| Hotline: 0983.970.780

Số hóa canh tác, lão nông biến đất cằn thành vườn bưởi Diễn trĩu quả

Thứ Ba 14/11/2023 , 11:05 (GMT+7)

HÀ NỘI Ở tuổi 'xế chiều', ông Diện vẫn rất nhạy bén ứng dụng công nghệ số vào chăm sóc vườn bưởi. Bên cạnh đó, ông còn tuân thủ tốt canh tác theo VietGAP, hướng hữu cơ.

Lão nông nhạy bén ứng dụng công nghệ số

Đến thăm vườn bưởi xanh mướt, sai trĩu quả, chuẩn bị cho thu hoạch của gia đình ông Lê Hữu Diện ở thôn Trung Cao, xã Trung Hòa (Chương Mỹ, TP Hà Nội), chúng tôi thực sự ấn tượng với cách làm của nông dân này. 

Năm nay, vườn bưởi Diễn của ông Diện được mùa, quả sai và đều, mẫu mã đẹp, hứa hẹn thắng lợi. Ảnh: Trần Toản.

Năm nay, vườn bưởi Diễn của ông Diện được mùa, quả sai và đều, mẫu mã đẹp, hứa hẹn thắng lợi. Ảnh: Trần Toản.

Ông Diện cho biết, năm 2005, ông chuyển đổi 4 sào đất gò đồi khó canh tác của gia đình sang trồng 140 gốc bưởi Diễn. Thời gian đầu ông gặp không ít khó khăn vì vốn ít, kinh nghiệm và kỹ thuật chưa có khiến cây bưởi còi cọc, chậm phát triển. Không nản chí, ông nghiên cứu tài liệu, sách báo, internet, đi tham quan học hỏi các mô hình trồng bưởi Diễn đã thành công trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, ông Diện còn tích cực tham gia các khóa học trồng cây ăn quả công nghệ cao do Thành phố, huyện tổ chức và được hướng dẫn tỉ mỉ về phương pháp canh tác, nhất là kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả có múi bằng công nghệ sinh học (sử dụng phân bón hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật).

Sau khi 4 sào bưởi trồng đầu tiên cho thu nhập khá, năm 2014, ông Diện tiếp tục đấu thầu thêm 2ha đất gò đồi hoang hóa cằn cỗi ở địa phương để trồng bưởi Diễn.  

Mặc dù đã chủ động đào ao sát vườn bưởi để lấy nước tưới nhưng việc tưới từng cây cho cả vườn bưởi vừa tốn công mà tưới trước khô sau, độ ẩm không đều. Để khắc phục điều này, ông Diện đã đầu tư 120 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới nước tự động điều khiển bằng phần mềm trên điện thoại di động. Từ khi ấy, chỉ cần ngồi nhà bấm nút, sau 30 phút, diện tích 2ha với 300 cây bưởi Diễn đã được “tắm” đều.

Theo ông Diện, việc sử dụng hệ thống tưới nước tự động điều khiển bằng phần mềm trên điện thoại di động có nhiều ưu điểm vượt trội, giúp điều chỉnh được áp suất, lưu lượng nước tưới đồng đều cho toàn bộ các gốc cây ở những vị trí, địa hình khác nhau theo ý muốn; độ văng của dòng nước lên tới 36m, trong khi chi phí lắp đặt hợp lý với túi tiền của bà con nông dân.

Ông Diện đầu tư hệ thống tưới tự động, điều khiển qua smarphone. Ảnh: Trần Toản.

Ông Diện đầu tư hệ thống tưới tự động, điều khiển qua smarphone. Ảnh: Trần Toản.

Ngoài việc tiết kiệm được chi phí nhân công tưới nước so với phương pháp thủ công, chỉ cần vài thao tác nhẹ nhàng, hệ thống tưới tự động còn tưới rải đều 100% vườn bưởi bất kể ngày hay đêm, nước tưới thấm sâu hơn. Nhờ đó, vườn bưởi cho năng suất, chất lượng quả cao hơn rõ rệt, quả bưởi có mẫu mã đẹp hơn, độ tươi của quả bưởi được duy trì lâu hơn nên có thể vận chuyể đi tiêu thụ đến các địa phương xa mà không ảnh hưởng đến chất lượng. Vì vậy giá bán bưởi của vườn ông Diện luôn cao và ổn định.

Hệ thống tưới nước tự động tại vườn bưởi của gia đình ông Diện được thiết kế, lắp đặt đồng bộ gồm tủ điều khiển điện tử, bộ điều khiển và giám sát được kết nối mạng internet với smartphone. Người vận hành sẽ cài đặt, thiết lập các thông số nhằm duy trì, kiểm soát trạng thái hoạt động, sự ổn định của toàn bộ hệ thống. Máy bơm nước được lắp đặt nhằm tăng áp suất nước, giúp cung cấp đủ nước. Bộ lọc có chức năng loại bỏ toàn bộ các tạp chất, rong rêu có trong nguồn nước. Ống dẫn nước chuyển nước từ nguồn đến toàn bộ khu vực vườn bưởi. Van điện từ được dùng để đóng/mở dòng nước cho hệ thống tưới.

