| Hotline: 0983.970.780

Về những thế hệ làm báo giỏi hơn cha chú

Thứ Năm 03/12/2020 , 13:15 (GMT+7)

Khi tôi đến báo Nông nghiệp Việt Nam vào năm 1989, tôi chỉ đếm được ba người Trịnh Bá Ninh, Đỗ Bảo Châu, Hà Xuyên đáp ứng tiêu chí của một nhà báo thị trường.

Nhà văn Văn Chinh trong một lần phỏng vấn nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Nhà văn Văn Chinh trong một lần phỏng vấn nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Năm 1989, sau khi nhận một giải Nhất, một giải Nhì trong cuộc vận động viết về nông nghiệp nông thôn do Bộ Nông nghiệp và PTNT, Đài Tiếng nói VN và báo Văn nghệ tổ chức, tôi được nhận về báo Nông nghiệp Việt Nam.

Năm 1984, tôi đã xây xong nhà ở Thanh Sơn Phú Thọ, định rằng sau khi tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du thì ở lại Hà Nội, xin vào một cơ quan văn nghệ để viết văn như anh giáo Thứ; tôi đã có quá nửa đời rèn nghề, học nghề.

Nhưng công cuộc Đổi mới đã đảo lộn mọi dự định. Tôi tin vào sứ mệnh của ngòi bút ở trong giai đoạn chuyển đổi, là làm rõ những vấn đề cốt tử của nhận thức, đấu tranh với trì trệ bảo thủ và ở phía khác là lệch lạc đổ vỡ… thì văn không thể bằng báo. Nhưng báo chí cũng đang trong khủng hoảng nhận thức, trong giai đoạn tự đổi mới để thích nghi với xóa bao cấp.

Đây là tờ báo gồm ba bốn tờ gộp lại, do từ năm 1987, Bộ Nông nghiệp, Bộ Lương thực – CNTP rồi sau đó là Bộ Lâm nghiệp, Bộ Thủy lợi sáp nhập thành Bộ Nông nghiệp và PTNT và nó trở thành cơ quan ngôn luận của siêu bộ này.

Do đó mà dôi dư người, khó nhất là dôi dư lãnh đạo, rồi đến các nhà báo chỉ có kinh nghiệm phản ánh mà chưa kịp hiểu rằng, sứ mệnh của nhà báo là phát hiện vấn đề, chỉ rõ nguyên nhân và phương hướng khắc phục.

Khi tôi đến báo vào năm 1989, tôi chỉ đếm được ba người Trịnh Bá Ninh, Đỗ Bảo Châu, Hà Xuyên đáp ứng tiêu chí của một nhà báo thị trường. Ba trong tổng số gần 100 người, con số thật nhỏ, như một nhúm muối loãng trong chậu nước.

Mặt khác, lượng muối nhỏ ấy cũng chưa thể/chưa được pha hết. Đó là thời điểm lề lối “bung ra, tự cứu” bằng kế hoạch II, kế hoạch III phát tác sau mấy năm ủ bệnh. Bấy giờ tôi mới chỉ là “khách”, tôi không biết rõ lắm, nhưng tôi cảm thấy sự phức tạp. Tổng biên tập Lê Nam Sơn được bổ nhiệm trong hoàn cảnh ấy.

Đầu năm 1991, ông Lê Nam Sơn từ cương vị Giám đốc Chi nhánh báo NNVN tại TP.HCM ra nhậm chức, tôi nhớ đó là ngày 22 tháng Chạp Canh Ngọ. Tôi gặp ông tại trụ sở số 6 Ngô Quyền, hỏi, sao hôm nay mà ông vẫn ra, ông ra thì hôm nào ông về?

Lê Nam Sơn móc từ túi áo ngực ra tấm vé máy bay, đáp:

- Vé khứ hồi sẵn đây, cứ 6 tháng ra đổi một lần, vậy nên Bộ đuổi lúc nào tôi về ngay lúc ấy!

Rõ thật, là tôi hỏi mai đã ngày ông Táo, sao ông đã vội ra, ra thì bao giờ về ăn Tết. Nhưng trả lời sai nội dung câu hỏi theo cách như thế là ông đã thầm nhắn nhủ tôi một thông điệp. Vâng, để đổi mới, để khắc phục một mớ bòng bong rắc rối, nhất thiết người thủ trưởng cần quyết liệt, vì cái chung chứ không chỉ vì cái ghế của mình.

