| Hotline: 0983.970.780

An toàn dịch bệnh ở thành phố lớn nhất nước

Nâng cao năng lực quản lý ngành thú y

Thứ Năm 07/12/2023 , 08:48 (GMT+7)

TP.HCM đặt mục tiêu tăng năng lực quản lý ngành thú y, ứng dụng công nghệ số nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh động vật, thủy sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng.

Cán bộ thú y kiểm tra thông tin trước khi động vật được đưa vào tiêu thụ tại TP. HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Cán bộ thú y kiểm tra thông tin trước khi động vật được đưa vào tiêu thụ tại TP. HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bản đồ số hóa quản lý chăn nuôi và dịch bệnh động vật

Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, hiện tổng đàn trâu, bò trên địa bàn trên 94.000 con (trên 8.800 hộ). Trong đó, chăn nuôi quy mô trang trại lớn chỉ chiếm 0,01%, nông hộ chiếm trên 78%. Tổng đàn heo trên 168.000 con (gần 1.800 hộ). Trong đó, quy mô trang trại lớn chiếm gần 1,3%, nông hộ chiếm trên 80%. Tổng đàn gia cầm trên 243.000 con, được nuôi tại 11 cơ sở chăn nuôi tập trung.

TP.HCM là đầu mối lưu thông và tiêu thụ số lượng lớn thực phẩm hàng ngày, nhưng với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, năng lực nội tại chưa đáp ứng được nhu cầu về sản phẩm gia súc, gia cầm của người dân. Vì thế, thành phố phải nhập lượng lớn sản phẩm gia súc, gia cầm từ các tỉnh đưa về.

Do đó, việc quản lý kiểm soát dịch bệnh được lực lượng thú y đặt lên hàng đầu. Làm sao để đảm bảo được an toàn dịch bệnh trên đàn vật nuôi, và sản phẩm động vật đưa về tiêu thụ tại TP.HCM phải được kiểm soát chặt chẽ ngay tại cửa ngõ.

Trước yêu cầu của thực tiễn, trong những năm qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM đã triển khai sử dụng một số phần mềm chuyên ngành nội bộ phục vụ cho công tác quản lý. Các phần mềm được xây dựng và đưa vào áp dụng từ nhiều năm nay, trên cơ sở yêu cầu về quản lý chuyên ngành của cấp trên. Qua nhiều thời điểm, các phần mềm được cập nhật, bổ sung theo thực tế áp dụng và theo các quy định mới.

Cán bộ thú y tại Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức cập nhật thông tin gia súc, gia cầm đưa về Thành phố vào phần mềm kiểm soát nội bộ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Cán bộ thú y tại Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức cập nhật thông tin gia súc, gia cầm đưa về Thành phố vào phần mềm kiểm soát nội bộ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bà Lê Đinh Hà Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM cho biết, hiện các phần mềm quản lý cơ sở chăn nuôi, phần mềm quản lý các cơ sở giết mổ động vật, phần mềm cập nhật thông tin tại các trạm kiểm dịch động vật trên địa bàn thành phố… tất cả hoạt động khá ổn định.

Một số phần mềm có sự liên kết với nhau như phần mềm tại các Trạm Kiểm dịch động vật sẽ cập nhật thông tin, nguồn gốc các lô hàng động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh đưa vào Thành phố để giết mổ, tiêu thụ.

"Tại các cơ sở giết mổ sẽ có phần mềm quản lý liên kết với phần mềm tại các trạm kiểm dịch để có thể truy xuất thông tin, từ đó giúp cho công tác kiểm soát, quản lý được thuận lợi, nhân viên không cần phải nhập lại lần nữa", Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM nói.

Cũng theo bà Thanh, hiện Chi cục còn một số phần mềm được xây dựng và hoạt động riêng lẻ, chưa tích hợp vào một nguồn cơ sở dữ liệu chung. Do đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM đang đề xuất và triển khai dự án “Xây dựng bản đồ số hóa quản lý chăn nuôi và dịch bệnh động vật trên địa bàn TP.HCM”.

Mục tiêu của dự án này nhằm hỗ trợ quản lý chăn nuôi và dịch bệnh động vật bằng WEBGIS giúp tra cứu thông tin dễ dàng, trực quan, hội nhập vào tiến trình xây dựng đô thị thông minh, thành phố số. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực quản lý của cơ quan nhà nước phục vụ việc xây dựng đô thị thông minh.

Bên cạnh đó, hỗ trợ người dân, chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước dễ dàng trong việc tra cứu, theo dõi, quản lý công tác quy hoạch các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, các ổ dịch bệnh động vật, các cơ sở giết mổ động vật, các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi,… trên địa bàn thành phố ngày càng đồng bộ và chặt chẽ hơn.

Khi đó sẽ hình thành một hệ thống thông tin với nguồn cơ sở dữ liệu được tích hợp đầy đủ, hoàn thiện phục vụ cho công tác quản lý chuyên ngành, có thể cho phép người sử dụng bao gồm cả nhà quản lý, doanh nghiệp, người dân có thể truy cập ngay cả trên thiết bị di động.

