| Hotline: 0983.970.780

Vải chín sớm Phương Nam vào vụ, TP. Uông Bí lo đầu ra cho nông dân

Thứ Sáu 13/05/2022 , 11:52 (GMT+7)

QUẢNG NINH Chiều ngày 12/5, phường Phương Nam tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ vải chín sớm Phương Nam năm 2022.

Vùng vải chín sớm Phương Nam (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) hiện có diện tích gần 400 ha. Dự kiến sản lượng vải năm nay đạt khoảng 2.000 tấn.

Đây là lần thứ 6 phường Phương Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại quả vải chín sớm. Tại hội nghị, phường kêu gọi các tiểu thương, hộ tiêu thụ, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Uông Bí tiếp tục dành sự quan tâm, thu mua, tiêu thụ và đưa sản phẩm vải chín sớm Phương Nam vào các bếp ăn công nghiệp để phục vụ cán bộ, công nhân, người lao động; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng quả vải, đảm bảo an ninh trật tự, quản lý bao bì, nhãn mác, thương hiệu, tạo điều kiện thúc đẩy công tác tiêu thụ trên thị trường.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Dũng.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Dũng.

Vải chín sớm Phương Nam được trồng tại phường Phương Nam từ những năm 1966, tập trung tại các vùng quy hoạch như: Bạch Đằng 1, Bạch Đằng 2, Hiệp Thanh, Phong Thái, Hồng Hà, Hồng Hải, Đá Bạc, Cẩm Hồng.

Sản phẩm vải chín sớm Phương Nam có hình tròn, trọng lượng trung bình từ 25-30 gam, cùi quả giòn và dày từ 0,93-1,2cm, tỷ lệ phần ăn được đạt 65-70%, vỏ mỏng khi chín có màu đỏ tươi. Mùi thơm đặc trưng, vị ngọt mát, chua dịu không chát. Hàm lượng nước từ 79-85%, đường tổng số từ 11,7-16,2%, Vitamin C từ 15-22%... Thời điểm thu hoạch vào giữa tháng 5, trước khi thu hoạch các loại vải khác từ 20-30 ngày.

Năm 2013, vải chín sớm Phương Nam được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, được UBND tỉnh Quảng Ninh quy hoạch là một trong 17 vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung của tỉnh (vì có hiệu quả kinh tế cao trên 240 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với những loại cây ăn quả khác cùng điều kiện phát triển).

Hiện nay, trên địa bàn phường Phương Nam có hơn 1.500 hộ gia đình chuyển đổi diện tích trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng vải chín sớm.

Nhờ trồng theo quy trình VIETGAP nên quả vải chín sớm Phương Nam vỏ mỏng, mùi thơm, vị ngọt mát, chua dịu. Ảnh: Quang Dũng.

Nhờ trồng theo quy trình VIETGAP nên quả vải chín sớm Phương Nam vỏ mỏng, mùi thơm, vị ngọt mát, chua dịu. Ảnh: Quang Dũng.

Gần chục năm về trước, vải chín sớm Phương Nam tuy năng suất, chất lượng tốt nhưng giá cả không ổn định, thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc sản xuất của bà con chưa theo quy trình thống nhất, sản xuất chủ yếu dựa trên kinh nghiệm là chính, kỹ thuật chậm được cải tiến dẫn đến cây bị suy thoái…

Để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, năm 2017 TP. Uông Bí đã phê duyệt Dự án sản xuất vải chín sớm Phương Nam theo quy trình VietGAP. Dự án được thực hiện trên 280ha vải chín sớm của khoảng 1.000 hộ tham gia, với tổng mức đầu tư 15,979 tỷ đồng, bao gồm 4 mục tiêu: An toàn cho thực phẩm; an toàn cho người sản xuất; bảo vệ môi trường và truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm.

UBND TP. Uông Bí, cho biết 100% hộ dân tham gia thực hiện dự án sản xuất vải chín sớm Phương Nam theo quy trình VietGAP đã nghiêm túc chấp hành và áp dụng các biện pháp canh tác theo quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo môi trường.

Sau 4 năm triển khai, năng suất, sản lượng, tiêu thụ đã có những cải thiện rõ rệt. Nếu như năm 2015, phường có 315ha trồng (288ha cho thu hoạch) chỉ thu hoạch được 1.050 tấn, doanh thu 31,5 tỷ đồng, thì đến năm 2020, phường đã đạt trên 372ha (diện tích thu hoạch 320ha), sản lượng ước đạt đến 4.000 tấn, cao hơn năm 2015 gần 3.000 tấn và tăng gấp đôi so với năm 2019, doanh thu 100 tỷ đồng.

Hiện, vải chín sớm Phương Nam đã trở thành cây trồng chủ lực và là một trong những sản phẩm OCOP của TP. Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh).

Các thương lái thu mua vải chín sớm Phương Nam. Ảnh: Quang Dũng.

Các thương lái thu mua vải chín sớm Phương Nam. Ảnh: Quang Dũng.

Theo các hộ dân trồng vải chín sớm, nhờ trồng theo quy trình VietGAP nên quả vải đạt năng suất cao hơn, quả tròn, cùi dầy, tỷ lệ phần ăn được đạt 56-70%, vỏ mỏng, mùi thơm, vị ngọt mát, chua dịu, không chát.

Bà Nguyễn Thị Thì ở phường Phương Nam, một hộ dân trồng hơn 300 gốc vải, phấn khởi cho biết: "Trước đây, gia đình tôi chăm sóc vải chủ yếu theo kinh nghiệm tự đúc kết, mạnh ai ấy làm. Nhưng nay, từ việc cắt tỉa, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đều thực hiện theo đúng quy trình VietGAP. Nhờ đó, cây vải cho chất lượng cao hơn hẳn so với nhiều năm trước".

Để tránh tình trạng được mùa rớt giá, hàng năm TP. Uông Bí đều tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại vải chín sớm Phương Nam, kết nối với những khách hàng quen, các doanh nghiệp, cơ sở phân phối trong nước, đặc biệt là khu vực phía Nam để thúc đẩy tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường… Thông qua các hội nghị xúc tiến thương mại tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về sản phẩm quả vải đã giúp nâng cao giá trị thương hiệu vải chín sớm Phương Nam.

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Kinh nghiệm 10 ngày thần tốc của Thái Lan

Cả hệ thống nông nghiệp Thái Lan đã vào cuộc, nhằm giải quyết dứt điểm việc tồn dư vàng O trên sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất