| Hotline: 0983.970.780

Về nơi 80% nhà tầng, biệt thự mọc lên từ những…ngó cần

Thứ Tư 22/08/2018 , 13:55 (GMT+7)

Xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa, Bắc Giang) được ví như một vương quốc của rau cần với những cánh đồng rộng mênh mông đến choáng ngợp, với những ngó rau dài miên man, trắng phau phau đầy gọi mời...

Hiệp tâm hội quán

Có lẽ Hoàng Lương là xã đứng đầu cả nước về sản xuất chuyên canh một loại rau với tổng diện tích 180 ha cần trong đó có 50 ha áp dụng theo tiêu chuẩn Vietgap. Ngày 16/8 vừa qua, xã chính thức cho ra mắt Hội quán rau cần với 23 thành viên lấy tên là Hiệp tâm hội quán-một tổ chức xã hội tự nguyện với mục đích là nơi để người dân chia sẻ, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, thông tin sản xuất và tiêu thụ rau cần.

Ông Trần Kim Lệ, Phó Chủ tịch UBND xã, người ký tên ở dưới quyết định thành lập ấy kể với tôi rằng, cần vốn không phải là cây bản địa ở đây. “Ông tổ” có công di thực, đưa loại cây ấy về là ông Thân ở thôn Thanh Lương, cách đây cũng đã vài chục năm. Lúc đầu cần chỉ được cấy trong ao, trong chuôm, dần thích nghi rất tốt với điều kiện thổ nhưỡng, tiểu khí hậu, cho năng suất cao.

15-11-26_dsc_1817
Những ngôi nhà mọc lên từ cần

Về sau một số người dân trong làng đánh liều thử nghiệm đưa cần xuống ruộng trũng theo công thức luân canh thả cá giống trước, tát cạn, thu hoạch xong mới cấy cần và đều rất thành công. Tuy nhiên, 20 năm trước việc chuyển đổi cơ cấu, nhất là việc làm biến đổi hiện trạng ruộng lúa sang ao cá, cấy cần là một chuyện động trời, ít người dám mạo hiểm.

Trước tình hình đó đại hội Đảng bộ xã khóa 21 (2000-2005) đã ra hẳn một Nghị quyết về phát triển cá - cần. Một khi hòn đá tảng cản trở động lực sản xuất bị dỡ bỏ, lực trong dân được bung ra hết cỡ. Diện tích rau cần đã phát triển mạnh, bền vững qua từng năm. Nếu như vụ đông năm 2000 trên địa bàn toàn xã mới chỉ có 20 ha thì đến năm nay đã là 180 ha rau cần. Tỉnh còn cho xây dựng 3 cánh đồng mẫu rau cần với diện tích khoảng 100 ha trong đó hỗ trợ từ giống, phân bón đến tập huấn kỹ thuật để mọi thứ giờ trên đồng ruộng của Hoàng Lương giờ đây vận hành trơn chu như một cỗ máy.

Từ tháng 4 đến tháng 8 dương lịch bà con thả cá giống, thu hoạch bình quân 3,5 tấn/ha/5 lứa, với giá bán bình quân 35.000đ/kg cho thu nhập 100-120 triệu/6 tháng. Từ tháng 9 năm nay tới tháng 3 năm sau thì tiến hành trồng 3-4 lứa cần. Lứa đầu trời nóng nên thời gian sinh trưởng kéo dài 60-65 ngày, các lứa 2, 3, 4 về đã đúng vụ, thời gian rút ngắn chỉ còn 40-50 ngày cho thu nhập mỗi sào khoảng 25-30 triệu trong đó lãi khoảng 20 triệu tương đương lãi khoảng 400-500 triệu/ha/6 tháng.
 

Bờ ruộng như bên Nhật

Cần là loại rau ưa nước, không thể sống được nếu thiếu nước. Nghị quyết của Đảng ủy xã Hoàng Lương đã cho phép những việc trước đây từ “làm chui” trong bóng tối nay trở thành hợp lệ như đắp bờ bao, bê tông hóa toàn bộ mặt bờ để giữ nước thả cá cũng như trồng cần. Anh Lệ-Phó Chủ tịch xã tự hào khẳng định với tôi rằng, ruộng đồng của mình giờ đây chẳng kém gì bên Nhật. 100% của 180 ha diện tích cá-cần đều chung một kiểu thiết kế bờ bao như vậy vừa giữ được nước vừa sạch sẽ đỡ chuột bọ đào hang, làm tổ.

15-11-26_dsc_1805
Cảnh cấy cần

Thửa ruộng trồng cần được thiết kế rộng từ 1,5 sào đến tối đa là 2 sào bởi tính hợp lý của nó, không thừa, không thiếu, đủ cung cấp 2 tấn rau cho 5-7 người có thể nhổ gọn trong ngày. Làm rộng hơn, không nhổ róc, để quá vài ba bữa rau sẽ hóa già, không còn giòn, không còn ngọt nữa.

“Trắng như ngó cần” là câu của người xưa miêu tả về người con gái đẹp nhưng cũng là tiêu chuẩn đầu tiên của một bó cần. Để đạt được điều đó, nước trồng cần phải sạch, được cung cấp từ hệ thống sông Cầu hoặc hàng ngàn cái giếng khoan ngay trên ruộng. Hễ nước bẩn là cần dễ chết đã đành mà nếu sống cũng không còn màu trắng đặc trưng nữa.

