| Hotline: 0983.970.780

Ứng dụng công nghệ nâng cao năng lực nuôi tôm nước lợ: [Bài 3] Áp dụng công nghệ để đạt hiệu quả cao

Thứ Tư 21/09/2022 , 06:53 (GMT+7)

Ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nuôi tôm sẽ hạn chế được nạn tôm nuôi bị dịch bệnh, người nuôi tránh được thiệt hại, đồng nghĩa việc nuôi tôm sẽ cho hiệu quả cao.

Bình Định đang có nhiều doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: V.Đ.T.

Bình Định đang có nhiều doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: V.Đ.T.

Không giao phó con tôm cho sự may rủi

Nhiều năm nay, người nuôi tôm ở Bình Định không còn dám giao phó con tôm cho sự may rủi, mà ai nấy đều tìm tòi, áp dụng những kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nhằm né tránh thiệt hại. Có người phối trộn thức ăn tôm với dịch trùn quế giúp tôm tăng trưởng nhanh, rút ngắn được thời gian tôm nằm dưới ao nuôi, né tránh được rủi ro dịch bệnh.

Thực tế cho thấy, nếu trộn dịch trùn quế vào thức ăn khô cho tôm ăn tôm tăng trọng nhanh khoảng 30% thời gian so với những ao tôm không dùng dịch trùn. Ngoài ra, giảm thời gian nuôi đồng nghĩa giảm lượng thức ăn, tiết kiệm được chi phí đầu vào để có lãi nhiều hơn.

“Dịch trùn phải được trộn vào thức ăn 10-15 phút trước khi cho tôm ăn để dịch ngấm hết vào thức ăn. Có nhiều chất dinh dưỡng có sẵn trong con trùn như: Đạm, khoáng, chất acid amin... Các nguyên tố vi lượng Zn, Selenium... có tác dụng tăng sức đề kháng, tăng khả năng miễn dịch cho tôm nuôi. Khi cho tôm ăn thức ăn công nghiệp bổ sung dịch trùn sẽ kích thích thèm ăn, kích thích tiêu hóa cho con tôm; giúp tôm hấp thụ các chất dinh dưỡng có trong con trùn nên hạn chế tôm bị nhiễm bệnh, nhất là bệnh phân trắng”, ông Trịnh Văn Minh ở huyện Phù Mỹ (Bình Định) cho biết.

Trước bối cảnh nguồn nước nuôi ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng, phát sinh dịch bệnh gây hại cho tôm nuôi, nhiều người áp dụng phương pháp lọc nước trước khi đưa vào muôi tôm để né tránh dịch bệnh. Học hỏi từ các cơ sở chuyên sản xuất tôm giống là nguồn nước nuôi tôm bố mẹ được lọc trước rất kỹ để tránh tôm giống bố mẹ bị dính dịch bệnh, nhiều hộ nuôi tôm ở huyện Phù Mỹ (Bình Định) cũng lọc nước đưa vào ao nuôi tôm thẻ chân trắng cho hiệu quả cao.

Bể lọc được xây bằng gạch trát xi măng có chiều rộng 6m, chiều ngang 4m, sâu 2m. Sau đó, rải bên dưới 1 lớp đá san hô, tiếp đến 1 lớp than hoạt tính và 1 lớp cát dày bên trên cùng. Nước được bơm từ mạch ngầm vào hồ lọc rồi mới xả vào ao nuôi bằng 1 ống nhựa lớn. Bơm, lọc liên tục đến khi đủ lượng nước trong ao nuôi.

Sau khi được lọc, nước trong hẳn ra, khi vào ao nuôi nước ít biến đổi tảo. Theo những người nuôi tôm áp dụng bể lọc nước, từ 3 đến 5 tháng phải thay lớp cát và than 1 lần. Lớp san hô 1 năm cũng phải lấy ra, chà rửa sạch sẽ rồi rải vô lại trong bể để làm sạch, tránh nguồn nước nuôi bị nhiễm bẩn từ những lớp cặn lóng trong bể lọc.

Hệ thống xử lý nước phục vụ nuôi tôm của của Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ. Ảnh: V.Đ.T.

Hệ thống xử lý nước phục vụ nuôi tôm của của Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ. Ảnh: V.Đ.T.

Bây giờ, công nghệ Semi-Biofloc được người nuôi tôm thẻ chân trắng ở Bình Định lựa chọn đưa vào sản xuất để nuôi tôm đạt hiệu quả cao hơn. Theo ông Huỳnh Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, công nghệ Semi-Biofloc là làm sạch, ổn định môi trường nước bằng vi tảo.

Khối Biofloc là vi khuẩn dị dưỡng, tảo, mùn giúp làm sạch nước, cung cấp nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho tôm nuôi; đồng thời ức chế sự phát triển của các vi sinh vật có hại, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh do ô nhiễm môi trường nước, nhờ đó hạn chế việc tôm bị chết do dịch bệnh.

