Lương Xá là thôn thuần nông thuộc xã Hiệp Cường (Kim Động, Hưng Yên) có 900 hộ dân và hơn 3.200 nhân khẩu. Với người dân nơi đây, hình ảnh những mái nhà đơn sơ, con đường làng mấp mô sỏi đá, người người nhà nhà hàng ngày lam lũ với cuộc sống mưu sinh… chẳng bao giờ phai mờ trong ký ức.
“Bây giờ Lương Xá đã khác. Khác đến nỗi người có trí tưởng tượng phong phú cũng không thể hình dung ra”. Lời khẳng định chắc nịch của trưởng thôn Quách Văn Phượng không cho người đối diện có cơ hội để kịp hoài nghi. Mà có muốn cũng không thể hoài nghi được vì có trực tiếp mắt thấy, tai nghe mới thấy lời nói của vị trưởng thôn không hề phóng đại.
Trên chiếc xe máy đời mới, ông Phượng đưa tôi đi một vòng quanh thôn. Tất cả những con đường ngay cả đường nội đồng đều được thảm bê tông nhẵn nhụi. Hệ thống camera an ninh hoạt động 24/24. Trường học, trạm y tế, đình, chùa được tu sửa khang trang. Hai bên đường những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Loa phóng thanh đến từng ngõ, xóm. Hoạt động sản xuất, buôn bán diễn ra tấp nập, xe giao hàng ra vào thôn như mắc cửi, nhưng tuyệt nhiên chỉ thấy bóng dáng tiền mặt ở những giao dịch nhỏ, còn lại là chuyển khoản, quẹt thẻ.
"Thôn tớ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022 và cũng tiên phong xây dựng thôn thông minh nên hầu hết nhà nào cũng có internet. Tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh và sử dụng thành thạo đạt hơn 90%. Việc mua bán hay giao dịch được chuyển sang online cũng không có gì làm lạ”, ông Phượng hào hứng.
Mạch cảm xúc tự hào của vị trưởng thôn khi giới thiệu về những đổi thay trên mảnh đất "chôn nhau cắt rốn" của mình bất ngờ bị cắt ngang bởi thông báo trong nhóm zalo trao đổi công việc hàng ngày với UBND xã. Sau chốc lát phóng to, thu nhỏ, ngâm cứu trên điện thoại, ông Phượng đưa tôi về nhà văn hóa thôn để kịp thông báo lịch tiêm phòng đàn vật nuôi mới nhất.
Theo lời ông Phượng, từ ngày có internet, sử dụng thành thạo điện thoại thông minh nhiệm vụ trưởng thôn cũng thấy nhẹ nhàng hơn hẳn. Trước xã có thông báo gì mới là phải lên tận nơi để lấy hoặc chờ văn thư đưa về. Bây giờ chỉ mất vài giây là ở thôn đã nhận được, kịp thời lên loa phóng thanh thông báo rộng rãi cho người dân. Song song đó, thôn cũng thành lập các nhóm cư dân trên zalo, facebook, đưa thông báo của xã lên để những người đi xa, về gần đều có thể nắm bắt được. Quá trình thực hiện hay thực hiện xong sẽ dùng điện thoại quay, chụp lại, gửi báo cáo lên trên. UBND xã cũng thuận lợi giám sát, chỉ đạo.
Về tới nhà văn hóa, ông Phượng nhỏ nhẹ “ở đây có wifi miễn phí, nhà báo vừa ngồi nghỉ vừa xem tin tức, đợi tớ loáng một cái là xong rồi ta đi tiếp”. Ngồi đợi trước hiên nhà, thỏa thích lướt mạng, chốc chốc lại thấy có người dừng xe máy trước nhà văn hóa để sử dụng internet miễn phí trao đổi công việc. Nhóm các cô, chú trung tuổi ngồi tránh nắng dưới tán cây bên cạnh cũng tranh thủ vào mạng xem, thảo luận sôi nổi về bài múa dân vũ mới tìm được trên youtube.
