| Hotline: 0983.970.780

Vận hành hồ chứa theo quy trình để giảm lũ cho hạ lưu

Thứ Hai 05/12/2022 , 08:05 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Từ khi ngành chức năng Bình Định thực hiện Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Kôn - Hà Thanh, đã đảm bảo an toàn cho hạ du trong mùa mưa lũ.

Giảm lũ cho hạ lưu

Theo ông Lê Trung Cang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi (CTTL) Bình Định, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Kôn - Hà Thanh. Sau 3 lần bổ sung, đến năm 2018, quy trình này đã hoàn thiện và được áp dụng cho đến nay.

Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Kôn - Hà Thanh gồm có các hồ thủy lợi: Định Bình, Núi Một, Thuận Ninh, đập dâng Văn Phong và các hồ thủy điện gồm Vĩnh Sơn A, Vĩnh Sơn B,  Vĩnh Sơn C, Vĩnh Sơn 4, Vĩnh Sơn 5 và Trà Xom 1.

Hồ chứa nước Định Bình nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, 1 trong những hồ chứa nằm trong Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Kôn-Hà Thanh tại Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Hồ chứa nước Định Bình nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh - một trong những hồ chứa nằm trong Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Kôn - Hà Thanh tại Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Trước những mùa mưa lũ, đơn vị quản lý các CTTL là Công ty TNHH Khai thác CTTL Bình Định tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng các hồ chứa do công ty quản lý; chuẩn bị sẵn sàng vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với thiên tai; tiến hành sửa chữa, khắc phục những hư hỏng.

Bên cạnh đó, rà soát, kiện toàn lực lượng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) và Phòng thủ dân sự; rà soát, xây dựng lại phương án phòng chống thiên tai; triển khai phân công công việc cụ thể cho từng nhân sự trong 6 xí nghiệp thủy nông trực thuộc công ty và cán bộ văn phòng công ty. Khi có dự báo mưa lũ sắp xảy ra, chủ hồ tiếp tục kiểm tra lại 1 lần nữa các thiết bị đóng mở tràn, máy móc vận hành hồ chứa.

“Trước mùa mưa lũ, công tác kiểm tra các thiết bị, máy móc vận hành các hồ chứa đã được thực hiện. Thế nhưng khi có dự báo mưa lũ sắp xảy ra, mực nước trong hồ sắp dâng lên, sắp đóng, mở tràn thì cũng phải thực hiện lại động tác đóng, mở tràn để xem có trục trặc gì không, nếu có sự cố phải cấp tốc sửa chữa”, ông Lê Trung Cang cho hay.

Cũng theo ông Cang, trong quy trình vận hành liên hồ chứa, quy định 3 cách vận hành hồ chứa gồm: Vận hành mực nước để đón lũ, vận hành giảm lũ cho hạ lưu và vận hành đưa mực nước trở về bình thường sau khi hết lũ. Vận hành mực nước đón lũ là giảm mực nước trong hồ để đón lũ về. Vận hành giảm lũ cho hạ lưu là khi lũ về kèm mưa to, chủ hồ phải chấp nhận giữ nước lại trong hồ, mực nước trong hồ có thể lên đến mực nước cao nhất, hoặc đạt mực nước dâng bình thường tùy theo tình hình để giảm lũ cho hạ du. Sau khi hết lũ, chủ hồ vận hành cho giảm dần mực nước trong hồ hạ dần xuống đến cao trình cao nhất mà Quy trình vận hành liên hồ chứa cho phép để đón đợt lũ mới.

Hồ chứa nước Núi Một nằm trên địa bàn thị xã An Nhơn cũng là 1 trong những hồ chứa nằm trong Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Kôn-Hà Thanh tại Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Hồ chứa nước Núi Một nằm trên địa bàn Thị xã An Nhơn cũng là một trong những hồ chứa nằm trong Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Kôn - Hà Thanh tại Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

“Đơn cử tại hồ Định Bình, theo Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Kôn - Hà Thanh cho phép, từ ngày 1 - 15/11, mực nước trong hồ có thể đạt mức cao nhất ở cao trình 80.93, mực nước thấp nhất là cao trình 75. Trong giai đoạn này, nếu có dự báo mưa lũ, đơn vị chủ hồ sẽ vận hành, điều tiết cho giảm mực nước trong hồ xuống mức thấp nhất là cao trình 75, nhưng không hạ thấp hơn mức ấy, để phòng dự báo sai, không có mưa, mà chủ hồ lại điều tiết nước trong hồ về hạ lưu gây nên đợt lũ vô duyên”, ông Lê Trung Cang bộc bạch.

Ông Cang chia sẻ thêm: Trong khi lũ xảy ra, nước chảy về hạ lưu không chỉ có nước từ các hồ chứa được vận hành, điều tiết để giảm mực nước trong hồ, mà còn có nước từ lưu vực phía sau hồ chảy tự do về hạ lưu. Ví như lưu vực phía sau hồ Định Bình là rất lớn, trong khi lưu vực của hồ chỉ có 1.000km2 thì lưu vực phía sau hồ Định Bình rộng đến 1.600km2. Trong mùa lũ, nếu hồ Định Bình không điều tiết nước thì vẫn có nước chảy về hạ lưu qua lưu vực phía sau hồ làm nên lũ tự nhiên. Sự vận hành của hồ chứa chỉ góp phần giảm lũ cho hạ lưu.

Ông Cang đơn cử như đợt lũ đầu tiên trong năm 2022 xảy ra từ ngày 20 - 22/11 vừa qua, chỉ trong 3 ngày, tổng lượng nước chảy về hồ Định Bình là 25 triệu m3, trong thời gian đó hồ Định Bình điều tiết lưu lượng nước đi chỉ có 5 triệu m3, như vậy hồ Định Bình giữ lại trong đợt lũ này là 20 triệu m3 nước không cho chảy về hạ lưu. Lưu lượng nước về hồ trong đợt lũ ấy là đạt 267 khối/giây, nhưng lưu lượng nước đi qua tràn chỉ có 28 khối/giây.