Thành công nhờ kiên trì với canh tác hướng hữu cơ

Ngoài số hóa hệ thống tưới, ông Diện cũng chuyển hướng chăm sóc vườn bưởi Diễn từ vô cơ sang hướng hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh.

Để thực hiện mục tiêu xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị sản phẩm của mình, ông Diện luôn tuân thủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc cây bưởi Diễn, ông Diện bật mí: Vào tháng 12 hàng năm, sau khi thu hoạch xong quả, gia đình ông tiến hành dọn vườn, tỉa cành, phun rửa cây và phun ủ mầm hoa. Đồng thời, cây bưởi sẽ được “cho ăn” phân hữu cơ ủ hoai mục, đậu tương, ngô nghiền, quả chuối xay nhuyễn… để tiết kiệm chi phí, hạn chế tối thiểu phân bón hóa học, đồng thời tăng sức đề kháng cho cây, giúp cây khỏe mạnh, chống chịu sâu bệnh tốt…

Nhờ canh tác theo hướng hữu cơ, VietGAP nên quả bưởi cho chất lượng tốt, bảo quản lâu và luôn bán được giá cao. Ảnh: Trần Toản.

Nhờ canh tác theo hướng hữu cơ, VietGAP nên quả bưởi cho chất lượng tốt, bảo quản lâu và luôn bán được giá cao. Ảnh: Trần Toản.

Khoảng tháng 2 năm sau, khi cây bưởi ra hoa, ông Diện tiến hành phun kích hoa, đồng thời tiến hành thụ phấn bổ sung để tăng tỷ lệ đậu quả trên cây bưởi Diễn. Sau đó, dùng chế phẩm sinh học để phun phòng các loại bệnh trên cây bưởi như thán thư, sâu đục thân, sương mai, rỉ sắt, nhện đỏ, rệp...

Khoảng tháng 3 - 4 khi cây bưởi ra quả non, ông lại tiến hành bón thêm lượng nhỏ phân NPK, Kali, tỉa loại bỏ những quả dị tật, méo mó, những chùm quá nhiều quả cũng tỉa bớt, tốt nhất chỉ để lại 1 - 2 quả.

“Số lượng quả bưởi để lại trên cây tùy theo kích cỡ, tuổi cây. Cây bình thường thì để 100 quả đổ lại, nếu cây to thì 150 quả. Nếu để quả quá nhiều cây bưởi sẽ không đủ chất dinh dưỡng để nuôi quả. Vào những ngày thời tiết nắng nóng, tôi thường tưới 2 lần trong ngày là sáng và tối. Để quả bưởi đạt chất lượng, tất cả các khâu từ chăm bón, phòng bệnh cho đến thu hoạch đều rất quan trọng”, ông Diện cho hay.

Cũng theo ông Diện, năm 2020, ông tham gia vào Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Đức Hậu Lưu Quang. Tại đây, gia đình ông được hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc cây bưởi, có các kỹ sư nông nghiệp về hỗ trợ, tư vấn 1 lần/tháng để sản phẩm quả bưởi có năng suất, chất lượng tốt nhất.

Hiện ông Diễn đã tham gia vào HTX Nông nghiệp sạch Đức Hậu Lưu Quang, bưởi của HTX đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của TP Hà Nội. Ảnh: Trần Toản.

Hiện ông Diễn đã tham gia vào HTX Nông nghiệp sạch Đức Hậu Lưu Quang, bưởi của HTX đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của TP Hà Nội. Ảnh: Trần Toản.

Tại vườn bưởi Diễn của gia đình ông Diện, mỗi cây bưởi được đánh dấu theo số thứ tự để tiện theo dõi, khi cây bị bệnh sẽ được tổ kỹ thuật của Hợp tác xã đến tận vườn để hướng dẫn cách xử lý. Quy trình chăm sóc như bón phân, phun phòng trừ sâu bệnh, tưới nước đều có sổ nhật ký để ghi chép; mua phân bón ở đâu, loại gì, bón bao nhiêu… đều được ghi chép rõ ràng, tỉ mỉ để hàng tháng Hợp tác xã đến kiểm tra sổ sách.

Hiện tại, khu vườn 2ha với 300 gốc bưởi Diễn của ông Diện được trồng theo quy trình VietGAP, cho thu hoạch 25 tấn quả/năm. Với giá bán bưởi loại 1 từ 35.000 - 39.000đ/kg, loại 2 từ 25.000 – 30.000đ/kg, trung bình mỗi năm ông Diện thu về khoảng 400 triệu đồng, sau khi trừ tất cả chi phí, ước lãi hơn 250 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình ông Diện còn tạo công ăn việc làm thời vụ cho 5 lao động địa phương với thu nhập 350.000 đồng/người/ngày.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.