Tôi tin ông.

Chiến dịch giảm biên chế của báo diễn ra ngay lập tức nhưng dai dẳng và nhiều khiếu kiện. Và người thiệt lại là tôi. Tổng biên tập cũ ký hợp đồng lao động với tôi, nay ông ngừng thực hiện – như rất nhiều quyết định phân công bổ nhiệm khác.

Ngừng nhưng vẫn để tôi đi viết, tham gia biên tập giúp Trưởng ban Báo Trịnh Bá Ninh – phần lớn nhuận bút biên tập do ông Ninh ký nhưng tôi nhận. Nghĩa là không ai có thể nại lý do thắc mắc vì sao khi giảm biên chế lại nhận người ngoài cơ quan vào làm.

Ông đã phải vay Tổng Cty Lương thực miền Bắc mấy chục triệu (bằng trên một tỷ bây giờ) để thực hiện trả lương về một cục cho những người tự nguyện, khuyến khích ai không thích hợp ở đây nhưng lại có thể thích hợp chỗ khác chuyển đi, như ông Tuấn sau làm Phó tổng biên tập báo Hà Nội Mới, Trần Tới, Phó tổng biên tập Thời báo Ngân hàng, Hoàng Trần Cương về sau làm Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam; lại vay tiền để di dời những cán bộ CNV đi khỏi Trụ sở tòa soạn 14 Ngô Quyền.

Ông bổ nhiệm ông Quách Trần Lâm làm Trưởng ban Trị sự mà việc chủ yếu là cứ tối tối chở Tổng biên tập đi vay tiền, đi vận động, nhiều đêm về đến nhà đã khuya, ông ăn một bát mì gói rồi lăn ra ngủ. Năm 1991, Lê Nam Sơn 39 tuổi, vợ ông, bà Quách Thị Thu mới ba mươi ngoài. Nhưng họ cứ biền biệt xa, vài ba tháng mới gặp nhau một lần; ông tự nấu ăn, món thường xuyên là lạc rang, rau muống xào tỏi, cá diếc kho trám.

Có bóng hồng đến rồi đi, nhiều nữa, có cô khá xinh đẹp và ra mặt “thả thính”, nhưng không một ai lung lạc được người đàn ông sung sức này.

Có những tay làm ăn phi pháp bị báo chí phanh phui gặp Tổng biên tập định mua bán thông tin, họ đã lần lượt thành công ở các báo danh tiếng khác hay những nơi công quyền, nhưng đến 14 Ngô Quyền thì thất bại sau khi đã sầy vẩy tìm mẹo mực.

Những năm tháng giảm biên, tái cơ cấu lại báo, ông Lê Nam Sơn giao quyền cho Trưởng ban Báo Trịnh Bá Ninh gần như hoàn toàn.

Ông Ninh chia nội dung cho từng trang, định ra chuyên mục, cứ sáng sáng lại gọi đi các nơi, hỏi xem có chuyện gì nổi cộm hay việc giao hôm qua đã làm được đến đâu, ở trong đầu phóng viên đang có những gì và ông bàn với họ viết thế nào, nhấn vào điểm gì trong các tài liệu đã có. Chúng tôi làm báo thật hào hứng, cảm giác được tự do; được “vuỗi” hết mình trong mỗi việc lớn nhỏ.

Tôi nhớ có lần ông Ninh bảo, góc trang này thừa mấy dòng, ông viết thêm vào 70 chữ cho kín; tôi mượn bút chì của tổ sửa mo rát nhà in Tiến bộ viết đúng 70 chữ. Đấy là giai đoạn báo hay lên sau mỗi số.

Chúng tôi lên Ngân hàng Nông nghiệp Yên Bái công tác, Giám đốc Ngân hàng này, ông Phạm Hùng chỉ cho chúng tôi xem chùm những bài của báo Nông nghiệp Việt Nam mà ông tâm đắc, ông tự cắt rồi ghim thành tệp, để lúc rỗi đọc lại!

Làm báo “thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là một khó khăn, một thách thức thường trực, khó nhất là ở “liều lượng”. Anh nhấn đậm định hướng thì báo an toàn, ghế chắc nhưng bạn đọc thì chán anh; anh lôi kéo bạn đọc về với mình, nhấn đậm thị trường thì “thẻ vàng”, hai “thẻ vàng” bằng một “thẻ đỏ”.

