Từ cuối năm 2017 đến nay, đã có hơn 20 quốc gia trên thế giới ghi nhận bùng phát dịch tả lợn Châu Phi (ASF). Nơi nào dịch tả lợn Châu Phi đi qua, nơi đó đều phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề.
Tại Việt Nam, dịch tả lợn Châu Phi phát hiện chính thức vào tháng 2/2019 sau đó nhanh chóng lan rộng khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, Việt Nam đã có một bước ngoặt lớn khi sản xuất và xuất khẩu thành công vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) và TS. Fred Unger, Trưởng Đại diện Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tại châu Á về hiện trạng, diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam.
TS. Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y xác nhận: Đến thời điểm hiện tại, trên toàn lãnh thổ Việt Nam vẫn duy trì được sự kiểm soát tốt đối với dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, chúng ta đã ghi nhận hơn 830 ổ dịch lan ra tại 46 tỉnh, thành phố trên khắp đất nước.
Đặc biệt, từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay, chúng ta đã chứng kiến một sự gia tăng đáng kể trong dịch bệnh. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, dịch bệnh có dấu hiệu giảm dần. Trên toàn quốc, có ba tỉnh đang phải đối mặt với tình trạng nghiêm trọng nhất.
Thứ nhất là tỉnh Bắc Kạn, nơi đã phải tiêu hủy hơn 13.000 con lợn. Thứ hai là tỉnh Lạng Sơn và thứ ba là Quảng Ninh. Các tỉnh này, đặc biệt là Quảng Ninh và Lạng Sơn, đang ghi nhận tình hình dịch bệnh nghiêm trọng.
Đặc biệt, dịch bệnh tập trung mạnh vào các tỉnh phía Bắc, tập trung mạnh từ tháng 5 đến nay, nhất là vào tháng 5 khi chúng ta đã phải tiêu hủy hơn 27.000 con lợn. Tuy nhiên, đến hết tháng 7, số lượng tiêu hủy đã giảm xuống chỉ còn hơn 10.000 con.
"Hiện tại, trên khắp đất nước, chúng ta vẫn ghi nhận hơn 330 ổ dịch, phân bố tại 36 tỉnh, thành phố và chưa hết 21 ngày. Chúng tôi đang tập trung phối hợp với các địa phương để kiểm soát dịch bệnh." TS. Nguyễn Văn Long chia sẻ.
Còn theo TS. Fred Unger, Trưởng Đại diện ILRI tại châu Á: Dịch tả lợn Châu Phi là một loại bệnh cực kỳ lây lan do virus gây ra, ảnh hưởng đến cả lợn nhà và lợn hoang dã trên toàn thế giới, bao gồm cả khu vực Đông Nam Á và Việt Nam. Dịch bệnh có khả năng gây tử vong lên đến 100% ở các đàn lợn bị nhiễm bệnh, điều này có nghĩa là hầu hết lợn sẽ chết khi mắc phải virus.
Điều này gây thiệt hại đáng kể cho nông dân, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của họ và làm giảm đáng kể nguồn cung thực phẩm từ động vật, đặc biệt là thịt lợn, một loại thực phẩm rất quan trọng trong chế độ ăn uống của người Việt Nam.
Virus dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng rất cao, chúng có thể dễ dàng tồn tại trong môi trường và trong các sản phẩm từ thịt lợn, bao gồm cả các loại thực phẩm chế biến như pate hoặc xúc xích.
Bệnh này lây lan nhanh chóng từ đàn lợn này sang đàn lợn khác, từ khu vực này sang khu vực khác, thậm chí vượt qua biên giới giữa các quốc gia. Đây là một loại dịch bệnh động vật điển hình với khả năng lan rộng ra nhiều quốc gia trong cả khu vực.
Trên thực tế, điều này đã xảy ra trong những năm gần đây khi dịch bệnh lan rộng nhanh chóng trên toàn khu vực từ khi xuất hiện, gây thiệt hại từ 30% đến 40% tổng đàn lợn. Đây là một con số rất đáng báo động. Hiện tại, vẫn chưa có liệu pháp điều trị nào cho dịch tả lợn Châu Phi nên an toàn sinh học đóng vai trò vô cùng quan trọng.
"Việt Nam đang dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển vacxin phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi. Tôi muốn chúc mừng Chính phủ và các viện nghiên cứu, doanh nghiệp của Việt Nam về thành tựu quan trọng này. Kết quả ban đầu rất hứa hẹn và Việt Nam đang tiếp tục tiến hành nhiều nghiên cứu để củng cố những kết quả tích cực này. Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng, dịch tả lợn Châu Phi không có bất kỳ khả năng nào ảnh hưởng đến sức khỏe con người." TS. Fred Unger nói.