| Hotline: 0983.970.780

'Tiêm vaccine vẫn là giải pháp căn cơ nhất với thực tiễn Việt Nam'

Thứ Bảy 28/12/2024 , 07:45 (GMT+7)

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y, nhấn mạnh khi phát biểu kết thúc Diễn đàn 'Ứng dụng tiến bộ mới trong lĩnh vực vaccine thú y tại Việt Nam'.

Hình ảnh tại đầu cầu trực tiếp Khách sạn Hòa Bình, 27 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hình ảnh tại đầu cầu trực tiếp Khách sạn Hòa Bình, 27 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Sáng 28/12, thực hiện nhiệm vụ và chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Cục Thú y, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, các đơn vị liên quan phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Ứng dụng tiến bộ mới trong lĩnh vực vaccine thú y tại Việt Nam”.

Diễn đàn là dịp để các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội, doanh nghiệp, hộ sản xuất… đánh giá tình hình nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, sử dụng vaccine thú y tại Việt Nam; công tác phòng, chống bệnh lở mồm long móng tại Việt Nam từ việc lựa chọn đúng vaccine FMD; công nghệ sản xuất vacxin phòng bệnh dại chó, mèo (Rabiva) và hiệu quả phòng bệnh tại các địa phương; vaccine công nghệ Vaxxitek trong phòng, chống hiệu quả 3 bệnh nguy hiểm, phổ biến trên gia cầm; giới thiệu công nghệ sản xuất vaccine cúm gia cầm thế hệ mới tại Việt Nam; những kết quả từ thực địa của vaccine phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF LIVE…

Từ trái sang phải: Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long; Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Thanh Thủy và Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch điều hành phiên thảo luận.

Từ trái sang phải: Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long; Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Thanh Thủy và Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch điều hành phiên thảo luận.

Diễn đàn cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu vaccine giới thiệu những công nghệ, sản phẩm tiên tiến nhất trong lĩnh vực vaccine thú y. Từ đó, mở ra những giải pháp đột phá trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại Việt Nam, hướng tới xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật.

Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Thanh Thủy cùng các lãnh đạo Báo Nông nghiệp Việt Nam theo dõi các tham luận tại Diễn đàn.

Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Thanh Thủy cùng các lãnh đạo Báo Nông nghiệp Việt Nam theo dõi các tham luận tại Diễn đàn.

Theo chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học, vaccine thú y đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe động vật, nâng cao năng suất và đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong bối cảnh ngành chăn nuôi Việt Nam đang bùng nổ cả về quy mô và số lượng, việc phòng ngừa dịch bệnh thông qua vaccine không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại về kinh tế mà còn góp phần quan trọng trong việc giảm sử dụng kháng sinh, ngăn ngừa nguy cơ kháng kháng sinh - một vấn đề cấp bách của ngành y tế và thú y toàn cầu.

Diễn đàn diễn ra từ 8h-11h30 tại khách sạn Hòa Bình, 27 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội theo 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến. Toàn bộ nội dung diễn đàn sẽ được đăng tải trên các nền tảng của Báo Nông nghiệp Việt Nam.

 

Tất cảTổng thuật

11 giờ 30 phút

Ưu tiên đối tượng chăn nuôi nhỏ lẻ, nâng cao tỷ lệ sử dụng vaccine nội

ong phan quang minh

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), phát biểu kết thúc diễn đàn và tiếp thu ý kiến đề xuất, kiến nghị của các đại diện địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội.

Cảm ơn các ý kiến tại diễn đàn, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y, đánh giá, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn là một thách thức và với việc phổ biến và mở rộng đối tượng tiêm vaccine. “Tiêm vaccine vẫn là giải pháp căn cơ nhất với thực tiễn Việt Nam”, ông Minh chia sẻ.

Theo lãnh đạo Cục Thú y, việc tiêm phòng không những giúp chăn nuôi nhỏ lẻ mà còn hỗ trợ cho chăn nuôi tập trung, bởi các trang trại lớn vẫn được bố trí xen kẽ với khu vực nhỏ lẻ.

Ngoài việc chú ý đến những dịch bệnh mới nổi, ông Minh lưu ý những bệnh “tái nổi”, chẳng hạn như nhiệt thán, hoặc chuyển từ độc lực thấp sang độc lực cao, hoặc kết hợp nhiều mầm bệnh với nhau.

Hiện Việt Nam có hơn 500 loại vaccine, với khoảng hơn 200 loại do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Theo lãnh đạo Cục Thú y, việc sử dụng vaccine nội hay ngoại do nhiều yếu tố, có thể do lịch sử để lại, thói quen, tâm lý người tiêu dùng, giá cả, hoặc công tác truyền thông.

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp FDI sử dụng vaccine theo chuỗi, cùng với con giống, các loại thuốc thú y và nhiều công nghệ khác. Do vậy, việc thâm nhập vaccine vào nhóm đối tượng này gặp nhiều cạnh tranh.

“Có lẽ chúng ta cần không ngừng nâng cao chất lượng, tiếp thị và cải thiện giá cả của vaccine nội, làm sao để đảo ngược tỷ lệ 30-70 như bây giờ”, ông Minh bày tỏ.

11 giờ 20 phút

Lan tỏa giá trị, chất lượng của vaccine nội

anh Thach

Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Thạch cam kết, Báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ tăng cường thông tin, truyền thông về giá trị và tầm quan trọng của tiêm vaccine thú y tới bà con nông dân.