Cần giống cắm xuống đất sẽ liên tục đẻ nhánh, khi đã phủ kín mặt ruộng thì nông dân bắt đầu dâng nước lên cho cây ngừng sinh sản và phát triển độ cao. Cứ 3-4 ngày phải dâng nước lên ruộng cần 1 lần như vậy để lúc nào ngọn rau cũng hở lên trên mặt khoảng 15cm. Nếu để nước dâng lên nhanh quá thì cần sẽ vươn nhanh, mỏng mình còn nước thấp quá cây không lớn được, dễ bị đổ ngã, thân cong queo, xấu xí, khó thu, khó rửa, khó bó, khó bán. Sau 5-6 lần dâng nước là thời điểm có thể thu hoạch rau.

Do sức sống mạnh mẽ mà cần gần như không có sâu bệnh nên rất ít khi phải phun thuốc. Còn chăm bón thì tốt nhất là phân chuồng đã ủ hoai mục trộn cùng mấy cân NPK Lâm Thao vãi xuống ruộng cho cây thêm cứng, chất thêm tăng.
 

80% nhà tầng, biệt thự mọc lên trên những…ngó cần

Mùi bùn non mới ngấu hòa cùng mùi rau cần hăng hăng lôi cuốn tôi ra đồng. 3 lao động nhà chị Ngô Thị Lệ ở xóm Thanh Lâm vụ này cấy 1,2 mẫu ray trên thửa đất mới chỉ mấy ngày trước là ao cá giống, được tát cạn, vãi vôi để khử khuẩn.

15-11-26_dsc_1801
Chị Lệ cười tươi khi nói về thu nhập từ cây rau cần

Cần giống là những đoạn thân dài chừng hơn 1 gang tay được cắt ra từ cây cần già lưu giâm sẵn trong đất ẩm cho ra rễ rồi mới cấy. Vụ cần sớm này phải hơn 60 ngày mới cho thu nhưng giá thường rất đắt, khoảng 10.000đ/kg còn chính vụ, chỉ mong 5000đ/kg là nông dân như chị Lệ đã cười hoan hỉ rồi. Năm ngoái cần được giá, đạt từ 8000-10.000đ/kg, sau khi cung ứng hàng cho một siêu thị ở Hà Nội, 1,2 mẫu rau đã đem lại cho gia đình chị Lệ hơn 150 triệu trong đó lãi ròng trên 100 triệu.

Quách Văn Hoàng-Giám đốc HTX Hoàng Hậu vụ này ngoài cấy 1,2 mẫu cần còn quản lý thêm hơn 10 mẫu khác của các thành viên đồng thời bao tiêu luôn sản phẩm cho họ. Hỏi lý do tại sao HTX lại có cái tên kêu như thế, anh cười to thanh minh rằng chồng là Hoàng, vợ là Hậu nên ghép đôi lại mà thành.

Hoàng có xe tải 6 tấn để lúc thì chở cần ra Hà Nội, lúc lại chở cần vào tận Nghệ An tiêu thụ. Vụ cần năm ngoái anh lãi 200 triệu. “Nói nhiều, đưa ra con số cao ngất ngưởng, ít người tin lại hóa ngại nên em chỉ bảo lãi 200 triệu thôi”. Anh Lệ-Phó Chủ tịch xã xác nhận với tôi điều Hoàng vừa nói là đúng bởi tâm lý của nông dân thường ngại nói chuyện thu nhập nên hay giấu bớt chứ thực ra thu nhập thật từ cần còn cao hơn thế rất nhiều.

Nhờ trồng cần mà 1.000 hộ với khoảng 3.000 lao động của 5 thôn Đại Thắng, Thanh Lâm, Thanh Lương, Đồng Hoàng, Ninh Giang trong xã cùng 1.000 lao động bên ngoài lúc nào cũng có công ăn, việc làm. Người khỏe thì lội bùn bì bõm hái, người yếu thì ở trên bờ cắt, rửa, bó. Cánh đồng cần mùa thu hoạch lúc nào cũng đặc kín người. Những khi chạy hàng, nửa đêm nông dân cũng sẵn sàng ra ruộng. Ánh sáng từ cả ngàn chiếc đèn pin đeo trên đầu họ cứ uốn lượn theo từng động tác lao động hệt như một sân khấu khổng lồ. Với công rửa là 1000đ/kg, ai giỏi mỗi ngày rửa được 4-5 tạ, kiếm 4-500.000đ còn trung bình mỗi ngày cũng được 2-3 tạ, kiếm 2-300.000đ.

15-11-26_dsc_1819
Một ruộng cần cấy sớm

Nhờ trồng cần mà “GDP” của xã tăng thêm ngót nghét 100 tỉ trong đó có 400-500 hộ đạt mức lãi lúc nào cũng trên 100 triệu/6 tháng. Nhờ trồng cần mà xã nở rộ các dịch vụ ăn theo, rầm rộ nhất là mấy chục đại lý thu gom rau với hơn 100 xe tải lớn nhỏ đủ đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ 120-150 tấn sản phẩm mỗi ngày. Nhờ trồng cần mà gần 10 HTX được mọc lên, trong đó HTX Lý Hùng còn tiên phong xây cả kho lạnh với công suất bảo quản trên 100 tấn để xuất khẩu tiểu ngạch sang Nga, sang Hàn Quốc. Nhờ trồng cần mà 70-80% nhà dân trong xã đều là nhà tầng hoặc biệt thự.

Không chỉ trở thành cây kinh tế chủ lực mà cần còn là thành phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của người Hoàng Lương. Với họ, dù mâm cao cỗ đầy, 7 đĩa, 3 bát nhưng bao giờ đĩa cần bóp muối cũng là thứ hết đầu tiên.

Hỏi về lý do thành lập HTX của mình Hoàng giải thích: Lập HTX để có con dấu, có tư cách pháp nhân tiện ký hợp đồng, tiện vận chuyển hàng hóa trên đường. Cũng như rau cần thiếu nước là đổ ngã, người sản xuất thiếu đoàn kết là thất bại nên họ cần cùng nhau nói và nói cho nhau nghe.

 

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm