| Hotline: 0983.970.780

Về công tác khảo nghiệm, công nhận và cơ cấu giống lúa ở miền Bắc

Thứ Năm 26/09/2013 , 10:02 (GMT+7)

Từ năm 2008-2012 bình quân mỗi năm có khoảng 90 lượt giống lúa thuần và 120 lượt giống lúa lai tham gia khảo nghiệm VCU tại các tỉnh phía Bắc.

I. Thực trạng công tác khảo nghiệm và công nhận giống lúa giai đoạn 2008 - 2012 tại các tỉnh phía Bắc

1. Công tác khảo nghiệm quốc gia

Từ năm 2008-2012 bình quân mỗi năm có khoảng 90 lượt giống lúa thuần và 120 lượt giống lúa lai tham gia khảo nghiệm VCU tại các tỉnh phía Bắc.

Số lượng giống lúa tham gia khảo nghiệm quốc gia có xu hướng ngày một tăng; năm 2012 có 136 lượt giống lúa thuần tham gia khảo nghiệm, tăng 76 giống so với năm 2008. Trong các giống lúa thuần tham gia khảo nghiệm có các giống lúa nhóm trung ngày, ngắn ngày, nhóm giống lúa chất lượng và nhóm giống lúa nếp. Tuy nhiên tỷ lệ các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao vẫn chiếm ưu thế; số lượng giống lúa chất lượng cao còn hạn chế.

Đối với các giống lúa lai: Chủ yếu vẫn là các giống lúa lai 3 dòng, giống có nguồn gốc nhập nội là chủ yếu. Các giống lúa lai 2 dòng chủ yếu do các đơn vị nghiên cứu trong nước chọn tạo, phục vụ SX lúa trong vụ mùa, vụ HT.


Khảo nghiệm giống lúa thuần DQ11 của Cty TNHH Hồng Quang (Ninh Bình) tại TT-Huế

2. Công tác công nhận giống lúa mới

a) Giống lúa công nhận cho SX thử:

Từ năm 2008-2012, tại các tỉnh phía Bắc đã có 111 giống lúa được công nhận cho SX thử; trong đó 40 giống có nguồn gốc từ các cơ quan nghiên cứu như các viện, trường (chiếm khoảng 36% tổng số giống lúa được công nhận cho SX thử), có 71 giống lúa có nguồn gốc từ các công ty, trung tâm giống... (chiếm khoảng 64%).

Trung bình mỗi năm công nhận được 22 giống lúa cho SX thử; trong đó các giống có nguồn gốc từ các viện, trường trung bình là 8 giống và từ các Cty, trung tâm... là 14 giống. Như vậy công tác chọn tạo, tuyển chọn giống lúa đã được xã hội hóa, ngày càng nhiều DN SXKD giống cây trồng tham gia chọn tạo, tuyển chọn, khảo nghiệm giống lúa, tạo ra sự đa dạng trong cơ cấu các giống lúa của các địa phương.

Trong 111 giống lúa được công nhận cho SX thử có 40 giống lúa thuần (tương đương 36% số giống lúa được công nhận) và 71 giống lúa lai (tương đương 64%). Số giống lúa thuần có nguồn gốc từ các viện, trường là 28 giống, tương đương 70% số giống lúa thuần được công nhận cho SX thử; số giống lúa lai có nguồn gốc từ các các viện, trường là 12 giống, tương đương 17% số giống lúa lai được công nhận cho SX thử.

Như vậy xu hướng chọn tạo giống lúa thuần tại các viện, trường cao hơn lúa lai trong những năm gần đây. Các giống lúa lai do đa số các Cty SXKD giống cây trồng trong nước nhập nội, khảo nghiệm và phát triển vào SX.

Tính trung bình mỗi năm chúng ta công nhận cho SX thử được 8 giống lúa thuần và 14 giống lúa lai.

b) Giống lúa công nhận chính thức:

Từ năm 2008-2012, tại các tỉnh phía Bắc đã có 74 giống được công nhận chính thức; trong đó có 15 giống có nguồn gốc từ các viện, trường trong nước (chiếm khoảng 20% tổng số giống lúa được công nhận chính thức), có 59 giống lúa có nguồn gốc từ các công ty, trung tâm giống... (chiếm khoảng 80%). Trung bình mỗi năm công nhận chính thức được 15 giống lúa; trong đó các giống có nguồn gốc từ các viện, trường trung bình là 3 giống (chiếm 20%) và từ các Cty, trung tâm... là 12 giống (80%).