Chia sẻ với những khó khăn, trăn trở của các đại biểu, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch cam kết sẽ tăng cường thông tin, truyền thông về giá trị và tầm quan trọng của tiêm vaccine thú y tới bà con nông dân.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch khẳng định: “Trong bối cảnh hiện nay, phòng ngừa dịch bệnh thông qua vaccine không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại về kinh tế mà còn góp phần quan trọng giúp việc giảm sử dụng kháng sinh, từ đó ngăn ngừa nguy cơ kháng kháng sinh và đảm bảo chất lượng gia súc, gia cầm.

Vì vậy, Báo Nông nghiệp Việt Nam sẵn sàng đón nhận, chia sẻ những thành tựu, nghiên cứu khoa học và thông tin mới về vaccine. Đồng thời, lan tỏa giá trị và chất lượng vaccine của các doanh nghiệp sản xuất vaccine thú y Việt Nam, từ đó góp phần khẳng định uy tín, thương hiệu và trách nhiệm của Việt Nam với ngành thú y của thế giới”.

11 giờ 10 phút

Tâm lý ‘sính ngoại’ khiến vaccine nội chưa tìm được chỗ đứng

TS Nguyễn Thị Hương - Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam.11:47/-heart/-heart/-strong/-heart:>:o:-((:-h

TS Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam, cho rằng, tâm lý "sính ngoại" khiến vaccine nội chưa tìm được chỗ đứng.

TS Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam, đánh giá, công nghệ sản xuất thuốc thú y không những phát triển nhanh mà còn tiến bộ vượt bậc. Trong đó, có những công nghệ hàng đầu để sản xuất vaccine tai xanh, lở mồm long móng, dại, dịch tả lợn Châu Phi,… Những loại vaccine này, trước đây, đa số đều phải nhập khẩu.

“Ghi nhận để làm sao vaccine trong nước được đón nhận rộng rãi ở thị trường trong nước”, bà Hương chia sẻ, và nói thêm, rằng để có thể khánh thành 1 nhà máy sản xuất thuốc thú y đạt chuẩn GMP-WHO cần nguồn vốn lên tới hàng trăm tỷ đồng. Cùng với đó, là đội ngũ nhân viên có trình độ, được đào tạo lâu năm.

Việc tăng thị phần cho vaccine nội còn giúp người chăn nuôi nông hộ có thêm “lá chắn” cho chăn nuôi, nhất là khi một số bệnh trên đàn vật nuôi mới được tiêm vaccine khoảng 5%.

Theo bà Hương, một trong những điểm nghẽn là do tâm lý “sính ngoại” khi sử dụng vaccine. Do đó, đại diện Hội KHKT Thú y cho rằng, bên cạnh nâng cao chất lượng vaccine của doanh nghiệp trong nước, còn có trách nhiệm tuyên truyền, thông tin của cơ quan báo chí, các viện, trường đào tạo chuyên ngành.

“Càng nhiều người biết đến vaccine nội, biết tới khả năng của vaccine nội càng tốt”, bà tâm niệm và nhấn mạnh thêm, rằng chất lượng tạo nên thương hiệu. Khi vaccine nội đã đảm bảo chất lượng thì doanh nghiệp sản xuất rất cần sự ủng hộ của Cục Thú y, người sản xuất để cả ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

11 giờ 00 phút

Lợi ích của tiêm phòng vaccine thế hệ mới ngay tại nhà máy

ong le van quyet

Ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ.

Ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, chia sẻ, hiện nay Hiệp hội chủ yếu sử dụng các vaccine thế hệ mới của các công ty hàng đầu như Hanvet, Fivevet,…

Ông Quyết chia sẻ: "Khi sử dụng các loại vaccine thế hệ mới, chúng tôi sẽ tiêm phòng cho gia súc, gia cầm ngay tại nhà máy mà không cần phải tiêm lại tại trang trại. Phương pháp này không chỉ giảm áp lực lao động mà còn giúp bảo vệ động vật một cách sớm nhất và giám sát kỹ càng hơn.

Đồng thời, tiêm vaccine trực tiếp tại nhà máy cũng hạn chế việc thải virus ra môi trường, từ đó không gây ảnh hưởng xấu đến tình hình dịch tễ trong khu vực. Các trang trại trong khu vực chúng tôi quản lý đã áp dụng phương pháp này và đã thấy được hiệu quả rõ rệt, giúp giá thành giảm đáng kể và năng suất được cải thiện.

Chúng tôi cam kết sẽ luôn đồng hành cùng Bộ NN-PTNT trong chia sẻ công nghệ cao và kỹ thuật chăn nuôi hiệu quả, từ đó phát triển ngành chăn nuôi bền vững".

10 giờ 45 phút

Chất lượng vaccine thú y Việt Nam còn độ chênh so với thế giới

ts nguyen huu vu

TS. Nguyễn Hữu Vũ - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược và Vật tư Thú y (HANVET), tham luận tại Diễn đàn.

TS Nguyễn Hữu Vũ, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Hanvet, đồng tình với quan điểm, rằng Việt Nam có thế mạnh, với nhiều ưu điểm, tiềm năng về sản xuất thuốc thú y.

