Không dữ dội như sông Đà, không êm đềm như sông Hương, sông Lam chảy qua đôi bờ xứ Nghệ, mang vẻ đẹp riêng với nhiều tiềm năng, lợi thế, là huyết mạch của văn hóa Hồng Lam, kết nối quá khứ, tương lai của một vùng địa linh đang ngày càng thay da đổi thịt.
Dòng "sông mẹ" lắng đọng trầm tích nghìn năm
Sông Lam có 2 nhánh chính là Nậm Nơn và Nậm Mộ bắt nguồn trên lãnh thổ nước bạn Lào, vượt qua bao thác ghềnh hiểm trở, khi về đến xã Xá Lượng, huyện Tương Dương (Nghệ An) thì hợp lưu ở ngã ba Cửa Rào, chảy về xuôi với tên sông Cả và đổ ra biển Đông ở Cửa Hội...
Có lẽ do màu nước sông xanh nên từ xưa, sông Cả còn được gọi là sông Lam. Với chiều dài hơn 360km chảy qua lãnh thổ Việt Nam, sông Lam uốn lượn theo các sườn núi trên hành trình về với biển và là dòng “sông mẹ” góp phần hình thành, hun đúc nên truyền thống lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc của xứ Nghệ, là chứng tích của những thăng trầm biến đổi trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của người dân Nghệ An – Hà Tĩnh.
Từ thượng nguồn về đến hạ lưu, hai bên bờ sông Lam, các nhà khoa học đã phát hiện ra nhiều di chỉ khảo cổ khẳng định sự có mặt của con người Việt cổ trên đất Nghệ An, như di chỉ Đồi Đền (Tương Dương), đồi Rạng, đồi Si (Thanh Chương), hay di chỉ núi Đụn (Nam Đàn) gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp của vua Mai Hắc Đế…
Có thể nói, trong mạch nguồn văn hóa nghìn năm của người Nghệ, sông Lam không chỉ là dòng chảy khởi đầu của sự sống sinh sôi, mà còn là chứng tích in đậm dấu ấn của nhiều thời kỳ lịch sử. Trải bao dâu bể, vật đổi sao dời, nhưng dòng Lam vẫn còn lưu dấu và soi tỏ công đức của những bậc đế, vương, dũng tướng đã có công lao to lớn trong việc hộ quốc an dân.
Vẫn còn đây bên bờ sông Lam những đền thiêng thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang – vị hoàng tử nhà Lý từng có công lớn trong việc trấn trị và khai phá vùng đất Nghệ An; những thành Trà Lân (Con Cuông), Bãi Xa, Bãi Sở (Tương Dương), Đò Rồng, Bồ Ải, Khả Lưu (Anh Sơn), Lam Thành (Hưng Nguyên), đền Cửa Rào (Tương Dương)… dấu tích của một thời kháng chiến chống quân Minh của nghĩa quân Lam Sơn, chống quân Ai Lao của Đô tướng Đoàn Nhữ Hài…
Dọc sông Lam, nhiều tên bến, tên làng đã đi vào lịch sử. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, sông Lam đã in dấu những chiến công với những địa danh nổi tiếng một thời: Bến Thủy (Vinh), Vạn Rú (Nam Đàn), đò Cung, phà Đô Lương... Dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, những đoàn quân trùng điệp vẫn ngày đêm lặng lẽ vượt sông, những con đò ngang vẫn kiên cường, nhẫn nại chở bộ đội qua sông vào Nam chiến đấu.
Đôi bờ sông Lam từ Cửa Rào đến Cửa Hội còn có nhiều làng nghề truyền thống (dệt lụa, rèn, đan lát…), nhiều làng cổ rạng danh khoa bảng như Đại Định, Cẩm Thái, Kẻ Trằm (Thanh Chương) Trung Cần, Hoành Sơn (Nam Đàn), Yên Hồ (Đức Thọ), Tiên Điền, Uy Viễn (Nghi Xuân), Trung Lương (Hồng Lĩnh) đã góp phần tạo nên một vùng văn hóa Hồng Lam đậm đà bản sắc.
