Hết vàng nhẫn
Nhiều tuần liền, giá vàng miếng SJC gần như đứng yên với 76,98 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng nhẫn trơn lại liên tiếp biến động giá theo chiều hướng tăng. Đáng nói, giá vàng nhẫn trơn không chỉ áp sát giá vàng miếng SJC, mà còn “vượt mặt” thương hiệu vàng quốc gia này với giá bán ra hơn 77 triệu đồng/lượng vào hôm 12/7 và duy trì giá này đến sáng 13/7.
Trước bối cảnh giá vàng nhẫn không ngừng tăng, nhiều người bắt đầu chuyển sang mua sản phẩm này. Tuy nhiên, không phải có tiền là mua được vàng nhẫn trong giai đoạn này.
Tại tiệm vàng Kim Thành (quận 6, TP. HCM) niêm yết giá vàng nhẫn bán ra là 77,01 triệu đồng/lượng, nhưng khi khách hỏi mua thì nhân viên cho biết, hiện đã đứt mặt hàng nhẫn trơn, chỉ còn nhẫn trang sức, nhẫn cưới…
Tại cửa hàng PNJ trên đường Hai Bà Trưng (quận 1), nhân viên cho hay không còn vàng nhẫn trơn từ vài tháng nay. “Hiện cửa hàng chỉ còn các loại nhẫn phong thủy, nhẫn kim cương, trang sức cưới. Ngoài ra, còn một số ít sản phẩm vàng miếng loại 5 phân có in hình thần tài. Cả vàng nhẫn trơn và vàng miếng đều hết từ lâu và chưa biết bao giờ có lại”, nhân viên nói.
Tiệm vàng Mi Hồng (quận Bình Thạnh), thời điểm trước có bán vàng nhẫn trơn nhưng mỗi người chỉ có thể mua được 2 chỉ, nay cũng đã đứt hàng.
Trong khi đó, phố vàng bạc quận 5 hay các khu chuyên doanh vàng gần Trung tâm thương mại An Đông Plaza (quận 5), loạt tiệm vàng gần chợ Bến Thành (quận 1) cũng đều không còn nhẫn tròn trơn.
Có bất thường?
Chia sẻ về giá vàng nhẫn cao hơn giá vàng miếng SJC, chuyên gia tài chính ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là hiện tượng không bình thường. Vàng miếng có tính thanh khoản cao nên giá bao giờ cũng cao hơn vàng nhẫn. Còn vàng nhẫn thuộc về hàng trang sức chứ không phải để đầu tư tiết kiệm.
Lý do vàng nhẫn áp sát, vượt giá vàng miếng là vàng miếng ngày càng khó mua, trong khi nhu cầu mua vàng của người dân rất cao. “Thị trường vàng giống như quả bong bóng, bóp đầu này thì phồng đầu kia nên người dân đổ vào mua vàng nhẫn, từ đó đẩy giá thành lên cao”, ông Hiếu nói.
Vàng miếng đang trong diện bình ổn giá còn vàng nhẫn vẫn chưa, nhưng nếu trong tương lai vàng nhẫn có tác động đến kinh tế vĩ mô như dự trữ ngoại hối, nhập khẩu vàng, ảnh hưởng tình hình lạm phát… thì có khả năng cần phải đi vào diện bình ổn giá, lúc đó giá sẽ do Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ định.
“Nếu vàng nhẫn rơi vào diện bình ổn giá thì giá có thể bị kéo xuống. Tôi cho rằng, giá vàng nhẫn có thể còn tăng thời gian tới. Nhà đầu tư cần cẩn trọng và chờ đợi thị trường chứ không nên vội vã, đổ xô mua vàng nhẫn”, ông Hiếu khuyến cáo nhà đầu tư.
Trong khi đó, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, giá vàng nhẫn “vượt mặt” giá vàng miếng cũng là chuyện bình thường vì giá vàng nhẫn lên xuống theo giá vàng thế giới và không được nhà nước quản lý.
“Trước giờ người tiêu dùng vẫn ưa chuộng vàng miếng hơn vàng nhẫn, nhưng giờ quá khó mua nên người tiêu dùng chuyển sang vàng nhẫn. Vàng nhẫn vẫn được bán dưới dạng 1 chỉ, 2 chỉ nên thuận tiện hơn cho đa dạng tệp khách hàng”, ông Khánh cho biết.
Ông Khánh cũng cho biết thêm, giá vàng nhiều khả năng sẽ còn dư địa để tăng thêm, nhất là khi FED (Cục dữ trữ liên bang) giảm lãi suất từ đây đến cuối năm ít nhất từ 1-2 lần; Ngân hàng trung ương tăng lượng mua vàng dự trữ; tình hình chính trị thế giới vẫn còn phức tạp…
“Về lâu dài, cơ quan chức năng phải cho phép nhập khẩu vàng làm nguyên liệu chế tác vàng nhẫn để tăng cung”, ông Khánh kiến nghị.
Tính từ tháng 2/2024, giá vàng nhẫn liên tục lập kỷ lục mới. Ngày 1/4, giá vàng nhẫn lần đầu tiên cán mốc 71 triệu đồng/lượng. Đến ngày 9/4, giá vàng nhẫn tăng điên cuồng, lập đỉnh mới 77 triệu đồng/lượng. Ngày 10/4, giá vàng nhẫn vẫn đi lên, xác lập đỉnh cao mới 78 triệu đồng/lượng. Sau đó, giá vàng nhẫn hạ nhiệt. Từ giữa đến cuối tháng 4, giá vàng nhẫn tăng - giảm quanh vùng giá 76-78 triệu đồng/lượng. Đến thời điểm hiện tại, nhờ việc tăng liên tiếp, giá vàng nhẫn hiện vượt giá vàng miếng.