Theo ông Vũ, một số nước có điều kiện tương đồng đều chưa thể sánh với Việt Nam về tiềm năng sản xuất thuốc thú y. Ví dụ, Indonesia có 2 nhà máy sản xuất thuốc thú y, Malaysia có 1, Thái Lan thậm chí không có nhà máy nào. “Trên thế giới có công nghệ mới nào, Hanvet đều cố gắng học hỏi, chuyển giao, sở hữu”, ông Vũ nói và cho biết thêm, công ty có thế mạnh về vaccine tai xanh (đã lưu hành khoảng 9 năm) và vaccine dại. Những năm cao điểm bán tương ứng tới 6 và 2 triệu liều.

Trong số này, vaccine dại ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân (do hằng năm bệnh dại gây tử vong hàng chục người). Hiện Hanvet đã xuất khẩu vaccine đi nhiều nước, vùng lãnh thổ. Đa số đánh giá cao về giá bán, chất lượng vaccine của Hanvet.

Tại diễn đàn, ông Vũ trăn trở với vấn đề, là tại sao vaccine trên đàn vật nuôi vẫn chưa được sử dụng nhiều. Nguyên nhân, theo người đứng đầu Hanvet, nằm ở chỗ thương hiệu, trình độ sản xuất, kiểm soát chất lượng còn hạn chế.

“Tự nhận xét, chất lượng vaccine của Hanvet có lẽ chỉ khoảng 80% so với nước ngoài”, chủ doanh nghiệp vaccine bày tỏ và thừa nhận, độ phủ của vaccine của Việt Nam còn tương đối thấp.

10 giờ 35 phút

Vaccine đóng vai trò quan trọng nhất trong chăn nuôi an toàn sinh học

ong pham van hoc

Ông Phạm Văn Học, Phó Tổng giám đốc Thường trực Tập đoàn Dabaco Việt Nam, bày tỏ mong muốn sử dụng sản phẩm vaccine do các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu và phát triển.

Ông Phạm Văn Học, Phó Tổng giám đốc Thường trực Tập đoàn Dabaco Việt Nam, chia sẻ, trong chăn nuôi, công tác phòng bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Trong đó, chăn nuôi an toàn sinh học được xem là giải pháp tối ưu, quan trọng nhất. Trong an toàn sinh học thì vaccine lại đóng vai trò quan trọng nhất. Nếu làm tốt công tác này thì người chăn nuôi có lợi về mọi mặt (bảo vệ đàn vật nuôi, giảm chi phí, công lao động, đảm bảo lợi nhuận…).

Một thực tế đang đặt ra là muốn phòng bệnh tốt thì vaccine phải tốt. Vaccine tốt thì giá thành lại cao. Điều này đang là một khó khăn cần phải nghiên cứu tháo gỡ để đưa nhanh những vaccine chất lượng vào sản xuất. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, tập đoàn sẽ tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh thuốc, vaccine thú y. Đặc biệt, sẽ hoàn tất những khâu cuối cùng để có thể công bố lưu hành thương mại vaccine dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian gần nhất.

Ông Học cũng bày tỏ mong muốn, các doanh nghiệp, đơn vị tham gia mảng thuốc, vaccine thú y tại Việt Nam tăng cường phối hợp để phát triển nghiên cứu, sản xuất để huy động tốt nhất các nguồn lực tạo ra sản phẩm vaccine mới, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, tạo thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng.

10 giờ 25 phút

Thanh Hóa cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh

ong dang van hiep

Ông Đặng Văn Hiệp, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi ở địa phương.

Thanh Hóa có tổng đàn lợn khoảng 1,3 triệu con, gia cầm 26 triệu con, đàn trâu, bò khoảng 423 triệu con. Tỷ lệ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ chiếm 45%,và quy mô trang trại là 55%.

Hiện nay, trên cả nước đã xuất hiện nhiều ổ dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu Phi chưa được kiểm soát tại các tỉnh tiếp giáp với Thanh Hóa. Điều này dẫn đến nguy cơ lây lan và bùng phát bệnh cao; đặc biệt tình hình rét đậm, rét hại càng làm gia súc, gia cầm không kịp thích nghi, sức đề kháng giảm...

Ông Đặng Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, cho biết, tỉnh đã xác định đầu tư ngân sách để mua các loại vaccine quan trọng, đặc biệt là 5.000 liều vaccine dịch tả lợn Châu Phi của AVAC, vaccine H5N6 và các loại khác.

“Thanh Hóa luôn đi đầu trong công tác kiểm dịch, triển khai tiêm phòng cho cả hộ trang trại và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dưới sự quản lý và giám sát chặt chẽ của cán bộ thú y. Đồng thời, chủ động dự trữ nguồn vaccine và triển khai phòng ngừa nhanh chóng để ngăn dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. Nhờ đó, Thanh Hóa hiện nay cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Thời gian tới, tôi mong các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng Bộ NN-PTNT, các sở, ban, ngành và địa phương để cải tiến chất lượng vaccine và đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời ngiảm chi phí sản xuất cho bà con nông dân”, ông Hiệp cho biết.

10 giờ 10 phút

ong nguyen huu vinh

Ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, đánh giá, công tác nghiên cứu, sản xuất, cung ứng vaccine được đảm bảo trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, đánh giá, thời gian qua với sự vào cuộc đồng bộ từ của các cơ quan chuyên môn, hiệp hội, doanh nghiệp… công tác nghiên cứu, sản xuất, cung ứng vaccine được đảm bảo; góp phần không nhỏ quyết định đến việc kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh nguy hiểm, bảo vệ sản xuất, ổn định đời sống, thu nhập người dân.

