| Hotline: 0983.970.780

Cận cảnh ngành thủy sản nhiều tỷ đô ở vùng mỏ

Giữ màu xanh, trao 'vé thông hành' cho thủy sản xuất ngoại

Thứ Ba 11/07/2023 , 10:32 (GMT+7)

QUẢNG NINH Quảng Ninh đã và đang có những hành động cụ thể để tiến tới giao mặt nước, cấp mã số vùng nuôi cho hộ dân.

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh ưu tiên việc giữ môi trường biển trong sạch bằng vật liệu thân thiện. Ảnh: Văn Nguyễn.

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh ưu tiên việc giữ môi trường biển trong sạch bằng vật liệu thân thiện. Ảnh: Văn Nguyễn.

Bảo vệ môi trường trong nuôi thủy sản

Được xác định là lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp, TP Móng Cái đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, đầu tư nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi tập trung, hướng tới phát triển thủy sản bền vững.

Ông Bùi Sơn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh, cho biết, tổng diện tích thả nuôi tôm hàng năm của xã đạt 315ha với sản lượng bình quân đạt 750 tấn tôm thương phẩm; doanh thu bình quân đạt 75 tỷ đồng mỗi năm, trong đó lợi nhuận hàng năm đạt 30 tỷ đồng, góp phần nâng cao thu nhập đời sống của các hộ nuôi trồng thủy sản.

Từ năm 2018, UBND xã đã tổ chức cho 170/170 hộ nuôi trồng thủy sản ký cam kết bảo vệ môi trường. Hàng năm, xã chủ động phối hợp với Chi cục thuỷ sản lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm, không phát hiện chất cấm sử dụng trong quá trình nuôi.

Xã Vạn Ninh cũng đã hình thành 3 chuỗi liên kết nuôi tôm công nghệ cao. Các chuỗi liên kết sản xuất trên địa bàn đều đảm bảo quy trình khép kín từ con giống, thức ăn đến sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Các đại lý thức ăn thực hiện cung cấp giống, thức ăn, vật tư cho các hộ nuôi sau đó thực hiện hướng dẫn, theo dõi quy trình sản xuất. Khi tôm đạt kích thước thương phẩm đủ tiêu chuẩn xuất bán, các đại lý kiểm tra đánh giá, phân loại tôm và liên kết thu mua, bao tiêu sản phẩm.

Còn tại phường Hải Hòa - vùng nuôi tôm lớn nhất của TP Móng Cái, mặc dù hoạt động nuôi trồng thủy sản tại đây chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng ngay từ khi mới phục hồi, hơn 200 hộ nuôi tại phường luôn đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường để nuôi tôm bền vững.

Là một trong số những cơ sở nuôi tôm công nghiệp với quy mô lớn, công nghệ nuôi tiên tiến tại Móng Cái, ông Bùi Ngọc Liêm, khu 9, phường Hải Hoà nhớ như in những bài học “nhớ đời” của những đợt dịch bệnh đối với nghề nuôi mà theo ông Liêm, phần lớn nguyên nhân của dịch bệnh đều xuất phát từ yếu tố môi trường nuôi, kiểm soát dịch bệnh.

Triển khai vụ nuôi này, ông Liêm vẫn kiên trì với công nghệ nuôi sử dụng vi sinh BOX - một sản phẩm của Mỹ được Hội Nông dân tỉnh triển khai thử nghiệm tại một số cơ sở nuôi tôm trong tỉnh từ nhiều năm qua.

Ông Liêm cho biết: “Hạ tầng khu nuôi tôm rộng 6,5ha của gia đình được đầu tư đến thời điểm này đã lên tới hơn 80 tỷ đồng. Hiện nay, toàn bộ diện tích nuôi tôm của gia đình đều đảm bảo các chỉ tiêu, tiêu chí theo tiêu chuẩn VietGAP. Vụ nuôi này, gia đình tôi dự kiến thả nuôi khoảng 4ha. Tuy nhiên, trước đó do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đến nay, tôi mới thả nuôi hơn 50 vạn tôm giống trên diện tích hơn 2ha”.

Nhiều hộ nuôi tôm tại TP Móng Cái đã ký cam kết bảo vệ môi trường. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nhiều hộ nuôi tôm tại TP Móng Cái đã ký cam kết bảo vệ môi trường. Ảnh: Nguyễn Thành.

Cùng với công nghệ nuôi sử dụng vi sinh BOX, toàn bộ ao nuôi của cơ sở đang ứng dụng công nghệ nuôi tuần hoàn nước do Sở KH-CN triển khai. Đây là công nghệ nuôi được các nhà chuyên môn đánh giá cao.