Vậy thì phải vận dụng kiểu “đá bóng giãn biên”, theo lời khuyên của ông Hữu Thọ là “bút sắc, lòng trong” khi những nhà quản lý báo chí thấy báo anh chống tiêu cực tham nhũng mạnh, sắc sảo nhưng động cơ trong sáng thì rất dễ thể tất.

Ở trong tòa soạn, chúng tôi luôn coi trọng “khung tự do” mà ông Lê Nam Sơn dành cho, nhưng lại cảm thấy, có bung hết cỡ thì cũng không chạm trần của cái khung ấy.

Cũng cần nói thêm, ông Sơn được làm như đã làm, là bởi Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn là người thấu hiểu một lẽ, bộ máy chỉ tốt khi mọi “khâu” đều làm tốt nhất phần việc của mình.

Mỗi lần gặp, ông hay nói: “Báo của các cậu dạo này hay lên!”. Có câu “kẻ sĩ có thể chết vì người tri kỷ” – chúng tôi làm báo của Bộ hay lên là bởi đã tận lực vì câu “báo của các cậu!”.

Thời GS Bùi Huy Đáp làm Tổng biên tập, cụ để lại dấu ấn là cùng lúc đọc cho hai nhân viên đánh máy hai bài khác nhau, một bài chỉ đạo sản xuất, một bài xã luận, đọc đến cả dấu chấm, dấu phẩy; đánh máy xong không đọc lại, lên xe đi cơ sở ngay, ở nhà cứ thế mà đưa hai bản thảo đi nhà in.

Thời Tổng Biên tập Lê Nam Sơn, anh chị em chúng tôi đã đưa tờ Nông nghiệp Việt Nam lên đứng đầu trong đội hình báo ngành của cả nước, đặc biệt là trong phạm vi nền tảng của nền kinh tế chính trị đất nước là nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

***

Nhưng khi BBT làm báo vừa ngon trớn, cơ quan dần dà vào nền nếp tích cực thì ông Lê Nam Sơn bảo tôi:

 - Ông đi vào Trường Đại học Tổng hợp hay Phân viện Báo chí tuyển lấy hai phóng viên, chứ ông với ông Châu già đến nơi rồi.

Tôi giật mình, tôi mới 44, Đỗ Bảo Châu 46! Đấy là tuổi vừa sung sức vừa chín về tay nghề. Nhưng khi nhìn lại ông – một cơ thể tràn dào sức sống, cơ bắp cuồn cuộn, toát ra một ý chí bền vững, tôi đồng ý.

Có lẽ chính xác là “đành đồng ý” - vì có ai muốn đi tìm về cơ quan những người mà rồi ra sẽ phủ nhận mình? Về sau, càng sống với Lê Nam Sơn, tôi càng thấy ông thật chí công vô tư, nhất là ở tố chất trọng thị nhân tài.

Tôi vào Trường Tổng hợp gặp thầy Nguyễn Hùng Vỹ nói như thế như thế, ông Vỹ hỏi tôi “thủ tục” thế nào? Tôi bảo, sếp tôi muốn báo hay lên, sao cho nói về tam nông phải nói ngay đến Nông nghiệp Việt Nam. Toàn bộ thủ tục là ở đấy.

Ông Vỹ nói, hiểu rồi, sẽ giới thiệu cho các ông hai học trò xuất sắc của tôi, đứa 9,5 đứa 10 luận văn tốt nghiệp. Mấy hôm sau Ngô Hồng Giang và Lê Trọng Đảm đến nhà tôi ở Nghĩa Đô ra mắt.

Năm 1994, xã hội đã sang thị trường được dăm bẩy năm, đã manh nha luồng suy nghĩ “thị trường” là ngược với XHCN – nghĩa là mọi việc đều lấy Tiền – Hàng quy chiếu.

Các thế hệ làm báo ở Nông nghiệp Việt Nam luôn nỗ lực cố gắng học tập nâng cao năng lực nghiệp vụ.

Các thế hệ làm báo ở Nông nghiệp Việt Nam luôn nỗ lực cố gắng học tập nâng cao năng lực nghiệp vụ.