Trên cơ sở đó, trong thời gian tới Hiệp hội tiếp tục phối hợp với Cục Thú y và các doanh nghiệp để phát triển các loại vaccine thú y mới có hiệu lực, hiệu quả.

10 giờ 00 phút

Hưng Yên ưu tiên đặc biệt việc tiêm vaccine cho đàn vật nuôi

ong nguyen gia dai

Ông Nguyễn Gia Đại - Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Chi cục Thú y (Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên) - tham luận tại Diễn đàn.

Ông Nguyễn Đăng Đại, Chi cục Thú y (Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên), cho biết, địa bàn là nơi đầu tiên phát hiện dịch tả lợn Châu Phi. Trong quá trình phòng, chống dịch, tỉnh đã kết hợp nhiều biện pháp để dập dịch.

Hiện Hưng Yên áp dụng 8 loại vaccine phòng, chống dịch, chia làm 2 giai đoạn trong năm, trên tổng thời gian 6 tháng. “Với những loại vaccine được đấu thầu, sử dụng vaccine là rất tốt”, ông Đại chia sẻ.

Ngoài dịch tả lợn Châu Phi, các bệnh khác như tụ huyết trùng, viêm da nổi cục, cúm gia cầm,… Hưng Yên đều kiểm soát và phòng, chống hiệu quả. Kể cả những ổ dịch nhỏ lẻ xuất hiện thời gian gần đây, địa phương cũng kịp thời phát hiện để ngăn ngừa, dập ổ dịch.

tiem vacxin

Cán bộ thú y tiêm vaccine dịch tả lợn Châu Phi.

“Hưng Yên luôn quan tâm việc sử dụng vaccine từ nguồn ngân sách Nhà nước”, đại diện ngành thú y Hưng Yên nói, và hy vọng Bộ NN-PTNT, Cục Thú y cùng lãnh đạo tỉnh và các đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm đến việc tiêm phòng vaccine trên đàn vật nuôi.

Theo ông Đại, virus gây bệnh thay đổi nhanh. Do đó, công tác sản xuất, phân phối vaccine cần tiếp tục nêu cao tinh thần hiệu quả, hữu hiệu, sát thực địa để giúp ích cho người chăn nuôi.

9 giờ 50 phút

Kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi bằng công nghệ độc quyền về tế bào và virus

ong nguyen van diep

Ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng giám đốc Công ty CP AVAC Việt Nam, trình bày những kết quả từ thực địa của vaccine phòng dịch tả lợn Châu Phi AVAC ASF LIVE.

Theo ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng giám đốc Công ty CP AVAC Việt Nam, có 7 loại vaccine phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi được phát triển. Trong đó, vaccine AVAC ASF Live là vaccine nhược độc, đông khô, dùng cho lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên, tiêm 1 liều duy nhất, thời gian bảo hộ ít nhất 5 tháng.

Đặc biệt, AVAC đã làm chủ công nghệ về tế bào và virus, tối ưu được con giống và thích ứng giống vaccine nhân trên tế bào dòng DMAC. DMAC là kết quả AVAC trực tiếp nghiên cứu và hoàn thiện với nhiều tính năng vượt trội, đã được đăng ký bằng độc quyền sáng chế.

“Hơn 3 triệu liều xuất ra thị trường, nội địa hơn 2,5 triệu liều, xuất khẩu Philippines 460.000 liều và Nigieria 5.000 liều... Sử dụng với giám sát chặt chẽ tại trên 21 tỉnh từ 7/2023 - 6/2024, trên 20 tỉnh, tất cả lợn tiêm vaccine đều khỏe mạnh, chưa có cơ sở nào bị nổ ra dịch. Lợn tiêm vaccine khỏe mạnh, vùng/cơ sở tiêm phòng được bảo hộ cao”, ông Nguyễn Văn Điệp thông tin về kết quả sử dụng vaccine công nghệ mới.

Thực hiện hơn 100 thí nghiệm trên động vật cho kết quả vượt trội, đặc tính của vaccine AVAC ASF LIVE an toàn cho lợn thịt từ 4 tuần tuổi, tạo miễn dịch bảo vệ nhanh sau 4 tuần, tỷ lệ bảo hộ cao trên 90% lợn tiêm vaccine (trên 5 tháng), không ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng của lợn hay ảnh hưởng đáp ứng miễn dịch của vaccine khác, an toàn và bảo hộ tốt cho lợn nái.

Từ tháng 3-12/2024, Công ty CP AVAC Việt Nam hợp tác với Công ty C.P Việt Nam đã tiêm khoảng 8.000 lợn ở khoảng 70 trại, đảm bảo an toàn và bảo hộ 100%.

Vaccine có nguồn cung ứng nhanh, hệ thống nhà kho bảo quản tốt. Thử nghiệm tại trên 20 tỉnh, vaccine AVAC ASF Live được đánh giá an toàn và bảo vệ tốt, hỗ trợ tích cực từ chính quyền. Tuy nhiên, ông Điệp cũng chỉ ra một số khó khăn tồn tại như người chăn nuôi do dự với vaccine mới; còn những vaccine kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; các loại vaccine ASF hiện nay mới chỉ dùng cho lợn thịt. Chính quyền địa phương quản lý chặt việc thương mại và chưa có tiêu chuẩn về vaccine ASF của WOAH (Tổ chức Thú y thế giới) và sự xuất hiện biến chủng mới rASFI/II.