Với bề dày trầm tích văn hóa lâu đời, hai bên dòng sông Lam còn có hệ thống di tích danh thắng đặc sắc như đền Quả Sơn (Đô Lương), khu mộ họ Nguyễn Cảnh, phủ Đàng Cao (Thanh Chương), đình Hoành Sơn, nhà thánh Hoành Sơn, đình Trung Cần, miếu mộ và đền thờ vua Mai (Nam Đàn), đền Thanh Liệt, đền Hoàng Mười (Hưng Nguyên), đền thờ Hoàng đế Quang Trung (TP Vinh), Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, đền thờ Nguyễn Công Trứ, đền Củi (Nghi Xuân)…. gắn liền với những lễ hội truyền thống đặc trưng của vùng sông nước Lam giang.
Chảy giữa đôi bờ những vùng quê địa linh nhân kiệt với truyền thống khoa bảng, hiếu học, cách mạng, nơi sản sinh các bậc anh hùng, hào kiệt, có công lớn trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, từ xưa, sông Lam - núi Hồng đã trở thành biểu tượng của một nền văn hoá đậm đà bản sắc, lắng đọng khí chất, ý chí quật cường của người dân xứ Nghệ.
Khát vọng sông Lam ra biển lớn...
Mỗi vùng quê đều có một dòng sông để yêu, để nhớ. Với người Nghệ, sông Lam như quà tặng của đất trời, mang vẻ đẹp lãng mạn, kỳ vỹ và nên thơ. Từ thượng nguồn chảy về xuôi, sông uốn lượn qua những làng quê mềm như dải lụa. Mỗi khi gặp các ngọn núi nhô ra giữa dòng, như lèn Quán, núi Đà Sơn, núi Quánh, núi Nguộc, núi Đồn… sông lại đổi hướng, bẻ dòng để làm nên những “bên bồi, bên lở”.
Trong năm, mỗi mùa của tự nhiên, sông Lam có một vẻ đẹp riêng. Mùa xuân, sông chảy giữa đôi bờ ngô khoai xanh mướt. Đâu đó dọc bờ sông qua huyện Anh Sơn, Thanh Chương, những hàng gạo đơm hoa đỏ chót, những vườn hoa xoan nở trắng đường quê như tô điểm thêm cho cảnh sắc của sông Lam.
Khi nắng hạ về, giữa dòng sông vơi cạn nhô lên những doi cát lớn, là lúc người dân quê tôi rủ nhau đi hụp lặn trên những bến sông để tập bơi và bắt hến. Mùa lũ, sông chuyển màu nâu đỏ, chở nặng phù sa từ thượng nguồn về bồi đắp cho những cánh đồng, những bãi, soi màu mỡ, góp phần làm nên mùa vụ bội thu…
Trên hành trình về biển, sông Lam là hợp lưu của nhiều dòng sông nhỏ như sông Hiếu, sông Giăng, sông Trai, sông Rộ, sông Gang, sông La… Không chỉ cung cấp nguồn nước sinh hoạt dồi dào cho những nhà máy nước, cho những cánh đồng tốt tươi từ thượng nguồn đến hạ lưu, sông Lam còn cung cấp nguồn lợi thủy sản, tôm cá dồi dào, là nguồn sống của người dân và những làng chài ven sông.
Lòng sông, bờ sông còn chứa nhiều khoáng sản, đặc biệt là cát, sỏi, những nguyên liệu quan trọng của ngành xây dựng và công nghiệp sản xuất thủy tinh.
Theo các tài liệu khoa học, sông Lam nằm ở cao độ 294m và độ dốc trung bình là 18,3%. Từ biên giới Việt - Lào đến Cửa Rào, lòng sông dốc với hơn 100 ghềnh thác. Từ Cửa Rào trở về xuôi, càng gần biển, lòng sông càng thoáng rộng và bằng phẳng. Tổng lượng nước của sông Lam khoảng 21,9km³, tương ứng với lưu lượng trung bình năm 688m³/s.
