| Hotline: 0983.970.780

Ứng phó bão số 1: Nhanh chóng đưa người từ khu nuôi thủy sản lên bờ

Chủ Nhật 16/07/2023 , 16:10 (GMT+7)

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 1 có tên quốc tế là TALIM, Quảng Ninh đã nhanh chóng đưa ra các giải pháp cụ thể, sẵn sàng ứng phó với bão.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vạn Gia (BĐBP tỉnh Quảng Ninh) hỗ trợ người dân gia cố lồng bè nuôi thủy sản. Ảnh: Nguyễn Chiến.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vạn Gia (BĐBP tỉnh Quảng Ninh) hỗ trợ người dân gia cố lồng bè nuôi thủy sản. Ảnh: Nguyễn Chiến.

Giúp người dân chằng chống lồng bè trước khi bão đến

Sáng 16/7, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vạn Gia, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã huy động lực lượng triển khai kế hoạch ứng phó với bão TALIM. Theo đó, đơn vị đã cử 3 tổ công tác gồm 40 cán bộ, chiến sĩ gia cố chằng chống lồng bè giúp các hộ dân nuôi trồng thủy sản.

Cùng với đó, đơn vị cũng đã cử cán bộ túc trực, hướng dẫn ngư dân neo đậu, kéo thuyền vào các điểm tập kết an toàn, tổ chức giúp dân cắt nhánh cây, dọn dẹp và chằng néo những vật dụng cần thiết để an toàn khi bão đến.

Theo lãnh đạo Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vạn Gia, trên địa bàn đơn vị đang quản lý có 418 phương tiện hoạt động ven bờ với 1.254 ngư dân, 15 hộ nuôi trồng thủy sản. Hiện tại, 100% các phương tiện và các hộ dân nuôi trồng thủy sản đã được thông báo.

Đơn vị đã bố trí lực lượng túc trực 24/24 để thông báo về vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão cho phương tiện trên biển để chủ động phòng tránh. Đồng thời, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Không chỉ riêng ở Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vạn Gia, công tác tuyên truyền, thông báo, kêu gọi tàu thuyền vào bờ hoặc tìm các điểm tránh trú bão gần nhất cũng đang được Hải đội biên phòng 2 (BĐBP Quảng Ninh) và các Đồn biên phòng tuyến biển khẩn trương thực hiện.

Các đơn vị cũng đã lên phương án, phân công cán bộ, chiến sỹ sẵn sàng 24/24 giờ trong ngày để thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ khi có trường hợp sự cố xảy ra.

Ngoài huy động toàn bộ lực lượng túc trực, đơn vị cũng đã chuẩn bị các phương tiện như tàu cao tốc, tàu quân y, xuồng máy, áo phao… huy động thêm một số các tàu thuyền để tiến hành cứu nạn, cứu hộ. Bên cạnh đó, đơn vị cũng phối hợp với lực lượng Kiểm ngư tuần tra, hướng dẫn và theo dõi chặt chẽ các phương tiện đang hoạt động trên biển, sẵn sàng ứng phó trong trường hợp cần thiết.

Các phương tiện cần nhanh chóng vào khu neo đậu, tránh trú bão. Ảnh: Nguyễn Thành.

Các phương tiện cần nhanh chóng vào khu neo đậu, tránh trú bão. Ảnh: Nguyễn Thành.

Đưa người từ các khu nuôi lên bờ

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Phòng thủ dân sự tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương theo dõi thường xuyên và thông tin rộng rãi cho nhân dân biết về diễn biến của bão. Giữ liên lạc thường xuyên với các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động kế hoạch sản xuất và các biện pháp an toàn, không đi vào vùng nguy hiểm.

Chỉ đạo khẩn trương gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản và tổ chức đưa người từ các khu nuôi lên bờ (ưu tiên phụ nữ, người già và trẻ nhỏ lên trước) và hoàn thành công việc này trước 16 giờ ngày 17/7.

Các địa phương (đặc biệt là tuyến đảo) nắm lại lượng khách du lịch và thông tin về bão cho du khách biết để có phương án di chuyển phù hợp; thống kê, báo cáo số du khách về Văn phòng Thường trực Phòng, chống thiên tai tỉnh trước 16 giờ 30 phút hàng ngày.

Tổ chức rà soát lại vị trí có nguy cơ sạt lở đất do mưa để phương án ứng phó cụ thể; khơi thông hệ thống thoát nước, lưu ý khu đô thị. Các địa phương miền núi sẵn sàng phương án phòng chống lũ, sạt lở; tổ chức trực canh tại các bị trí có nguy cơ cao khi có mưa lớn trên địa bàn.

Chi cục Thủy sản cập nhật thường xuyên tình hình tàu thuyền, lồng bè và báo cáo về Văn phòng Thường trực Phòng, chống thiên tai tỉnh, Sở NN-PTNT.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh: Sẵn sàng lực lượng, phương tiện hiệp đồng với các địa phương, đơn vị đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và triển khai cứu hộ khi có yêu cầu. Căn cứ vào diễn biến của bão, Bộ đội Biên phòng sẵn sàng bắn pháo hiệu báo bão theo quy định.

Các cơ quan, đơn vị gồm Sở Giao thông - Vận tải; Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, Sở Du lịch, Sở Xây dựng... theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung triển khai các phương án chủ động ứng phó bão TALIM.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tổng Công ty Đông Bắc cần rà soát, triển khai các phương án ứng phó mưa lớn đối với các khu vực khai thác hầm lò, khai trường, bãi thải, các vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở.

Các Công ty TNHH MTV Thủy lợi: Đông Triều, Yên Lập, Miền Đông và các đơn vị quản lý hồ chứa theo dõi sát diễn biến mưa, bão để chủ động vận hành, điều tiết hồ chứa đảm bảo an toàn. Sẵn sàng vận hành các công trình tiêu thoát đề phòng mưa lớn kéo dài.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ ký giao ước thi đua năm 2025

Ninh Thuận Khối thi đua Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.