| Hotline: 0983.970.780

Về bài học "đắng" từ cây thanh long: Cần có chiến lược quảng bá tốt

Thứ Ba 02/08/2011 , 10:42 (GMT+7)

TS. Nguyễn Hữu Đạt - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (Bộ NN-PTNT) đã có những đề xuất kiến giải cho loại trái cây đặc sản này.

TS Nguyễn Hữu Đạt (phải) kiểm tra xử lý nhiệt cho trái thanh long tại nhà máy Yasakar (Bình Dương)

Sau khi đọc loạt bài "Ngành trái cây làm ăn lớn: Bài học "đắng" từ cây thanh long" mà NNVN vừa đăng tải, TS. Nguyễn Hữu Đạt - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (Bộ NN-PTNT) đã có những đề xuất kiến giải cho loại trái cây đặc sản này.

>> Bài học ''đắng'' từ cây thanh long

Mỹ và Nhật chính là thị trường NK thanh long lớn thứ 2 và 3 của VN (sau Trung Quốc) với tiềm năng và giá bán rất tốt. Ông nhận thấy trái thanh long VN đã thực sự có tên tuổi ở các thị trường này chưa?

Đúng là Mỹ và Nhật nhập khá nhiều thanh long VN với giá mua tốt. Ví dụ năm 2010 là năm đầu tiên XK thanh long đột phá vào thị trường Mỹ khi đạt 850 tấn và Nhật Bản được 500 tấn. Còn 6 tháng đầu năm nay riêng sang Mỹ đã được 850 tấn, bằng cả năm ngoái và dự kiến XK thanh long qua Mỹ, Nhật cả năm sẽ đạt khoảng 1.700 tấn.

Tuy nhiên, tôi đã từng vào nhiều siêu thị của các nước này thì không hề thấy tên trái thanh long của VN. Hay trên nhiều loại tạp chí quốc tế cũng chưa hề giới thiệu về trái thanh long VN, như vậy thì làm sao có thể kích cầu được. Điều này chứng tỏ chương trình quảng bá thương hiệu trái thanh long của ta tại nước ngoài chưa có, thực tế mới chỉ “cầu may” mà thôi! Do vậy với các thị trường lớn như Mỹ, Nhật ta cần phải có chính sách quảng bá sản phẩm thanh long hơn nữa.

Cũng là trái thanh long của VN, nhưng giá bán qua thị trường Trung Quốc so với Mỹ và Nhật lại chênh lệch rất lớn. Ông có thấy đây là bất hợp lý?

Quả là giá bán thanh long qua Trung Quốc so với các thị trường khác đang quá chênh lệch. Ví dụ, đầu năm 2011, giá thanh long XK đi Mỹ đạt tới 21.000 đồng/kg, cách nay 2 tháng vẫn đạt 15.000 đồng/kg, còn bây giờ giảm xuống cực tiểu vẫn đạt 10.500 đồng/kg. Trong khi đó, thanh long xuất qua thị trường Trung Quốc giảm chỉ còn 3.000 đ/kg.

Đương nhiên, thị trường Trung Quốc đối với trái thanh long cũng như nhiều loại trái cây khác của ta vẫn rất quan trọng, vì chiếm tới 70 – 80% sản lượng. Tuy nhiên, để tránh rơi vào khủng hoảng thừa, dội hàng, bị ép giá, bán rẻ, thì chúng ta cần tính toán lại cho hợp lý qua phương thức XK (nâng cao chính ngạch), mở rộng thị trường khác để không quá lệ thuộc…

Còn đối với thị trường lớn như Mỹ thì đòi hỏi thanh long VN phải được trồng theo đúng quy trình, đúng thỏa thuận đã ký kết, đảm bảo chất lượng và VSATTP. Nhưng cái khó là hiện nay, sản lượng thanh long của ta đạt tới 400.000 tấn/năm, nhưng XK qua Mỹ chỉ trên dưới 1.000 tấn (tương đương 1/400 sản lượng). Như vậy, thị trường lớn thứ 2 của trái thanh long còn tiêu thụ quá ít.