Theo đó, đại diện Công ty AVAC đề xuất giải pháp cho thương mại hóa vaccine, đăng ký bổ sung đối tượng sử dụng là lợn sinh sản, hợp tác với các tổ chức quốc tế để đánh giá độc lập và công bố quốc tế (Tổ chức thú y thế giới), cũng như các cơ quan, tổ chức để phổ biến và cung ứng vaccine. Đồng thời, sẽ cần thúc đẩy việc đăng ký và dùng thử ở các nước khác và phát triển vaccine mới chống lại chủng ASFV mới.

9 giờ 35 phút

Lựa chọn chủng gốc phù hợp để sản xuất vaccine theo điều kiện thực địa

ong trinh quang dai

TS Trịnh Quang Đại - Giám đốc điều hành Nhà máy vaccine Công ty CP Thuốc thú y Trung ương 5 (Fivevet), giới thiệu công nghệ sản xuất vaccine cúm gia cầm thế hệ mới tại Việt Nam.

TS Trịnh Quang Đại, Giám đốc điều hành Nhà máy vaccine Công ty CP Thuốc thú y Trung ương 5 (Fivevet), cho biết, cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, có thể xuất hiện trên chim hoang dã và gia cầm nuôi, các loài động vật có vú, cũng như con người.

Virus cúm gia cầm cũng đã gây ra nhiều đại dịch trên người. Vào đợt cao điểm, hồi cuối 2003, xảy ra trên 57 tỉnh, thành phố, khiến gần 44 triệu gia cầm bị tiêu hủy, khiến 3 người tử vong. Từ khoảng năm 2010, Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, nhưng vẫn thỉnh thoảng xảy ra lẻ tẻ. Năm 2024, Việt Nam đã tiêu hủy gần 100.000 gia cầm trên 13 đơn vị cấp huyện và 9 tỉnh.

Hiện có 3 chủng chính độc lực cao gây bệnh, gồm A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8. Ngoài ra, còn 1 chủng độc lực thấp là A/H9N2.

“Với hơn 500 triệu gia cầm trên cả nước, công nghệ tạo chủng vaccine cúm gia cầm và ứng dụng trong sản xuất vaccine cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) và độc lực thấp (LPAI) tại Fivevet”, ông Đại nói.

Dựa trên tiêu chí an toàn, hiệu quả, Fivevet đã ứng dụng tạo chủng gốc virus cúm gia cầm. Trong đó, có việc tạo nguyên bản virus cúm A/H5N1 với bộ gen đặc trưng, với gen H5 đã được đột biến để virus mất đi độc lực cao nhưng giữ nguyên được đặc tính kháng nguyên của H5.

Theo ông Đại, vaccine do công ty chế tạo có kháng thể đạt 100%. Công cường độc sử dụng chủng A/H5N1 có tỷ lệ bảo hộ đạt 90%. Đặc biệt, vaccine cúm gia cầm đơn giá/đa giá sử dụng chủng A/H5N1rg cho kết quả An toàn và hiệu lực cao, đặc hiệu trên gia cầm được tiêm vaccine.

Việc chủ động được công nghệ tạo, lựa chọn chủng giống gốc phù hợp cho việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất vaccine đối với bệnh cúm gia cầm (HPAI, LPAI) là cơ sở để tạo ra các loại vaccine công nghệ cao, phù hợp với các chủng lưu hành tại thực địa, góp phần vào công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại Việt Nam.

9 giờ 25 phút

Lợi ích kép từ vaccine 3 trong 1 VAXXITEK HVT+IBD+ND

ong cao van quang

Ông Cao Văn Quang, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty TNHH Olmix Asialand Việt Nam, trình bày về vaccine công nghệ Vaxxitek trong phòng chống hiệu quả 3 bệnh nguy hiểm, phổ biến trên gia cầm.

Tại Diễn đàn, ông Cao Văn Quang, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH Olmix Asialand Việt Nam, đánh giá, đàn gia cầm của cả nước những năm qua liên tục tăng, kéo theo quy mô chăn nuôi liên tục thay đổi; áp lực dịch bệnh tăng cao với nhiều biến chủng virus gây bệnh mới; công tác chăn nuôi an toàn sinh học thực hiện chưa tốt…

Trong khi đó, vaccine cổ điển không còn lý tưởng do dễ trung hòa với kháng thể mẹ truyền, vẫn còn độc lực như Lasota ND, IBD độc lực, ảnh hưởng tới cơ quan miễn dịch gia cầm, hiệu quả bảo hộ không kéo dài, nguy cơ gây bệnh nếu chủng ngừa cho gà có miễn dịch kém, rủi ro đến từ kỹ thuật chủng ngừa, an toàn sinh học không đảm bảo…

Để giải quyết hạn chế này, vaccine công nghệ mới được chủng ngừa tại nhà máy ấp, không chứa vi sinh vật gây bệnh, không ảnh hưởng cơ quan miễn dịch, bảo hộ rộng, tạo miễn dịch nhanh, kéo dài, con người và thiết bị chủng ngừa chuyên nghiệp, tối ưu hóa chương trình làm vaccine tại trại - giảm số lần làm...