Tôi kịp bắt chuyện với ông Dương Thành Công, một thành viên tích cực trong tổ chuyển đổi số của thôn mới được biết, từ ngày nhà văn hóa được sửa chữa khang trang tạo nên không gian rộng rãi, thoáng mát, lại được lắp đặt internet miễn phí nên chiều nào ở đây cũng như có hội. Người thì hóng mát, nhóm thì sinh hoạt thể dục, thể thao; nhóm thì trò chuyện, bàn luận tin tức… Trước đây, không bao giờ có cảnh như thế.
Theo ông Công, phong trào xây dựng nông thôn mới khi triển khai tại thôn được người dân hào hứng đón nhận, tích cực tham gia. Người thì góp sức, góp của, hiến đất làm đường. Các phong trào xây dựng “khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp”, “khu dân cư 3 không”… đều diễn ra rất thuận lợi. Duy chỉ có xây dựng thôn thông minh là vất vả hơn cả. Bởi lẽ, internet, điện thoại thông minh, chuyển đổi số thì giới trẻ tiếp cận rất nhanh, nhưng cánh trung tuổi trở lên có khi dùng điện thoại “cục gạch” còn lúc nhớ, lúc quên nút bấm. Chính ban lãnh đạo thôn khi triển khai cũng lúng túng, lo lắng không thôi.
Tuy nhiên, với tinh thần “cán bộ đi trước, làng nước theo sau”, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, đội ngũ lãnh đạo thôn bảo nhau cắp sách đi học trước. Về gia đình nhờ con cháu chỉ bảo, ra tập thể nhờ anh em góp ý.
Khi lực lượng lãnh đạo đã thuần thục, thôn thành lập tổ chuyển đổi số, trong đó huy động lực lượng tham gia là đội ngũ đảng viên, trưởng các đoàn thể, học sinh, sinh viên. Để hoạt động hiệu quả, tổ được chia thành các nhóm nhỏ 3-4 người đi đến từng nhà thuộc 5 xóm để hướng dẫn người dân cách sử dụng điện thoại, cài đặt phần mềm quản lý dân cư, cách tra cứu ở những trang thông tin chính thống…
Tổ chuyển đổi số kiên trì “đi từng ngõ, gõ từng nhà” kết hợp với thông tin, tuyên truyền qua hệ thống loa phóng thanh, các cuộc họp thôn, sinh hoạt đoàn thể nên sau một thời gian tỷ lệ người dân tiếp cận với công nghệ mới từng bước nâng lên.
Một tín hiệu đáng mừng là từ khi phong trào xây dựng thôn thông minh được triển khai, đời sống người dân chuyển biến, sôi động hơn hẳn. Các hội nhóm zalo được thành lập, sự kiện nổi bật, thông tin an ninh được cập nhật nhanh chóng.
Nhiều hộ đã biết cách lập tài khoản, bán những sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ do mình tạo ra trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử; mua được những món đồ giá trị với giá thành thấp nhờ biết cách săn sale.
Có hộ thì không còn phải lóc cóc lên tận thành phố hay sang tỉnh khác để nhập nguyên liệu, hàng hóa, mua vé máy bay… như trước, chỉ cần gọi điện, chuyển tiền online là có xe đưa tới tận nhà.
“Người dân trong thôn vẫn nói vui với nhau, quê mình bây giờ đích thị là một miền quê đáng sống. Cơ sở vật chất khang trang, kinh tế phát triển, đời sống người dân nâng cao rõ rệt, không thua kém gì thành phố. Thế hệ chúng tớ bây giờ cũng chỉ mong có nhiều sức khỏe để cùng con cháu xây dựng quê hương; chứng kiến quê hương đổi khác từng ngày. Thế là hạnh phúc”, ông Công bộc bạch.
Theo Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh Hưng Yên, trong thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông đã đẩy mạnh triển khai, phát triển mạng lưới hạ tầng viễn thông rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Tất cả các thôn của 139 xã trên địa bàn tỉnh đều đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ điện thoại và dịch vụ truy cập internet của người dân địa phương. 100% số xã có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn, đảm bảo 100% số thôn trong xã có hệ thống loa hoạt động thường xuyên, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới toàn thể nhân dân.