Hiện, tổng đàn trâu của huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) là khoảng 22.300 con, là địa phương dẫn đầu tỉnh Tuyên Quang về tổng đàn. Khác với trâu ở địa phương khác, trâu Chiêm Hóa khá cao, to, trọng lượng từ 500 -700kg.
Không chỉ ưu thế nổi bật về trọng lượng, trâu Chiêm Hóa còn cho chất lượng thịt mềm, thơm ngon, ngọt đậm. Cũng bởi vậy mà nhiều năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng thương hiệu thịt trâu Chiêm Hóa.
Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Tuyên Quang cho biết, nhân rộng và nâng cao chất lượng đàn trâu Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã và đang triển khai Đề án phát triển chăn nuôi trâu hàng hóa theo chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025.
Chiêm Hóa cũng là địa phương thành công trong việc hình thành các chuỗi, tổ hợp tác, HTX phát triển nghề nuôi trâu vỗ béo mang lại giá trị kinh tế cao. Những HTX như HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hoàng Thức xã Yên Nguyên; HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thành Công xã Hùng Mỹ… thường xuyên duy trì hàng trăm con trâu vỗ béo và sinh sản, mỗi năm cho doanh thu từ vài trăm đến cả tỷ đồng.
Cải tạo chất lượng đàn trâu, riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, địa phương đã thực hiện phối giống được 832 con trâu cái, số nghé được sinh ra từ phương pháp thụ tinh nhân tạo là 600 con. Hiện, Tuyên Quang cũng đã hoàn thành dự án chỉ dẫn địa lý sản phẩm thịt trâu Chiêm Hóa và được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận.
Không chỉ có trâu Chiêm Hóa, Tuyên Quang còn có những vật nuôi bản địa nổi tiếng như vịt bầu Minh Hương (huyện Hàm Yên); ngỗng Côn Lôn, gà H’Mông Đà Vị (huyện Na Hang); lợn tên lửa, lợn bản địa (huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa); dê núi Thổ Bình (huyện Lâm Bình);…
Việc phát triển giống vật nuôi bản địa được các địa phương và ngành NN-PTNT Tuyên Quang lồng ghép vào những chương trình dự án như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Chương trình 135; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…
Mô hình nuôi gà đen H’Mông thương phẩm thả vườn theo hướng an toàn sinh học được triển khai tại xã Đà Vị, huyện Na Hang từ tháng 3/2024. Tham gia thực hiện mô hình có 7 hộ gia đình, mỗi hộ được nhận nuôi 100 con gà. Mô hình được Nhà nước hỗ trợ 100% con giống, thức ăn hỗn hợp, vacxin, thuốc khử trùng, men vi sinh…
Gà H’Mông có ưu điểm nổi bật như chất lượng thịt thơm ngon, ngọt và ít mỡ dưới da; có khả năng tự kiếm ăn tốt, sức đề kháng cao, dễ thích nghi với hình thức nuôi bán chăn thả.
Gia đình anh Giàng A Tọa, thôn Nà Pin, xã Đà Vị là một trong 7 hộ dân chăn nuôi gà H’Mông trong mô hình. Anh Tọa cho biết, tham gia mô mô hình anh được cán bộ tập huấn kỹ thuật xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, chế độ dinh dưỡng thức ăn trong chăn nuôi gà thịt, quy trình thú y phòng bệnh cho gà… Do đó, anh chủ động làm chuồng trại phù hợp với đặc điểm của con gà sinh trưởng, phát triển; lấy nguồn nước đảm bảo hợp vệ sinh phục vụ quá trình chăn nuôi; thực hiện tốt các quy định xử lý chất thải bảo vệ môi trường…
Sau gần 8 tháng nuôi, gà trống đạt trọng lượng khoảng 2,8kg và 1,5kg với gà mái, chuẩn bị được xuất bán. Mô hình nuôi gà H’Mông không chỉ giúp người người dân tộc thiểu số như anh Tọa có thêm kinh nghiệm, kiến thức về chăn nuôi, bảo tồn giống gà bản địa, mà còn mở ra cơ hội nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Hiện, tổng đàn trâu của tỉnh Tuyên Quang là hơn 86.700 con, đàn bò đạt gần 39.900 con, đàn lợn trên 576.800con và hơn 7,3 triệu con gia cầm… Việc phát triển nhân rộng các mô hình giống vật nuôi bản địa giúp chọn lọc, bảo tồn được nguồn gen quý, đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa trong chăn nuôi.
Đây cũng là cơ sở để các địa phương trong tỉnh tìm cách xây dựng thương hiệu cho những nông sản đặc biệt của địa phương mình, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho người dân.