| Hotline: 0983.970.780

Ứng phó BĐKH phải dựa vào cộng đồng

Thứ Sáu 30/09/2011 , 11:11 (GMT+7)

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Đào Xuân Học tại buổi hội thảo “Điều phối các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trong ngành NN-PTNT” vừa tổ chức tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Đào Xuân Học, BĐKH đã thực sự trở thành một trong những thách thức lớn nhất trong thế kỷ XXI và Việt Nam được xác định là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Từ năm 2008 Bộ NN-PTNT đã xây dựng chương trình hành động ứng phó BĐKH; đã triển khai một số chương trình như trồng rừng trên núi nhằm giảm phát thải khí nhà kính, trồng rừng ngập mặn ven biển nhằm tăng đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đê biển; tiến hành quy hoạch tổng thể thủy lợi ở 3 miền…

TS Đinh Vũ Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN&MT (Bộ NN-PTNT) cho biết: Để chương trình hành động ứng phó BĐKH đạt hiệu quả, giai đoạn 2012-2015 Bộ NN-PTNT ưu tiên tập trung xây dựng và triển khai thực hiện đề án giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp; triển khai các mô hình thích ứng nhằm giảm thiểu tác động xấu đến nông nghiệp; xây dựng các nhiệm vụ về chính sách, quy hoạch của lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp; đầu tư nâng cao năng lực phòng tránh lũ, bão cho cộng đồng khu vực các tỉnh miền Trung; khuyến khích các sáng kiến trong SX và chọn giống…

Ông Lê Công Thành, Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn, Bộ TN-MT cho rằng BĐKH đang “nóng” trên toàn cầu nhưng về mỗi quốc gia hay xuống các địa phương, đặc biệt thông tin BĐKH đến người dân nông thôn thường “nguội”. Việc nâng cao nhận thức của người dân về BĐKH còn hạn chế. Nếu họ hiểu biết sâu hơn thì hành động ứng phó BĐKH mới đạt được kết quả cao. Bà Toda Atsuko, đại diện Quỹ Quốc tế phát triển nông nghiệp (IFAD) cũng cho rằng việc lập kế hoạch ứng phó BĐKH nên bắt đầu từ cộng đồng. Từ đó có cơ sở để lồng ghép hoặc xây dựng các chiến lược mang tầm cỡ quốc gia…

Theo Bộ NN-PTNT, trong kế hoạch hành động ứng phó BĐKH giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020, Bộ chú trọng vào các mục tiêu như ổn định, an toàn dân cư cho các thành phố, các vùng, miền, đặc biệt là ĐBSCL, Bắc bộ, ven biển miền Trung; SX nông lâm thủy sản ổn định, giảm phát thải trong nông nghiệp và phát triển bền vững.

Thứ trưởng Đào Xuân Học nhấn mạnh, để đảo đảm an ninh lương thực, Việt Nam cần giữ ổn định diện tích đất lúa 3,8 triệu ha, trong đó ít nhất 3,2 triệu ha canh tác lúa 2 vụ trở lên, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, các công trình dân sinh, hạ tầng kinh tế kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Ngành NN-PTNT cũng đề ra chỉ tiêu giữ vững mức độ tăng trưởng ngành 20%, giảm tỷ lệ đói nghèo 20% và giảm phát thải khí nhà kính 20% trong từng giai đoạn 10 năm.

Theo Thứ trưởng Đào Xuân Học: “Công cuộc ứng phó BĐKH đang đối mặt khó khăn như kinh phí đầu tư hạn chế, nghiên cứu đòi hỏi kỹ thuật và thời gian dài hơn… Trước mắt, Bộ NN-PTNT sẽ tập trung triển khai chương trình “Quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng” nhằm nâng cao nhận thức của người dân và khuyến khích các sáng kiến hay về ứng phó BĐKH ở toàn bộ các tỉnh, thành trong cả nước”.

Xem thêm
Heo hơi tăng giá, người nuôi lãi 2 triệu đồng/tạ

BẾN TRE Heo hơi xuất bán tại chuồng ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đang có giá từ 64 - 67 nghìn đồng/kg, tăng 4 - 7 nghìn đồng/kg so với cách đây 1 tháng.

Xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật rộng đường

TÂY NINH Ngày 18/5, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

Tiền Giang tôn vinh nhiều trí thức tiêu biểu lĩnh vực khoa học và công nghệ

Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiệm thu, kết thúc và trình ban hành quyết định công nhận 20 nhiệm vụ, trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 10 nhiệm vụ.