khánh Hòa bán tôm cho thương lái. Ảnh: K.S.

Người nuôi tôm Khánh Hòa bán tôm cho thương lái. Ảnh: K.S.

Khi tham gia chuỗi liên kết sẽ giúp người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh giảm được giá thành sản xuất và kiểm soát được chất lượng đầu vào, đảm bảo đầu ra ổn định trước những biến động của tình hình dịch bệnh và nhu cầu thị trường. Đồng thời, liên kết chuỗi khuyến khích người nuôi tôm có phương án sản xuất cụ thể, chọn lựa mô hình nuôi phù hợp, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật nuôi tôm, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch... nhằm hạn chế những rủi ro, thất thoát trong sản xuất mang lại hiệu quả bền vững cho người nuôi.

Cần thiết hình thành chuỗi liên kết

Bình Định, tình hình nuôi tôm nước lợ cũng chẳng khác Khánh Hòa, rất thiếu vắng chuỗi liên kết. Đến vụ, nghe ngóng lịch thời vụ do Sở NN-PTNT ban hành, người nuôi tôm tự mua giống thả nuôi. Thức ăn nuôi tôm thì mua nợ các đại lý, đến vụ thu hoạch mới trả. Đầu ra thì mạnh ai nấy tìm bạn hàng là thương lái chuyên thu mua tôm ở thành phố Quy Nhơn để bán tôm, giá cả tùy thương lái quyết định, phần thiệt thòi luôn nghiêng về phía người nuôi.

Hiện nay vùng nuôi tôm an toàn sinh học ở thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, Bình Định) tuy chưa hình thành chuỗi liên kết, nhưng đã có chút “hơi hướng” cộng đồng. Vùng nuôi tôm Đông Điền thành lập Ban quản lý cộng đồng nuôi tôm quản lý 25 ha diện tích nuôi tôm với 5 tổ quản lý gồm 45 thành viên.

Người nuôi tôm Khánh Hòa kiểm tra tôm nuôi. Ảnh: K.S.

Người nuôi tôm Khánh Hòa kiểm tra tôm nuôi. Ảnh: K.S.

Trước khi bước vào vụ nuôi, Ban quản lý họp tất cả thành viên thống nhất thời điểm thả giống, thống nhất mua tôm giống tại 1 cơ sở sản xuất tôm giống uy tín, thống nhất loại thức ăn cho tôm và mua đồng loạt 1 loại thức ăn ấy. Tuy nhiên, khi thu hoạch thì các chủ hồ tôm tự tìm bạn hàng để bán tôm, chưa hình thành được mối liên kết tiêu thụ.

Nhận thấy cần thiết phải hình thành chuỗi liên kết để nghề nuôi tôm nước lợ từng bước đi theo hướng bền vững, tăng thu nhập cho người nuôi, Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước dựa trên cái “nền cộng đồng” đã sẵn có của vùng nuôi tôm an toàn sinh học Đông Điền để lên kế hoạch thành lập HTX Nuôi tôm an toàn sinh học.

“Chúng tôi đã có định hướng xây dựng vùng nuôi tôm Đông Điền thành HTX Nuôi tôm an toàn sinh học. Theo đó, sẽ hình thành mối liên kết giữa HTX với 1 doanh nghiệp ở miền Nam chuyên cung ứng thức ăn và thuốc thú y cho tôm phù hợp với hướng nuôi an toàn sinh học. Đồng thời, đơn vị này bao tiêu sản phẩm cho người nuôi tôm ở Đông Điền.

Phòng NN-PTNT huyện đã làm việc với UBND xã Phước Thắng, đề nghị chính quyền xã làm việc cụ thể với doanh nghiệp để nhanh chóng hình thành mối liên kết này. Nếu mô hình này hoạt động hiệu quả thì sẽ nhân rộng ra nhiều vùng nuôi tôm khác”, ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước cho biết.

“Chủ doanh nghiệp mà chính quyền đang kết nối là người Bình Định vào miền Nam làm ăn và mở doanh nghiệp chuyên cung ứng thức ăn và thuốc thú y thủy sản đồng thời thu mua sản phẩm cho người nuôi tôm.

Nghe ở Phước Thắng có vùng nuôi tôm Đông Điền đang nuôi theo hướng an toàn sinh học, mấy năm nay chủ doanh nghiệp này liên tục về làm việc với UBND xã về việc hình thành chuỗi liên kết, nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên chưa tiến hành được. Tháng 10/2022 chủ doanh nghiệp nói trên sẽ về lại Phước Thắng để tiếp tục bàn bạc vấn đề này”, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, Bình Định), chia sẻ.

Xem thêm
Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất