| Hotline: 0983.970.780

Ứng dụng công nghệ nâng cao năng lực nuôi tôm nước lợ: [Bài 1] Con giống quyết định thành bại

Thứ Hai 19/09/2022 , 15:28 (GMT+7)

Trong nuôi tôm nước lợ, ngoài yếu tố nguồn nước, quy trình chăm sóc, con giống cũng quyết định cho thành bại, bởi con giống tốt sẽ kháng được bệnh trong quá trình nuôi.

Giống sạch bệnh bảo đảm thắng lợi

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, trong nuôi tôm nước lợ, nếu người nuôi lựa chọn con giống sạch bệnh thì trong quá trình nuôi con tôm sẽ ít có nguy cơ bị bệnh.

Bệnh tôm thường lây theo 2 chiều, một là lây theo chiều dọc lây từ mẹ sang con, hai là lây nhiễm từ môi trường. Nếu sử dụng con giống sạch thì người nuôi đã loại trừ được chiều lây từ mẹ sang con, khi thả nuôi.

“Trong nuôi tôm, nếu người nuôi sử dụng giống sạch đã loại trừ được 30% nguy cơ bị dịch bệnh, đó là chưa kể con giống sạch còn cho năng suất cao, người nuôi có lãi nhiều hơn”, bà Lan chia sẻ.

Ngoài yếu tố nguồn nước, quy trình chăm sóc, con giống cũng quyết định cho thành bại trong nuôi tôm nước lợ. Ảnh: V.Đ.T.

Ngoài yếu tố nguồn nước, quy trình chăm sóc, con giống cũng quyết định cho thành bại trong nuôi tôm nước lợ. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, hàng năm, trước khi bước vào vụ nuôi, đối với các hộ nuôi mua tôm giống ở ngoài tỉnh cần phải có giấy kiểm dịch của cơ quan quản lý; ai mua tôm giống sản xuất trong tỉnh thì cần có giấy kiểm tra, xét nghiệm của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh.

Theo chỉ đạo của Sở NN-PTNTT Bình Định, Chi cục Thủy sản tỉnh này tăng cường thực hiện cấp, cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực cho tổ chức, cá nhân; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản...

Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, hiện nay trên địa bàn tỉnh này có khoảng có 16 cơ sở sản xuất, ương nuôi giống tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Trong đó, có 14 cơ sở sản xuất quy mô nhỏ với công suất khoảng 5 triệu con/năm/cơ sở và 2 cơ sở chuyên sản xuất giống tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao, có vốn đầu tư nước ngoài với quy mô lớn với công suất khoảng 4-5 tỷ con/năm/cơ sở.

Trong thời tiết nắng nóng cao độ, người nuôi cần bổ sung vào nguồn nước nuôi vitamin C và vitamin tổng hợp để tôm nuôi khỏi bị stress, kháng được bệnh môi trường. Ảnh: V.Đ.T.

Trong thời tiết nắng nóng cao độ, người nuôi cần bổ sung vào nguồn nước nuôi vitamin C và vitamin tổng hợp để tôm nuôi khỏi bị stress, kháng được bệnh môi trường. Ảnh: V.Đ.T.

Để đảm bảo chất lượng giống tôm thẻ chân trắng, phục vụ nhu cầu cho nuôi thương phẩm, Sở NN-PTNT Bình Định đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra, giám sát và theo dõi số lượng tôm thẻ chân trắng bố mẹ nhập và thải bỏ sau chu kỳ sản xuất của các cơ sở.

“Theo quy định, trước khi xuất tôm giống ra khỏi trại phải qua kiểm tra của Chi cục Chăn nuôi và Thú y  tỉnh để cấp giấy kiểm dịch. Sau này, chỉ tôm giống xuất ra khỏi tỉnh mới phải qua kiểm dịch, tôm giống bán cho người nuôi trong tỉnh không phải qua kiểm dịch.

Trước đây, hàng tuần Chi cục Chăn nuôi và Thú y đi lấy mẫu của các cơ sở sản xuất tôm giống lớn để xét nghiệm, đến khi tôm giống xuất bán ra ngoài tỉnh thì cấp giấy kiểm dịch. Thế nhưng sau khi những 2 doanh nghiệp sản xuất tôm giống được công nhận là trại an toàn dịch bệnh rồi thì cơ quan chức năng chỉ cấp giấy kiểm dịch chứ không làm xét nghiệm hàng tuần như trước đây”, bà NguyễnThị Ngọc Lan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định cho hay.

Vẫn còn nhiều hộ nuôi tôm chọn giống trôi nổi

Ông Lê Minh Chính, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản xã Ninh Phú (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) cho biết, hiện HTX có 10 ha nuôi tôm theo công nghệ Semi-block. Thời gian qua, HTX luôn chọn tôm giống có thương hiệu để thả nuôi. Bởi trong nuôi tôm khi chọn giống có chất lượng thì tỷ lệ nuôi thành công sẽ cao hơn nhiều so với tôm giống không có chất lượng.

Tôm giống được lựa chọn nuôi phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quy định của ngành và được kiểm soát tốt về an toàn sinh học trại giống. Ảnh: K.S.

Tôm giống được lựa chọn nuôi phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quy định của ngành và được kiểm soát tốt về an toàn sinh học trại giống. Ảnh: K.S.

“Thời gian qua, chúng tôi luôn chọn tôm giống có thương hiệu của các công ty uy tín để thả nuôi. Bởi những công ty uy tín họ làm con giống rất chuẩn, tôm có sức đề kháng cao. Nếu đầu vào con giống tốt gặp môi trường tốt thì tốc độ sinh trưởng phát triển rất nhanh, tỷ lệ nuôi thành công có thể đạt trên 80%”, ông Chính chia sẻ.

