| Hotline: 0983.970.780

Ứng dụng công nghệ nâng cao năng lực nuôi tôm nước lợ: [Bài 4] Nở rộ nuôi tôm công nghệ Semi Biofloc

Thứ Năm 22/09/2022 , 15:57 (GMT+7)

Công nghệ Semi-Biofloc được đưa vào nuôi tôm thẻ chân trắng tại các vùng nuôi trong khu vực Nam Trung bộ đã cho hiệu quả trông thấy.

Công nghệ Semi Biofloc khẳng định hiệu quả

Ông Phạm Thanh Sinh, Chủ tịch UBND xã Ninh Phú (thị xã Ninh Hòa,Khánh Hòa) cho biết, toàn xã có 110 ha nuôi tôm nước lợ. Trước tình hình biến đổi khí hậu, cùng với đó hệ thống ao nuôi nhiều năm nên môi trường không đảm bảo, mầm bệnh tồn tại nhiều trong ao, dễ phát sinh dịch bệnh. Do đó để nuôi tôm thẻ chân trắng hiệu quả và bền vững nhiều người nuôi trên địa bàn đã đẩy mạnh nuôi tôm theo công nghệ Semi Biofloc.

Nuôi tôm ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc ôm nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, kiểm soát được dịch bệnh, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: K.S.

Nuôi tôm ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc ôm nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, kiểm soát được dịch bệnh, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: K.S.

Anh Lê Minh Chính, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản xã Ninh Phú cũng là người tiên phong áp dụng rất thành công mô hình nuôi tôm công nghệ Semi Biofloc. Sau đó anh đã chia sẻ cho các hộ tham quan, học tập, đến nay toàn xã đã có khoảng 15 ha nuôi tôm theo công nghệ này, với tỷ lệ nuôi thành công đạt 70-80% so với nuôi trên ao đất.

Anh Lê Minh Chính cho biết, từ năm 2014 anh áp dụng công nghệ nuôi này có điều chỉnh phù hợp với thực tế từng vụ, hiện đã hoàn thiện bài bản. Cùng với đó là áp dụng nuôi tôm ba giai đoạn nên nuôi tôm đạt 100 con/kg, chi phí giá thành chỉ mất từ 60 ngàn đồng, trong khi nuôi tôm không công nghệ chi phí mất 70-80 ngàn đồng/kg.

Theo anh Chính, khi người nuôi áp dụng công nghệ Semi Biofloc sẽ giúp làm sạch, ổn định môi trường bằng vi tảo. Còn Biofloc là vi khuẩn dị dưỡng, tảo, mùn giúp làm sạch nước, cung cấp nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho đối tượng nuôi, từ đó gây ức chế sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh.

Vì vậy, tôm nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, kiểm soát được dịch bệnh, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện mỗi năm HTX cung ứng cho thị trường với sản lượng khoảng 400 tấn.

Theo bà Nguyễn Thị Toàn Thư, phụ trách phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Khánh Hòa), hiện một số công nghệ nuôi tôm như: nuôi tuần hoàn, nuôi nước chảy, công nghệ Biofloc/Semi Biofloc...được ứng dụng trong thực tế sản xuất, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao và phòng chống được một số bệnh trên tôm nuôi, giảm ô nhiễm môi trường, cho sản lượng cao và ổn định.

Hiện nay một số diện tích vùng nuôi tại các xã Ninh Phú, Ninh Quang (thị xã Ninh Hòa); xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh), xã Cam Thịnh Đông (thành phố Cam Ranh)…cũng đang đẩy mạnh áp dụng nuôi tôm công nghệ Biofloc/Semi Biofloc; nuôi tôm 2-3 giai đoạn…

Nuôi tôm theo công nghệ Semi biofloc với tỷ lệ nuôi thành công đạt 70-80% so với nuôi trên ao đất. Ảnh: KS.

Nuôi tôm theo công nghệ Semi biofloc với tỷ lệ nuôi thành công đạt 70-80% so với nuôi trên ao đất. Ảnh: KS.

Thực tế nhận thức, trình độ của người nuôi không đồng đều cũng là một rào cản trong việc tiếp cận khoa học công nghệ… Do đó, trong thời gian tới để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, bà Thư cho rằng, cần tăng cường hoạt động phổ biến thông tin khoa học công nghệ; tăng cường các lớp tập huấn, phổ biến cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân tham gia ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực thủy sản.

Đồng thời, cần nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành thủy sản. Trong đó, vấn đề cần quan tâm đầu tiên là con giống, sau đó là công tác nghiên cứu về dịch bệnh - yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sự phát triển bền vững của ngành thủy sản.

Bên cạnh đó, tiếp tục công tác triển khai xây dựng công trình hạ tầng, giám sát môi trường nuôi nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để kiểm soát dịch bệnh, môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản. Tiếp tục khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất trang trại cũng như hình thành các HTX thủy sản để xây dựng thương hiệu, tạo mối liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.

Chi phí nuôi tôm giảm từ 10-15%

Ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu ứng dụng hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm thâm canh, bán thâm canh ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc theo hướng phát triển bền vững tại Bình Định”, khẳng định áp dụng công nghệ Semi-Biofloc vào nuôi tôm thẻ chân trắng không những mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi mà còn góp phần cải thiện môi trường.