Được biết, các nhà máy chiếu xạ, xử lý nhiệt cho trái thanh long tại VN còn rất thiếu?

Vài tuần nay, tình hình XK thanh long nhộn nhịp hơn vì đang vào chính vụ, 2 nhà máy chiếu xạ An Phú và Sơn Sơn (Bình Dương) thay nhau chiếu xạ thanh long để kịp xuất hàng. Tuy nhiên, 2 nhà máy này cũng chỉ hoạt động khoảng 3 ngày/tuần do các hợp đồng XK không quá lớn. Do vậy, theo tôi thì cái thiếu của chúng ta hiện nay chính là hợp đồng đầu ra cho trái thanh long.

Nếu đầu ra tốt thì việc đầu tư xây dựng thêm nhiều nhà máy chiếu xạ mới tất yếu sẽ xảy ra. Hiện An Phú đang đầu tư xây dựng thêm nhà máy chiếu xạ thứ 2 tại ĐBSCL để chuẩn bị XK chôm chôm và nhãn. Riêng nhà máy xứ lý nhiệt Yasakar (Bình Dương) 6 tháng đầu năm nay xử lý nhiệt trái thanh long xuất sang Nhật Bản và Hàn Quốc cũng chỉ đạt 500 tấn, có nghĩa là đầu ra cũng đang rất bí.

Một thông tin vui là ngày 24/7 vừa qua, chúng tôi mới làm việc với một quỹ đầu tư của Mỹ, họ đặt vấn đề muốn tham gia bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà máy chiếu xạ, thu mua XK thanh long trực tiếp. Ngoài ra, hiện một số DN VN chuyên XK thanh long bắt đầu tính toán liên kết với phía đối tác Mỹ để XK thanh long theo mô hình khép kín.

Đối với vấn đề quy hoạch và mùa vụ thanh long, ông nhận thấy chúng ta đang có những bất hợp lý gì?

Thời điểm này đang là mùa rộ của nhiều loại trái cây khiến giá thanh long bị rớt mạnh. Tôi có tìm hiểu xem thực tế có phải do thương lái Trung Quốc ép giá trái cây VN bị dồn ứ, hư hỏng hay không, thì hầu hết các nhà cung ứng trái thanh long cho rằng, chủ yếu là do quá nhiều hàng nên bị dội chợ. Do vậy, nếu giờ ta có cách nào đó tính toán rải vụ, chia ra từng thời điểm để XK thanh long được quanh năm thì mới hiệu quả.

Muốn thế, chúng ta phải liên kết các hộ trồng thanh long thành từng tổ hợp tác, HTX để có diện tích lớn rồi tính toán, định hình kế hoạch sản xuất rải vụ. Cái khó hiện nay là nông dân sản xuất manh mún, những hộ nào có vốn mới làm được rải vụ, trái vụ, nhưng đa phần người dân thiếu vốn; thị trường xăng dầu, điện nước thì cứ tăng liên hồi.

Vì thế, nhà nước cần sớm hình thành các nguồn quỹ hỗ trợ, quỹ bảo hiểm cho người dân sản xuất tập trung, tính toán rải vụ thu hoạch hợp lý theo nguyên tắc: Sản xuất sạch. Khi làm được điều này thì trái thanh long mới giữ được giá cao, bản thân người nông dân cũng không dám làm ẩu vì đã được DN ký hợp đồng. Rõ ràng, chỉ có cách ràng buộc nhau bằng lợi ích kinh tế thì cả DN và nông dân mới có ý thức liên kết để cho ra sản phẩm tốt, giá bán cao và bền vững.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

1/3 huyện tại Quảng Nam bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có 6 huyện xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gồm Hiệp Đức, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang.

Mỗi năm Bắc Giang có 1.400 - 1.700ha cây trồng bị chuột hại

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bắc Giang, gần đây nạn chuột gây hại lúa và rau màu có xu hướng tăng trên địa bàn, năm 2022 nhiễm 1.446ha, năm 2023 nhiễm 1.700ha.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất