Lễ hội đua thuyền truyền thống mừng Tết Độc lập. Du lịch ĐBSCL nâng cao chất lượng phục vụ du khách dịp nghỉ lễ. Xuất khẩu gạo Việt Nam có thể đạt mục tiêu 5 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu cà phê tăng vọt hơn 54%.
Lễ hội đua thuyền truyền thống mừng Tết Độc lập
Tâm Phùng – Tâm Đức - Sx
Sáng 2/9, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình long trọng tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang để chào mừng ngày Tết Độc lập, Quốc khánh 2/9. Tham dự Lễ hội Đua thuyền truyền thống có 24 đội thuyền bơi nam và 9 thuyền đua nữ thi tài trên cự li 25 km với trên 1500 vận động viên tham gia.
Đây là lễ hội truyền thống đã có từ hàng trăm năm nay để nhằm tôn vinh vẻ đẹp của người dân vùng quê sông nước Lệ Thuỷ và cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu.
Hàng vạn người dân, con em quê hương Lệ Thuỷ từ khắp mọi miền Tổ quốc đã trở về tham gia lễ hội. Người dân trong vùng ai cũng tham gia sôi nổi, cổ vũ nhiệt tình cho các đội đua và hướng về ngày Tết độc lập.
Trước đó vào ngày 1/9, tại di tích lịch sử Bến phà Quán Hàu, huyện Quảng Ninh long trọng tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ. Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ cũng đã phát huy được những giá trị văn hóa tốt đẹp, thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân.
Được biết Lễ hội đua thuyền truyền thống của 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh đã được vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.
Du lịch ĐBSCL nâng cao chất lượng phục vụ du khách dịp nghỉ lễ
Văn Vũ - Sx
Trong dịp kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, nhiều điểm du lịch tại khu vực ĐBSCL đang khoác lên mình sắc màu rực rỡ của cây trái, hoa kiểng, đậm chất văn hóa miền sông nước chào đón du khách. Một số điểm còn có những chương trình khuyến mãi đặc biệt như tặng quà cho du khách.
Các đơn vị lữ hành chỉ sử dụng hướng dẫn viên du lịch đủ điều kiện hành nghề theo quy định; tổ chức các chương trình tham quan, vui chơi, giải trí tuyệt đối đảm bảo an toàn cho du khách, nhất là tour tham quan các đảo bằng ca nô, tàu và tuyệt đối không đưa du khách đến những nơi nguy hiểm khi thời tiết diễn biến phức tạp.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương cũng đã chỉ đạo các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, và công khai minh bạch giá cả.
Xuất khẩu gạo Việt Nam có thể đạt mục tiêu 5 tỷ USD
Khai thác
Theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đạt gần 3,85 tỷ USD, tăng 21,7%; sản lượng xuất khẩu đạt 6,16 triệu tấn, tăng 5,9%. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong 8 tháng đạt 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam hiện đang cao nhất thế giới, đạt 578 USD/tấn. Trong khi gạo Thái Lan đứng thứ 2 với 566 USD/tấn và gạo Pakistan thứ 3 là 539 USD/tấn.
Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay có thể đạt 5 tỷ USD do nguồn cung trên thị trường thế giới hạn chế, trong khi nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia có xu hướng tăng.
Giá xuất khẩu cà phê tăng vọt hơn 54%
Khai thác
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 1,05 triệu tấn cà phê với kim ngạch 4,03 tỷ USD, giảm 11,9% về lượng nhưng lại tăng 36,1% về giá trị. Giá xuất khẩu mặt hàng này đạt 3.805 USD/tấn, tăng vọt 54,5% so với cùng kỳ.
Hiện, các thị trường lớn như: Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Israel, Trung Quốc... đang tăng cường mua cà phê khiến giá nhập khẩu vào các thị trường này tăng lên khoảng 30% so với năm 2023. Điển hình là đầu tháng 7/2024, Hungary đã mua cà phê của Việt Nam với mức giá trung bình hơn 6.800 USD/tấn, hay Israel mua với mức 6.100 USD/tấn.
Trong bối cảnh ngành hàng cà phê đang thiếu hụt nguồn cung, nhiều doanh nghiệp vùng Tây Nguyên đã chủ động tăng cường liên kết với nông dân vùng nguyên liệu tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, để nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó giúp gia tăng xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới.