Từng đến hai nhánh Nậm Nơn, Nậm Mộ đầu nguồn của sông Cả - sông Lam, lần này tôi cùng mấy anh đồng nghiệp nhà báo xuôi theo tuyến đường sinh thái (còn gọi là “tuyến đường trong mơ”) đến với cửa Đan Nhai - Cửa Hội nơi sông Cả hết mình vào biển.
Đan Nhai - Cửa Hội
Sông Rum, sông Cả là tên khai sinh của sông Lam. Cũng như vậy, Đan Nhai là tên khai sinh - tên chữ của Cửa Hội quê tôi. Hàng vạn năm trước, hai nhánh Nậm Mộ và Nậm Nơn từ huyện rẻo cao Kỳ Sơn) xuôi về hợp lưu tại Ngã ba Cửa Rào thuộc địa phận Phủ Tương xưa, nay thuộc xã Lượng Minh huyện Tương Dương, từ đây sông Cả - sông Lam độc diễn marathon xuyên xứ Nghệ, xuôi về Cửa Hội để hết mình vào biển.
Trên hành trình hơn 200 cây số, sông Cả bồi tụ phù sa, kiến tạo ngút ngát ruộng đồng nương bãi và môi trường sống cho hơn nửa triệu cư dân người Nghệ, gồm nhiều dân tộc anh em sinh sống dọc đôi bờ.
Sông Cả kiến tạo cho vùng này cảnh quan tuyệt đẹp. Nói đến Đan Nhai là nói đến vùng quê từ cửa biển vào đến khu vực Bến Thủy, với hàng chục ngôi làng nép đôi bờ Lam, trải dài khoảng vài chục cây số, trong không gian văn hóa ấy sớm dày đặc những tên đất tên làng có gắn với chữ “Đan” của từ gốc Đan Nhai như Cổ Đan, Đan Hải, Đan Trường, Đan Phổ, Đan Hội, Đan Trang… với những nổi trội giá trị văn hóa của vùng quê cận sông cận biển. Qua 7-8 trăm năm, những địa danh cổ gắn chữ “Đan” vẫn sống khỏe trong kho từ giao tiếp của cư dân.
Có lần từ đỉnh núi Dũng Quyết nhìn ra, cảm nhận tuyến đường sinh thái như dải lụa khổng lồ do mẹ Đất cha Trời vừa dệt xong, rồi đem giăng phơi trên mấy chục cây số uốn lượn theo bờ tả Lam. Chúng tôi vi vu “ngựa sắt” để đằm mình trong nét đẹp dịu dàng của mẹ Đất cha Trời, và chỉ hơn một giờ hành trình bỏ lại đằng sau chừng bốn chục cây số, ta đặt chân đến điểm cuối của dòng Lam.
Tiếng là cuối nguồn mà sao nước sông trong trẻo lạ lùng, như thể sau khi lên thác xuống ghềnh, vượt qua vô vàn ngáng trở giăng mắc phía thượng nguồn, khi về đến Đan Nhai chuẩn bị hóa thân vào biển lớn, dòng Lam rũ bỏ mọi ngạo mạn ầm ào để giữ lại cho đời vẻ đẹp hiền hòa không chút kiêu sa.
Nhìn ra đảo Song Ngư như đôi tình nhân muôn đời tri kỷ, cảm giác vươn tay ra là có thể chạm được tận cùng của mẫu mực chung thủy tri âm; Chừng gấp dăm lần khoảng cách ấy, đảo Mắt (tên chữ là Mục Sơn) hiền lành như một kẻ sỹ kiêm vệ sỹ, tỉnh táo kiên trung canh giữ cho xứ Nghệ yên bình.
Từ thăm thẳm đáy sông rồi bao la của biển, từ bồi lắng của dòng chảy lịch sử văn hóa Đại Việt rồi qua khúc xạ của mặt nước mênh mông, ta cảm nhận được đúc kết của dân gian mà không thể lượng hóa cái hiện hữu giữa đời: Nơi nào cha Trời mẹ Đất chọn làm cửa sông - cửa biển, nơi ấy có một diện mạo trù phú, tôn nghiêm, với một bề dày văn hóa đậm đà bản sắc không dễ hòa tan.
Trước khi hết mình vào biển lớn, sông Lam bồi tụ cho vùng quê Đan Nhai đầu sóng mũi gió những giá trị văn hóa huyền ảo lung linh, để những giá trị chuẩn mực có ở văn hóa vùng miền bồi tụ thành “địa linh”, rồi từ “địa linh” mà sinh những nhân tài vượt trội.
Đang ngổn ngang với trầm tư mặc tưởng bổng tiếng động cơ ầm ào đưa ta về với thực tại, về với những con thuyền cơ giới ngược xuôi trên mặt nước. Ngỡ như hàng chục lá thuyền mỏng mảnh kia đang vạch những nét dọc nét ngang, chúng đan ghép với nhau thành những chữ Nôm lúc ẩn lúc hiện trên thảm nước màu lam, để hôm nay cho ta trân trọng giữ gìn thứ chữ từng là quốc ngữ của Đại Việt, từng là phương tiện để cụ Nguyễn làng Tiên Điền (cũng thuộc vùng quê Đan Nhai) sáng tạo nên tuyệt tác Truyện Kiều.
“Tiền tiêu Tổ quốc”
Vào xã Phúc Thọ tận cùng phía Đông - Nam của huyện Nghi Lộc, cũng là tận cùng phía đông nam của Nghệ An, mảnh đất một thời đầy ắp giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Anh bạn viết lách quê Kinh Bắc từng nhiều lần đến Phúc Thọ, nay về hưu cứ gọi điện lục vấn: Do đâu xa xưa đã sớm truyền ngôn “Phúc-Thái-Thọ tiền tiêu Tổ quốc”? Tại sao qua bao lần điều chỉnh địa giới hành chính với bấy lần đổi họ thay tên, đến nay trong tâm thức người đời vẫn gọi mảnh đất Phúc Thọ là “tiền tiêu Tổ quốc”?
Anh còn “khoe”, cách nay mươi năm mới biết trong công cuộc bảo vệ xây dựng Nghệ An ở thế kỷ 20, người đời còn gắn thêm cho Phúc Thọ 6 chữ đất học, đất lửa, đất khoai.
Mang “món nợ” kiến thức vào gặp thầy Trần Vân Nam (SN 1941), nguyên sinh viên Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, nguyên giảng viên bộ môn Triết học Tổng hợp Hà Nội rồi giảng viên Luật-Chính trị Đại học Vinh, người trọn đời gắn với giảng đường đại học, từ ngày về hưu tại Phúc Thọ thầy dành phần lớn thời gian tìm hiểu truyền thống lịch sử-văn hóa của quê hương. Thầy trao cho chúng tôi xem tập “Sơ quát lịch sử xã Phúc Thọ” tài liệu viết tay, rồi bộc bạch thân tình:
- Đây là “dúm cát sạch” mình đãi đằng trong 10 năm nghỉ hưu. So với truyền thống văn hóa lịch sử 7-8 trăm năm, và so với cái mỏ cát dài 3 rộng 2 cây số của cơ thể xã Phúc Thọ, chừng này chỉ là dúm cát giữa 6 cây số vuông toàn cát và cát mà thôi.
Tập tài liệu cho biết: Từ triều Trần vùng đất Đan Nhai thuộc phủ Vĩnh Doanh, là tiền đồn phía Đông-Nam của quốc gia Đại Việt. Đến thời Lê sơ, Thái úy Quận công Nguyễn Sư Hồi (1444 - 1506) con trai trưởng của Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí (1397 - 1465), được giao làm Trấn thủ thập nhị hải môn (12 cửa biển từ Sầm Sơn đến Cửa Tùng). Ông Sư Hồi chọn đất làng Cổ Đan phía trong cửa Đan Nhai làm đại bản doanh thủy quân nhà Lê, từ đó về sau các triều đại phong kiến Đại Việt đều chọn đất Cổ Đan làm căn cứ thủy quân bảo vệ lãnh hải, mở mang quốc gia Đại Việt.
Làng Cổ Đan ra tới cửa biển Đan Nhai chừng năm cây số, gần 600 năm trước đất này đã là tiền tiêu của Tổ quốc, đương nhiên vùng quê Đan Nhai được hình thành từ trước đó với mấy thế hệ cư dân lấy sông làm “giang điền”, lấy biển làm “hải điền” để mưu sinh. Trong chặng đầu cuộc “quai đê lấn biển” lập xóm dựng làng, các thế hệ “nông dân không ruộng” của 2 làng Cổ Đan, Lộc Thọ đã kiên trì ươm gieo tạo dựng một không gian văn hóa mặn mòi hương biển tình quê, Theo thống kê của các cao niên: Trước 1945 tại mảnh đất “tiền tiêu Tổ quốc” này vẫn còn hơn hai chục công trình kiến trúc lịch sử, văn hóa rải khắp các làng Lộc Thọ, Cổ Đan, Cổ Bái, Phước Lợi (tiền thân của 18 xóm thuộc xã Phúc Thọ ngày nay).
Hẳn là nhờ vào dày đặc những công trình kiến trúc lịch sử văn hóa ấy nên cư dân các làng có một bề dày truyền thống “ăn sóng nói gió”, có một tập tục tín ngưỡng đủ mạnh để “chém sóng luồn gió” cho cuộc tồn tại và phát triển. Trong sự giàu có về đình, chùa, miếu mạo ấy, nổi bật nhất là tòa Điện Đông Hải và ngôi Đền Cổ Bái.