Trong khi đó, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện đa số người nuôi tôm trên địa bàn các xã Ninh Ích, Ninh Lộc (thị xã Ninh Hòa) chủ yếu nuôi theo hình thức quảng canh và có xu hướng lựa chọn giống tôm trôi nổi trên thị trường. Cụ thể, giá tôm thẻ chân trắng khoảng 20 đồng/con; tôm sú khoảng 25-30 đồng/con, trong khi đó giá tôm giống của các doanh nghiệp có uy tín khoảng 100-120 đồng/con.

Khi tôm giống thả nuôi được 20-30 ngày, phát triển tốt, ít hao hụt thì người nuôi mới đầu tư thức ăn và chăm sóc ao nuôi. Ngoài ra, nuôi với mật độ thưa, số lượng giống thả mỗi lần ít nên người nuôi không trực tiếp đến các sản xuất, ương dưỡng tôm giống để lựa chọn và mua mà thường liên hệ với các đơn vị vận chuyển đến tận ao nuôi.

Bà Nguyễn Thị Toàn Thư, phụ trách Phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Khánh Hòa) cho biết trong nuôi trồng thủy sản con giống có chất lượng tốt là một trong những điều kiện đầu tiên quyết định thành công của vụ nuôi. Do đó, người nuôi cần quan tâm đến khâu lựa chọn con giống tốt nhằm hạn chế rủi ro ngay từ ban đầu.

Người nuôi tôm ở Phú Yên xác định, nếu đầu vào con giống tốt gặp môi trường tốt thì tốc độ sinh trưởng phát triển rất nhanh, tỷ lệ nuôi thành công có thể đạt trên 80%. Ảnh: K.S.

Người nuôi tôm ở Phú Yên xác định, nếu đầu vào con giống tốt gặp môi trường tốt thì tốc độ sinh trưởng phát triển rất nhanh, tỷ lệ nuôi thành công có thể đạt trên 80%. Ảnh: K.S.

Theo bà Thư, người nuôi nên chọn mua tôm giống (SPF-giống sạch bệnh, SPR-giống kháng bệnh), kích cỡ PL10-PL15. Nên mua tôm giống ở những cơ sở sản xuất uy tín, có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản do cơ quan có thẩm quyền cấp, cơ sở sản xuất có tôm bố mẹ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tôm giống được lựa chọn nuôi phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quy định của ngành và được kiểm soát tốt về an toàn sinh học trại giống.

Trước khi thả nuôi cần kiểm tra, xét nghiệm các bệnh nguy hiểm trên tôm gồm: MBV, WSSV, YHV, IHNNV, AHPND và EHP. Người nuôi nên liên kết, hợp tác với nhau trong việc lựa chọn và thả giống đồng loạt, đúng lịch thời vụ để thuận lợi cho lựa chọn được tôm giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và con giống đảm bảo chất lượng, giảm được chi phí vận chuyển. Đối với người nuôi chỉ có 1 hoặc 2 ao nuôi nên hợp tác với nhau thực hiện quy trình nuôi 2-3 giai đoạn, thả giống cỡ lớn để nuôi thương phẩm. Bên cạnh đó, cùng tổ chức kiểm soát tốt chất lượng, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, điều kiện ao nuôi tôm giúp nâng cao hiệu quả.

Ông Phạm Thanh Sinh, Chủ tịch UBND xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa cho biết, toàn xã có 110 ha nuôi tôm nước lợ. Để nuôi tôm được thuận lợi, một trong những khâu quan trọng là chọn con giống thả nuôi phải chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng. Trước khi vào vụ thả nuôi hàng năm, địa phương đều tuyên truyền khuyến cáo bà con nông dân lưu ý về khâu chọn con giống, tuy nhiên hiện vẫn còn một số bà con chọn mua con giống trôi nổi trên thị trường khiến việc thả nuôi không hiệu quả.

Xem thêm
Để phát triển chăn nuôi lợn bền vững, cần chấn chỉnh công tác thú y tuyến huyện, xã

Theo ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, để phát triển chăn nuôi lợn bền vững, các địa phương cần chấn chỉnh công tác thú y tuyến huyện, xã.

Đắk Lắk bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ vacxin

ĐẮK LẮK UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các địa phương phải bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vacxin.

Kỹ thuật rải vụ thu hoạch quả trên cây nhãn Hưng Yên

Để xử lý rải vụ quả trên cây nhãn, cần nắm vững đặc tính nông sinh học của giống, diễn biến thời tiết trong năm để tác động đạt kết quả tốt

Những mầm xanh vươn lên từ vùng đất khắc nghiệt

SƠN LA Từ nương rẫy bạc màu, chị Hường vươn lên với mô hình ươm cây giống trong nhà màng, mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vân Hồ.

Đại sứ Colombia: ‘Chính sách tốt bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc’

Bà Camila nhấn mạnh điều này khi trao đổi với CIAT và cho rằng Chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Bảo tồn giống cây trồng bản địa của Bình Định

Để giữ gìn tri thức bản địa miền núi Bình Định, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã bảo tồn các giống lúa rẫy, ngô nếp, sắn ngọt…

Công chiếu phim tài liệu ‘Dưới tán rừng Ngọc Linh’

Bộ phim tài liệu đã tái hiện sinh động về nguồn gốc, quá trình bảo tồn, phát triển loại sâm quý hiếm trên đỉnh núi Ngọc Linh.

Bình luận mới nhất