| Hotline: 0983.970.780

Ứng dụng công nghệ số nuôi cá rô phi, hiệu quả kinh tế tăng 25%

Thứ Bảy 16/12/2023 , 08:22 (GMT+7)

BẮC GIANG Điều khiển tự động và cài đặt được các thông số trên máy bắn thức ăn giúp cá ăn đủ bữa, đúng giờ, đúng lượng, giảm được thức ăn dư thừa, tiết kiệm chi phí...

Trong khuôn khổ Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp “Ứng dụng công nghệ số trong nuôi trồng thủy sản” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Sở NN-PTNT Bắc Giang tổ chức ngày 15/12, các đại biểu đã tham quan mô hình “Ứng dụng công nghệ số vào nuôi cá rô phi thâm canh” với diện tích 0,5ha của gia đình ông Nguyễn Đình Lăng ở xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên (Bắc Giang).

Các đại biểu tham quan mô hình 'Ứng dụng công nghệ số vào nuôi cá rô phi thâm canh' của ông Nguyễn Đình Lăng ở xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên. Ảnh: Trung Quân.

Các đại biểu tham quan mô hình “Ứng dụng công nghệ số vào nuôi cá rô phi thâm canh” của ông Nguyễn Đình Lăng ở xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên. Ảnh: Trung Quân.

Ông Lăng chia sẻ, với diện tích 0,5ha, trước đây trung bình ông chỉ thu được 4 - 5 tấn cá/năm, toàn bộ ao nuôi thu về 70 - 80 triệu đồng. Trước tình hình đó, gia đình đã gia tăng mật độ nuôi để tăng sản lượng cá. Tuy nhiên, khi nuôi với mật độ cao, tình trạng cá mắc bệnh, ao nuôi xuất hiện màu xanh, thiếu oxy khiến cá nổi đầu, bỏ ăn, chậm lớn, có lúc bị chết do ngạt diễn ra thường xuyên hơn.

Khi tham gia mô hình “Ứng dụng công nghệ số vào nuôi cá rô phi thâm canh”, gia đình được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật và thay đổi phương pháp chăm sóc, những “nút thắt” dần được cởi bỏ.

Cụ thể, việc cài đặt, điều khiển tự động một số công đoạn trong quá trình nuôi và các thiết bị như máy quạt nước, máy cho ăn... giúp ông Lăng chủ động theo dõi, điều khiển hoạt động của ao nuôi để tạo môi trường thuận lợi nhất cho cá sinh trưởng, phát triển, nhất là trường hợp gia đình không có người ở cạnh ao, nếu phát hiện cá có biểu hiện nổi đầu, thiếu oxy ngay lập tức có thể bật hệ thống quạt nước để xử lý, giảm thiểu rủi ro trong quá trình nuôi.

Đồng thời, khi điều khiển tự động và cài đặt được các thông số trên máy bắn thức ăn giúp cá ăn đủ bữa, đúng giờ, đúng lượng. Nhờ đó, giảm được lượng thức ăn dư thừa, vừa tiết kiệm chi phí vừa giữ gìn vệ sinh ao nuôi. Đặc biệt, việc rải thức ăn đồng đều, rộng khắp ao giúp hạn chế tình trạng cá tranh nhau, lượng ăn không đều, phát triển khỏe mạnh, trọng lượng tăng trung bình 200gam/tháng.

Về hiệu quả kinh tế, nhờ áp dụng các kỹ thuật nuôi tiên tiến nên tỷ lệ sống của đàn cá đạt 71%. Trên diện tích 0,5ha, sản lượng cá thu được tăng lên 15 - 16 tấn/năm. Với giá cá rô phi thương phẩm (kích cỡ 0,8 - 1kg/con) 32.000 đồng/kg, tổng doanh thu của mô hình đạt hơn 400 triệu đồng.

Theo Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang, mô hình ứng dụng công nghệ số vào nuôi cá thâm canh cho hiệu quả kinh tế cao hơn 15 - 25% so với nuôi thông thường. Ảnh: Trung Quân.

Theo Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang, mô hình ứng dụng công nghệ số vào nuôi cá thâm canh cho hiệu quả kinh tế cao hơn 15 - 25% so với nuôi thông thường. Ảnh: Trung Quân.

Theo Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang, mô hình “Ứng dụng công nghệ số vào nuôi cá thâm canh” được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 - 2023 tại các huyện Tân Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa. Qua 3 năm thực hiện, mô hình đã thu được những kết quả rất khả quan. Tỷ lệ sống của đàn cá đạt hơn 77%, năng suất đạt hơn 26 tấn/ha, kích cỡ thu hoạch đạt trung bình 953gam/con. Hiệu quả kinh tế của mô hình so với nuôi cá thông thường cao hơn 15 - 25%. Từ đó góp phần giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Ông Đào Xuân Vinh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang đánh giá, với hơn 4.000ha mặt nước ao hồ nhỏ đã và đang nuôi cá thâm canh, bán thâm canh (cá rô phi chiếm 70%), thành công của các mô hình mở ra triển vọng lớn giúp nông dân trong vùng tiếp cận với kỹ thuật nuôi mới, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập.

Qua đó, tạo tiền đề từng bước hình thành các vùng nuôi thủy sản hàng hóa tập trung như Nghĩa Trung, Minh Đức (huyện Việt Yên); Song Vân, Ngọc Châu, An Dương, thị trấn Cao Thượng (huyện Tân Yên); Song Mai, Đa Mai (TP Bắc Giang); Thái Sơn, Hợp Thịnh (huyện Hiệp Hòa)..., góp phần thúc đẩy mục tiêu phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững của tỉnh.

 

Xem thêm
Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.