“Để đưa công nghệ Semi-Biofloc vào nuôi tôm thẻ chân trắng, người nuôi phải chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, gồm: Hệ thống ao nuôi có phủ bạt, mái che; hệ thống xử lý nước; hệ thống quạt sấy. Đồng thời áp dụng quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn: Nuôi tôm giống sau khi ương 25-30 ngày đạt kích cỡ từ 600-800 con/kg rồi chuyển sang ao nuôi. Mật độ thả nuôi là 180-200 con/m2. Trong quá trình nuôi, người nuôi áp dụng ủ mật rỉ đường tạo độ kết dính thức ăn; nuôi cấy floc cung cấp cho ao nuôi”, ông Huỳnh Quang Nhựt chia sẻ.

Dịch bệnh thủy sản phòng là chính

Theo bà Lê Thị Ngọc Lan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Định, điểm đặc thù trong phòng tránh dịch bệnh thủy sản thì phòng là chính, chứ khi tôm đã dính dịch bệnh rồi thì không thể chữa được, vì khi ấy có chữa bệnh đến cỡ nào cũng không có hiệu quả. Bởi, khi tôm đã dính bệnh, người nuôi phải trút xuống ao nuôi rất nhiều thuốc, rất tốn kém nhưng lũ tôm cũng chẳng thể khỏa lại được. Do đó, trong nuôi trồng thủy sản chủ yếu là phòng bệnh để tránh thiệt hại.

Bên trong 1 khu nuôi tôm công nghệ cao tại Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Bên trong 1 khu nuôi tôm công nghệ cao tại Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

“Đầu tiên của việc phòng bệnh cho tôm là phải sử dụng con giống tốt, thứ đến là cải tại ao hồ cho kỹ lưỡng trước khi thả nuôi, trong quá trình nuôi phải quản lý môi trường nước nuôi cho tốt là cơ bản có thể phòng được bệnh cho tôm. 

Nuôi tôm không như nuôi gia súc, gia súc thì có vacxin phòng bệnh ngay từ đầu, nếu trong quá trình nuôi, con gia súc nào bị bệnh thì tách riêng ra điều trị được, còn con tôm nằm dưới nước thì không thể. Do vậy, nuôi thủy sản phải phòng bệnh ngay từ ban đầu.

Trong thời gian vừa qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tham mưu cho Sở NN-PTNT Bình Định cấp hóa chất sát trùng ngay từ đầu vụ cho các vùng nuôi thường bị dịch bệnh để người nuôi xử lý nguồn nước ngay từ ban đầu”, bà Lê Thị Ngọc Lan chia sẻ.

Còn ở Khánh Hòa, trước thực trạng môi trường vùng nuôi ngày càng suy thoái, để nuôi tôm hiệu quả, theo bà Nguyễn Thị Toàn Thư, phụ trách phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Khánh Hòa) khuyến cáo các hộ nuôi trong cùng khu vực có chung hệ thống cấp và thoát nước (tổ cộng đồng/tổ liên kết) nên tổ chức nạo vét kênh mương để tăng khả năng cấp thoát nước khu vực nuôi của mình.

Khánh Hòa khuyến khích người nuôi tôm áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Ảnh: KS.

Khánh Hòa khuyến khích người nuôi tôm áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Ảnh: KS.

Cùng với đó, áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ để khắc phục sự suy thoái của môi trường đất, nước và giải quyết vấn đề chất thải, ngăn chặn dịch bệnh trong nuôi tôm. Cụ thể, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi tôm như nuôi tuần hoàn, nuôi nước chảy, công nghệ Biofloc/Semibiofloc.

Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật khu vực nuôi, dành diện tích để làm ao lắng, xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi cũng như có ao xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường bên ngoài. Nuôi luân canh hoặc nuôi ghép các đối tượng nuôi để cải tạo đáy ao và môi trường ao nuôi. Sử dụng các chế phẩm sinh học; hạn chế sử dụng thuốc, hoá chất và kháng sinh trong quá trình nuôi tôm và xử lý chất thải. Quản lý dựa vào cộng đồng (Tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp) cùng nhau giải quyết các mâu thuẫn trong sử dụng nguồn nước và xử lý chất thải.

“Trong thời gian qua, nhằm bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, Chi cục Thủy sản đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất theo từng thời điểm, diễn biến thời tiết trong năm như: Lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ, văn bản hướng dẫn nuôi tôm trong mùa nắng nóng, mùa mưa bão; thực hiện công tác quan trắc môi trường tại các vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh. Từ đó giúp người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh nắm bắt thông tin và có biện pháp khắc phục kịp thời, mang lại hiệu quả cao”, bà Nguyễn Thị Toàn Thư, phụ trách phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Khánh Hòa) chia sẻ.

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.