Hệ thống này gắn với bản đồ số, cho phép nhà quản lý có được cái nhìn trực quan và đầy đủ hơn, từ đó đưa ra được hướng xử lý kịp thời và chính xác hơn.

"Hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu của dự án (phần mềm và cơ sở dữ liệu) được xây dựng tuân thủ theo tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà nước, đảm bảo khả năng liên thông, tích hợp vào kho dữ liệu dùng chung của thành phố”, bà Lê Đinh Hà Thanh nói.

Xe chở gia súc, gia cầm phải khai báo tại các Trạm kiểm dịchcửa ngõ TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Xe chở gia súc, gia cầm phải khai báo tại các Trạm kiểm dịchcửa ngõ TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm

Nhằm phát triển ngành chăn nuôi của TP.HCM một cách bền vững, đảm bảo an toàn dịch bệnh trên đàn vật nuôi, phù hợp với bối cảnh hiện nay, mới đây, UBND TP.HCM cũng đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2023 - 2030” trên địa bàn thành phố.

Trong đó, TP.HCM đặt mục tiêu hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp của thành phố sẽ được củng cố và tăng cường năng lực theo đúng chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, đảm bảo tinh gọn, phù hợp với thực tiễn.

Hệ thống giám sát dịch bệnh động vật, thủy sản được củng cố, tăng cường năng lực và hoạt động hiệu quả nhằm phát hiện sớm ổ dịch, phân tích nhận định tình hình dịch tễ.

Qua đó, dự báo và cảnh báo kịp thời các loại dịch bệnh động vật và thủy sản, góp phần kiểm soát tốt dịch bệnh động vật, thủy sản, an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và chủ động hội nhập với quốc tế.

Đối với vùng an toàn dịch bệnh bệnh dại động vật, bệnh cúm gia cầm, bệnh lao và sẩy thai truyền nhiễm, Thành phố cũng tiếp tục duy trì. Đồng thời, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng tại 5 huyện ngoại thành gồm Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ.

Đặc biệt, tổng hợp, phân tích, đánh giá kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường, các nguồn nước chính cung cấp và thực trạng xả thải tại các vùng nuôi, kết quả giám sát dịch bệnh động vật thủy sản, tình hình dịch bệnh

Bên cạnh đó là các yếu tố liên quan đến quá trình phát sinh, lây lan dịch bệnh động vật thủy sản, các chỉ tiêu dịch tễ và chỉ tiêu liên quan cần xét nghiệm nhằm xác định mức độ nguy cơ phát sinh, dự báo khả năng phát sinh, lây lan dịch bệnh động vật thủy sản.

Trong hơn 10 năm qua, TP.HCM đã nỗ lực trong quá trình chuyển đổi từ cơ sở giết mổ thủ công sang nhà máy giết mổ công nghiệp. Kết quả, đến ngày 1/4/2023, tất cả cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn Thành phố ngưng hoạt động, chuyển sang các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp với công suất lớn, đưa TP.HCM là đơn vị duy nhất trên cả nước chuyển đổi hẳn sang giết mổ công nghiệp.

Từ đó, giúp kiểm soát chặt chẽ các điều kiện kiểm soát về vệ sinh thú y tại các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp, cũng như dễ dàng kiểm soát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm động vật.

Trong thời gian tới, TP.HCM tiếp tục nâng cao năng lực kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, quản lý ATTP, sản phẩm động vật. Mục tiêu đến năm 2025, 90% gia súc, 100% gia cầm được giết mổ tập trung tại các nhà máy giết mổ công nghiệp. Năm 2030, phấn đấu trên 98% gia súc, 100% gia cầm giết mổ tập trung tại các nhà máy giết mổ công nghiệp.

Thành phố cũng tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ; nhận dạng, truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật.

Đảm bảo thức ăn chăn nuôi, thuốc, vacxin dùng trong thú y lưu hành trong danh mục theo quy định, đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả; tăng cường công tác quản lý sử dụng kháng sinh có hiệu quả giảm thiểu việc kháng kháng sinh. Dịch vụ kỹ thuật chăn nuôi, thú y được phát triển theo hướng xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa trên địa bàn thành phố.

Có thể nói, với những mục tiêu, kế hoạch cụ thể, cùng với sự “xắn tay” vào cuộc của các đơn vị, địa phương và sự đồng lòng của người chăn nuôi, người kinh doanh... trong toàn chuỗi, việc quản lý chuyên ngành thú y nói riêng và quản lý sản xuất kinh doanh ngành chăn nuôi TP.HCM sẽ ngày càng đi vào quy củ và hiệu quả, đảm bảo an toàn dịch bệnh trên đàn vật nuôi cũng như đảm bảo ATTP, chất lượng đến tay người tiêu dùng.    

Hàng năm, TP.HCM tổ chức rà soát thống kê tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và cập nhật vào phần mềm thống kê để làm cơ sở cho việc xây dựng và triển khai công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, thường xuyên cập nhật tọa độ hộ chăn nuôi, biến động đàn vào cơ sở dữ liệu, để số hóa quản lý chăn nuôi, dịch bệnh.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.