Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, cho hay, phong tục làm mâm cơm giỗ để ăn Tết Độc lập và giỗ Bác Hồ đã có từ thời trước đến bây giờ. Những ngày này, con em quê hương ai cũng mong được về quê để sum họp và hò reo trong lễ hội đua thuyền.
“Đây là một trong những nét đẹp truyền thống thể hiện những tình cảm, sự tôn kính và lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Giá trị truyền thống và nét đẹp văn hóa của quê hương sẽ luôn được gìn giữ”, ông Tình xúc động nói thêm.
Mâm cơm giỗ Bác Hồ, mừng ngày Tết Độc lập…
Dù mấy chục năm đã qua, nhưng ông Nguyễn Phúc (ở xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), vẫn nhớ như in những lần về huyện Lệ Thủy xem đua thuyền dịp ngày Lễ 2/9…
Ông có người chú Nàn là chú họ đang sinh sống ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy cũng vào dịp đó là sửa soạn nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, gạo cơm, cá đồng…để đón những người bà con nơi khác đến.
“Vì hàng chục cây số, lại không có phương tiện nên có năm, tôi đi bộ lên nhà chú từ chiều hôm trước và ở lại để đi xem đua thuyền”- ông Phúc kể.
Vào dịp đó, nhà chú Nàn thường làm mâm giỗ vào trưa ngày 2/9, sau khi con cháu đi xem đua bơi về. Những năm đó, cái đói vẫn còn vương trên những mái rạ. Mâm cơm cúng chủ yếu là có nồi cơm thật to, thật đầy được xới ra rá tre. Nồi cá đồng kho ớt cay xé…là những đặc sản đãi đằng con cháu. “Được ăn bữa cơm cá thật no là niềm vui nhất của tụi trẻ chúng tôi vào những năm tháng đó”- ồng Phúc hồi tưởng.
Bây giờ thì nhà nhà no đủ, mâm cơm cúng Tết Độc lập cũng đầy đủ hơn, sung túc hơn và đó là dịp để con cháu sum vầy, hiếu đạo mừng ông bà, bố mẹ sức khỏe, bình yên để vững tâm đi xa.
Trước ngày lễ, gia đình ông Đặng Đình Thuận (xã Mỹ Thủy, huyện Lê Thủy), đông vui như hội. Các con ở xa đều đưa vợ con về quê để ăn Tết Độc lập.
Các con cháu đi chợ sắm sanh rồi làm bếp, sửa soạn mâm cơm để cúng Bác Hồ, tổ tiên và mừng ngày Tết Độc lập. Không ai bảo ai, con cháu mỗi người một việc chuẩn bị mâm cơm cúng.
Ông Thuận bảo, gia đình hầu như năm nào vào dịp này con cháu đều về đông đủ. Phần thì ở Đồng Hới, xa thì ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…cũng thu xếp về làng.
“Trước đây, mâm cơm ghi nhớ công ơn của Bác Hồ, sau này bác Giáp mất thì gia đình đã đặt di ảnh bác lên bàn thờ. Mâm cơm cúng dành cho những người đã hy sinh giành lại độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước đem lại cuộc sống ấm no cho mọi người. Đây cũng là dịp để các con cháu đi xa về đoàn tụ để hưởng phúc lộc của đất nước, gia đình”- ông Thuận xúc động nói thêm.
“Ở xa mấy cùng về…”
Không biết từ khi nào, người dân Lệ Thủy đã đinh ninh trong ngày Tết Cổ truyền có thể không về, nhưng Tết Độc lập là phải về làng…
Tôi có anh bạn tên Thắng cùng học phổ thông, hiện đang công tác ở tại thành phố Hồ Chí Minh. Thắng cùng nhóm bạn cùng quê ở Lệ Thủy hầu như năm nào cũng thu xếp nghỉ vào dịp Quốc khánh 2/9 để về quê. “Về để đắm mình vào thời trai trẻ, vào sức hút của lễ hội bơi thuyền chớ”- Thắng nói hồn nhiên như tuổi đôi mươi.
Sáng 2/9, bên bờ sông Kiến Giang (trước Trung tâm văn hóa huyện), hàng ngàn người đứng ngồi đợi giây phút súng hiệu nổ, hàng chục thuyền bơi buông phao, mái chầm, mái chèo đẩy sóng cuộn lên trong tiếng reo hò. Gia đình anh Nguyễn Văn Thân (xã An Thủy) và mấy người bạn vừa dõi mắt theo thuyền đua vừa trò chuyện không ngớt. Anh Thân cho hay, từ thời trai trẻ anh đã vào miền Nam làm ăn và xây dựng gia đình ở trong đó luôn.
Năm nay, gia đình anh và mấy người bạn cùng rủ nhau về làng để ăn Tết Độc lập và đi cổ vũ cho đội đua thuyền xã nhà.
“Nhà tôi có 4 người, vé vào ra và chi phí cũng gần ba chục triệu đồng. Lương công nhân nên phải tiết kiện chi tiêu để dành dụm đưa vợ con về. Có thể Tết Cổ truyền năm nay, nhà em xin phép bố mẹ ở lại trong đó”- anh Thân bộc bạch thêm.
Dù người lớn tuổi hay là lớp trẻ năng động, là con em quê hương Lệ Thủy thì việc về quê, về làng trong dịp Lễ Quốc khánh như đã ngấm sâu vào máu thịt. Anh Thân bảo: “Nếu ai đó không có mặt trong những ngày này thì mọi người lại hỏi nhau: thằng nớ (người đó) răng không về, hay bị đau chi rồi”- anh Thân nói thêm.
Chị Thanh Bình (vợ anh Thân), là con gái miền Tây làm dâu Lệ Thủy. Chị Bình kể, hồi mới yêu cứ thấy anh về mà không biết vì sao. Sau, anh kể miết chuyện ăn Tết Độc lập, chuyện thuyền đua bơi của làng làm chị ham luôn.
“Sau này, thêm mấy lần bồng con, mang túi theo chồng về quê ăn Tết Độc lập cứ cuốn hút em. Bữa nay thì thành thường lệ rồi. Nếu có chút khó khăn thì tích lũy từ trước thôi mà”- chị Bình kể vui.
Dưới sông Kiến Giang,những thuyền đua, bơi về cuối cùng trong tiếng mõ giục, trong tiếng reo hò cổ vũ, động viên của bà con đang đứng hai bên bờ sông. Những người đứng ở mép nước vẫn cứ lội ào ra sông, ướt hết mái tóc mà vẫy nước, tát nước cho những trai bơi để hạ nhiệt và miệng không ngớt hò reo: “Cố lên, cố lên. Đua hô đua, hò đua… Hẹn Tết Độc lập sang năm nha...”.
Ông Dương Văn Bình, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lệ Thủy: “Trách nhiệm của ngành văn hóa chúng tôi làm làm sao để cùng mỗi người dân phát huy và duy trì những giá trị truyền thống và nét đẹp văn hóa của quê hương Lệ Thủy cho những thế hệ mai sau”.