Ông Quang cũng chia sẻ quá trình nâng cấp vaccine 2 trong 1 VAXXITEK HVT+IBD (vaccine phòng bệnh marek chủng HVT và bệnh gumboro trên gà) lên vaccine 3 trong 1 VAXXITEK HVT+IBD+ND (vaccine phòng bệnh marek chủng HVT, bệnh gumboro và newcastle trên gà).

Theo đó, vaccine VAXXITEK HVT+IBD+ND được phát triển dựa trên ưu điểm vượt trội của VAXXITEK HVT+IBD bằng cách chèn gen F của NDV G.VII (được chỉnh sửa và tối ưu hóa phù hợp) vào bộ gen VAXXITEK HVT+IBD tại cùng vị trí chèn với VAXXITEK HVT+IBD; sử dụng vị trí gắn kết Ribosom (IRES-Internal Ribosomal Entry Site) cho phép sử dụng 1 Promoter. Kết quả, chỉ một quá trình phiên mã nhưng thu được 2 protein (protein F và protein VP-2).

Khi sử dụng vaccine VAXXITEK HVT+IBD+ND độ dài bảo hộ miễn dịch trên gà kéo dài, giảm bài thải virus; giảm số lần làm vaccine tại trại.

9 giờ 10 phút

Nuôi cấy tế bào và chủng giống chuẩn quốc tế để sản xuất vaccine Rabiva

ong nguyen thanh ba

Ông Nguyễn Thanh Ba, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vaccine, sinh phẩm - Công ty CP Dược và Vật tư Thú y Hanvet, trình bày về công nghệ sản xuất vaccine phòng bệnh dại chó, mèo (Rabiva) và hiệu quả phòng bệnh tại các địa phương.

Trải qua 36 năm phát triển, Hanvet hiện là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất Dược phẩm - Vaccine - Sinh phẩm dùng trong thú y và thủy sản. Hưởng ứng Chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại, Công ty Hanvet đã nỗ lực nghiên cứu, phát triển và ra mắt vaccine dại chó mèo Rabiva.

Bệnh dại là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, sau khi tiêm vaccine phòng dại cho chó mèo hay xảy ra một số phản ứng phụ. Vì thế, Hanvet đã sử dụng Tế bào Vero từ ngân hàng giống tế bào Hoa Kỳ ATCC  CCL81 và Giống virus Dại chủng PM nhận chuyển giao từ CDC Hoa Kỳ. Đồng thời, áp dụng công nghệ để tinh chế kháng nguyên để tăng khả năng phòng, chống bệnh dại.

Để sản phẩm đạt hiệu quả cao, công ty thực hiện quy trình kiểm soát chất lượng toàn diện: Từ chất lượng nguyên vật liệu đầu vào; quá trình sản xuất đến kiểm nghiệm sản phẩm trước khi xuất xưởng.

Theo ông Nguyễn Thanh Ba, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vaccine, sinh phẩm - Công ty CP Dược và Vật tư Thú y Hanvet, vaccine Rabiva đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe của Việt Nam và quốc tế đối với vaccine phòng bệnh dại cho động vật và đã được lưu hành rộng rãi trong nước.

Bên cạnh đó, vaccine này đã bắt đầu được xuất khẩu sang các quốc gia như Sri Lanka, Myanmar và các nước Trung Đông, góp phần mở rộng thị trường quốc tế.

“Tại các địa phương, vaccine Rabiva đã chứng minh được hiệu quả trong tiêm phòng dại cho chó mèo, giúp công tác phòng, chống bệnh dại đạt kết quả tốt và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Với những đóng góp này, Công ty Hanvet đã góp phần quan trọng vào Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, hướng đến mục tiêu nâng cao an toàn cho đàn vật nuôi và xã hội”, ông Ba cho biết.

9 giờ 00 phút

Vaccine lở mồm long móng hiệu quả sau 1 lần tiêm

ong tran anh hoat

Ông Trần Anh Hoạt, Phó Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Thuốc thú y Amavet, trình bày về Phòng, chống bệnh lở mồm long móng tại Việt Nam.

Ông Trần Anh Hoạt, Phó Giám đốc Công ty Amavet, cho biết, bệnh lở mồm long móng có tỷ lệ mắc cao nhưng tỷ lệ tử vong thấp gây nên tâm lý chủ quan cho người nuôi. Dù vậy, bệnh này có nhiều nguy cơ như giảm năng suất thịt, sữa, có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu.

“Theo quy định của WOAH, muốn xuất khẩu được phải không có bệnh lở mồm long móng”, ông Hoạt nói và cho biết thêm, vaccine phòng bệnh lở mồm long móng đang lưu hành ở Việt Nam đều có khả năng bảo hộ chéo.

Nhập chú thích ảnh

Nhân viên thú y tại Quảng Trị phải lên rừng tìm trâu, bò để tiêm vaccine phòng bệnh lở mồm long móng.

Có nhiều công nghệ sản xuất vaccine lở mồm long móng. Đa số đều có hiệu quả sau 1 lần tiêm chủng, khả năng đạt miễn dịch sớm và trong thời gian 6 tháng. “Việt Nam có nhiều kinh nghiệm đã được chứng minh về việc kiểm soát các đợt bùng dịch”, ông Hoạt nói và nhấn mạnh, vaccine là công cụ hiệu quả, an toàn để phòng chống dịch bệnh xảy ra trên các loài thú có móng như trâu, bò, dê, cừu.