Với công nghệ này, việc ương giống chỉ mất thời gian 1 tháng và thời gian nuôi chỉ 2 tháng/vụ, giúp người nuôi tôm có thể nuôi từ 3-4 vụ/năm. Với công nghệ nuôi tuần hoàn nước và hệ thống cảnh báo, quan trắc môi trường được lắp đặt tại toàn bộ các ao nuôi, người nuôi tôm có thể kiểm soát được môi trường nước, tình hình dịch bệnh mọi lúc, mọi nơi, giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh trong nghề nuôi.

Toàn bộ các hộ nuôi đều ký cam kết bảo vệ môi trường với các nội dung chủ yếu như không sử dụng thuốc thú y thủy sản, hóa chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép trong nuôi trồng thủy sản; không xây dựng khu nuôi trồng thủy sản tập trung trên bãi bồi đang hình thành vùng cửa sông ven biển; không phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản.

Thực hiện quy hoạch ao nuôi đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường trong đó yêu cầu bắt buộc tỷ lệ ao chứa, xử lý nước thải chiếm tỷ lệ 20% trên tổng diện nuôi trồng. Yêu cầu các hộ thực hiện nghiêm túc việc xả thải, xử lý nước thải trước khi thải trực tiếp ra môi trường, đặc biệt cấm xả thải đối với các ô nuôi, khu nuôi đang bị dịch bệnh.

Trả lại màu xanh của biển

Thời gian qua, trên vùng biển của tỉnh Quảng Ninh, tình trạng phao xốp trong quá trình thu gom đã xảy ra tình trạng trôi nổi trên biển, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến môi trường nước.

Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Cao Tường Huy, nguyên nhân chính khiến rác thải, phao xốp trôi nổi ở trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long là do các địa phương mới chỉ quan tâm đến hoàn thành việc tháo dỡ, di dời số lượng công trình nuôi trồng trái phép.

Các địa phương đã không vào cuộc cùng người dân ngay từ ban đầu, không tổ chức hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc, giám sát mà để cho người dân thực hiện một cách tự phát, dẫn đến người dân không có ý thức trách nhiệm đối với việc thu gom rác tại chỗ.

Lực lượng chức năng huyện Vân Đồn thu gom phao xốp tại vịnh Bái Tử Long. Ảnh: Văn Nguyễn.

Lực lượng chức năng huyện Vân Đồn thu gom phao xốp tại vịnh Bái Tử Long. Ảnh: Văn Nguyễn.

Trước tình trạng trên, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh yêu cầu tất cả các địa phương (Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên) phải có trách nhiệm thu gom rác ở trên địa bàn. Đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động xử lý lồng, bè, thay thế phao xốp của người dân để ngăn chặn tình trạng xả rác thải từ hoạt động tháo dỡ lồng, bè ra khu vực vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long; có phương án giám sát, thu hồi vật liệu và tổ chức thu gom ngay từ nguồn khi có rác phát tán ra môi trường.

Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn huyện Vân Đồn có 971 hộ nuôi đang sử dụng khoảng 2,7 triệu quả phao xốp để nuôi thủy sản, chiếm gần 90% số phao xốp cần chuyển đổi sang phao nổi HDPE của toàn tỉnh Quảng Ninh.

Khoảng thời gian cuối tháng 4/2023 là lúc tỉnh Quảng Ninh ra quân đồng loạt tại các địa phương ven biển, trong đó có huyện đảo Vân Đồn, để thu gom phao xốp, trả lại môi trường xanh, sạch, đẹp cho vùng biển nơi đây.

Ông Trương Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy Vân Đồn cho biết, ngay từ đầu năm, huyện Vân Đồn đã liên tục ra quân thu gom phao xốp trôi nổi trên biển. Tuy nhiên, trong quá trình cắt bỏ phao xốp, vẫn xuất hiện một số người chưa có ý thức bảo vệ môi trường, tự ý cắt thả phao, do đó vẫn còn tình trạng trôi nổi phao trên biển.

Bên cạnh đó, những ngày gần đây thủy triều lên cao do ảnh hưởng của gió và thủy triều nên các phao xốp trôi nổi dạt vào bờ biển các đảo gây ảnh hưởng đến mỹ quan và môi trường trên vùng biển thuộc địa bàn huyện Vân Đồn.

Hiện việc tuyên truyền, vận động thay thế phao xốp trong nuôi trồng thủy sản đã nhận được sự ủng hộ đa số của người dân trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, người dân cũng bày tỏ mong muốn của mình trong việc ổn định sinh kế lâu dài.