Công ty TNHH Việt Úc-Phù Mỹ (Bình Định) đang áp dụng theo công nghệ Biofloc, Synbiotic. Ảnh: V.Đ.T.

Công ty TNHH Việt Úc-Phù Mỹ (Bình Định) đang áp dụng theo công nghệ Biofloc, Synbiotic. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Nhựt, công nghệ Semi Biofloc giúp tăng năng suất gấp đôi so với nuôi truyền thống. Sản lượng nuôi tôm áp dụng công nghệ Semi Biofloc tăng là do mật độ thả nuôi có thể đạt từ 180-200 con/m2. Trong khi nuôi theo cách truyền thống mật độ nuôi khống chế chỉ từ 100-150 con/m2; nuôi quảng canh còn thấp hơn, chỉ từ 50-60 con/m2. Chi phí đầu vào giảm từ 10-15% so với nuôi truyền thống do giảm được chi phí thuốc kháng sinh phòng bệnh, chi phí hao hụt thức ăn. Đồng thời hạn chế được sử dụng lượng nước ngầm so với nuôi truyền thống nhờ ổn định môi trường nước bằng vi tảo.

“Người nuôi dễ tiếp nhận công nghệ Semi Biofloc chứ không có gì khó. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu, người nuôi cần nắm thật chắc quy trình xử lý ao nuôi; theo dõi lượng nước, thực hiện tốt kỹ thuật ủ mật rỉ đường và nuôi cấy khối floc. Ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc mang lại nhiều lợi ích kinh tế so với các quy trình nuôi truyền thống đang áp dụng tại Bình Định. Bởi, năng suất nuôi tôm áp dụng công nghệ Semi Biofloc đạt 20-40 tấn/ha/vụ, mỗi ký tôm nuôi có thể giảm chi phí khoảng 10-15% so với qui trình cũ”, ông Nhựt chia sẻ.

Ở Bình Định có Công ty TNHH Việt Úc-Phù Mỹ đang áp dụng theo công nghệ Biofloc, Synbiotic với quy mô lớn. Hiện khu phức hợp nuôi và sản xuất tôm của đơn vị này đã xây dựng được 10 khu nhà màng, mỗi nhà màng có diện tích 1 ha, kinh phí đầu tư cho mỗi nhà màng khoảng 6-7 tỷ đồng. Ngoài ra còn xây dựng được 30 nhà lưới, mỗi nhà lưới có diện tích 1 ha, mỗi nhà lưới có giá trị đầu tư 2-3 tỷ đồng.

Công nghệ Semi-Biofloc giúp tăng năng suất tôm gấp đôi so với nuôi truyền thống. Ảnh: V.Đ.T.

Công nghệ Semi-Biofloc giúp tăng năng suất tôm gấp đôi so với nuôi truyền thống. Ảnh: V.Đ.T.

Quy trình sản xuất công nghệ cao bền vững được đơn vị đang áp dụng theo công nghệ Biofloc, Synbiotic; tỷ lệ thay nước trong 1 vụ nuôi, cả khi thu hoạch không quá 300%, trong khi theo quy trình thông thường tỷ lệ thay nước trong 1 vụ nuôi đến 3.000%, thấp hơn 10 lần. Quy trình nuôi tôm của Việt Úc tuyêt đối không sử dụng kháng sinh, bảo đảm tôm sạch, hướng đến mục tiêu xuất khẩu nguyên con sang Úc.

“Với quy trình sản xuất công nghệ cao chúng tôi có thể thả nuôi mật độ 300-500 con/m2; nuôi 2 giai đoạn, đạt từ 3,5 đến 4 vụ nuôi/trại nuôi/năm; sản lượng cho đạt từ 40-60 tấn/ha. Tổng sản lượng thu hoạch trong năm 2021 là 1.200 tấn, 7 tháng đầu năm 2022 đã thu hoạch được 850 tấn, dự kiến 5 tháng cuối năm 2022 sẽ thu hoạch them 1.250 tấn, cả năm 2002 đơn vị sẽ sản xuất được 2.100 tấn tôm công nghệ cao”, ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Việt Úc-Phù Mỹ, cho hay.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thảo, ứng dụng công nghệ cao là ưu tiên hàng đầu của đơn vị trong sản xuất tôm giống và tôm thương phẩm. Tất cả các ao nuôi tôm trong khu phức hợp đều được áp dụng quy trình sản xuất nhà màng của Israel, đảm bảo yêu cầu kết cấu bền vững, cơ giới hóa mức cao nhất. Quy trình công nghệ đáp ứng các yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt về “tiểu khí hậu nhà kính”, “sinh học nhà kính” và “dịch hại nhà kính”, nhằm thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

“Tập đoàn cũng đã đầu tư xây hệ thống xử lý nước tuần hoàn theo công nghệ của Đức và Mỹ, kiểm soát tự động tất cả các thông số môi trường trong ao nuôi, bảo đảm chất lượng nước ổn định cho tôm sinh trưởng, không gây ô nhiễm môi trường. Nguồn tôm giống thả nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh”, ông Nguyễn Văn Thảo cho biết.

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.