8 giờ 50 phút

Sản xuất vaccine thú y trong nước là rất cần thiết

ts nguyen van long 1

TS. Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), phát biểu bắt đầu phiên thảo luận về công nghệ sản xuất vaccine.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), nhấn mạnh sự cần thiết phải sản xuất vaccine thú y trong nước để đối phó với tình trạng dịch bệnh gia tăng trên động vật tại Việt Nam. Dịch bệnh trên các loài gia súc, gia cầm và động vật hoang dã đang ngày càng gia tăng, mặc dù hiện nay dịch tả lợn Châu Phi và dịch bệnh trên trâu bò cơ bản được kiểm soát.

Việt Nam có đường biên giới dài và hoạt động trao đổi thương mại, đi lại giữa các quốc gia ngày càng gia tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh mới, bao gồm cúm gia cầm chủng mới, dịch tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục, lây lan nhanh chóng.

Ông Long cũng nhấn mạnh, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ vaccine trên thế giới tạo ra cơ hội cho Việt Nam học hỏi và hợp tác. Cục trưởng Cục Thú y cho rằng đã có sự phát triển đáng kể trong hợp tác khoa học công nghệ và công nghệ sản xuất vaccine của Việt Nam đã tiếp cận trình độ thế giới.

Cục trưởng Cục Thú y khuyến nghị các chi cục chăn nuôi, thú y, thủy sản và các doanh nghiệp liên quan cần hợp tác chặt chẽ trong công tác kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ông cũng khẳng định, việc sử dụng vaccine là vô cùng quan trọng và cần thiết trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Cập nhật về tình hình dịch bệnh và công tác tiêm phòng vaccine, ông Nguyễn Văn Long cho biết, cúm gia cầm năm nay đã có 16 ổ dịch, giảm 30% so với năm trước. Tuy nhiên, công tác tiêm phòng vẫn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt yêu cầu.

Về bệnh dại, Việt Nam ghi nhận 887 ca tử vong do bệnh dại trong vòng 10 năm qua, riêng ba tháng đầu năm nay, 27 người chết vì dại, 100.000 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng. Chỉ tính riêng năm 2023, tổn thất kinh tế do bệnh dại gây ra đã lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do việc quản lý đàn chó chưa tốt và việc kiểm soát bệnh dại còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại hiện nay mới chỉ đạt 60%.

Bệnh lở mồm long móng, một trong những bệnh nguy hiểm đối với chăn nuôi gia súc, đang có xu hướng gia tăng mạnh. Tình hình dịch bệnh này hiện nay đã tăng gấp ba lần so với trước đây.

Bệnh viêm da nổi cục trên gia súc chưa đáp ứng đủ yêu cầu tiêm phòng, chỉ đạt 47% từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, bệnh tai xanh ở lợn đã được kiểm soát trong nhiều năm qua, nhưng số lượng vaccine (34 triệu liều) vẫn còn hạn chế, gây lo ngại cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi lợn.

8 giờ 45 phút

Việt Nam hiện có hơn 500 loại vaccine phòng bệnh trên gia súc, gia cầm

Ông Lê Toàn Thắng, Trưởng phòng Quản lý thuốc thú y, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) giới thiệu tổng quan về tình hình nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, sử dụng vaccine thú y tại Việt Nam08:56/-heart/-heart/-strong/-heart:>:o:-((:-h

Ông Lê Toàn Thắng, Trưởng phòng Quản lý thuốc thú y, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), giới thiệu tổng quan về tình hình nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, sử dụng vaccine thú y tại Việt Nam.

Ông Lê Toàn Thắng, Trưởng phòng Quản lý thuốc thú y (Cục Thú y), thông tin, hiện nay, Việt Nam có 92 cơ sở sản xuất thuốc thú y đạt GMP-WHO, trong đó 12 cơ sở sản xuất vaccine thú y; mức đầu tư khoảng 30-40 triệu USD/nhà máy (VAKSINDO, HANVET, NAVETCO, DABACO…). Các phòng thí nghiệm của Cục Thú y đạt an toàn sinh học cấp độ II trở lên, trong đó có 2 phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp III; tổng ngành thú y có 7 phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp III.

Các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine thú y của Việt Nam không ngừng tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao khoa học công nghệ với các nước hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Mỹ... với những công nghệ tiến nhất; các nhà khoa học, tổ chức như FAO, WOAH, đối tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, CDC, các Phòng thí nghiệm tham chiếu quốc tế đối với các bệnh nguy hiểm trên động vật như cúm gia cầm , lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn Châu Phi, dại).

Trong nước, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Thú y triển khai các giám sát virus gây bệnh, phân tích đặc tính, giải trình tự gen của các chủng virus lưu hành, chia sẻ kết quả, lựa chọn chủng giống thực địa cho công tác đánh giá hiệu lực vaccine hiện hành…

Nhập chú thích ảnh

Ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất vaccine, thuốc thú y sẽ giúp công tác kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi đạt hiệu quả.

Về tình hình cung ứng vaccine và giám sát chất lượng vaccine thú y, hiện tại cả nước có 12 doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vaccine cho động vật đạt tiêu chuẩn GMP-WHO với tổng số 218 loại vacxin và 340 loại vaccine nhập khẩu đã đáp ứng được nhu cầu phòng các bệnh trên gia súc, gia cầm trong nước.