Để chế ngự sức mạnh của dòng sông và khai thác tiềm năng thủy điện, trên thượng nguồn sông Lam đã được xây dựng nhiều nhà máy thủy điện, như Bản Vẽ, Nậm Nơn, Khe Bố (Tương Dương), Chi Khê (Con Cuông)..., vừa phát điện phục vụ sản xuất, vừa điều tiết dòng chạy ở hạ lưu.
Khi phương tiện giao thông chưa phát triển, sông Lam là đường thủy quan trọng để di chuyển hàng hóa, giao lưu đôi bờ, kết nối miền ngược với miền xuôi. Một thời trên sông Lam có hàng chục bến đò ngang, nhiều bến phà suốt ngày đưa đón khách, phương tiện sang sông.
Ngày nay, đôi bờ sông Lam từ Cửa Rào đến Cửa Hội đã có hơn 25 cây cầu được xây dựng (cầu treo và cầu bê tông) nối những bờ vui, trong đó cầu Cửa Hội, cầu Bến Thủy, cầu Yên Xuân, cầu Rộ… là những cây cầu mang vẻ đẹp hiện đại. Những cây cầu lớn vượt sông Lam gắn kết thành phố Vinh, cảng Cửa Lò, những trung tâm công nghiệp của Nghệ An với Hà Tĩnh, với cửa khẩu Cầu Treo, cửa khẩu Thanh Thủy đến với nước bạn Lào và các nước trong khu vực Đông Nam Á… đã mở ra những tiềm năng mới trong hành trình “vươn khơi” của quê hương xứ Nghệ.
Những tuyến đê dọc sông Lam, những con đường vành đai ven sông không ngừng được nâng cấp, xây dựng, vừa làm “thành đồng” cho những làng mạc, phố phường trong mùa lũ, vừa góp phần kết nối giao thông với các địa phương…
Lưu giữ trong mình dòng chảy nghìn năm của văn hóa các dân tộc miền tây xứ Nghệ, văn hóa Hồng Lam với những giá trị vật chất và tinh thần to lớn, đặc biệt là hệ thống các di tích lịch sử, danh thắng tiêu biểu và độc đáo, cùng với tiềm năng và lợi thế tự nhiên vốn có, sông Lam đã và đang mở ra cho các địa phương từ thượng nguồn đến hạ lưu và vùng lân cận những khả năng, triển vọng để phát triển nhiều ngành kinh tế kết hợp với việc gìn giữ, bảo vệ tài nguyên thiên thiên.
Trong đó, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng “thuận lòng người, hợp tự nhiên”, nhất là khai thác tiềm năng du lịch khám phá, trải nghiệm sông Lam, kết nối những miền di sản sẽ là hướng đi cần lan tỏa trong ngành du lịch. Để phát triển bền vững, mang theo “khát vọng sông Lam” đi ra biển lớn, trong quá trình khai thác tiềm năng, lợi thế của sông Lam, nhất thiết phải tìm ra mô hình thích hợp, vừa phát triển, vừa bảo tồn, gìn giữ cho "sông Lam đẹp mãi muôn đời”.
“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh, non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ”. Chính sông Lam là một thực thể mang vẻ đẹp tiềm ẩn trong bức tranh họa đồ đó. Chắc hẳn vì vậy mà biết bao tao nhân mặc khách đã nặng lòng, thổn thức với sông Lam, để rồi dòng sông lớn của vùng Bắc Trung Bộ đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa như một nỗi niềm thương nhớ của bao người con xứ Nghệ xa quê: “Từ độ chia tay anh phiêu bạt muôn phương/ Nay trở về quê đò gác bến rồi/ Nghe câu ví dặm người ơi/ Sương chiều ướt lạnh dòng trôi/ Sông Lam xanh biếc đôi bờ/ Mà anh lỡ hẹn chuyến đò sang ngang” (Lỡ hẹn với dòng Lam của Khắc Tú).