| Hotline: 0983.970.780

Khoai lang Đồng Thái

Thứ Ba 29/01/2013 , 10:11 (GMT+7)

Trong khi nhiều hộ dân trồng khoai lang xuất khẩu ở ĐBSCL đang khóc dở mếu dở thì tại xã Đồng Thái (Ba Vì, Hà Nội), nông dân lại rất phấn khởi vì được mùa được giá.

Trong khi nhiều hộ dân trồng khoai lang xuất khẩu ở ĐBSCL đang khóc dở mếu dở vì bị thua lỗ do thương lái Trung Quốc chèn ép giá, thì tại xã Đồng Thái (Ba Vì, Hà Nội), nông dân lại rất phấn khởi vì được mùa được giá.

Đặc sản dân dã

Dân gian xưa có câu "Ngô Đông Lâu, bầu Tri Lai, khoai Tăng Cấu, dưa hấu Yên Bồ” ngợi ca về nông sản của huyện Ba Vì. Hương vị thơm ngon của khoai lang Tăng Cấu (Đồng Thái) đã nức tiếng gần xa. Xã đang đang đẩy mạnh áp dụng TBKT vào SX cây khoai lang vụ đông để nâng cao năng suất, sản lượng.

Ông Nguyễn Huy Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Thái cho biết: Đồng Thái là vùng có truyền thống trồng khoai lang. Hầu hết đất nông nghiệp là loại đất cát pha, địa hình cao ráo nên rất phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của khoai lang. Với độ bở vừa phải, bùi của tinh bột, ngọt của chất đường, hương vị thơm ngon hiếm thấy, khoai lang Đồng Thái từng là sản vật tiến vua.

Khi nền nông nghiệp còn lạc hậu, "trồng lúa lúa lép trồng ngô ngô còi", chỉ có cây khoai lang là phát triển mạnh và cho chất lượng tốt… Nông dân thường độn khoai lẫn cơm ăn hằng ngày cho no cái bụng. Thế nên mới hình thành câu “Đói thì ăn sắn ăn khoai/Đừng thấy lúa trỗ tháng hai mà mừng”.

Thời kỳ bao cấp, người dân phải đổi 3 kg khoai lấy 1 kg gạo để ăn. Nhưng ngày nay khoai lang là một đặc sản, một thức quà bình dân được người thành thị ưa chuộng nên bán được giá rất cao. 1 kg khoai lang đặc sản bán ra 11.000 - 12.000 đ, trong khi giá lúa Khang dân chỉ hơn 6.000 đ. Thấy được lợi nhuận vượt trội so với những cây trồng khác, nông dân đã khai thác tối đa diện tích đất bỏ hoang để trồng khoai.

Năm 2010, UBND xã Đồng Thái đã phối hợp với Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Viện Nghiên cứu rau quả… trồng thí điểm gần 20 giống khoai lang (cả nội địa và ngoại nhập) trên diện tích 3 ha. Kết quả cho thấy, chỉ duy nhất giống khoai Hoàng Long (xuất xứ từ Trung Quốc, được Bộ NN-PTNT công nhận năm 1981) là phù hợp với điều kiện của địa phương, cho sản lượng vượt trội và chất lượng tốt.

Lãi gấp 3 lúa

Đến xã Đồng Thái trong những ngày cận Tết, người dân nô nức thu hoạch khoai lang, trên khuôn mặt mỗi người đều ánh lên niềm vui khôn xiết, tôi mới thấm thía câu nói của ông Phùng Quốc Lượng, Chủ nhiệm HTXNN Tri Lai, xã Đồng Thái: “Ở đâu có đất màu thì ở đấy có cây khoai lang. Bao giờ cây khoai lang còn xanh rờn trên các cánh đồng thì khi ấy người dân nơi đây còn no ấm”.