Trong 74 giống lúa công nhận chính thức có 22 giống lúa thuần (tương đương 30% số giống lúa được công nhận) và 52 giống lúa lai (tương đương 70%). Số giống lúa thuần có nguồn gốc từ các viện, trường là 8 giống, tương đương 36% số giống lúa thuần được công nhận chính thức; số giống lúa lai có nguồn gốc từ các các viện, trường là 7 giống, tương đương 13% số giống lúa lai được công nhận chính thức.

Trung bình mỗi năm công nhận chính thức được 5 giống lúa thuần và 10 giống lúa lai.

Tỷ lệ giống lúa được công nhận chính thức so với giống lúa SX thử trong 5 năm qua là 68%.

Tỷ lệ giống lúa thuần đuợc công nhận chính thức so với tổng lượt giống lúa thuần khảo nghiệm VCU trong 5 năm qua khoảng 5%.

Tỷ lệ giống lúa lai được công nhận chính thức so với tổng lượt giống lúa lai khảo nghiệm VCU trong 5 năm qua khoảng 8,6%.

II. Cơ cấu giống lúa tại các tỉnh phía Bắc

Các tỉnh phía Bắc cơ cấu giống lúa tùy thuộc theo vùng và theo mùa, vụ khác nhau cụ thể như sau:

1. Các giống lúa dài và trung ngày: Xi23, X21, P6, Nếp Lang Liêu, NV1, ĐN20, TK90.

2. Các giống lúa ngắn ngày:

- Lúa thuần: Bắc Thơm số 7, HDT8, Nàng Xuân, Hương thơm số 1, BC15, TBR36, TBR45, RVT, QR1, Khang dân đột biến, Khang dân 18, ĐB5, ĐB6, N97, VS1, P6 đột biến, PC6, Vật tư NA1, Vật tư NA2, Hoa ưu 109, nếp IRi352.

- Lúa lai: Việt lai 20, Việt lai 24, TH3-3, TH3-4, TH 3-5, LC25, LC212, CT16, Nhị ưu 838, N. Ưu 89, Nhị ưu 986, Nghi Hương 2308, Đắc ưu 11, Syn 6, Bte1, PAC807, Thục hưng 6.

III. Đánh giá chung về công tác chọn tạo, khảo nghiệm và công nhận giống lúa tại các tỉnh phía Bắc

1) Thành tựu nổi bật của công tác chọn tạo giống lúa ở các tỉnh phía Bắc là đã chọn tạo và phát triển vào SX một số lượng lớn giống lúa ngắn ngày cho năng suất cao, chât lượng gạo khá phục vụ hiệu quả cho SX.

2) Việc công nhận giống lúa ở các tỉnh phía Bắc được thực hiện đúng quy định theo Quyết định 95/2007/QĐ-BNN của Bộ NN-PTNT về khảo nghiệm và công nhận giống cây trồng; phần lớn các giống công nhận đều tồn tại và phát huy tốt trong SX, một số giống đã phát triển mạnh trở thành chủ lực hoặc giữ vai trò quan trong SX (BC15, Khang dân đột biến, Hoa ưu 109, Vật tư NA2, QR1, PC6, Việt lai 20, TH3-3, CT16, GS99, Nhị ưu 986, Thục hưng 6, Syn 6…).

Trong 3 năm gần đây các giống lúa thuần được khảo nghiệm nhiều, tuy nhiên tiềm năng năng suất, chất lượng không có sự nổi trội, số giống công nhận/giống khảo nghiệm có xu hướng giảm.

3) Chọn tạo giống lúa theo hướng chống chịu tốt với sâu bệnh hại (rầy nâu và đạo ôn) còn hạn chế. Phần lớn các giống được công nhận cho SX đều nhiễm rầy nâu hoặc bạc lá; đây là nguy cơ tiềm ẩn gây bùng phát dịch bệnh trên diện rộng hoặc gây chi phí SX cao do quản lý sâu bệnh hại.

4) Chọn tạo giống lúa cho vùng khó khăn (phèn, mặn, hạn, ngập…) chưa có kết quả rõ ràng, số giống còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của SX; điều kiện khảo nghiệm VCU các giống lúa có thời gian sinh trưởng cực ngắn, giống lúa chịu hạn, phèn, mặn còn hạn chế.