Tôi kể cho hai sinh viên chờ việc chuyện báo này nhận người thế nào. Hôm Lê Nam Sơn ký quyết định cho tôi, còn cho một cái màn tuyn của May 10; ông đi dự lễ kỷ niệm ở đâu đó, về tòa soạn thì mặt đỏ gay, thảy cho tôi cái túi quà, trong có tệp tài liệu và một cái màn đôi, còn bảo: Cho Văn Chinh cái màn, đã nghèo túng thì chớ, lại còn vợ nọ con kia, rách việc.

Như thế, báo đã mở rộng cửa đón Ngô Hồng Giang và Lê Trọng Đảm, nhưng khó khăn lại ở phía “trong cổng”, vì cái lẽ sản phẩm đào tạo của thầy Vỹ là dành cho báo chí XHCN với nguyên lý là phản ánh luận của Lenine, còn yêu cầu của tòa soạn là làm báo Thị trường – XHCN.

Phải hai năm sau khi hai ông tự đào tạo và được đào tạo lại ở đây, hai sinh viên xuất sắc của thầy Vỹ mới dần trở thành hai nhà báo trung bình rồi mấy năm sau mới xuất sắc, mỗi người xuất sắc mỗi kiểu.

Vũ Minh Việt học sau, một phần nhờ giáo trình đại học đã chuyển đổi, phần nữa nhờ thực tập tốt nghiệp ở báo NNVN, tôi không tuyển ông này, chỉ giúp ông nắm rõ hơn “bếp núc” của các phóng sự - phóng sự điều tra trên báo, nó trở thành đề tài cho luận văn tốt nghiệp của Vũ Minh Việt và đạt điểm tối đa.

Trước đó, tôi đã đưa Vũ Hữu Sự từ báo Doanh nghiệp về báo. Đưa thế này: Khi Tổng biên tập Hoàng Linh đi tù, báo ấy lâm vào khủng hoảng, tôi trao đổi trước với ông Ninh rồi bảo ông Sự đến. Tôi làm giấy ứng 400.000đ tiền vé tàu cho ông Sự vào Nam, nói:

- Miền Nam, nhất là vùng Tây Nam bộ có bề dầy văn hóa ông biết rồi, có cả trăm, ngàn chuyện lạ nữa. Ông vào đó, cứ đi cứ viết rồi gửi bài về tòa soạn, không cần về Hà Nội làm gì.

Nhưng tôi tính không bằng Sự tính. Không một bài báo, không một cái tin. Mãi đến mùa hè năm 1994, khi theo ông Ninh vào khai trương Văn phòng Miền Trung và Tây Nguyên, quay về đến Quảng Ngãi thì gặp Vũ Hữu Sự cũng trên hành trình ra Bắc và đã hết sạch tiền.

Hôm ấy, chúng tôi là thực khách của Phó Thủ tướng Nguyễn Ngọc Trìu, có thêm hai khách nữa không tiện, ông Ninh cười cười bảo tôi về khách sạn mở vali lấy tiền. Tôi quý Trịnh Bá Ninh vì nụ cười “biết tất” nhưng “chấp nhận mọi cá tính”.

Nếu không, báo chúng ta không thể có một bỉnh bút viết phóng sự, tùy bút văn hóa và phiếm luận Vũ Hữu Sự mà không phải bất cứ báo nào muốn cũng có, vì ông đã “ra mắt” Nông nghiệp Việt Nam theo cái cách chả giống ai như thế.

Báo Nông nghiệp Việt Nam lấy Thái Sinh về cũng chả giống ai. Ông viết bài chống phá rừng gửi về báo, không biết sao đó bài báo đến tai những người bị phanh phui, bị địa phương can thiệp gay gắt. Có lẽ vì vậy, khi tách tỉnh, ông đang làm việc gần nhà phải đi tỉnh mới nhận việc. Ông Lê Nam Sơn kéo Trịnh Bá Ninh và tôi đi xem xét rồi nhận Sinh về.

Trần Cao lại là một bỉnh bút nữa xuất thân chả giống ai. Ông này học giỏi, sinh viên đã qua hai năm đại cương của trường Đại học Y khoa Hà Nội, bị ngưng học do vướng vào thế không can dự không còn là trai xứ Nghệ.

Ở lại Hà Nội, tự kiếm sống, tự học nghề báo. Khi Cao đến báo như là chân thử việc, ông Sơn mới nói với tôi, bảo tôi “mình đào tạo lấy người mà dùng ông ơi, những tay cự phách hắn nhảy về báo lớn hết còn đâu”.