“Lưu lượng nước đến hồ Định Bình nhiều hơn lưu lượng nước đi, chứng tỏ hồ này đã góp phần giảm lũ cho vùng hạ du. Lưu lượng nước đi qua hồ bao nhiêu là do Công ty TNHH Khai thác CTTL Bình Định đề xuất, nhưng Sở NN-PTNT sẽ có ý kiến, quyết định lưu lượng nước đi cao hay thấp hơn đề xuất là tùy tình hình thực tế”, ông Lê Trung Cang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Khai thác CTTL Bình Định chia sẻ.

Phân cấp trách nhiệm rõ ràng

Theo Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Kôn - Hà Thanh, vào mùa mưa lũ, trong điều kiện thời tiết bình thường, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác CTTL Bình Định - đơn vị quản lý, vận hành hồ được phép chủ động vận hành, điều tiết các hồ theo quy định, nhưng phải đảm bảo mực nước trong các hồ không vượt quá cao trình mực nước cao nhất cho phép trước lũ của từng thời kỳ theo quy định, chủ hồ còn được quyền tích nước trong các hồ chứa theo thẩm quyền.

Đơn vị chủ hồ Núi Một kiểm tra máy móc, thiết bị vận hành công trình đầu mới trước khi mưa lũ xảy ra. Ảnh: V.Đ.T.

Đơn vị chủ hồ Núi Một kiểm tra máy móc, thiết bị vận hành công trình đầu mới trước khi mưa lũ xảy ra. Ảnh: V.Đ.T.

Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung bộ là đơn vị dự báo được Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Kôn - Hà Thanh chỉ định là bản tin chính thức mà đơn vị chủ hồ phải dựa vào đó để phục vụ việc vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Kôn - Hà Thanh. Trong mùa mưa lũ, khi có dự báo lũ khẩn cấp, từ 24 đến 48 giờ tới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh, hoặc sẽ có lũ xuất hiện trong lưu vực này thì Trưởng Ban chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS tỉnh sẽ trực tiếp thực hiện vận hành liên hồ chứa.

“Trong mùa mưa lũ, đơn vị chủ hồ là Công ty TNHH KTCTTL Bình Định chỉ vận hành các hồ trong điều kiện bình thường, khi có lũ xảy ra thì Trưởng Ban chỉ huy PCTT - TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh quyết định sự vận hành. Còn nếu xảy ra tình trạng khẩn cấp, có sự cố hoặc lũ vượt quá tần suất thiết kế các hồ chứa thì đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định quyết định sự vận hành các hồ chứa theo quy định của Luật Phòng chống thiên tai”, ông Lê Trung Cang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Khai thác CTTL Bình Định cho hay.

Đập dâng Văn Phong nằm trên địa bàn huyện Tây Sơn cũng là 1 trong những công trình thủy lợi nằm trong Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Kôn-Hà Thanh tại Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Đập dâng Văn Phong nằm trên địa bàn huyện Tây Sơn cũng là một trong những công trình thủy lợi nằm trong Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Kôn - Hà Thanh tại Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo ông Cang, vào mùa lũ, trong điều kiện bình thường, đơn vị chủ hồ phải thường xuyên thực hiện quan trắc để theo dõi sát sao diễn biến của lưu lượng nước đến hồ với chế độ quan trắc 4 lần/ngày; mỗi ngày phải đưa 1 bản tin vào trước 9 giờ sáng. Thực hiện chế độ quan trắc là để biết lưu lượng nước đến hồ tăng hay giảm với tốc độ bao nhiêu, để đưa ra dự báo trong 6 - 12 - 18 - 24 giờ tới.

Thế nhưng trong điều kiện có cảnh báo lũ thì chế độ quan trắc sẽ được thực hiện “nhặt” hơn, cứ 15 phút quan trắc 1 lần, cách 4 tiếng đồng hồ phải thực hiện báo cáo cho các cơ quan liên quan từ Trung ương đến địa phương 1 bản tin.

“Trong năm 2021 có 2 đợt lũ, đợt 1 xảy ra từ ngày 8 đến ngày 20/11, đợt 2 xảy ra từ ngày 27/11 đến ngày 3/12. Năm 2022, đến giờ này trên địa bàn Bình Định mới chỉ xuất hiện 1 đợt lũ xảy ra từ 13 giờ ngày 20/11 kéo dài đến 16 giờ ngày 22/11. Chỉ trong vòng 3 ngày mà nhân viên của Công ty TNHH Khai thác CTTL Bình Định đã quan trắc, tích hợp số liệu các hồ Định Bình, Thuận Ninh, Núi Một, đập dâng Văn Phong đến 205 lần.

Quan trắc mực nước để theo dõi lưu lượng nước đi, lưu lượng nước đến, so sánh để biết vận hành có khớp với quy trình hay không. Khi đã hết cảnh báo mưa lũ, đơn vị chủ hồ quay trở lại chế độ quan trắc bình thường là 4 lần/ngày, còn vào mua khô hạn thì quan trắc 2 lần/ngày”, ông Lê Trung Cang chia sẻ.

Xem thêm
Khai mạc Hội nghị Trung ương 9 khóa 13

Sáng 16/5, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Những bất thường trong mùa khô 2024 ở Cần Thơ

Là vùng có điều kiện sản xuất thuận lợi, nhưng trong mùa khô 2024, TP Cần Thơ ghi nhận những tác động đến sản xuất nông nghiệp, kênh rạch kiệt nước, sạt lở gia tăng.

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.