5) Chọn tạo giống lúa thơm đặc sản có giá trị thương mại cao chưa được quan tâm ở các đơn vị nghiên cứu chủ lực trong nước.

6) Nhiều giống lúa được công nhận gần đây được được lai tạo từ nguồn bố mẹ là các giống lúa cải tiến, có đặc điểm nông học gần giống nhau; tuy nhanh để phát triển giống mới nhưng không tạo được sự khác biệt về giá trị canh tác và giá trị sử dụng; độ thuần của nhiều giống mới thấp, tính ổn định không cao.

7) Một số giống lúa tốt nhưng là giống độc quyền của một số công ty nên khả năng mở rộng vào SX bị hạn chế; một số giống lúa của các viện, trường sau khi được công nhận do không được quan tâm phát triển trong SX nên sau một vài năm không còn tồn tại trong SX hoặc quy mô phát triển rất hẹp.

8) Giống lúa lai nhập nội tuy được công nhận nhiều tuy nhiên do phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài hoặc giá cả nên việc phát triển vào SX bị hạn chế, nhiều giống đã được công nhận cho SX thử hoặc chính thức nhưng hầu như không có mặt trong SX.

9) Việc hoàn thiện quy trình công nghệ SX các giống lúa (về thời vụ, phân bón, mật độ gieo cấy...) còn chưa được quan tâm đúng mức do vậy các giống lúa mới phát triển ra SX chưa được bền vững.

10) Điều kiện công nhận giống theo Quyết định 95/2007/QĐ-BNN của Bộ NN-PTNT về khảo nghiệm và công nhận giống cây trồng còn chưa chặt chẽ, chưa có quy định việc bắt buộc các giống phải được đánh giá mức độ nhiễm sâu bệnh nhân tạo trước khi đề nghị cộng nhận giống cây trồng mới, do vậy một số giống lúa sau khi được công nhận khi mở rộng SX bị ảnh hưởng nặng nề của sâu bệnh hại và điều kiện bất thuận.

IV. Một số đề xuất, kiến nghị

1. Về công tác chọn tạo giống:

+ Đầu tư đề tài trọng điểm dài hạn về chọn tạo giống lúa thơm lúa cao sản chất lượng cao đặc sản.

+ Tăng cường chọn tạo giống lúa kháng, chống chịu tốt với rầy nâu, đạo ôn, bạc lá; giống lúa cho vùng khó khăn.

+ Chọn tạo, phát triển giống cực ngắn có chất lượng khá nhằm tạo điều kiện cho việc phát triển cây vụ đông.

+ Tạo giống phù hợp cho một số thị trường mới có tiềm năng và có thể đạt giá bán cao như lúa Japonica cho Nhật Bản, Bắc Trung Quốc, Hàn Quốc, giống lúa đặc sản nhằm nânh cao hiệu quả kinh tế trong SX lúa.

2. Quản lý Nhà nước:

+ Tăng cường công tác SX và quản lý giống siêu nguyên chủng các giống lúa chủ lực sử dụng toàn vùng để phục vụ đủ nhu cầu giống chất lượng cho SX.

+ Sửa đổi Quyết định số 95 /2007/QĐ-BNN ngày 27/11/2007 của Bộ NN-PTNT ban hành Quy định về công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới" theo hướng đơn giản thủ tục hành chính và quản lý chặt chẽ hơn công tác quản lý giống cây trồng.

+ Tăng cường công tác giám sát thị trường và hậu kiểm các cấp giống lúa với tỷ lệ phù hợp.

+ Cần thực hiện điều tra định kỳ (5 năm/1 lần) đánh giá toàn diện về cơ cấu giống lúa, hiệu quả công tác chọn tạo giống, nhu cầu về giống trong SX, tình hình SX và chất lượng hạt giống lúa ở ĐBSCL để đề xuất các giải pháp quản lý và kỹ thuật kịp thời, đáp ứng yêu cầu của SX và thị trường lúa gạo.

+ Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc SXKD giống lúa ở các tỉnh phía Bắc nói riêng và trên cả nước nói chung.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Có một ngôi làng Nam bộ bên dòng sông Thu Bồn

QUẢNG NAM Trồng đủ các loại cây trái có giá trị, kinh tế vườn giúp cho hơn 80% hộ dân ở làng Đại Bình thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.