Một bỉnh bút khác là Mai Xuân Nghiên thì ông Nguyễn Ngọc Thạch giới thiệu với tôi, cũng là một tay thông minh và có ít nhiều nền tảng văn hóa. Hai ông này tôi ảnh hưởng đến ít, vì cái kỹ năng nghề báo tôi cũng chỉ là tự học; Trần Cao vốn thông minh nên rất nhanh chóng nắm được bí quyết của nghề báo là có chủ kiến để biết người cung cấp tài liệu là thật hay giả, chỉ mấy năm sau, Trần Cao đã có loạt bài Nước mắt sông Lô (viết chung với Nguyễn Ngọc Thạch, ký tên Tổ PVĐT), đây còn là tay viết về ngành sắc sảo và hiểu biết.

Hình như kinh nghiệm của tôi ít nhiều có giúp được Mai Xuân Nghiên tiếp cận nhanh và sâu giới văn hóa văn nghệ. Trước đây báo Tết gần như chỉ Trịnh Bá Ninh và tôi làm, tổ chức bài vở rồi biên tập; báo được người trong giới nói là báo Tết hay nhất. Khi chúng tôi về hưu, đã có Tô Đức Huy, Trần Cao, Mai Xuân Nghiên...

Các nhà báo Dương Đình Tường, Hoàng Anh trước sau đã trở thành cây bút phóng sự xuất sắc của báo chí nước nhà (nhiều lần giải báo chí quốc gia). Họ về khi tôi sắp hoặc đã nghỉ hưu. Nhưng truyền thống của những người ưu tú sản sinh ra những người ưu tú, nên họ xuất sắc như là một nhẽ tất nhiên.

Mỗi năm đọc báo Tết, thấy vẫn hay, tôi mới nhớ lại câu ông Sơn nói 17 năm trước khi tôi nghỉ hưu: “Ông với ông Châu già đến nơi rồi”.

Ông Lê Nam Sơn là một Tổng biên tập giỏi vậy! Khi ông nhậm chức, báo ra hằng tuần, bài nọ nối bài kia không chuyên trang, định mục. Khi ông nghỉ hưu năm 2013, báo đã một tuần 8 ấn phẩm; chúng tôi nộp thuế thu nhập cá nhân vào top sớm nhất của báo ngành, ở miền Bắc chỉ có sau báo Tiền phong nhưng đó là báo chính trị, xã hội.

Cuối năm 1993, tại quán ăn trưa cạnh Trụ sở Hội Nhà báo ở Lý Thái Tổ, ông Sơn hất hàm ra phía sau, nói, cái tay đang nói chuyện với sếp Toàn, mặt hướng về phía ta muốn về báo mình, hôm trước hắn đã vô Sài Gòn gặp mình.

Ngay chiều hôm ấy, ông Lê Nam Sơn nhận ông Nguyễn Mạnh Thường, Trưởng phòng phóng viên báo Phú Yên về làm Trưởng đại diện NNVN tại Miền Trung và Tây Nguyên.

Chỉ 6 tháng sau, ông Thường đã xin được nhà và hồ sơ xin mở Văn phòng đại diện của báo ở 5 Tháp Bà TP Nha Trang đã hoàn tất.

Khoảng 1 năm sau, ông Thường khai thác được thị phần mênh mông ở các tỉnh miền Trung và Tây nguyên vốn trước đó là vùng trống của báo. Sau này khi Tổng Biên tập Lê Nam Sơn nghỉ hưu thì trao lại “ấn tín” cho ông Nguyễn Mạnh Thường.

Tổng Biên tập hiện giờ, ông Nguyễn Ngọc Thạch – người chỉ nhỉnh hơn ông Lê Nam Sơn vài tuổi khi nhậm chức, mới ngoài bốn mươi.

So với ông Sơn, ông Thạch có đông đảo hơn, đồng đều hơn những cộng sự, nhất là hơn ở sự đồng thuận. Nhưng thách thức lại nằm ở chỗ khác, ở chỗ báo in giấy đang gặp thách thức sống còn, nó bị mạng xã hội lấn sân, càng ngày càng lấn lướt.

Vẫn còn là quá sớm khi nói về đương kim Tổng biên tập, nhưng tôi tin ở tài năng, sự trẻ trung của thế hệ nhà báo hôm nay, một thế hệ vàng tiếp theo của báo Nông nghiệp Việt Nam.  

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất