| Hotline: 0983.970.780

Về nơi củ khoai lang và rau khoai lang được xếp hạng OCOP

Thứ Hai 29/11/2021 , 15:03 (GMT+7)

Những món ăn dân dã thậm chí một thời dành cho nhà nghèo ấy hiện nay đã trở thành đặc sản được nhiều người biết ở xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, TP Hà Nội

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng Nông thôn mới Hà Nội có nhiều loại đặc sản sau khi được tham gia OCOP đã nâng cao được giá trị, được nhiều người tiêu dùng biết đến mà khoai lang Đồng Thái là một ví dụ.

Anh Phùng Quốc Nam, Phó Chủ tịch xã Đồng Thái, cho hay, cuối năm 2020, củ khoai lang của quê mình đã được UBND thành phố công nhận sản phẩm OCOP 4 sao còn ngọn rau khoai lang cũng được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Vậy có gì khác biệt giữa khoai lang Đồng Thái và khoai lang ở những vùng miền khác? Rất nhiều giống khoai lang bản địa nổi tiếng một thời đã dần dần bị biến mất bởi sự lên ngôi của những giống khoai lang mới mà nhất là có xuất xứ từ Nhật.

Khoai lang Đồng Thái sở dĩ được nhiều người nhớ đến là bởi yếu tố giống cộng với thổ nhưỡng. Vẫn là giống khoai Hoàng Long ấy đi trồng ở xứ đồng nơi khác vị đã nhạt đi, xứ đồng chuẩn phải là Đồng Pheo giáp ranh Vạn Thắng và Phú Đông rộng chừng 20 ha là cho củ khoai thơm ngon nhất. Đặc trưng riêng của khoai lang Đồng Thái lúc mới thu hoạch chế biến lên ăn rất bở và thơm nhưng để lâu héo, luộc, nướng chảy mật ra rất đặc biệt.

Làm đất trồng khoai lang. Ảnh: TL.

Làm đất trồng khoai lang. Ảnh: TL.

Rau khoai lang hiện có giống chuyên trồng để ăn ngọn nhưng với người Đồng Thái vẫn dùng giống khoai Hoàng Long lấy củ đấy để trồng, đến lứa vun phân, thân mọc ra ngọn non, buộc phải bấm tỉa đi để không nuôi dây mà chuyển dưỡng chất xuống đất nuôi củ.

Từ ngọn khoai lang đem xào với các loại thịt màu đỏ hay luộc lên chấm tương rất ngon. Nhãn hiệu tập thể của khoai lang Đồng Thái được thiết lập từ năm 2013, duy trì được đến tận bây giờ. Vừa qua, để nâng tầm củ khoai và ngọn rau khoai lang, UBND xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT trình lên trên làm công nhận sản phẩm OCOP.

Ông Phùng Quốc Lượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Kinh doanh Đồng Thái cho biết, khoai lang Đồng Thái một năm 2 vụ, thu hoạch vào tháng 6 và tháng 12, tính ra mỗi sào trồng khoai lang/vụ có thể thu về khoảng 7, 8 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa.

Trước đây diện tích trồng khoai của địa phương xung quanh khoảng 300 ha nhưng thời gian gần dây giảm còn 150 ha bởi thời tiết mưa nhiều không thuận lợi, bởi bị hà cắn phá, bởi ngày công lao động, vật tư nông nghiệp ngày một tăng cao, nên thu về cho mỗi sào khoai chỉ còn 4, 5 triệu.

Ruộng khoai lang Đồng Thái. Ảnh: TL.

Ruộng khoai lang Đồng Thái. Ảnh: TL.

Trong khi đó đã trồng khoai là phải cả cánh đồng, chỉ một vài người bỏ là có thể ảnh hưởng đến những người xung quanh. Hơn thế nữa, hệ thống thủy lợi từ hồi các HTX thôn bàn giao về cho Công ty khai tác công trình thủy lợi thì xuống cấp nhiều, việc cung cấp nước vào ra không còn thuận lợi sản xuất như trước nữa. Bởi vậy mà sản lượng bởi vậy bị giảm đi.

Cuối năm âm lịch hay đầu năm mới, nhu cầu dùng khoai lang rất nhiều, nguồn cung cấp khoai lang Đồng Thái thường là không đủ để mà bán và bản thân nó cũng phải có mùa. Thế mà sản phẩm được quảng bá là khoai lang Đồng Thái bày bán đầy ngoài đường quốc lộ đoạn chạy qua địa bàn cũng ít nhiều ảnh hưởng đến thương hiệu của loại đặc sản nổi tiếng này.

Cùng với việc kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp theo hướng chuỗi liên kết trong sản xuất thời gian qua huyện Ba Vì đã giúp các đơn vị này có thêm nhiều sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP. Huyện yêu cầu mỗi xã trên địa bàn phải lựa chọn ít nhất một sản phẩm đặc trưng của địa phương, phù hợp thị hiếu tiêu dùng, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sau khi lựa chọn được đối tượng, huyện tổ chức tập huấn cho các chủ thể kỹ năng hoàn thiện hệ thống từ tổ chức sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thiết kế logo, mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm…

Chuẩn bị hàng để xuất bán. Ảnh: TL.

Chuẩn bị hàng để xuất bán. Ảnh: TL.

Năm 2019, huyện Ba Vì có 9 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao và 4 sao. Năm 2020, có 38 sản phẩm của 8 chủ thể được xếp hạng, nhiều sản phẩm đạt 4 sao. Công ty CP Bánh sữa Ba Vì là đơn vị được đánh giá cao trong số các chủ thể tham gia phân hạng sản phẩm OCOP năm 2020. Được huyện hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, đơn vị đã đầu tư nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất ra các loại bánh sữa, sữa tươi, sữa chua, sữa chua nếp cẩm, caramen…

Cũng tương tự như thế, một trong những sản phẩm được xếp hạng OCOP năm 2019 là mật ong nuôi thả tự nhiên mang tính “du mục” của hộ sản xuất Vinh Hoa mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 60 - 70 tấn. Ngoài cung cấp cho thị trường Hà Nội và các địa phương lân cận, sản phẩm mật ong Vinh Hoa còn được một công ty của Hàn Quốc chuyên làm bánh gạo mật ong thu mua.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.