Về tình hình sản xuất, nhập khẩu một số vaccine quan trọng năm 2024: vaccine phòng bệnh cúm gia cầm 739 triệu liều (sản xuất 191 triệu liều; nhập khẩu 548 triệu liều). Vaccine phòng bệnh lở mồm long móng hơn 46 triệu liều (sản xuất 1,4 triệu liều; nhập khẩu 45 triệu liều). Vaccine phòng bệnh dại hơn 5 triệu liều (sản xuất 1,6 triệu liều; nhập khẩu 3,7 triệu liều). Vaccine phòng bệnh tai xanh hơn 34 triệu liều (sản xuất 3,5 triệu liều; nhập khẩu 31 triệu liều). Vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục gần 2 triệu liều (sản xuất 115.000 liều; nhập khẩu 1,8 triệu liều).

Riêng vaccine dịch tả lợn Châu Phi, đến nay các doanh nghiệp đã sản xuất và cung ứng ra thị trường 5,9 triệu liều. Trong đó, Công ty Navetco sản xuất 2,2 triệu liều (cung ứng trong nước gần 700.000 liều, xuất khẩu 7.000 liều); trong kho còn hơn 300.000 liều và dự kiến sản xuất khoảng 150.000 liều trong thời gian tới. Công ty AVAC sản xuất trên 3,7 triệu liều (cung ứng trong nước hơn 2,9 triệu liều, xuất khẩu trên 460.000 liều); trong kho còn khoảng 33.000 liều và đang dự kiến sản xuất 150.000 liều.

Về kết quả kiểm tra Nhà nước về vaccine thú y nhập khẩu: năm 2024 tiến hành kiểm tra 714 mẫu vaccine, 100% các mẫu vaccine kiểm tra đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn, hiệu quả.

8 giờ 30 phút

Song hành với ngành chăn nuôi là công nghiệp vaccine

ba nguyen thi thanh thuy 1

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT), phát biểu chào mừng và khai mạc Diễn đàn.

Trong bối cảnh nhiều biến thể dịch bệnh như hiện nay, việc kiểm soát dịch bệnh trong chuồng trại và đàn vật nuôi phải được thực hiện một cách chặt chẽ và bảo vệ nghiêm ngặt. Vaccine là một biện pháp hiệu quả trong việc giảm thiểu thiệt hại, giúp sản phẩm đầu ra đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm (ATTP). Sử dụng vaccine không chỉ giúp giảm bệnh truyền nhiễm mà còn đảm bảo quy trình chăn nuôi an toàn cho vật nuôi.

Thời gian qua, nhờ sự không ngừng cải tiến và các kết quả nghiên cứu vaccine qua nhiều thế kỷ, cả con người và vật nuôi đều được hưởng lợi, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo an ninh lương thực thế giới. “Song hành với ngành chăn nuôi là công nghiệp vaccine”, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, khẳng định.

Việt Nam đã nhanh chóng gia nhập cuộc đua chế tạo các loại vaccine thú y; đã sản xuất được một số loại vaccine phòng bệnh quan trọng như: Cúm gia cầm (Navet-Vifluvac) năm 2012); vaccine phòng bệnh tai xanh từ năm 2015; vaccine lở mồm long móng từ năm 2018; vaccine phòng bệnh dại từ năm 2019 và gần đây nhất là vaccine phòng dịch tả lợn Châu Phi (NAVET-ASFVAC và AVAC ASF LIVE) năm 2022.

Đặc biệt, Việt Nam đã sản xuất thành công và chính thức xuất khẩu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam sang 5 nước, đánh dấu 1 thành tựu lớn được cả thế giới công nhận.

“Trong thời gian tới, với những thành tựu và dấu ấn đã được thế giới ghi nhận, Việt Nam có tiềm năng lớn để tiếp tục phát triển và sáng tạo ra các loại vaccine mới, đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khỏe vật nuôi và người tiêu dùng. Với xu hướng xã hội hóa nguồn lực cùng sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp, ngành thú y và chăn nuôi Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng để áp dụng những công nghệ tiên tiến, phát triển các loại vaccine hiện đại”, bà Thủy chia sẻ.

Diễn đàn là cơ hội để các chuyên gia chia sẻ những kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học mới, góp phần nâng cao năng lực ứng phó với dịch bệnh an toàn và hiệu quả hơn. Từ đó, hướng đến mục tiêu tối ưu hóa chi phí vaccine, giúp người nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, đồng thời nâng cao chất lượng chăn nuôi.

Xem thêm
Yên Bái giảm 5 sở, 11 ban chỉ đạo

Yên Bái chỉ duy trì 3 Ban chỉ đạo gồm: Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực, Ban Chỉ đạo 35 và Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 18.

Ông Lại Thế Nguyên nêu vấn đề 'căn cốt' để phát triển nông nghiệp Thanh Hóa

Năm 2024, dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do thiên tai liên tiếp xảy ra, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa vẫn gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Mức sinh ở Việt Nam giảm 3 năm liên tiếp, dự báo tiếp tục giảm

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết 3 năm liên tiếp mức sinh ở Việt Nam giảm với tốc độ nhanh chóng, đây là mức thấp nhất trong lịch sử.