Về tòa Điện Đông Hải: Khoảng thế kỷ 14 cư dân nghề sông nước thuộc 2 làng Cổ Đan, Lộc Thọ tôn lập hai vị anh hùng Yết Kiêu và Hoàng Tá Thốn (Sát Hải Đại vương) làm thủy tổ nghề, họ lập ngôi miếu ngay trên bờ Lam phối thờ 2 vị anh hùng này. Nửa sau thế kỷ 18, trong thời gian được vua Lê cử về Nghệ An chuẩn bị binh lực cho triều đình đang rệu rã, bấy giờ thế lực của Hữu quan đô đốc Bằng quận công Nguyễn Hữu Chỉnh (1741-1788) chỉ đứng sau Vua Lê, ông Chỉnh huy động tới “mười vạn lượt dân binh”, góp phần lớn kinh phí công đức xây mới tòa Điện Đông Hải ngay trên vị trí ngôi miếu thuộc địa phận làng Cổ Đan quê ông. Quy mô tòa Điện Đông Hải (cả về kiến trúc và tâm linh) được người đương thời xếp vào “đệ nhất linh xứ Nghệ”, đến năm 1960 tòa điện đã “khắc xuất” để nhường lại mặt bằng cho Hải quân nhân dân Việt Nam xây dựng quân cảng K34 hiện nay.
Đền Cổ Bái có đầu thế kỷ 16 thờ Thành hoàng làng là Phạm Huy Tiến sĩ (1470 - ?). Tộc phả họ Phạm làng Cổ Bái chép: Người mẹ mù lòa cùng con trai tên là Phạm Lồng hành khất từ quê Hưng Yên dạt vào vùng Đan Nhai, khi đến làng Cổ Bái họ vào một gia đình khá giả xin ăn. Thấy cậu bé trạc 11,12 tuổi khôi ngô tuấn tú, chủ nhà ngỏ ý nhận làm con nuôi để tạo điều kiện cho cậu học hành.
Bé Phạm Lồng lễ phép cảm ơn lòng tốt của gia chủ, song cậu không muốn người mẹ mù lòa phải hành khất một mình, cậu nêu nguyện vọng xin gia chủ cho người mẹ mù lòa cùng ở lại thì cậu mới dám nhận lời ở lại làm con nuôi.
Cảm động tấm lòng hiếu thảo của Phạm Lồng, gia chủ đồng ý để người mẹ ở lại phụ giúp việc nhà. Phạm Lồng được bố nuôi đổi tên thành Phạm Huy và gửi học với thầy đồ nhà ở làng bên. Chăm chỉ học hành, thời gian ngắn Phạm Huy đã đuổi kịp và vượt trội các bạn cùng lứa. Khoa thi năm Qúy Sửu (1493) niên hiệu Hồng Đức thứ 24 tổ chức tại kinh, Phạm Huy đỗ đệ tam giáp Tiến sĩ, trở thành vị khai khoa của đất Phúc Thọ và được bổ làm quan.
Mấy chục năm sau nghỉ hưu, ông đưa vợ con trở về làng Cổ Bái sinh sống, giúp dân khai khẩn mở mang đất đai phát triển sản xuất. Sau khi ông mất cư dân Cổ Bái lập ông làm Thành hoàng làng, dựng đền thờ và tổ chức tế lễ. Từ khoa thi năm 1493 tới khoa thi khoa thi cuối cùng của giáo dục Nho học Việt Nam năm 1919, Phúc Thọ góp cho đất nước 14 vị đại khoa.
Nhưng rồi những giá trị văn hóa, những chuẩn mực của việc kiến tạo môi sinh môi trường có tại đất này, trong khoảng 6-7 chục năm lại nay đã bị khắc nghiệt của địch họa, thiên tai, nhân tai hủy hoại, khiến những yếu tố tối cần và những điều kiện bắt buộc đối với cư dân sống chung với sông với biển dần bị phôi phai.
Chỉ trong 8 năm (1965-1972) bom thảm pháo bầy của không lực hải lực Mỹ đã biến Phúc Thọ thành “đất trắng, đất chết”, bốn mươi năm sau đi từ đầu đến cuối bến sông sườn Đông của Phúc Thọ, vẫn lưa thưa mấy cụm bần mấy khóm phi lao. Nên không quá lời mà rằng, đất đai và người dân Phúc Thọ hiện vẫn được chắn sóng chắn gió bằng... chủ trương, lý thuyết.
Chợt nghĩ mục tiêu tái lập thảm xanh như một thời từng hiện hữu nơi làng quê Phúc Thọ còn vời vợi lắm, nói chi đến việc tái lập trên hai chục công trình kiến trúc lịch sử- văn hóa-tâm linh, cũng như việc khôi phục chuỗi Lễ hội Cầu ngư, chèo bơi, chèo cạn, hội vật, hội ném cù, và các sinh hoạt hát đò cỏ, hát Ca trù…
Mặc dù nửa sau thế kỷ 20 lại nay cư dân Phúc Thọ cố gắng bảo quản, cất giữ được một ít giá trị phi vật thể, song diện mạo của một làng quê trù phú trên bến dưới thuyền, dày đặc công trình kiến trúc lịch sử văn hóa… đã một đi không trở lại. Càng ngấm đau với khối giá trị văn hóa khổng lồ được tiền nhân tôn đắp qua mấy trăm năm, bỗng bị thăng thiên trong một vài giờ do đám vô học “dưới đội trên trời”. Nỗi đau giá trị văn hóa bị tàn phá giờ vẫn hằn in trong tâm thức các thế hệ cư dân Phúc Thọ và cư dân vùng Đan Nhai.