Hiện, tổng diện tích đất nông nghiệp của xã khoảng 460 ha, trong đó trên 300 ha khoai lang. Có nhiều hộ trở nên khá giả nhờ trồng khoai như bà Nguyễn Thị Sen (đội 10, thôn Tri Lai) 14 sào; bà Trần Thị Yêu (đội 3, thôn Tri Lai) 10 sào; anh Nguyễn Văn Sáu (xóm Thượng, thôn Tăng Cấu) 8 sào…

Gặp tôi tại cánh đồng đất rau, anh Nguyễn Văn Sáu vừa nhặt những củ khoai to trên luống cày vừa hồ hởi: “Năm nay nhà tôi thắng đậm anh ạ. Khoai sai trĩu trịt củ. 10 củ to may ra có 1 củ ránh (dài và nhỏ như ngón cái- PV). Nhìn mà sướng lắm! Ước tính thu nhập của gia đình vụ này gần 40 triệu đồng”.

Theo kinh nghiệm của nhiều hộ dân nơi đây, muốn khoai cho nhiều củ thì điều đầu tiên là phải có giống tốt. Cứ trồng khoảng 3 năm là giống có nguy cơ thoái hóa. Để khắc phục tình trạng đó cần phải tiến hành phục tráng bằng phương pháp nhân giống từ củ. Chọn củ từ những dây nhiều củ, không già hoặc quá non, củ lớn đều và ra tập trung ở một số mắt, không sâu bệnh, màu sắc và dạng của củ mang đặc trưng điển hình của giống.

Ông Chu Huy Phương, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì:

"Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng thương hiệu "Khoai lang Đồng Thái" và đã hoàn thiện khâu thiết kế nhãn hiệu tập thể và túi lưới; mở rộng quảng bá thương hiệu. Để đảm bảo sản phẩm khoai Đồng Thái có đủ nguồn cung cho thị trường, hướng đi của địa phương là tăng cường trồng trong vụ xuân và liên kết với các xã lân cận để mở rộng diện tích".

Khi củ khoai có mầm thì đem trồng với mật độ 40 x 40. Dây dài khoảng 30 - 35 cm thì cắt dây lần 1 để nhân tiếp. Làm được như vậy, dây giống khoai lang sẽ to, mập, chịu được ngoại cảnh bất lợi, năng suất cao, giữ được đặc tính của giống…

Trước khi trồng bằng dây, nên ngâm dây giống vào dung dịch có chứa thuốc Diaphos 50EC trong vòng 30 phút để diệt sâu, nhộng trong thân dây. Nên đánh luống có độ cao từ 40 - 45 cm; rộng 70 -80 cm. Về phân bón, nên dùng các loại phân hữu cơ như phân chuồng (hoai), phân xanh, kết hợp với lân, đạm và kali. Tuy nhiên, do đặc tính của củ tích nước nên không được bón quá nhiều phân hóa học, vì như thế sẽ làm khoai nhạt.

Chi phí cho một sào khoai lang chỉ khoảng 500.000 đồng nhưng đạt sản lượng trung bình 6 tạ. Với giá thị trường như hiện nay khoảng 10.000 - 11.000 đ/kg, thu lãi trên 5 triệu đ/sào, cao gấp 3 lần lúa. Theo ông Phùng Quốc Lượng, bây giờ khách hàng rất sành ăn nên những sản phẩm thơm ngon, chất lượng như khoai lang Đồng Thái không bao giờ sợ sụt giá. Mặt khác, nguồn cung luôn thấp hơn nguồn cầu nên giá rất ít khi biến động.

Với mong muốn không ngừng nâng cao chất lượng cho củ khoai lang, UBND xã Đồng Thái hằng năm đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở 4 đợt tập huấn kỹ thuật trồng trọt cho nông dân (mỗi đợt khoảng 80 người). Đồng thời thường xuyên mời chuyên gia khuyến nông về thăm đồng để bám sát tình hình SX của bà con, xử lý mọi tính huống bất thường xảy ra.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Quảng Trị sẽ hoàn thành gieo cấy vụ đông xuân trước 20/1

Ông Hà Sỹ Đồng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị ngành nông nghiệp và các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nông dân hoàn thành gieo cấy trước 20/1.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.