Anh Vũ Văn Tình (xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) chia sẻ: “Tôi là một trong những hộ nuôi biển tại xã Đông Xá. Gia đình chúng tôi cũng chấp hành chủ trương của huyện trong việc chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa đảm bảo thân thiện với môi trường, đồng thời, đã thay thế 90% số phao xốp. Tuy nhiên, người dân chúng tôi cũng mong các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện cấp sổ mặt nước để chúng tôi nuôi trồng ổn định, lâu dài”.

Tính từ cuối tháng 3 đến nay, trên toàn huyện đã xử lý khoảng gần 3 triệu quả phao xốp, thay mới được gần 2 triệu phao nhựa HDPE. Bên cạnh đó, huyện Vân Đồn đã làm việc với các đơn vị cung cấp vật liệu nhựa HDPE cam kết đảm bảo chất lượng phao cho người dân, hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa đảm bảo thân thiện với môi trường.

Trao “vé thông hành” cho thủy sản xuất ngoại

Việc cấp mã số vùng nuôi, giao mặt nước cho các hộ nuôi biển cũng giống như cấp "vé thông hành" cho các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của các địa phương. Từ mã số này sẽ xác định được chủ cơ sở nuôi và nguồn gốc sản phẩm, qua đó, nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu.

Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở NN-PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường và thuê một đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để nghiên cứu, xây dựng giúp huyện một đề án nuôi trồng thủy sản bền vững trên vịnh Bái Tử Long. Theo đó, chúng tôi tích hợp 1 vùng nuôi biển có diện tích khoảng 20.000ha. Khi hoàn thiện đề án chúng tôi sẽ giao mặt nước, mặt biển cho từng hộ dân và trên cơ sở đó làm điều kiện quan trọng để quản lý chặt chẽ vùng nuôi, quản lý sản phẩm, kiểm soát dịch bệnh, phục vụ mục tiêu định hướng nuôi biển của huyện Vân Đồn trong thời gian tới”.

Cấp mã số vùng nuôi, giao mặt nước cho người dân còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Cấp mã số vùng nuôi, giao mặt nước cho người dân còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Đối với việc cấp mã số vùng nuôi, trong đó, đối tượng chủ lực là con tôm, ông Đỗ Đình Minh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh, cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường thẩm định, cấp các mã vùng nuôi, mã cho cơ sở chế biến an toàn. Đồng thời, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, nuôi trồng làm nền tảng để sản phần thủy sản Quảng Ninh có thể tiếp cận các thị trường khó tính song mang lại giá trị cao.

Đặc biệt, Sở NN-PTNT sẽ rà soát hoàn thiện các thông số không gian biển, tích hợp vào quy hoạch chung, tiến tới số hóa mặt nước. Việc cấp mã vùng nuôi trồng thủy sản sẽ đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, độ an toàn và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Bên cạnh đó, việc cấp mã vùng nuôi còn làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp trong việc năng cao năng suất, diện tích, chất lượng và đầu ra cho sản phẩm.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến từng chia sẻ: Riêng về truy xuất nguồn gốc của ao nuôi tôm đang chịu ảnh hưởng của Luật Đất đai, do đó cần có những kiến nghị để sửa lại Luật Đất đai. Bên cạnh đó, đây không chỉ là việc của riêng Bộ NN-PTNT mà còn là của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

"Bộ NN-PTNT sẽ chủ động mời Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng bàn để phổ biến tới các địa phương tháo gỡ khó khăn, nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc cho ngành tôm, từ đó, đảm bảo các tiêu chí, yêu cầu của thị trường", ông Tiến khẳng định.

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác triển khai cấp mã số cơ sở nuôi tôm, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) nhấn mạnh: "Với tinh thần giảm tối đa những điều kiện để các hộ nuôi có thể đăng ký và được cấp mã số vùng nuôi. Cần thực hiện song song các nhiệm vụ, vừa điều chỉnh lại quy định của pháp luật, bên cạnh đó đôn đốc chính quyền các địa phương vào cuộc cùng các cơ quan chuyên môn, hướng dẫn cấp huyện, xã giúp cho bà con hoàn thiện việc đăng ký cấp mã số cơ sở nuôi".

Hiện nay, việc quy hoạch vùng nuôi, giao mặt nước cho người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn nhiều khó khăn. Các địa phương vẫn chưa có quy hoạch cụ thể cho vấn đề này. Về phía người dân, những hộ nuôi trồng thủy sản cũng cần phải nhận thức rõ lợi ích và tầm quan trọng và cấp thiết của việc đăng ký, cấp mã số cơ sở nuôi. Từ đó, phối hợp cùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền, nhanh chóng giải quyết những khó khăn, hạn chế này.

Xem thêm
Nuôi tôm không xả thải, thành tựu lớn của ngành thủy sản

CÀ MAU Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn nước đã được đầu tư và thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.